Đột nhiên da mặt xuất hiện những nốt đỏ không gây ngứa khiến bạn hoang mang, lo lắng. Đừng lo hãy cùng Docosan tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị tình trạng nổi mẩn đỏ trên mặt không ngứa qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân khiến mặt nổi mẩn đỏ không ngứa
Da mặt nổi mẩn đỏ không ngứa là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và là dấu hiệu của một số bệnh lý da. Một số nguyên nhân có thể là:
Mao mạch bị giãn
Giãn mao mạch là hiện tượng phổ biến ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ sau 30 tuổi. Trên mặt người bệnh sẽ xuất hiện những mạch máu nhỏ li ti, có hình dạng như mạng nhện. Những mạch máu này có màu xanh, đỏ hoặc tím và có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường, tuy nhiên chúng không gây ngứa ngáy khó chịu. Giãn mao mạch thường xảy ra ở những vùng da mỏng trên mặt như mũi, má, quai hàm hoặc thái dương. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do di truyền, lạm dụng mỹ phẩm, tuổi tác hoặc thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
Các tình trạng dị ứng da
Da mặt thường là vùng da mỏng và nhạy cảm nhất trên cơ thể nên đây là vùng da thường rất dễ bị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Hầu hết dị ứng da sẽ hình thành các nốt mẩn đỏ trên da nhưng không gây ngứa ngáy. Dị ứng da thường do các nguyên nhân như:
- Dị ứng mỹ phẩm: Việc lạm dụng mỹ phẩm hoặc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ khiến da bị kích ứng và làm nổi mẩn nhưng không ngứa.
- Dị ứng thực phẩm: Cơ thể sẽ phản ứng lại những thực phẩm lạ cơ thể không hấp thu được. Lúc này da sẽ xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ cùng với các triệu chứng như nôn, tiêu chảy.
- Dị ứng thời tiết: Da mặt nổi mẩn đỏ không ngứa có thể là biểu hiện khi bạn bị dị ứng thời tiết. Thời tiết, độ ẩm thay đổi thất thường sẽ gây ra tình trạng dị ứng ở những người có cơ địa nhạy cảm.
Nổi mề đay
Triệu chứng nổi mề đay da thường là nổi mẩn đỏ gây ngứa hoặc không ngứa, sần sùi. Mề đay là một bệnh lý ngoài da khá phổ biến ở nhiều đối tượng. Ở những trường hợp nhẹ, các nốt nổi mẩn đỏ thường sẽ tự hết sau vài giờ mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, bệnh có thể lan rộng, tái phát và kéo dài liên tục trong vài tháng. Ở trường hợp nặng khiến cho người bệnh khó chịu, tụt huyết áp, khó thở.
Nhiễm siêu vi
Nhiễm siêu vi sẽ gây sốt kèm theo mệt mỏi và nổi mẩn đỏ không ngứa ở mặt và khắp cơ thể. Thông thường, nhiễm siêu vi sẽ kéo dài từ 3 đến 7 ngày sau đó sẽ giảm dần các triệu chứng. Tuy nhiên, ở tình trạng nặng hơn, bệnh sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tiêu hoá của người bệnh. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời sức khoẻ bệnh nhân sẽ ngày càng xấu đi và hệ miễn dịch suy giảm trầm trọng.
Bị ung thư da
Ung thư da ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện nốt đỏ trên da nhưng không ngứa, thường hay bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của dị ứng. Khi phát triển đến các giai đoạn về sau, vết đỏ này sẽ lan toàn thân và ngày càng dày hơn. Ung thư da là một bệnh lý nguy hiểm cần được can thiệp y tế sớm vì chúng gây tác động xấu đến thẩm mỹ và đặc biệt là sức khoẻ.
Một số nguyên nhân khác
Ngoài các vấn đề trên, nổi mẩn đỏ không ngứa ở mặt gây ra bởi các nguyên nhân sau:
- Da bị cháy nắng: Nếu da tiếp xúc trực tiếp với tia UV quá lâu dưới ánh nắng mặt trời thì sẽ gây nên tình trạng nổi mẩn, sưng tấy, bong tróc và có thể dẫn đến ung thư da.
- Tác dụng phụ của thuốc: Lạm dụng nhóm thuốc corticoid có thể gây ra tình trạng nổi mẩn trên da. Hãy thận trọng và tuân thủ đúng theo tư vấn của bác sĩ khi sử dụng nhóm thuốc này.
- Chức năng gan thận bị suy giảm: Chức năng gan thận bị suy giảm làm quá trình đào thảo độc tố ì trệ. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây nổi mẩn trên da mà không ngứa.
- Vết bớt: Các vết bớt hình thành do sự rối loạn bất thường trong da.
Nổi mẩn đỏ không ngứa trên da có nguy hiểm không?
Mặt nổi mẩn đỏ không ngứa không phải là một bệnh da liễu nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, ngoại hình và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Các triệu chứng này sẽ thuyên giảm nếu người bệnh có biện pháp điều trị và chăm sóc gia mặt đúng cách.
Ở những trường hợp nặng hơn như vết nổi mẩn kéo dài nhiều ngày hay có những triệu chứng nặng hơn như nóng rát, nứt nẻ, bong tróc da, sốt, choáng váng và buồn nôn, bệnh nhân cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu sớm nhất để được kiểm tra và điều trị.
Cách xử trí khi phát hiện da nổi đốm đỏ không ngứa
Sử dụng thuốc Tây y và kem dưỡng ẩm
Đối với trường hợp da mặt bị nổi mẩn ở mức độ nặng và trung bình, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc Tây y. Bệnh nhân có thể được kê các loại thuốc uống và thuốc bôi ngoài da. Các loại thuốc phổ biến điều trị bệnh thường được bác sĩ kê như là:
- Thuốc kháng Histamin H1.
- Thuốc có chứa Corticoid – lưu ý tuân thủ tuyệt đối tư vấn của bác sĩ khi sử dụng nhóm thuốc này.
- Một số loại kem dưỡng ẩm tốt cho da mặt.
Việc sử dụng các loại thuốc Tây y phải có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc bên ngoài, điều chỉnh liều lượng tùy ý. Điều này sẽ làm phát sinh các tác dụng phụ không mong muốn và gây hại cho sức khỏe.
Áp dụng mẹo dân gian
Bệnh nhân nổi mẩn đỏ mới bùng phát hoặc đang ở mức độ nhẹ có thể áp dụng một số mẹo dân gian tại nhà để chữa bệnh như sau:
- Chườm lạnh: Lạnh sẽ giúp co thắt mạch máu, kích thích tuần hoàn máu và làm dịu mẩn đỏ trên da. Lưu ý không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên vùng da đang bị mẩn đỏ vì có thể gây tổn thương da. Ngoài ra, người bệnh không nên chườm lạnh quá lâu tại một vị trí, tốt nhất là nên chườm lạnh kết hợp với massage vòng tròn nhẹ nhàng.
- Nha đam (lô hội): Nha đam chứa các thành phần có tính kháng viêm, sát khuẩn và cải thiện tình trạng mẩn đỏ không ngứa trên da. Ngoài ra, nha đam còn chứa vitamin E có tác dụng cung cấp độ ẩm cho da.
- Hỗn hợp sữa chua không đường và yến mạch: Hỗn hợp sữa chua không đường và yến mạch chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu giúp kiểm soát tình trạng mẩn đỏ, mề đay trên da. Bên cạnh đó, yến mạch và sữa chua còn giúp bạn duy trì một làn da khoẻ khoắn và mịn màng.
Cách chăm sóc da khi bị nổi mẩn đỏ không ngứa
Chăm sóc da mặt đúng cách sẽ rút ngắn được thời gian điều trị bệnh và phòng ngừa tái phát bệnh. Docosan đưa ra một số lời khuyên để bạn biết cách chăm sóc da mặt mẩn đỏ như là:
- Không được tự ý uống hoặc bôi thuốc, kem dưỡng ẩm khi chưa được sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tránh chạm tay, cào, gãi mạnh lên da mặt vì sẽ gây tổn thương da và nhiễm trùng da.
- Rửa mặt bằng nước ấm và lau sạch mặt. Nếu sử dụng khăn lau mặt nên thường xuyên giặt và phơi nắng khăn mặt để loại bỏ các vi khuẩn trú ngụ trong khăn. Tuy nhiên không nên rửa mặt quá nhiều lần trong ngày để da mặt giữ được độ ẩm tự nhiên.
- Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không gây kích ứng cho da.
- Người bệnh nên thoa kem dưỡng ẩm vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ để dưỡng ẩm cho da.
- Uống đủ nước trong ngày.
- Bổ sung vitamin E qua thực phẩm và viên uống như MEDICRAFTS để chống oxy hóa, tăng cười sức khỏe làn da.
Xem thêm:
- Trẻ bị nổi mề đay: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị.
- 4 bước xử trí mặt bị dị ứng mỹ phẩm nhanh chóng tại nhà.
- Cách trị nổi mề đay tại nhà: 10 mẹo giảm ngứa hiệu quả, an toàn.
Da mặt nổi mẩn đỏ không ngứa không phải tình trạng nguy hiểm nhưng lại gây ra những bất tiện không đáng có trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy hãy chăm sóc, vệ sinh da mặt một cách cẩn thận để sở hữu làn da khỏe mạnh. Hãy chia sẻ bài viết hữu ích này đến mọi người xung quanh nhé.
Tài liệu tham khảo:
1. Mặt nổi mẩn đỏ không ngứa do đâu và điều trị ra sao?
- Link tham khảo: https://soytethainguyen.gov.vn/suc-khoe-tong-quat/mat-noi-man-do-khong-ngua
- Ngày tham khảo: 01/11/2024