Cách trị tiêu đờm cho người lớn đơn giản và nhanh nhất

Thời tiết giao mùa là lúc chúng ta dễ mắc các bệnh gây ho có đờm nhất và chắc hẳn nhiều người sẽ tìm các cách trị tiêu đờm cho người lớn. Ở bài viết này Doctor có sẵn sẽ hướng dẫn các bạn một số cách trị ho có đờm vừa dễ thực hiện vừa mang đến hiệu quả cao.

Đờm là gì?

Đờm là chất nhầy được tiết ra bởi các tế bào màng nhầy của đường hô hấp dưới để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các tác nhân như vi khuẩn, bụi, chất gây dị ứng, không khí ô nhiễm,… Thực chất cơ thể lúc nào cũng sản xuất một lượng chất nhầy trong cổ họng, nhưng bình thường chất nhầy này ít và loãng nên không được chú ý.

Khi các yếu tố gây hại tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại và các cơ quan hô hấp tiết ra nhiều chất nhầy hơn, trong các chất nhầy này có các tế bào bạch cầu giúp bắt giữ và tiêu diệt vi khuẩn, chất gây hại và cô lập chúng, ngăn không cho chúng tiến sâu vào phổi, bảo vệ đường hô hấp dưới an toàn. Lúc này chất nhầy trở nên nhiều và cô đặc hơn và cơ thể gây nên phản xạ ho để tống chúng ra ngoài.

Như vậy tuy ho có đờm là một phản ứng bình thường, có lợi cho cơ thể nhưng cũng gây ít nhiều khó chịu và cản trở sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Nhất là khi ho có đờm còn hay đi kèm với các triệu chứng đau họng, cổ họng vướng đàm, khàn tiếng,… nên hẳn nhiều người muốn cách trị tiêu đờm cho người lớn.

Nguyên nhân gây ho có đờm

Trước khi tìm hiểu các cách trị tiêu đờm cho người lớn ta hãy điểm qua những nguyên nhân khiến bạn bị ho có đờm. Ho có đờm là một trong những triệu chứng bệnh thường gặp nhất, trình trạng này có thể nhẹ, tự khỏi nhưng đôi khi cũng có thể kéo dài, dai dẳng, khó điều trị nếu không xác định được chính xác nguyên nhân gây ho có đờm. Một số nguyên nhân gây ho có đờm thường gặp như:

  • Nhiễm trùng: viêm phế quản cấp, viêm phổi, áp xe phổi, viêm phế quản mạn, lao,…
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
  • Dãn phế quản
  • Hen suyễn
  • Dị ứng
  • U phổi, ung thư phổi
  • Trào ngược dạ dày-thực quản

Đờm cũng có thể được sản xuất nhiều hơn ở những người có các yếu tố dưới đây mặc dù không mắc bệnh lý gì như:

  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng chất kích thích
  • Ở trong môi trường quá khô ráo, độ ẩm thấp
  • Môi trường xung quanh nhiều bụi bẩn
  • Uống ít nước
  • Uống nước lạnh, cà phê, trà rượu nhiều
  • Ăn nhiều thực phẩm cay, nóng, dầu mỡ

Cách trị tiêu đờm cho người lớn

Dùng thuốc tiêu đờm, long đờm

Trong bệnh cảnh ho có đờm, người bệnh không được uống thuốc ức chế cơn ho để giảm ho vì sẽ càng làm ứ đọng nhiều đờm nhớt hơn trong cổ họng. Thay vào đó thường bác sĩ sẽ kê các loại thuốc long đờm, tiêu đờm.

Thuốc long đờm tiêu đờm như acetylcystein, ambroxol, bromhexin, carbocysteine,.. là cách trị tiêu đờm cho người lớn hiệu quả nhưng cần có sự kê toa của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc và dùng bữa bãi sẽ không phát huy được hết tác dụng của thuốc, dễ gặp tác dụng phụ. Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh có thể phối hợp các cách trị tiêu đờm cho người lớn không cần dùng thuốc để bệnh nhanh khỏi hơn như sau.

Vệ sinh răng miệng bằng nước muối

Dùng muối ấm tự pha để súc miệng thường xuyên là cách trị tiêu đờm cho người lớn vô cùng hiệu quả. Do muối có thể sát khuẩn, giảm sản xuất đờm nhớt, giảm cảm giác khô, ngứa rát cho cổ họng. Hãy dùng nước ấm pha với một lượng muối ăn vừa phải súc miệng mỗi ngày, 1-2 lần/ngày, mỗi lần trong 3-5 phút sẽ thấy phát huy tác dụng.

Cách trị ho có đờm cho người lớn – Vệ sinh miệng họng bằng nước muối

Xông hơi

Xông hơi là phương pháp giải cảm dân gian hiệu quả còn được áp dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Theo nhiều nghiên cứu, xông hơi thật sự có tác dụng thông thoáng đường thở, giảm viêm, giảm đau mũi họng do hơi nóng xâm nhập vào cổ họng, bao bọc lấy lớp đờm và giúp đờm dễ loại bỏ ra ngoài hơn. Cách trị tiêu đờm cho người lớn bằng phương pháp xông hơi:

  • Tắm xông hơi: Dùng nước nóng để tắm 1-2 lần mỗi ngày, mỗi lần tắm trong 10-15 phút, nếu tắm bằng bồn sẽ càng tốt hơn.
  • Xông hơi cho mũi họng: Dùng dụng cụ chứa nước sôi để trước mắt, sau đó lấy khăn trùm lên đầu ghé sát mặt vừa phải vào làn khói nóng, cố gắng hít thở thật sâu trong thời gian khoảng 10 phút sẽ giúp long đờm hiệu quả.
Xông hơi – Cách trị ho đờm tại nhà cho người lớn

Tinh dầu

Một số loại tinh dầu chiết xuất từ các loại thảo dược thuộc nhóm chữa ho giải cảm như bạch đàn (khuynh diệp), bạc hà, gừng, tần, tràm… có thể giúp tiêu đờm hiệu quả.

  • Eucalyptol từ tinh dầu bạch đàn có tính sát trùng giúp tiêu diệt một số loại vi khuẩn, làm dịu cơn ho
  • Menthol từ tinh dầu bạc hà có tác dụng làm dịu ho, làm loãng niêm dịch.
  • Tinh dầu gừng có thể làm giảm ho, loãng niêm dịch, chống viêm và giảm đau, chống dị ứng. Gừng còn là vị thuốc chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng.
  • Tinh dầu tần hay lá húng chanh có tính kháng khuẩn, được dùng trong cảm cúm, ho.
  • Tinh dầu tràm: Có tác dụng long đờm, sát khuẩn và làm thông thoáng đường hô hấp trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thể nhẹ. 

Cách dùng tinh dầu: dùng xông hơi, dùng máy khuyếch tán tinh dầu vào không khí hoặc dùng massage vùng cổ và ngực.

Uống gì để tiêu đờm cho người lớn? – Nước chanh

Chanh có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Ngoài cung cấp vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, sử dụng nước chanh cũng là một cách trị tiêu đờm cho người lớn. Chanh lát mỏng pha cùng nước ấm, có thể cho một ít mật ong khuấy đều dùng một vài lần trong ngày sẽ giúp bệnh mau khỏi.

Nước chanh ấm – Cách trị tiêu đờm cho người lớn tại nhà

Ngoài các cách trị tiêu đờm cho người lớn kể trên, hãy uống nhiều nước ấm mỗi ngày để bổ sung nước và giúp long đờm dễ dàng hơn, cũng như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể mau hồi phục. Tránh xa thuốc lá và những người hút thuốc lá và giữ cho nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ cũng góp phần nào trong việc chữa trị ho có đờm. Nếu sau khi áp dụng những cách trên mà vẫn bị ho đờm dai dẳng, kéo dài hơn 7 ngày hãy đi khám để được chẩn đoán bệnh và điều trị thích hợp nhất.


Xem thêm:

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: NHS