Viêm da tiếp xúc là tình trạng phát ban trên da sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Vết phát ban có thể sưng lên, ngứa ngáy và gây khó chịu. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Docosan tìm hiểu về viêm da tiếp xúc và cách điều trị căn bệnh này nhé.
Tóm tắt nội dung
Viêm da tiếp xúc là gì? Phân loại viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc xảy ra khi làn da của bạn “phản ứng” lại với các chất gây kích ứng từ môi trường xung quanh. Sự tiếp xúc này khiến da bị đỏ, sưng, ngứa và xuất hiện các vết ban đỏ. Đây là một phản ứng viêm của da, thường xảy ra khi chúng ta tiếp xúc với các chất như hóa chất, kim loại, thực vật hoặc một số loại xà phòng. Tình trạng phát ban có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
Tuy nhiên, triệu chứng thường biến mất nhanh chóng nếu xác định được nguyên nhân gây viêm da và chủ động tránh xa tác nhân kích ứng kể trên. Viêm da tiếp xúc được chia thành 2 loại:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Cơ thể phản ứng dị ứng với một số tác nhân như trang sức (niken), mỹ phẩm, nước hoa và chất bảo quản. Vết phát ban có thể xuất hiện sau vài ngày tiếp xúc với tác nhân.
- Viêm da tiếp xúc kích ứng: Vết phát ban gây đau và xuất hiện nhanh chóng ngay sau khi tiếp xúc với chất gây kích ứng. Tác nhân kích ứng phổ biến nhất gồm chất tẩy rửa, xà phòng, acid. Viêm da tiếp xúc kích ứng có tần suất xuất hiện thường xuyên hơn viêm da tiếp xúc dị ứng.
Nguyên nhân mắc bệnh viêm da tiếp xúc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm da tiếp xúc, cụ thể như sau:
Viêm da tiếp xúc dị ứng (ACD)
Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi da bạn phát triển phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với chất lạ. Điều này khiến cơ thể bạn giải phóng các hóa chất gây viêm, khiến da bị ngứa và và có thể dẫn đến kích ứng. Nguyên nhân phổ biến gây viêm da tiếp xúc dị ứng gồm:
- Tiếp xúc với trang sức hoặc đồng hồ làm từ niken hoặc vàng giả.
- Tiếp xúc với nước hoa, hóa chất trong mỹ phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc da.
- Tiếp xúc với cây sồi độc hoặc cây thường xuân độc.
Viêm da tiếp xúc kích ứng (ICD)
Viêm da tiếp xúc kích ứng là loại viêm da tiếp xúc phổ biến nhất. Nó xảy ra khi da bạn tiếp xúc với vật liệu độc hại như:
- Acid trong pin.
- Thuốc tẩy.
- Nước có chứa clo (ví dụ như nước trong hồ bơi).
- Chất tẩy rửa đường nước thải.
- Dầu hỏa.
- Chất tẩy rửa, xà phòng.
Viêm da tiếp xúc ánh sáng
Viêm da nhiễm độc ánh sáng xảy ra khi các chất như nước hoa, nhựa than đá hoặc một số loại thuốc tương tác với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là tia UVA, khiến da trở nên viêm nhiễm và kích ứng. Đây là lý do tại sao các vết thương thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và có ranh giới rõ ràng.
Triệu chứng của bệnh viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc gây phát ban trên da với các biểu hiện như:
- Các vết phát ban đỏ hoặc tím sẫm màu.
- Sưng, nổi mề đay hoặc phù nề trên da.
- Cụm mụn nhọt hoặc mụn nước nhỏ sần sùi.
- Vết phát ban chảy dịch hoặc chảy mủ.
- Cảm giác đau kèm nóng rát và châm chích.
- Da bị bong tróc, đóng vảy.
- Ngứa. Đặc biệt, gãi ngứa có thể làm rách da và tạo vết thương hở. Nếu vết thương bị nhiễm trùng, vùng da này sẽ đỏ lên và đóng vảy, kèm theo cảm giác đau đớn và chảy mủ.
Bạn có thể bị viêm da tiếp xúc ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể có tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng hoặc dị ứng. Đặc biệt, những vùng da dễ bị viêm nhất bao gồm da mặt, cổ, da đầu, môi, mí mắt, má, bàn tay, ngón tay và cánh tay, bộ phận sinh dục (dương vật, âm đạo), nách, chân và bàn chân.
Cách điều trị viêm da tiếp xúc
Để điều trị viêm da tiếp xúc, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây kích ứng: Đây là bước quan trọng nhất trong điều trị viêm da tiếp xúc. Các triệu chứng viêm da có xu hướng giảm dần khi hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích ứng. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với tác nhân kích ứng vì lý do công việc, hãy trang bị quần áo bảo hộ để bảo vệ bản thân.
- Dưỡng ẩm da: Giúp giảm nguy cơ mất nước, kiểm soát tình trạng khô da và đóng vảy. Sản phẩm dưỡng ẩm nên dùng thường xuyên với lượng lớn và thoa theo chiều lông mọc. Đối với da rất khô, hãy thoa kem dưỡng ẩm 2 – 4 lần/ngày sau khi tắm.
- Dùng thuốc để giảm sưng và ngứa: Bạn có thể sử dụng kem bôi ngứa, thuốc kháng histamine, kem bôi corticosteroid hoặc prednisone, thuốc ức chế miễn dịch.
- Liệu pháp bổ sung: Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, một số liệu pháp bổ sung như liệu pháp ức chế miễn dịch, alitretinoin, liệu pháp quang trị liệu có thể được chỉ định để điều trị viêm da tiếp xúc.
Biện pháp phòng ngừa viêm da tiếp xúc tránh tái phát
Để phòng ngừa viêm da tiếp xúc, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh các tác nhân gây kích ứng hoặc dị ứng: Xác định và hạn chế tiếp xúc tối đa với nguyên nhân gây phát ban. Nên sử dụng trang sức làm bằng vật liệu không gây kích ứng như vàng hoặc thép không gỉ dùng trong y tế.
- Làm sạch da: Làm sạch da ngay sau khi tiếp xúc với thực vật độc như cây thường xuân độc, cây sồi độc hoặc cây sơn độc. Nên sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không mùi và nước ấm, đồng thời, giặt sạch bất kỳ quần áo hoặc các vật dụng có thể đã tiếp xúc với thực vật độc.
- Mặc quần áo bảo hộ và đeo găng tay: Nên mang khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay và các vật dụng khác để bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây kích ứng, bao gồm cả chất tẩy rửa gia dụng.
- Thoa kem hoặc gel bảo vệ: Những sản phẩm này sẽ tạo một lớp màng bảo vệ cho da của bạn. Ví dụ, kem dưỡng da có chứa bentoquatam có thể ngăn ngừa và làm giảm phát ban trên da khi tiếp xúc với cây thường xuân độc.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên giúp phục hồi lớp biểu bì của da và duy trì làn da mềm mại.
- Cẩn thận khi ở gần vật nuôi: Các chất gây dị ứng từ thực vật có thể bám vào vật nuôi và lây sang người. Bạn nên tắm cho vật nuôi thường xuyên hoặc nếu nghi ngờ chúng đã tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng.
- Bổ sung chất chống oxy hóa: Các chất có đặc tính chống oxy hóa như vitamin E có khả năng bảo vệ và phục hồi tế bào da bị tổn thương, đồng thời giúp cải thiện hàng rào bảo vệ da, giảm nguy cơ viêm nhiễm. Bổ sung vitamin E đều đặn qua thực phẩm hoặc viên uống như Medicrafts sẽ giúp duy trì làn da khỏe mạnh, giảm tình trạng kích ứng và viêm.
Chữa viêm da tiếp xúc dị ứng ở đâu là tốt?
Dưới đây là một số bệnh viện uy tín mà bạn có thể tin tưởng để điều trị viêm da tiếp xúc:
- Bệnh viện Da liễu Hà Nội.
- Khoa Da liễu Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương.
- Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
- Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Xem thêm:
- Viêm da cơ địa có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?.
- 15 bệnh da liễu thường gặp nhất và cách phòng tránh hiệu quả.
- Top 12 bác sĩ da liễu uy tín TP.HCM: Chuyên môn và kinh nghiệm.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm da tiếp xúc. Hy vọng thông tin trong bài sẽ giúp ích cho bạn. Hãy chia sẻ ngay cho người thân và bạn bè cùng biết những thông tin này nhé!
Link tham khảo:
1. Contact Dermatitis.
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6173-contact-dermatitis.
- Ngày tham khảo: 18/10/2024.
2. What Is Contact Dermatitis?
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/contact-dermatitis.
- Ngày tham khảo: 18/10/2024.
3. Contact dermatitis.
- Link tham khảo: https://www.nhs.uk/conditions/contact-dermatitis/treatment/.
- Ngày tham khảo: 18/10/2024.
4. Contact dermatitis.
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/contact-dermatitis/symptoms-causes/syc-20352742.
- Ngày tham khảo: 18/10/2024.