Hiện nay thủ thuật đặt nội khí quản là phương pháp chính yếu giúp cứu mạng và hỗ trợ đắc lực cho nhiều người bị bệnh lý nguy hiểm của nội khoa lẫn ngoại khoa. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về thủ thuật đặt nội khí quản trong bài viết sau đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Mục đích đặt nội khí quản
Đặt ống nội khí quản cấp cứu là luồn qua mũi hoặc miệng một ống nội khí quản trong trường hợp khẩn trương đe dọa tính mạng, như suy hô hấp cấp thể nguy kịch sau ngừng tim, sặc thức ăn vào đường hô hấp, ngạt nước, chất thương sọ não, ngộ độc cấp tính, …
Khi nào cần đặt nội khí quản?
Thủ thuật đặt nội khí quản sẽ được chỉ định nhằm
- Hút đàm dãi trong trường hợp bệnh nhân ho khạc kém hoặc không có khả năng ho khạc, gây ứ đọng đàm dãi lâu ngày
- Hút dị vật hoặc dịch bất thường đột nhập vào khí phế quản
- Bóp bóng hô hấp (loại Ambu) và thông khí nhân tạo
- Rửa dạ dày ở người bệnh bị hôn mê kéo dài
- Bảo vệ đường thở ở người bệnh hôn mê sâu hoặc liệt cơ hô hấp
- Người bệnh đột nhiên bị co thắt thanh môn dẫn đến suy hô hấp
- Tắc đường hô hấp trên cấp tính, như khó thở thanh quản.
Tuy nhiên, không phải khi nào người bệnh cũng có thể đặt nội khí quản. Các trường hợp chống chỉ định của thủ thuật đặt nội khí quản là:
- Chấn thương thanh khí quản
- Chấn thương nặng nề hay biến dạng vùng đầu mặt cổ làm cản trở việc đặt nội khí quản đường miệng và mũi
- Không đặt nội khí quản đường mũi trong trường hợp có bất thường về cấu trúc mũi như vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi, ung thư vòm mũi, …
Bệnh viện cấp cứu đặt nội khí quản
- Bệnh viện Quốc tế City– Quận Bình Tân
- Bệnh viên đa khoa Tân Hưng – Quận 7
- Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn – Q. Bình Chánh
Cách đặt nội khí quản
Tùy theo mục đích cụ thể và phân loại theo cấu trúc giải phẫu, bệnh nội và ngoại khoa của từng bệnh nhân khác nhau, sẽ có nhiều loại kỹ thuật đặt nội khí quản phù hợp. Một số cách đặt nội khí quản thường gặp như:
- Đặt ống nội khí quản qua đường miệng hay mũi thông thường
- Đặt ống nội khí quản đường mũi có đèn soi thanh quản
- Đặt ống nội khí quản mò qua đường mũi
- Đặt ống nội khí quản đường miệng có đèn soi thanh quản.
Kỹ thuật đặt nội khí quản
Bước 1: Đánh giá ban đầu
Đánh giá cấu trúc giải phẫu đường thở và vùng đầu mặt cổ bệnh nhân, từ đó người thực hiện thủ thuật sẽ tiên lượng mức độ khó và chuẩn bị phù hợp.
Bước 2 : Chuẩn bị kỹ thuật
Chuẩn bị tư thế bệnh nhân và người thực hiện, đồng thời theo dõi độ bão hòa oxy hóa máu và các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh:
- Bệnh nhân đặt ở tư thế nằm ngửa đầu bằng, có thể kê gối mềm ở vùng chẩm gáy
- Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên hay trung ương.
- Dùng thuốc an thần đường truyền tĩnh mạch. Thường sử dụng Midazolam liều 5-10mg và Fentanyl tiêm tĩnh mạch chậm hoặc Propofol tiêm bolus, cần phối hợp với thuốc giãn cơ nếu cần.
- Song song với dùng thuốc an thần, giãn cơ thì cần tiến hành bóp bóng Ambu qua mặt nạ mũi mặt oxy liều cao sao cho đặt mức SpO2 từ 98% trở lên trong vòng 1-2 phút hoặc khi đặt ống nội khí quản thành công.
Bước 3: Kiểm soát lưỡi bệnh nhân
- Kiểm tra hàm dưới của bệnh nhân: dùng ngón cái tay thuận đẩy hàm dưới ra trước để mở miệng người bệnh. Nếu mở miệng dễ dàng thì tiếp tục thực hiện bước 2, nếu mở miệng khó khăn thì xem xét sử dụng thêm thuốc an thần giãn cơ.
- Tay không thuận cầm cán đèn, trong khi tay thuận vẫn đẩy hàm dưới để mở miệng. Sau đó từ từ đưa lưỡi đèn từ miệng xuống khu vực thanh môn hay còn gọi là ngã ba hầu họng
- Phối hợp gạt lưỡi sang bên trái và nâng lưỡi đèn lên theo hướng ra trước và lên trên.
Bước 4: Kiểm soát nắp thanh môn
Nếu sử dụng đèn đặt nội khí quản lưỡi thẳng thì đặt đầu xa của lưỡi đèn đặt đè lên ít nhất ở 2/3 trên của nắp thanh môn.
- Nếu sử dụng loại lưỡi xong thì đầu xa của lưỡi đèn nằm ở gốc thanh âm của nắp thanh môn.
- Thanh môn được kiểm soát khi lưỡi đèn được nâng lên trên và ra trước làm bộc lộ được 2 dây thanh âm.
Lưu ý: trong một số trường hợp lỗ thanh môn ở vị trí cao, khi đã đưa lưỡi đèn ra trước và lên trên mà vẫn chưa quan sát được 2 dây thanh âm. Khi đó thực hiện động tác tạo áp lực bằng cách ấn thanh quản từ ngoài cổ theo hướng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, vừa ấn vài lần vừa quan sát cho đến khi quan sát được 2 dây thanh âm.
Bước 5: Đưa ống nội khí quản vào
- Khi đã quan sát được 2 dây thanh âm, tay thuận cầm ống nội khí quản có gắn nòng dẫn từ từ luồn theo khe của lưỡi đèn đi qua khe 2 dây thanh âm sao cho đầu ống đi qua khe 2 dây thanh âm khoảng 2cm.
- Rút nòng giãn ống nội khí quản
- Bơm bóng chèn của ống nội khí quản với mức áp lực khoảng 20-25 cm H2O
- Nghe phổi đánh giá thông khí hai bên phổi. Không đạt tiêu chuẩn khi chỉ có thông khí 1 bên, lúc này cần rút ống nội khí quản ra một đoạn và kiểm tra lại
- Cố định ống nội khí quản khi kỹ thuật đã đạt tiêu chuẩn thông khí phổi được 2 bên đều nhau.
Tình trạng sau khi đặt nội khí quản
Người bệnh sau khi làm thủ thuật có thể bị đau họng nhẹ, khó nuốt hoặc cảm giác vướng cổ họng, nhưng các tình trạng này sẽ nhanh tự hồi phục.
Có điều đáng lo ngại là xảy ra các rủi ro không mong muốn, cũng xem như biến chứng do đặt nội khí quản gây ra. Nếu người bệnh gặp phải các tình trạng sau thì cần thông báo cho bác sĩ ngay :
- Mặt bị sưng, phù nề
- Đau họng nặng, đau rát cổ
- Nặng tức ngực
- Nuốt nghẹn, nuốt khó nhiều
- Khó thở, thở mệt.
Kết luận
Đặt ống nội khí quản là một thủ thuật quan trọng và cần thiết cho người bệnh trong những hoàn cảnh nguy hiểm cần phải cấp cứu kịp thời. Vì vậy người bệnh và người nhà bệnh nhân cần hiểu rõ những điều kiện chỉ định, thủ thuật cũng như tình trạng có thể xảy ra sau khi đặt ống nội khí quản. Tốt nhất bạn và người thân nên tìm đến các kỹ thuật viên hay bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn tận tình về các vấn đề liên quan đến đặt nội khí quản.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Đặt nội khí quản – Giáo trình Hồi sức tích cực cơ bản – Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch mai
- Endotracheal Intubation – Healthline