Bệnh bụi phổi là bệnh lý ảnh hưởng đến đường hô hấp của người bệnh. Bệnh thường gặp ở những người phải làm việc thường xuyên trong môi trường khói bụi, độc hại. Các triệu chứng dễ nhận thấy là ho kéo dài, ho ra mủ. Hiện nay các phương pháp điều trị chủ yếu là giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Tìm hiểu kỹ hơn về bệnh bụi phổi ở bài viết dưới đây cùng Docosan.
Tóm tắt nội dung
- 1 Bệnh bụi phổi là gì?
- 2 Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi
- 3 Triệu chứng của bệnh bụi phổi
- 4 Chẩn đoán bệnh bụi phổi như thế nào?
- 5 Điều trị bệnh bụi phổi như thế nào?
- 6 Người bệnh có thể mong đợi gì sau khi điều trị
- 7 Một số cách phòng tránh bệnh bụi phổi trong tương lai
- 8 Một số bác sĩ và phòng khám điều trị bệnh bụi phổi
- 9 Kết luận
Bệnh bụi phổi là gì?
Bệnh bụi phổi (tiếng Anh là Pneumoconiosis) là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh phổi mô kẽ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do hít phải một số chất có trong khói bụi và gây tổn thương phổi.
Do bệnh bụi phổi thường có liên quan đến những ngành nghề phải làm việc trong môi trường khói bụi độc hại nên còn được gọi là bệnh phổi nghề nghiệp.
Bệnh bụi phổi thường tiến triển trong một thời gian dài. Phổi không thể đào thải tất cả những thành phần trong khói bui, do đó những chất còn lại gây viêm trong nhu mô phổi và cuối cùng để lại mô sẹo.
Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi
Nguyên nhân của bệnh bụi phổi là việc hít phải các loại bụi và các chất độc hại trong không khí. Một số loại bụi và khói có thể ảnh hưởng đến cơ thể con người là:
- Bụi than đá: xuất hiện trong các hầm mỏ khai thác tài nguyên
- Sợi amiang: thường xuất hiện ở các vật liệu cách nhiệt
- Bụi bông: thường gặp nhiều ở những nhà máy sản xuất vải, dệt
- Bụi silic: thường gặp ở các xưởng làm vật liệu từ cát và đá
- Berylium : một kim loại nhẹ thường gặp ở các ngành công nghiệp điện tử và hàng không vũ trụ
- Bụi từ oxit nhôm, coban và bột talc
Bệnh bụi phổi sẽ không xuất hiện một cách đột ngột mà xuất hiện sau nhiều năm khi người bệnh tiếp xúc đủ lâu với các tác nhân gây hại này.
Khi các hạt bụi tích tụ trong phổi, hệ thống miễn dịch – cơ quan bảo vệ cơ thể của con người nhằm chống lại các vật thể lạ gây hại – sẽ bắt đầu hoạt động. Hệ thống miễn dịch sẽ xác định các hạt bụi như những kẻ xâm lược tấn công cơ thể và cố gắng loại bỏ các vật thể lạ này.
Quá trình phản ứng của hệ thống miễn dịch sẽ gây ra viêm trong nhu mô phổi, cuối cùng, sẽ hình thành mô sẹo trong phổi. Vì mô sẹo ít co giãn hơn mô phổi thông thường nên người bệnh có thể cảm thấy khó hít thở hơn.
Triệu chứng của bệnh bụi phổi
Bệnh bụi phổi có thể gây ra một số triệu chứng cơ bản sau:
- Ho kéo dài
- Ho ra đờm nhiều
- Khó thở, thở đứt quãng
Người bệnh cũng có thể gặp phải những triệu chứng khác tùy thuộc vào loại bụi mà bệnh nhân hít phải. Ví dụ: nếu người bệnh hít phải bụi từ sợi amiang, sẽ gặp phải triệu chứng tràn dịch khoang màng phổi.
Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, tình trạng hô hấp của người bệnh suy giảm nghiêm trọng khiến cho nồng độ ôxy trong máu giảm rõ rệt. Người bệnh sẽ có nhiều biểu hiện của tình trạng thiếu oxy như da xanh xao, đau ngực do thiếu máu cơ tim hay chóng mặt do tế bào não bị thiếu oxy.
Chẩn đoán bệnh bụi phổi như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh bụi phổi một cách chính xác nhất, các bác sĩ sẽ thu thập những thông tin liên quan đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như nghề nghiệp, môi trường sống, đồng thời sử dụng một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-quang hay CT. Hình ảnh thu được cho thấy trong phổi của người bệnh có xuất hiện mô sẹo hoặc các nốt sần.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể gợi ý thêm một số phương pháp kiểm tra khác để tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng của người bệnh, chẳng hạn như:
- Đánh giá chức năng của phổi để kiểm tra sự lưu thông không khí trong cơ thể người bệnh
- Xét nghiệm độ bão hòa oxy sẽ giúp các bác sĩ biết được lượng oxy trong máu của người bệnh.
Điều trị bệnh bụi phổi như thế nào?
Việc điều trị dứt điểm bệnh bụi phổi cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các bác sĩ chỉ có thể giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng và hướng dẫn người bệnh sống chung với bệnh lý này.
Các bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên chuyển sang một công việc khác phù hợp hơn. Trong trường hợp mắc bệnh bụi phổi do hút thuốc lá, người bệnh cần phải bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc dạng hít như thuốc giãn phế quản hoặc corticosteroid. Thuốc giãn phế quản sẽ giúp mở rộng đường thở của người bệnh trong trường hợp người bệnh bị khó thở. Corticosteroid có thể làm hạn chế tình trạng viêm đường thở.
Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy mức độ oxy trong máu của người bệnh bị suy giảm, các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp bổ sung oxy. Một vài bệnh nhân có thể phải cần đến liệu pháp này cả ngày, một số khác chỉ cần sử dụng vào ban đêm.
Người bệnh có thể mong đợi gì sau khi điều trị
Bệnh bụi phổi là một bệnh phổi mãn tính, sẽ không có phương pháp điều trị dứt điểm mà người bệnh cần tìm phương pháp thích nghi với căn bệnh này. Sau khi được điều trị, người bệnh cũng cần tái khám thường xuyên để kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra trong tương lai.
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh bụi phổi chính là ung thư phổi hoặc xơ phổi tiến triển, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Nếu tình trạng bệnh khiến bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý, người bệnh cũng nên cân nhắc đến gặp các chuyên gia tâm lý để được tham vấn kỹ lưỡng hơn.
Một số cách phòng tránh bệnh bụi phổi trong tương lai
Nếu bạn đang làm việc trong môi trường nhiều khói bụi và có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau để phòng ngừa bệnh trong tương lai:
- Đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi làm việc
- Sau khi làm việc, cần phải rửa tay và rửa mặt kỹ lưỡng trước khi ăn uống
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện ra bệnh trong giai đoạn sớm, kịp thời ngăn chặn bệnh tiến triển.
Một số bác sĩ và phòng khám điều trị bệnh bụi phổi
- Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh
Kết luận
Bệnh bụi phổi là một căn bệnh mãn tính, và người bệnh phải tập sống chung với bệnh lâu dài. Người bệnh cần gặp các bác sĩ chuyên khoa Phổi – Hô hấp càng sớm càng tốt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.
Tài liệu tham khảo: Webmd.com & Medical News Today