Bệnh viêm phế quản: Định nghĩa, triệu chứng và điều trị

Bệnh viêm phế quản là tình trạng viêm cấp tính đường hô hấp dưới, lan tỏa niêm mạc phế quản và đa số do nguyên nhân nhiễm trùng, hấu hết có tiến triển ngắn hạn và lành tính. Tuy nhiên đây là nguyên nhân của phần lớn người trẻ và cha mẹ đưa trẻ em đi khám tại bệnh viện, có thể nói rằng đây là một bệnh khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Vậy hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về bệnh viêm phế quản qua bài viết dưới đây.

Bệnh viêm phế quản là gì?

Phế quản là một ống dẫn khí nằm trong đường hô hấp dưới của con người. Đây là cơ quan nối tiếp bên dưới khí quản, sau đó sẽ phân thành các nhánh nhỏ sâu bên trong phổi tạo nên cây phế quản. Nhiệm vụ chính của phế quản là dẫn khí vào phổi.

Bệnh viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản: định nghĩa, triệu chứng và điều trị

Bệnh viêm phế quản là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị kích thích phồng lên, tăng tiết dịch nhầy làm bít tắc phế quản do nguyên nhân khác nhau có thể kể đến gồm:

  • Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm đường hô hấp là do sự xâm nhập của vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào trong niêm mạc đường hô hấp. Các vi khuẩn thường gây viêm đường hô hấp bao gồm: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, …   
  • Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp viêm đường hô hấp do virus như: HSV, Coronavirus, Enterovirus, …
  • Hoặc do các tác nhân vật lý như: do nhiệt, xạ trị, chấn thương lồng ngực, không khí quá khô, quá ẩm, quá nóng, …
  • Và các tác nhân hóa học như: chất kích ứng ở dạng khí, bụi, hoá chất, khói thuốc lá, khói xe,… 
  • Ngoài ra các nguyên nhân bên trong cơ thể gây ra sự hoại tử các mô hô hấp như: tắc nghẽn, xuất huyết mạch máu phổi, viêm tắc động mạch phổi, …

Viêm phế quản được chia thành hai loại:

  • Viêm phế quản cấp tính: nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn gram dương, virus, nấm, …. Biến chứng: viêm phế quản mạn, viêm phổi, …
  • Viêm phế quản mạn tính: là sự viêm nhiễm tại phế quản kéo dài trên 3 tháng. Nguyên nhân gây viêm phế quản mạn thường gặp là do hút thuốc lá trong nhiều năm hoặc sống ở môi trường nhiều bụi bẩn.

Bệnh viêm phế quản có lây không?

Bệnh viêm phế quản cấp tính thường trong các chất dịch nhầy và đờm sẽ mang theo lượng lớn vi khuẩn gây bệnh có khả năng lây lan qua đường hô hấp hoặc do dùng chung đồ dùng cá nhân như chén, bát, đũa, … có dính chất dịch nhầy hoặc đờm từ người bệnh.

Bệnh viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản: định nghĩa, triệu chứng và điều trị

Bệnh viêm phế quản có thể lây lan một cách dễ dàng từ người qua người, đặc biệt là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi, già yếu, hoặc người bị hen suyễn.

Riêng bệnh viêm phế quản mãn tính thì hầu như không lây nhiễm do tác nhân gây bệnh cảnh này đa phần là do hút thuốc lá trong nhiều năm hoặc sống ở môi trường nhiều bụi bẩn.

Bệnh viêm phế quản có nguy hiểm không?

Bệnh viêm phế quản thường sẽ tự giảm dần và biến mất trong vài tuần lễ, chức năng hô hấp sẽ phục hồi lại trong vòng 20 – 30 ngày.

Tuy nhiên khi mắc bệnh thì không chỉ cuộc sống hàng ngày bị ảnh hưởng mà còn là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc các biến chứng tiêu cực, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh: viêm phổi, hen phế quản, áp xe phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tình, …

Triệu chứng của bệnh viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản: định nghĩa, triệu chứng và điều trị

Để chẩn đoán bệnh viêm phể quản ta có thể chú ý đến các Hội chứng bệnh và triệu chứng bệnh sau:

  • Hội chứng tắc nghẽn hô hấp dưới: khó thở thì thở ra, khò khè, nghe phổi có ran ngáy hoặc ran rít
  • Hội chứng đáp ứng Viêm toàn thân nếu viêm đường hô hấp trên do nhiễm vi khuẩn: sốt > 38 độ C hoặc < 36 độ C, nhịp tim > 90 nhịp/phút, nhịp thở > 20 lần/phút, …
  • Nếu nguyên nhân do siêu vi, người bệnh có Hội chứng nhiễm siêu vi: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, nhức đầu, …
  • Nặng hơn nữa có thể dẫn đến Hội chứng suy hô hấp cấp: khó thở, NT > 30l/phút, co kéo cơ hô hấp phụ, …
  • Triệu chứng liên quan đến phế quản: ho khan, ho kèm theo đờm, nặng tức ngực.
  • Nếu bệnh tiến triển nặng có tổn thương phổi: khó thở, đau ngực khi hít sâu, ho khạc đờm, ho ra máu.

Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản thường biểu hiện khác nhau qua từng giai đoạn:

  • Giai đoạn khởi phát: viêm xuất tiết đường hô hấp trên và có Hội chứng nhiễm siêu vi
  • Giai đoạn viêm khô: kéo dài 1-3 ngày, ho, khó khạc đờm, khó thở, cảm giác đau rát sau xương ức
  • Giai đoạn viêm tiết dịch: tương tự triệu chứng giai đoạn viêm khô nhưng lúc này đàm dễ đẩy ra ngoài hơn
  • Triệu chứng: sốt nhẹ, nhức đầu, đau mỏi khắp cơ thể, ho khan hoặc đờm trắng, có thể ho ra máu do khạc đờm nhiều gây tổn thương niêm mạc, xuất hiện khi có sự thay đổi nhiệt độ không khí, khó thở, đau ngực, … Bệnh thường tự khỏi sau vài tuần lễ, hô hấp bình thường sau 20-30 ngày.

Cách điều trị bệnh viêm phế quản

Chủ yếu là điều trị triệu chứng giúp người bệnh mau khỏe hơn:

  • Nghỉ ngơi, bỏ thuốc lá, giữ ấm.
  • Giảm ho, long đờm: ho khan nhiều, gây mất ngủ có thể cho các thuốc giảm ho
  • Bảo đảm đủ nước uống, dinh dưỡng.
  • Không cần dùng kháng sinh cho viêm phế quản cấp đơn thuần ở người bình thường. Chỉ định dùng kháng sinh khi:
    • Ho kéo dài trên 7 ngày.
    • Ho, khạc đờm mủ rõ.
    • Viêm phế quản cấp ở người có bệnh mạn tính nặng như suy tim, ung thư.
  • Chọn kháng sinh tùy thuộc mô hình vi khuẩn và tình hình kháng thuốc tại địa phương.

Bệnh viêm phế quản là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị kích thích phồng lên, tăng tiết dịch nhầy làm bít tắc phế quản do nguyên nhân khác nhau. Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản thường biểu hiện khác nhau qua từng giai đoạn. Điều trị bệnh viêm phế quản chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Xem thêm: Chữa viêm phế quản bằng bài thuốc dân gian

Nguồn: vinmec.com, benhviendktinhquangninh.vn