Bệnh áp xe gan: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị là vấn đề sức khỏe thường gặp và được nhiều sự quan tâm ở nước ta. Trong những thập kỷ năm trước đây, bệnh áp xe gan đưa đến tử vong cao do các khó khăn trong tiếp cận chẩn đoán và điều trị không phù hợp. Tuy nhiên sau này nhờ phát hiện lâm sàng sớm, các tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh và điều trị ngoại khoa nên đã cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về loại bệnh này trong bài viết sau đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Bệnh áp xe gan là gì?
Đây là một căn bệnh với đặc trưng là sang thương nhiễm trùng dạng hang ở gan của người bệnh. Có hai loại chính là áp xe gan do vi trùng và do amip.
Hiện nay áp xe gan do vi trùng ít gặp, thường xảy ra ở người lớn tuổi 50-60 tuổi, sức khỏe yếu, có mắc bệnh ác tính, suy giảm hệ miễn dịch. Tỷ lệ nam/nữ: 1,5 / 1.
Nguyên nhân bệnh áp xe gan
Căn nguyên của bệnh chủ yếu do vi trùng hoặc ký sinh trùng do các thể amip gây ra, trong đó hay gặp nhất là thể Entamoeba histolytica. Đối với nguyên nhân do vi trùng có 6 căn nguyên từ các đường sau đây vào gan gây áp xe:
- Đường mật (chiếm 40%)
- Tĩnh mạch cửa (khoảng 20%)
- Động mạch gan (12%)
- Chấn thương gan (4%)
- Trực tiếp (6%)
- Vô căn (20%): hay gặp ở bệnh nhân bị đái tháo đường hay suy giảm miễn dịch
Bệnh áp xe gan có lây không?
Có thể nói bệnh áp xe gan không thể lây nhiễm chắc chắn từ người này sang người khác, nhưng có sự lây nhiễm tác nhân gây bệnh.
Cụ thể đối với amip, trong đó Entamoeba histolytica là thể gây bệnh có chu trình lây nhiễm qua đường phân – miệng từ người này sang người khác. Những người bị nhiễm amip sẽ gây hội chứng lỵ, tuy nhiên không phải ai bị nhiễm amip cũng bị bệnh áp xe gan.
Vi khuẩn xâm nhập từ các can thiệp trên đường mật như chụp cản quang đường mật, đặt ống dẫn lưu dịch mật hay phẫu thuật nối mật – ruột làm nhiễm trùng đường mật là tác nhân có khả năng cao bị áp xe gan.
Những triệu chứng bệnh áp xe gan
Biểu hiện của bệnh thường điển hình với tam chứng sốt, gan to và đau vùng hạ sườn phải. Tuy nhiên đôi khi triệu chứng không đặc thù nên có trường hợp được phát hiện chẩn đoán chậm trễ.
Các triệu chứng không đặc hiệu như: sụt cân; buồn nôn, nôn; mệt mỏi; lạnh run; biếng ăn và ho, khó thở.
Biến chứng bệnh áp xe gan
Áp xe do vi trùng
- Chiếm khoảng 40% trường hợp bệnh
- Nhiều nhất là nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết, tử vong cao khoảng 80-90%
- Các biến chứng ở phổi, màng phổi, viêm phổi, áp xe vỡ vào ổ bụng hiếm gặp.
Áp xe do amip
- Chỉ 10% có xảy ra biến chứng
- Hay gặp là vỡ ổ áp xe lên trung thất qua cơ hoành gây tràn dịch màng phổi, mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm phổi, dò phế quản
- Vỡ ổ áp xe vào khoang bụng, hầu hết từ áp xe gan phải
- Rất hiếm gặp là vỡ vào màng tim gây suy tim ứ huyết, trụy tim mạch.
Áp xe gan có chữa khỏi được không?
Nhìn chung ngày nay nhờ chẩn đoán hình ảnh, thuốc kháng sinh, kèm ngoại khoa phát triển các thủ thuật dẫn lưu thành công nên dự hậu của bệnh đã nâng cao, tỷ lệ sống trên 90%.
Nguyên nhân gây tử vong chủ yếu là do tiếp cận y tế chậm nên chẩn đoán bệnh trễ, không dẫn lưu áp xe, không loại bỏ ổ nhiễm, bệnh nhân già yếu, giảm miễn dịch, chấn thương nặng.
Chẩn đoán bệnh áp xe gan
Triệu chứng và các dấu chứng
- Sốt, bụng to và đau
- Gan to dưới bờ sườn phải
- Đôi khi có thể sờ thấy 1 khối căng đau tại gan
- Ấn đau hạ sườn phải
- Vẻ mặt nhiễm trùng bứt rứt, môi khô, lưỡi dơ …
Xét nghiệm sinh hóa
Có biểu hiện của nhiễm trùng hệ thống toàn thân
- Bạch cầu tăng
- Đa nhân trung tính chiếm ưu thế
- Độ lắng hồng cầu máu giảm
- Chức năng gan – thận có thay đổi nhẹ
- Có thể soi cấy máu hoặc phân tìm vi trùng hoặc amip.
Hình ảnh học
Phương tiện cận lâm sàng quan trọng nhất trong chẩn đoán và tiên lượng
- Siêu âm: lựa chọn hàng đầu, phát hiện 90-95% các trường hợp bệnh
- CT-scan: độ nhạy 100%, giúp phân biệt áp xe do vi trùng hoặc amip
- X-quang ngực: tìm biến chứng vỡ áp xe vào trung thất
- Chọc hút áp xe: trong trường hợp khó chẩn đoán.
Điều trị áp xe gan
- Thuốc kháng sinh là bắt buộc để tiêu diệt tác nhân gây bệnh
- Chọc hút điều trị: khi uống thuốc không đáp ứng làm bệnh tình nặng hơn
- Dẫn lưu qua da: điều trị triệt để nhờ sự tiến bộ của hình ảnh học hỗ trợ
- Mổ dẫn lưu: hiện nay ít sử dụng bởi độ xâm lấn của phẫu thuật
- Thời gian điều trị áp xe gan sẽ phụ thuộc vào độ nặng và thời điểm phát hiện bệnh. Nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh chậm trễ và vào độ bệnh nặng thì điều trị cần phải kéo dài đến vài tháng.
Người bị áp xe gan nên ăn gì?
- Thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo chế biến và sử dụng an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì tốt chế độ ăn uống tại nhà sẽ giúp cải thiện thời gian điều trị áp xe gan.
- Xây dựng thực đơn ăn uống tăng cường chất xơ và giảm tối đa chất đạm và dầu mỡ để gan không phải làm việc nặng
- Uống đủ nước, ăn đủ chất đặc biệt là các chất vi lượng cần thiết cho cơ thể giúp người bệnh tăng sức đề kháng
- Nên bổ sung các loại hoa quả, trái cây và rau tươi như bí ngô, khoai môn, cải xanh, cam, quýt, táo, cà rốt, củ cải … tốt cho chuyển hóa gan
- Tăng cường thức ăn chứa đạm tốt cho chức năng gan như thịt trắng, cà, thịt gà, trứng, các loại hạt, ngũ cốc …
Bệnh áp xe gan là bệnh không nguy hiểm đe dọa tính mạng nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời với nền y khoa đang phát triển hiện nay.nLời khuyên tốt nhất cho người có các biểu hiện bệnh là hãy đến gặp Bác sĩ chuyên khoa Gan – mật, càng sớm càng tốt để chẩn đoán và điều trị dứt điểm bệnh tránh các biến chứng xấu có thể xảy ra.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu Bệnh áp xe gan: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.