Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 (còn gọi chung là bệnh gan nhiễm mỡ) là một tình trạng chất béo tích tụ quá mức trong nhu mô gan. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 không có triệu chứng hoặc triệu chứng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, gan nhiễm mỡ độ 1 có thể tiến triển đến tổn thương gan. Docosan mời bạn cùng tìm hiểu rõ hơn vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Chức năng của gan là gì?
- 2 Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 là gì?
- 3 Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 có hại như thế nào?
- 4 Các hình thức của bệnh gan nhiễm mỡ là gì?
- 5 Ai dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ 1?
- 6 Nguyên nhân nào gây bệnh gan nhiễm mỡ độ 1?
- 7 Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ độ 1
- 8 Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 được chẩn đoán như thế nào?
- 9 Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 điều trị như thế nào?
- 10 Ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 như thế nào?
- 11 Gan nhiễm mỡ độ 1 nên ăn gì?
- 12 Bệnh gan nhiễm mỡ có phục hồi được hay không?
- 13 Kết luận
Chức năng của gan là gì?
Gan là một cơ quan trọng của cơ thể với rất nhiều chức năng, bao gồm:
- Sản xuất protein.
- Sản xuất mật, hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Dự trữ sắt.
- Sản xuất các yếu tố đông máu.
- Chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng.
- Chống nhiễm trùng bằng cách tạo ra các yếu tố miễn dịch và loại bỏ độc tố (những chất có thể có hại) khỏi hệ tuần hoàn của bạn.
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 là gì?
Gan nhiễm độ 1 xảy ra khi có sự tích tụ chất béo trong gan. Đôi khi một lượng nhỏ chất béo trong gan của bạn là bình thường, nhưng lượng chất béo trong gan đạt giới hạn khoảng 5 – 10% trọng lượng của gan có thể trở thành một vấn đề sức khỏe. Quá nhiều chất béo trong gan có thể gây viêm gan, làm tổn thương gan và nghiêm trọng hơn có thể tiến triển thành xơ gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 có hại như thế nào?
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng hay khiến chức năng gan của bạn suy giảm. Tuy nhiên khoảng 7 đến 30% người mắc bệnh gan nhiễm mỡ sẽ ngày càng tiến triển xấu hơn. Bệnh gan nhiễm mỡ diễn tiến qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Gan của bạn bị viêm (sưng lên), gây tổn thương nhu mô gan. Giai đoạn này được gọi là viêm gan nhiễm mỡ.
- Giai đoạn 2: Mô sẹo dần được hình thành nơi nhu mô gan của bạn bị tổn thương. Đó được gọi là quá trình xơ hóa.
- Giai đoạn 3: Mô sẹo ngày càng tăng sinh và dần dần thay thế nhu mô gan bình thường. Giai đoạn này bệnh đã tiến triển thành xơ gan.
Xơ gan
Xơ gan là kết cục của một quá trình tổn thương gan lâu dài. Mô sẹo cứng thay thế nhu mô gan bình thường, là suy giảm chức năng gan. Cuối cùng, gan sẽ mất chứng năng và hàng loạt các biến chứng đe dọa tính mạng có thể xảy ra. Xơ gan có thể dẫn đến suy chức năng gan và ung thư gan.
Các hình thức của bệnh gan nhiễm mỡ là gì?
Có hai hình thức chính của bệnh gan nhiễm mỡ độ 1:
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 do rượu
Gan nhiễm mỡ độ 1 do rượu là sự tích tụ mỡ trong gan do sử dụng nhiều thức uống có cồn như rượu bia. (Mức độ cồn cho phép tiêu thụ được định nghĩa là một ly/ ngày đối với phụ nữ và tối đa 2 ly/ ngày đối với nam giới.)
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 không do rượu
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 không do rượu xảy ra ở những cá nhân không sử dụng hay sử dụng không thường xuyên đồ uống có cồn. Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 không do rượu chiếm tỉ lệ 1/3 người lớn và khoảng 1/10 trẻ em ở Hoa Kỳ. Các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 không do rượu. Tuy nhiên họ vẫn cân nhắc 1 số yếu tố, chẳng hạn như đái tháo đường và thừa cân,béo phì, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ai dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ 1?
Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 hơn nếu:
- Là phụ nữ đã mãn kinh.
- Là người châu Á.
- Bị Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc rối loạn lipid máu.
Nguyên nhân nào gây bệnh gan nhiễm mỡ độ 1?
Bạn có thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ mà không có bất kỳ bệnh lý nào từ trước. Nhưng những yếu tố nguy cơ này khiến bạn dễ mắc bệnh hơn như:
- Bị bệnh đái tháo đường type 2 (đái tháo đường đề kháng insulin).
- Hội chứng chuyển hóa (kháng insulin, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và béo phì).
- Đang sử dụng 1 số loại thuốc như amiodarone, diltiazem, tamoxifen hoặc steroid.
Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ độ 1
Bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 thường không triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nghèo nàn cho đến khi bệnh diễn tiến thành xơ gan. Nếu có, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Buồn nôn, nôn, sụt cân nhiều (10% trọng lượng cơ thể).
- Lòng trắng của mắt ngả màu vàng (vàng da, vàng mắt). Dấu hiệu vàng da khó phân biệt vì chúng ta là người Châu Á.
- Phù chân đối xứng 2 bên.
- Suy nhược cơ thể.
- Đau bụng hoặc cảm giác chướng bụng ở 1/4 trên bên phải của bụng.
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 được chẩn đoán như thế nào?
Vì bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 thường hiếm có hoặc rất nghèo nàn triệu chứng nên bác sĩ có thể có thể chỉ phát hiện ra bệnh qua thăm khám định kì bằng các xét nghiệm. Chỉ số men gan tăng cao hơn ngưỡng bình thường trong xét nghiệm máu thường quy có thể là dấu hiệu gợi ý gan của bạn đang bị tổn thương. Để xác định bệnh gan nhiễm mỡ độ 1, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm từ thường quy đến chuyên sâu hơn như:
- Siêu âm bụng tổng quát hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để có hình ảnh nhu mô gan.
- Sinh thiết gan để đánh giá diễn tiến của bệnh.
- Một xét nghiệm chuyên biệt gọi là FibroScan, đôi khi được sử dụng thay cho sinh thiết gan để đánh giá lượng mỡ và lượng mô sẹo trong gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 điều trị như thế nào?
Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh gan nhiễm mỡ độ 1. Thay vào đó, bác sĩ sẽ ưu tiên vào việc kiểm soát các yếu tố góp phần gây ra tình trạng bệnh của bạn. Bạn sẽ được khuyến khích thay đổi lối sống và chế độ ăn uống nhằm cải thiện sức khỏe của bạn. Các phương pháp bao gồm:
- Kiêng rượu bia và đồ uống có cồn.
- Giảm cân, hoặc ít nhất không để tăng cân thêm.
- Sử dụng vitamin E và thiazolidinediones trong một số tình trạng cụ thể.
- Sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh đái tháo đường và rối loạn lipid máu.
Ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 như thế nào?
- Kiểm soát cân nặng hợp lý. Nếu bạn đang bị thừa cân hoặc béo phì, hãy chủ động giảm cân từ từ.
- Chú ý luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
- Hạn chế tối đa uống rượu bia và thức uống có cồn.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ và tái khám đúng hẹn.
Gan nhiễm mỡ độ 1 nên ăn gì?
Bạn nên ăn nhiều rau củ quả tươi, trái cây tươi để bổ sung vitamin và chất xơ cho cơ thể.
Bên cạnh đó, ưu tiên các chất đạm từ hải sản, gia cầm hơn là đạm từ gia súc để hạn chế tiêu thụ chất béo vào cơ thể.
Bổ sung chất béo thực vật, hạn chế các chất béo động vật. Bạn nên ăn các thực phẩm giàu chất béo thực vật như quả bơ, các loại đậu (đậu phộng, đậu nành…), dầu olive.. vì chúng tuy là chất béo nhưng lại có lợi cho sức khỏe hơn là dầu mỡ động vật.
Hạn chế thức ăn nhanh, đồ chiên nhiều dầu mỡ, các loại fast food.
Bệnh gan nhiễm mỡ có phục hồi được hay không?
Gan là một cơ quan có khả năng tự phục hồi đến kinh ngạc. Miễn là bạn bắt đầu một lối sống và ăn uống lành mạnh, kết hợp với tuân thủ đúng theo điều trị của bác sĩ, thì bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 có thể khỏi hoàn toàn mà không tiến triển thêm tổn thương nhu mô gan.
Tuy nhiên y khoa lúc nào cũng có xác suất. Bệnh gan nhiễm mỡ vẫn có thể tiến triển đến tình trạng nghiêm trọng hơn, đó chính là xơ gan. Xơ gan là một tình trạng không thể điều trị dứt điểm, chỉ có thể kiếm soát không để tiến triển đến suy gan hoặc ung thư gan.
Kết luận
Gan vốn là một cơ quan cần thiết mà bạn không thể sống thiếu nó. Vì vậy hãy xem bệnh gan nhiễm mỡ là một dấu hiệu cảnh báo sớm với bạn, nhằm ngăn ngừa kịp thời và không để nó diễn tiến thành xơ gan hoặc ung thư gan. Ngay cả khi bạn không có triệu chứng hoặc bất kỳ hay bất thường về chức năng gan tại thời điểm hiện tại, bạn vẫn phải chủ động theo dõi, tái khám định kì với bác sĩ của mình để kịp thời phát hiện và điều trị ngay khi bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 bắt đầu xảy ra nhé!
Bổ sung bằng DIAVIT có thể giúp hỗ trợ sức khỏe gan nhờ vào các đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.