Sỏi túi mật là một bệnh lý thường gặp của hệ cơ quan gan – mật – tụy và tỉ lệ mắc cao hơn ở những người có yếu tố nguy cơ. Nếu điều trị sỏi túi mật sớm sẽ không để lại biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu bệnh nhân đến trễ, đã có biến chứng thì việc điều trị gặp nhiều khó khăn và có thể để lại di chứng lâu dài cho bệnh nhân. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn trong nội dung dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Yếu tố nguy cơ hình thành sỏi túi mật
- Tuổi: tuổi càng cao nguy cơ hình thành túi mật càng tăng. Từ 40 tuổi trở lên, chúng ta sẽ có sự gia tăng lượng cholesterol trong máu và có sự giảm vận động của túi mật.
- Giới tính: do progesterone làm giảm vận động của túi mật, do đó dịch mật bị ứ đọng trong túi mật; trong khi estrogen làm giảm thành phần acid mật mà lại tăng cholesterol, do đó nữ giới có nguy cơ cao bị mắc bệnh hơn nam giới
- Phụ nữ mang thai: Nguy cơ sỏi túi mật cao hơn do nồng độ estrogen và progesterone trong máu tăng cao hơn phụ nữ bình thường.
- Thể trạng thừa cân, béo phì: Sẽ làm tăng cholesterol trong máu và dịch mật
- Người bệnh tiểu đường: Cholesterol trong dịch mật tăng, lượng acid mật giảm và có sự giảm vận động của túi mật
- Những bệnh nhân xơ gan, cắt thần kinh X, nuôi ăn qua đường truyền tĩnh mạch…: Tất cả sẽ gây giảm vận động túi mật
- Tiền căn mắc các bệnh lý: Tán huyết, thiếu máu, cắt đoạn hồi tràng hoặc nối tắc ruột non, bệnh di truyền, …
Những người có một hay nhiều các yếu tố nguy cơ cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thường xuyên để kiểm tra sức khỏe của túi mật và theo dõi chữa trị khi phát hiện đã có sỏi.
Sỏi túi mật có nguy hiểm không?
Hơn 50% các trường hợp người bệnh bị sỏi túi mật không có triệu chứng gì cả, chỉ khi sỏi gây tắc nghẽn đường dẫn mật thì mới bắt đầu có biểu hiện bên ngoài.
Khi sỏi túi mật có triệu chứng thì ban đầu cũng chỉ biểu hiệu mơ hồ với những rối loạn tiêu hóa hay gặp, cho đến khi sỏi gây tắc nghẽn hoàn toàn đường tống xuất của mật, bệnh nhân sẽ xuất hiện cơn đau quặn mật.
Cơn đau quặn mật
Đây là triệu chứng điển hình của bệnh lý sỏi đường mật, người bệnh sẽ đau bụng từng cơn tại vùng hạ sườn bên phải, đa số có lan lên vai phải và kéo dài không quá 2 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân có thể tự hết đau mà không cần dùng thuốc.
Nguyên tắc điều trị sỏi túi mật
Điều trị sỏi túi mật có cơn đau quặn mật theo hướng nội khoa
Điều trị nội khoa với mục tiêu giảm triệu chứng, phác đồ điều trị được các bác sĩ cân nhắc tuỳ theo thể trạng của bệnh nhân và tình trạng của sỏi, chẳng hạn như :
- Giảm cơn đau quặn mật bằng các thuốc giãn cơ trơn thành túi mật
- Chống nhiễm khuẩn đường mật bằng các loại kháng sinh phổ rộng còn nhạy cảm với vi khuẩn Gram âm đường ruột
- Dùng thuốc lợi mật nhằm làm giảm kích thước sỏi và hỗ trợ tống xuất những viên sỏi nhỏ xuống ruột và theo phân đi ra ngoài. Đối với những viên sỏi túi mật to không tống xuất được thì thuốc lợi mật cũng là sự chuẩn bị để cho kết quả phẫu thuật lấy sỏi đảm bảo tốt.
- Điều chỉnh các rối loạn hệ cơ quan như rối loạn tiêu hoá, điện giải
Trong thời gian điều trị nội khoa thì bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hạn chế tình trạng tiến triển của sỏi túi mật như: giảm dầu mỡ, bổ sung nhiều chất xơ, …
Tẩy giun trước mổ là nguyên tắc bắt buộc nhằm tránh giun chui lên đường mật sau mổ. Đối với những trường hợp mổ cấp cứu thì cần tẩy giun ngay sau khi có nhu động ruột trở lại.
Điều trị sỏi túi mật ngoại khoa
Mổ ống mật chủ lấy sỏi túi mật
Đây là phương pháp thường được áp dụng, có thể có hoặc không cần dẫn lưu dịch mật bằng ống Kehr sau khi mổ. Hiện nay có hai loại chính là mổ bụng hở hoặc phẫu thuật nội soi bằng trocar.
Ưu điểm mổ ống mật chủ lấy sỏi túi mật
- Tôn trọng giải phẫu đường mật sinh lý bình thường của người bệnh
- Hiệu quả triệt để trong cấp cứu trường hợp khẩn cấp
- Thời gian mổ không quá kéo dài sẽ tốt cho người lớn tuổi hay có bệnh nền
- Kỹ thuật không quá phức tạp cho phẫu thuật viên
- Dễ áp dụng ở các cơ sở bệnh viện có khoa ngoại tổng quát.
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
Đó là Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) lấy sỏi tránh phải thực hiện một ca mổ hở. Kỹ thuật này ngày càng được áp dụng rộng rãi cùng với các phương pháp truyền thống, nhất là ở bệnh nhân có tiền căn mổ bụng trước đó, lớn tuổi, có nhiều nguy cơ khi phẫu thuật hở.
Vậy sỏi túi mật có nên mổ không?
Vì hơn 50% sỏi túi mật không có triệu chứng nên khi tầm soát phát hiện được thì chữa trị nội khoa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên nếu sỏi túi mật có kích thước quá 10mm hoặc dùng thuốc uống không làm tan được những viên sỏi thì cần phải được tư vấn về việc mổ lấy sỏi, nhằm tránh các biến chứng đáng lo ngại cho người bệnh.
Khi sỏi túi mật đã gây biến chứng rồi thì mổ cắt túi mật và khắc phục các biến cố trong ổ bụng là hầu như bắt buộc, mục đích là cứu sống tính mạng cho mọi bệnh nhân. Có thể là mổ cấp cứu hoặc phẫu thuật nội soi sau đó khi tình trạng ổn.
Bác sĩ giỏi mổ sỏi túi mật
- Bác sĩ Nguyễn Bảo Quân Thanh – Q. Bình Tân
- Bác sĩ Trần Kinh Thành – Q. 10
Biến chứng nguy hiểm của sỏi túi mật
- Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ
- Sỏi ống mật chủ gây viêm đường mật
- Sỏi tạng tụy
- Tắc ruột non do sỏi
- Ung thư túi mật.
Kết luận
Sỏi túi mật có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy vào giai đoạn bệnh và có hay không biến chứng. Vì vậy người bệnh sỏi túi mật nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm hơn để được đánh giá đúng tình trạng bệnh và chọn lựa liệu pháp điều trị phù hợp nhất, mang lại sức khỏe tốt cho cả túi mật và cơ thể.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: clevelandclinic, healthline