Suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor) là gì?

Suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor) là tình trạng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (nhất là dưới 3 tuổi) gây nên hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, vận động, tâm thần và trí thông minh của trẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có hơn 500 triệu trẻ em bị thiếu dinh dưỡng ở các nước đang phát triển. Trong đó, suy dinh dưỡng thể phù do thiêu protein là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Mời bạn đọc cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về suy dinh dưỡng thể phù qua bài viết sau đây.

Suy dinh dưỡng thể phù là gì?

Suy dinh dưỡng thể phù

Suy dinh dưỡng thể phù hay còn gọi là thể Kawashiorkor là tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng do ăn quá nhiều chất bột đường dẫn đến no giải tạo. Trẻ được nuôi dưỡng với chế độ khối lượng thức ăn tuy nhiều nhưng mất cân bằng nghiêm trọng về các dưỡng chất cụ thể là thừa chất glucid nhưng lại thiếu lipid và đặc biệt là thiếu protid nghiêm trọng. Do đó suy dinh dưỡng thể phù còn được gọi suy dinh dưỡng do thiếu protein.

Suy dinh dưỡng thể phù là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo WHO (9/1980) mỗi năm tại các nước thuộc thế giới thứ ba bao gồm Châu Phi (trừ Cộng hòa Nam Phi) và Chây Mỹ La-tinh, có 10,4 triệu trẻ em dưới 11 tháng tuổi và 4,4 triệu trẻ em từ 1-4 tuổi bị tử vong mà lên đến 57% là do suy dinh dưỡng protein năng lượng , 43% là do bệnh nhiễm trùng mà chủ yếu là tiêu chảy, nghĩa là cứ mỗi phút có 25 trẻ dưới 5 tuổi bị chết do suy dinh dưỡng.

Các triệu chứng thường gặp của suy dinh dưỡng thể phù

Trẻ cần đến bác sĩ nếu như phát hiện các triệu chứng đã nêu

Trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù có kiểu hình đặc trưng dễ nhận dạng do phù mắt cá chân, bàn chân, mặt và bụng. Ngoài ra trẻ còn có một số biểu hiện sau đây:

  • Khởi đầu phù ở mi mắt, mặt và hai chi dưới. Sau đó nếu nặng trẻ sẽ phù toàn thân kèm theo tràn dịch màng bụng hay màng tinh hoàn. Đặc điểm của phù là phù trắng, mềm, ấn lõm. Triệu chứng này dễ làm các bà mẹ lầm tưởng con mình mập và hoàn toàn khỏe mạnh. Phù do giảm đạm máu, giảm albumin trong máu làm giảm áp lực keo nên tăng thoát nước ra khoảng gian bào.
  • Rối loạn sắc tố da thường gặp ở nếp gấp cổ, nách, háng, khuỷu tay, khuỷu chân, mông. Biểu hiện trên da là những chấm hay nốt tập trung thành từng mảng to nhỏ không đều màu đỏ, nâu hay đen. Đây là những vùng da có nhiều sắc tố melanin, dễ bị khô, hăm đỏ, lở loét.
  • Thiếu máu : Da xanh, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng…
  • Còi xương, biểu hiện thiếu vitamin D, hạ canxi huyết.
  • Biểu hiện thiếu vitamin A : còi cọc, khô giác mạc, quáng gà, hay bệnh vặt. 
  • Triệu chứng bệnh ở các cơ quan: Gan thoái hoá mỡ, suy tim, giảm tiêu hoá hấp thu.
  • Chậm phát triển tâm thần, vận động.

Ban đầu trẻ có thể chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ, không rõ ràng, phù mặt, mí mắt, mu bàn chân và sau đó chuyên sang phù toàn thân. Nếu trẻ không được điều trị kịp thời thì lâu dần các cơ quan trong cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là tính mạng của bé. Tuy nhiên nếu cha mẹ chịu khó quan sát và để ý kỹ một chút sẽ thấy bé có vẻ “đầy đặn” nhưng không đều ở các vị trí khác nhau trên cơ thể. Đây là một trong những dấu hiệu chỉ điểm quan trọng và dễ nhận biết nhất.

Nguyên nhân của suy dinh dưỡng thể phù

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ trong 6 tháng đầu đời

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến và thường xảy ra nhất là tình trạng không nuôi con bằng sữa mẹ do nhiều lý do khác nhau. Mẹ có thể không đủ sữa hoặc thậm chí sợ ngực bị chảy xệ nên không cho con bú. Đôi với các nước thuộc thế giới thứ ba, do điều kiện kinh tế không đảm bảo nên sữa mẹ thường không đủ để nuôi trẻ nên suy dinh dưỡng thể phù xuất có tỷ lệ tử vong ở trẻ lên đến 57%. Tức là trong 100 trẻ bị tử vong do các nguyên nhân thì có đến 57 trẻ tử vong do suy dinh dưỡng thể Kawashiorkor.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ có thể kể đến như:

  • Cha mẹ không biết cách chọn lựa thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng cho con trẻ, quan niệm sai lầm rằng chỉ cần bụ bẫm, mũm mỉm là khỏe mạnh.
  • Mẹ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong quá trình mang thai cũng như sau khi sinh con, dẫn đến nguồn sữa không đủ để cung cấp cho con.
  • Ngoài ra không thể không kể đến các nguyên nhân khách quan khác như: gia đình thu nhập thấp, nhà xa chợ, thiên tai, gia đình đông con,…

Phòng ngừa suy dinh dưỡng thể phù

Phòng ngừa suy dinh dưỡng thể phù

Để phòng ngừa suy dinh dưỡng một cách đúng đắn nhất, trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng hiệu quả ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Ở thời gian đó, mẹ cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và đi khám thai kỳ thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ (thường đều đặn vào mỗi tam cá nguyệt) để đảm bảo trẻ được phát triển một cách toàn diện từ rất sớm.

Thời điểm trẻ chào đời, trẻ cần được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu. Nếu mẹ không đủ khả năng cho sữa trong khoảng thời gian trên, có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ nhi khoa để sử dụng sữa công thức nhằm giúp trẻ đảm bảo đủ dinh dưỡng trong khoảng thời gian trên. Tuy nhiên thành phần của sữa công thức chỉ được mô phòng theo cấu tạo của sữa mẹ, không giống hoàn toàn 100% nên vẫn không có tác dụng như sữa mẹ. Do đó việc sử dụng sữa công thức thay cho sữa mẹ là hoàn toàn không nên nếu mẹ vẫn có khả năng cho sữa.

Sau khoảng thời gian 6 tháng, trẻ có thể được chuyển qua ăn dặm kết hợp với bú sữa mẹ để có đầy đủ dưỡng chất hơn, bởi giờ đây sữa mẹ có thể không đủ hoàn toàn cho sự phát triển của trẻ. Kế hoạch ăn dặm cho trẻ cần phải được chuẩn bị kĩ càng, đảm bảo cân đối đủ 4 nhóm thức ăn tinh bột, chất béo, chất đạm và rau quả cung cấp các vitamin vi lượng.

Suy dinh dưỡng thể phù là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của trẻ ở các nước đang phát triển. Phần lớn là do trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ đầy đủ trong những năm tháng đầu đời, tuy nhiên không thể không kể đến những nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng như kinh tế, xã hội, chính trị. Do đó để giảm tình trạng suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ không chỉ cải thiện ý thức cá nhân mà còn cần sự phối hợp của cả cộng đồng, các cấp chính quyền.

Xem thêm: Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo