Vitamin D vốn được biết đến với vai trò trong sự phát triển của xương và răng. Sau đại dịch Covid 19, loại vitamin này càng được quan tâm rộng rãi hơn vì những công dụng khác của nó đối với sức khỏe. Vậy vitamin D là gì, gồm những gì, hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn.
Tóm tắt nội dung
Vitamin D là gì?
Vitamin D là thuật ngữ chỉ một nhóm các hợp chất có cấu trúc sterol có vai trò trong việc hấp thu canxi và photpho, hai chất này đều quan trọng trong sức khỏe xương. Vitamin D có thể có nguồn gốc từ thực vật, động vật hay tổng hợp.
Vitamin D gồm những gì?
Vitamin D bao gồm nhiều hợp chất khác nhau, trong đó:
- Vitamin D2: Hay còn gọi là ergocalciferol, có nguồn gốc từ thực vật hoặc nấm, được tạo từ tiền chất ergosterol.
- Vitamin D3: Hay còn gọi là cholecalciferol, có nguồn gốc động vật hoặc được tạo ra trong chính cơ thể. Khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hợp chất có tên 7 – dehydrocholesterol trên da sẽ bị phân hủy bởi tia UVB tạo thành vitamin D3. Sau đó, loại vitamin này được hydroxyl hóa lần lượt tại gan và thận tạo thành calcitriol.
- Calcitriol: Hay 1 alfa, 25 – dihydroxycolecalciferol, được tạo thành qua 2 quá trình chuyển hóa từ vitamin D3 thành calcifediol tại gan và sau đó hydroxyl hóa calcifediol tại thận. Calcitriol là dạng có hoạt tính chính của vitamin D.
- Alfacalcidol: Hay 1 alpha – hydroxycholecalciferol, 1 – OHD3, là dẫn chất hydroxyl hóa ở vị trí 1- alpha của vitamin D3. Ở gan, alfacalcidol chuyển hóa thành calcitriol do tác dụng của enzym tại gan. Vì thế, alfacalcidol được dùng thay thế cho calcitriol trong điều trị bệnh loạn dưỡng xương do thận vì không cần hydroxyl hóa ở thận.
- Calcifediol: Hay 25 – hydroxy colecalciferol; 25 – OHD3, trước khi chuyển thành calcitriol (1 alpha, 25 – dihydroxy colecalciferol; 1,25 – (OH)2D3} tại thận, bản thân cũng đã có tác dụng của vitamin D.
- Dihydrotachysterol (DHT): Dihydrotachysterol được hydroxyl hóa ở gan tạo thành 25-hydroxydihydrotachysterol, đây là dạng hoạt động của nó trong máu. Vì không cần qua quá trình hydroxyl hóa thêm ở thận nên dihydrotachysterol có hiệu quả trong việc tăng canxi huyết thanh bằng cách kích thích hấp thu canxi ở ruột và huy động canxi từ xương vào máu khi không có hormone tuyến cận giáp (PTH) và hoạt động của thận. Vì thế, DHT có thể duy trì nồng độ Ca2+ bình thường trong huyết tương ở người thiểu năng cận giáp.
Vai trò của vitamin D đối với sức khỏe
Vitamin D ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan, vì vậy vai trò của nó bao rộng khắp cơ thể.
Xương
Hệ thống xương đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể, nó tạo ra cấu trúc cho toàn bộ cơ thể, bảo vệ các cơ quan và dự trữ canxi. Vitamin D rất cần thiết để xây dựng và duy trì xương chắc khỏe vì canxi là thành phần chính của xương và chỉ được cơ thể hấp thụ khi có vitamin này. Vitamin D3 là hoạt chất giúp hấp thụ canxi tốt hơn, từ đó góp phần xây dựng và bảo vệ hệ cơ xương chắc khỏe.
Như đã nêu trên, vitamin D có vai trò quan trọng trong trao đổi canxi và phosphat giúp xương khỏe mạnh. Vitamin nàykích thích hấp thu canxi ở đường tiêu hóa, tăng tái hấp thu và giảm đào thải vitamin tại thận. Tại xương, vitamin D cùng với hormon cận tuyến giáp PTH tăng huy động canxi và phosphat vào máu và duy trì nồng độ ổn định.
Cơ bắp
Vitamin D có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp bằng cách bảo vệ các sợi cơ, từ đó giúp ngăn ngừa té ngã, một vấn đề phổ biến dẫn đến tàn tật nặng và tử vong ở người lớn tuổi.
Hệ miễn dịch
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc thiếu hụt vitamin D dẫn đến tình trạng nhiễm trùng gia tăng. Vitamin D được cho là có liên hệ với bệnh cúm do mùa đông ánh sáng mặt trời ít dẫn đến việc thiếu vitamin này khiến tỷ lệ mắc bệnh cúm trong mùa này gia tăng.Trong lịch sử, vitamin D từng được sử dụng để điều trị bệnh lao, dầu gan cá tuyết chứa nhiều vitamin này đã được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh lao cũng như tăng cường bảo vệ khỏi nhiễm trùng.
Vitamin D ức chế tăng sinh tế và biệt hóa tế bào B, ngăn tăng sinh tế bào T, ngăn tạo Th7 gây viêm, tạo điều kiện sản xuất các tế bào điều hòa T,… dẫn đến giảm sản xuất các cytokine gây viêm (IL-17, IL-21) và tăng sản xuất các cytokine chống viêm như IL-10.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, vitamin D làm giảm mức độ nghiêm trọng ở bệnh nhân COVID-19, những bệnh nhân có nồng độ vitamin này trong máu cao sẽ có ít nguy cơ bị bệnh viêm phổi nặng và các cơn bão cytokine. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định vitamin D có thể ngăn ngừa COVID-19.
Ngày càng có nhiều bằng chứng dịch tễ học liên quan đến sự thiếu hụt vitamin D dẫn đến các bệnh tự miễn dịch bao gồm bệnh đa xơ cứng (MS), viêm khớp dạng thấp (RA), đái tháo đường type 1, bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE,)…
Tim mạch
Tim cũng bao gồm các cơ giống như xương, vì vậy nó cũng có thụ thể tiếp nhận vitamin D. Các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch có liên quan đến các tế bào miễn dịch và viêm được hòa bởi vitamin D. Vitamin này còn giữ cho các động mạch thư giãn và linh hoạt, góp phần kiểm soát tình trạng tăng huyết áp.
Ung thư
Mặc dù vitamin D có thể không phải là yếu tố chính giúp giảm tỷ lệ mắc ung thư nhưng lượng vitamin này cao hơn có thể cải thiện khả năng sống sót nếu một người mắc bệnh ung thư. Một phân tích tổng hợp về vitamin này bao gồm cả Nghiên cứu lâm sàng có tên Thử nghiệm vitamin D và omega-3 (VITAL) cho thấy nguy cơ tử vong ở người sử dụng vitamin D thấp hơn 13% so với người sử dụng giả dược, thấp hơn đáng kể về mặt thống kê.
Đái tháo đường type 2
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin D trong máu cao hơn có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 thấp hơn. Thiếu vitamin này có thể gây suy giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy, kháng insulin và gây viêm dẫn đến đái tháo đường loại 2.
Phụ nữ mang thai
Trong thời kỳ mang thai, bổ sung đủ lượng vitamin D có thể giảm nguy cơ tiền sản giật và cải thiện hệ miễn dịch. Ngoài ra, bổ sung vitamin này cũng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ, trẻ sơ sinh thiếu cân. Vì vậy, phụ nữ mang thai luôn được khuyến cáo bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin D3 trong thai kỳ.
Tác dụng không mong muốn của vitamin D
Độc tính của vitamin D thường xảy ra nhất khi sử dụng chất bổ sung, lượng vitamin D thấp trong thực phẩm khó có nguy cơ gây ngộ độc. Dùng vitamin này với liều không vượt quá nhu cầu sinh lý thường không độc. Tuy nhiên, ngộ độc có thể xảy ra khi điều trị liều cao hoặc kéo dài. Một số trẻ nhỏ có thể tăng phản ứng với một lượng nhỏ.
Lượng vitamin D gây cường vitamin D (dư thừa vitamin này sẽ gây ngộ độc) thay đổi tùy từng người. Thông thường, người có chức năng cận giáp bình thường và nhạy cảm bình thường với vitamin D có thể bị nhiễm độc vitamin này khi uống liên tục 50.000 đơn vị vitamin D/ngày hoặc nhiều hơn hàng ngày. Cường vitamin này đặc biệt nguy hiểm đối với những người đang dùng digitalis, vì độc tính của các glycosid tim tăng lên khi có tăng calci huyết.
Một số triệu chứng ngộ độc:
- Chán ăn
- Khô miệng
- Nôn, buồn nôn
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Đau cơ, đau xương
- Chóng mặt
- Loạn nhịp tim
Liều lượng, cách dùng vitamin D
Nhu cầu vitamin D thay đổi theo từng người, từng độ tuổi.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến nghị liều lượng vitamin D hàng ngày theo độ tuổi như sau:
- Trẻ sơ sinh 0 – 12 tháng: 400 đơn vị quốc tế (IU) (hoặc 10 mcg).
- Trẻ em 1 – 18 tuổi: 600 IU (hoặc 15 mcg).
- Từ 19 đến 70 tuổi: 600 IU (hoặc 15 mcg).
- Người trên 70 tuổi: 800 IU (hoặc 20 mcg).
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú: 600 IU (hoặc 15 mcg).
Các phương pháp bổ sung vitamin D
Có rất nhiều phương để bổ sung Vitamin-D đúng cách, bạn có thể tham khảo những phương pháp dưới đây:
Tắm nắng
Tắm nắng giúp hình thành vitamin D3 tự nhiên bằng phản ứng hóa học xảy ra trên da người nhờ tia UVB của mặt trời. Khoảng thời gian ánh nắng giúp tạo vitamin hiệu quả nhất là từ 9h-16h. Tuy nhiên đi kèm với hiệu quả tổng hợp vitamin D3 thì còn có thể gây tổn thương da nếu không bảo vệ da đúng cách. Tắm nắng vào buổi sáng để tránh tình trạng say nắng, tránh phơi nắng quá lâu vì UVB có thể gây ung thư da. Bên cạnh đó còn có những yếu tố làm giảm tiếp xúc với tia UVB và dẫn đến giảm hấp thu vitamin D:
- Sử dụng kem chống nắng, bôi kem chống nắng đúng cách có thể làm giảm hơn 90% khả năng hấp thụ vitamin D.
- Mặc quần áo che phủ kín da.
- Hạn chế hoạt động ngoài trời.
- Tông màu da tối hơn do có lượng sắc tố melanin cao hơn như một loại kem chống nắng tự nhiên.
Bổ sung từ thực phẩm
Trên thực tế, chúng ta chỉ nhận được một lượng nhỏ vitamin D3 từ bữa ăn hàng ngày, phần lớn cơ thể chúng ta nhận được vitamin D3 từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời với mặt trời. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm vitamin D3 từ thực phẩm vẫn rất hữu ích. Có rất ít thực phẩm giàu vitamin D3 tự nhiên. Một số loại nấm có chứa vitamin D2.
Một số thực phẩm giàu vitamin D:
- Dầu gan cá
- Cá hồi
- Cá kiếm
- Cá ngừ
- Sữa và các thực phẩm bổ sung vitamin D
- Cá mòi
- Gan bò
- Lòng đỏ trứng
- Ngũ cốc
Vitamin D thuốc hoặc viên uống bổ sung
Cần cân nhắc lợi hại khi sử dụng viên uống vitamin-D vì có thể gây ngộ độc vitamin D. Thuốc vitamin D nên được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ dựa trên sức khỏe, tuổi tác, lượng ánh sáng mặt trời bạn hấp thụ hàng ngày, đáp ứng điều trị trong những trường hợp bệnh lý do thiếu hụt vitamin D. Để cơ thể hấp thụ loại vitamin này tối ưu, nên uống vitamin D sau bữa ăn.
Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm vi chất tại Docosan