Hội chứng gan thận: Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị

Hội chứng gan thận (Hepatorenal syndrome- HRS) là một biến chứng nguy hiểm xuất hiện chủ yếu ở những bệnh nhân xơ gan tiến triển hoặc suy gan cấp. Hội chứng gan thận có thể xuất hiện tự phát hoặc sau yếu tố thúc đẩy. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân có hội chứng gan thận rất cao, khoảng 80 – 95%. Tiên lượng sống trung bình khoảng 2 tuần. Để hiểu rõ hơn về hội chứng này, mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu bài viết sau đây.

Hội chứng gan thận là gì? 

Hội chứng gan thận (Hepatorenal syndrome- HRS) là tình trạng suy giảm chức năng thận xảy ra ở những bệnh nhân có các bệnh lý gan như xơ gan, suy gan tiến triển và tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Đây là một biến chứng vô cùng nghiêm trọng của xơ gan và có thể đe dọa tới tính mạng

Hội chứng gan thận được chia làm 2 type dựa trên tiến triển bệnh, được đánh giá thông qua việc định lượng chỉ số creatinin huyết thanh, bao gồm:

  • Type 1: Là suy thận tiến triển nhanh, được đánh giá qua chỉ số creatinin huyết thanh của bệnh nhân tăng gấp đôi so với ban đầu hoặc tăng cao hơn 221 µmol/L trong vòng 2 tuần.
  • Type 2: Là suy thận tiến triển chậm, chỉ số creatinin không tăng nhanh như type 1 (trung bình creatinin huyết thanh khoảng 178 µmol/L) thường đi kèm với chướng bụng tái phát hoặc chướng bụng kháng lợi tiểu
hội chứng gan thận
Hội chứng gan thận là gì? 

Tiên lượng của bệnh nhân có hội chứng gan thận type 1 rất nặng. Hội chứng gan thận  type 2 thì có tiên lượng sống cho bệnh nhân ngắn hơn xơ gan đơn thuần nhưng tốt hơn type 1

Nguyên nhân gây ra hội chứng gan thận

Hội chứng gan thận xảy ra trên nền một bệnh nhân có bệnh lý gan sẵn, cần một số yếu tố thúc đẩy để dẫn đến hội chứng gan thận ở các bệnh nhân này. Một số các yếu tố thúc đẩy có thể kể đến:

  • Nhiễm trùng dịch báng (là nguyên nhân của khoảng hơn 20% trường hợp hội chứng gan thận type 1)
  • Rút quá nhiều dịch báng mà không truyền bù albumin (là nguyên nhân của khoảng hơn 15% trường hợp hội chứng gan thận type 1)
  • Các cuộc phẫu thuật lớn
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Sử dụng quá liều các thuốc độc với thận như: thuốc giảm đau, kháng viêm, lợi tiểu.
hội chứng gan thận
Sử dụng quá liều các thuốc độc với thận như: thuốc giảm đau, kháng viêm, lợi tiểu khiến gan và thận bị tổn thương

Triệu chứng của hội chứng gan thận

● Các triệu chứng của suy gan như: Vàng da, suy dinh dưỡng, rối loạn đông máu, hôn mê gan,…
● Mệt mỏi, buồn nôn, nôn
● Gan, lách to
● Teo cơ, run giật cơ.
● Dấu sao mạch trên ngực
● Thiểu niệu, vô niệu, nước tiểu < 500ml/24h và tình trạng không cải thiện khi dùng lợi tiểu hoặc bù albumin.
● Suy tuần hoàn với hiểu hiện huyết áp tụt

hội chứng gan thận
Cơ thể thường rơi vào tình trạng mệt mỏi kéo dài khi bị hội chứng gan thận

Kết quả cận lâm sàng

  • Creatinin máu tăng, điện giải đồ máu, điện giải đồ niệu: Biểu hiện suy thận cấp trước thận (giảm nồng độ Natri nước tiểu, tăng áp lực thẩm thấu nước tiểu và tăng tỷ lệ áp lực thẩm thấu nước tiểu/ áp lực thẩm thấu máu).
  • Xét nghiệm sinh hóa: Biểu hiện của tình trạng suy chức năng gan.
  • Các xét nghiệm tìm suy thận khác âm tính.
  • Siêu âm bụng: Kích thước thận bình thường. Nhu mô và đài bể thận bình thường.
hội chứng gan thận
Kết quả cận lâm sàng

Chẩn đoán hội chứng gan thận

Theo International Ascites Club 2007, các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng gan thận như sau:

  • Xơ gan báng bụng
  • Nồng độ Creatinin huyết thanh > 133 μmol/L (1,5 mg/dL)
  • Không cải thiện nồng độ creatinin huyết thanh < 133 μmol/L sau khi điều trị bằng thuốc lợi tiểu đường uống và truyền albumin tĩnh mạch trong ít nhất 2 ngày
  • Không đang trong tình trạng sốc.
  • Không sử dụng các thuốc độc với thận gần đây.
  • Không có bệnh lý nhu mô thận:
    •  protein niệu > 0,5g/ngày
    • đái máu vi thể (soi thấy lớn hơn 50 hồng cầu trên 1 vi trường)
    • có hoặc không có bất thường trên siêu âm.
hội chứng gan thận
Chẩn đoán hội chứng gan thận

Điều trị hội chứng gan thận

Đối với hội chứng gan thận type 1:

  • Ghép gan
  • Truyền albumin và sử dụng thuốc co mạch trong khi chờ ghép.
  • Thực hiện TIPS đối với các bệnh nhân khống có suy gan nặng hay thất bại điều trị với thuốc co mạch
  • Không sử dụng thuốc lợi tiểu đối với bệnh nhân có hội chứng gan thận type 1
  • Chạy thận nhân tạo nếu có phù phổi cấp,  toan chuyển hóa không đáp ứng điều trị hoặc tăng kali máu nặng.
hội chứng gan thận
Điều trị hội chứng gan thận bằng phương pháp ghép gan

Đối với hội chứng gan thận type 2:

  • Ghép gan
  • Cân nhắc sử dụng thuốc co mạch hoặc TIPS trong khi chờ ghép gan
  • Hạn chế muối, chỉ điều trị báng bụng bằng lợi tiểu khi natri nồng độ Natri nước tiểu > 30 mEq/l
  • Kết hợp chọc tháo dịch báng và truyền albumin khi báng bụng lượng nhiều.
  • Hạn chế truyền dịch trong trường hợp hạ natri máu

Phòng ngừa hội chứng gan thận

Để dự phòng hội chứng gan thận ở bệnh nhân cần:

  • Dùng kháng sinh và truyền albumin ở bệnh nhân xơ gan nhiễm trùng dịch báng
  • Bồi hoàn thể tích trong các trường hợp mất dịch như tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa
  • Tránh sử dụng thuốc lợi tiểu quá mức gây mất dịch
  • Không sử dụng các thuốc có độc tính tại thận như NSAIDs, aminoglycosides
hội chứng gan thận
Không được tự ý dùng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ

Bệnh nhân có các bệnh lý gan cần được theo dõi điều trị thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa, cần liên hệ bác sĩ khi thấy bản thân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Đến các cơ sở y tế uy tín với trình độ y bác sĩ gan – mật tay nghề cao để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh hiện tại.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.