Ho gà ở trẻ sơ sinh: Cách nhận biết và điều trị

Ho gà ở trẻ sơ sinh (Pertusis) là một bệnh lý nhiễm trùng – nhiễm độc cấp tính đường hô hấp. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis. Triệu chứng thường gặp là các cơn ho dữ dội, mất kiểm soát, có thể dẫn tới khó thở, âm thanh thở rít.

Ba mẹ thường nhầm lẫn với tình trạng ho thông thường, không được điều trị kịp thời, thậm chí gây tử vong cho trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh hiện tại đã có thể phòng ngừa thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Để hiểu hơn về căn bệnh này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây cùng Doctor có sẵn.

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Uyên, chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.

Bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh

Ho gà là là bệnh lý nhiễm trùng – nhiễm độc cấp tính lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh lây truyền trực tiếp từ dịch tiết từ mũi, họng của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh khá cao, đặc biệt là là ở trẻ em, trẻ sơ sinh sinh hoạt trong không gian khép kín như ở nhà, lớp học.

Một số thông kê ghi nhận hơn 90% số ca mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng vaccine ho gà. Kết quả theo dõi trong năm 2015 cho thấy: 88,4% trường hợp bệnh chưa được tiêm vắc xin 6,6%chỉ tiêm một mũi. Trẻ được sinh ra từ mẹ không có kháng thể đối diện với nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ được nhận kháng thể.

Nguyên nhân ho gà

Tác nhân gây bệnh là khuẩn Bordetella pertussis (95%) và Bordetella parapeturssis (5%). Đây là một vi khuẩn loại trực-cầu trùng gram âm, sức đề kháng yếu chỉ tồn tại dưới ánh sáng mặt trời trong vòng 1 giờ. Vi khuẩn này kí sinh bắt buộc tại đường hô hấp. Sau khi xâm nhập vi khuẩn sẽ tiết độc tố gây tổn thương niêm mạc hô hấp.

ho gà ở trẻ sơ sinh
Tác nhân gây bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh là khuẩn Bordetella pertussis

Triệu chứng của ho gà

Những trẻ chưa được tiêm ngừa vaccine sẽ có những tổn thương điển hình:

  • Ủ bệnh trong vòng 7-10 ngày
  • Giai đoạn viêm long đường hô hấp: diễn ra trong vòng 1-2 tuần, khả năng lây lan mạnh nhất trong các giai đoạn. Triệu chứng rõ rệt là viêm long, ho khan (tăng dần 2-3 ngày cho đến thời kỳ toàn phát). Cơn ho sẽ không giảm với các thuốc thông thường.
  • Giai đoạn co thắt: kéo dài 2-4 tuần, đặc trưng bởi những cơn ho điển hình có 3 giai đoạn ho – thở rít – khạc đàm, sau mỗi cơn ho trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh.
  • Giai đoạn hồi phục: 1-3 tháng sau bệnh, ho suy giảm rồi hết dần. Một số trường hợp sẽ còn ho phản xạ giống ho gà trong vòng 6 tháng – 1 năm.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi chưa tiêm ngừa: triệu chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao, diễn tiến nhanh, ủ bệnh ngắn. Ho xảy ra kèm theo biểu hiện tím tái, ghi nhận một số trường hợp trẻ ngất xỉu, nhịp tim chậm, xuất hiện thể ho gà ác tính (suy hô hấp, suy đa cơ quan, biến chứng thần kinh, tỉ lệ tử vong 75%).
  • Trẻ em, người lớn đã tiêm chủng đầy đủ: tình trạng đáp ứng với bệnh khác nhau nên biểu hiện thường không đặc hiệu. 50% bệnh nhân sẽ có biểu hiện viêm long hô hấp, cơn ho ngắn thưa, ít ghi nhận thở rít, có ói sau ho.
ho gà ở trẻ sơ sinh
Triệu chứng ho gà ở trẻ sơ sinh

Biến chứng của ho gà ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ nhỏ, ho gà thường sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Một vài biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ khi bị ho gà là:

  • Viêm não, ít gặp, có nguy cơ tử vong cao
  • Viêm phổi
  • Mất nước
  • Khó thở, đôi lúc sẽ gây ngưng thở
  • Thoát vị ruột, sa trực tràng
  • Xuất huyết kết mạc

Một số dấu hiệu của biến chứng như ho kéo dài, ngừng thở đối lúc khiến các bậc cha mẹ chủ quan, không chịu đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa. Từ đó khiến tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn

Biến chứng của ho gà ở trẻ sơ sinh

Điều trị ho gà ở trẻ sơ sinh

Mục đích chính của việc điều trị là rút ngắn thời gian bệnh, thuyên giảm triệu chứng ho, hạn chế biến chứng và nguy cơ tử vong đồng thời bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Kháng sinh thường dùng là Macrolide, đồng thời kèm theo một số thuộc hỗ trợ điều trị triệu chứng như giảm ho (thuốc ho, globulin MD), tránh các yếu tố kích thích, bồi hoàn điện giải ở bệnh nhân nôn ói nhiều, cung cấp oxy với những trường hợp khó thở.

ho gà ở trẻ sơ sinh
Điều trị ho gà cho trẻ sơ sinh bằng thuốc

Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?

  • Trẻ ho nhiều cơn, thời gian kéo dài, trong cơn ho có đỏ hay tím tái mặt.
  • Ho nhiều kèm nôn ói nhiều, ăn uống kém.
  • Ngủ ít do ho nhiều liên tục cả ngày.
  • Khó thở, thở nhanh, thở gắng sức, có tiêng thở rít.

Phòng ngừa ho gà như thế nào?

Người bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời tránh lây lan sang cộng đồng, đặc biệt lây bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Mũi tiêm ho gà hiện tại đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia, cụ thể là mũi 5 trong 1. Ngoài ra các mũi tiêm dịch vụ như 6 trong 1, 4 trong 1,… cũng đã bao gồm ho gà. Do đó việc đưa bé chích đầy đủ và đúng lịch các mũi vaccine sẽ giúp bé giảm 90% nguy cơ lây nhiễm và tránh được các thể bệnh nặng.

ho gà ở trẻ sơ sinh
Cha mẹ cần đưa trẻ đi chích ngừa vaccine ho gà để phòng bệnh từ sớm

Một số bác sĩ có thể khám và chữa bệnh ho gà

  • PGS TS Nhan Trừng Sơn – Chủ tịch Hội tai mũi họng Nhi TP.HCM
  • Ths Bs Nguyễn Thanh Vũ – Giảng viên khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Bs Nguyễn Thành Đông – Phòng khám Tai mũi họng Thành Đông

Kết luận

Ho gà ở trẻ là một bệnh cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng quan trọng. Do đó, khi thấy trẻ ho gà lâu ngày không thuyên giảm, ba mẹ cần dẫn trẻ đến gặp các bác sĩ nhi khoa hoặc các bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

TS. BS. Hoàng Trường, BM Nhiễm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bài giảng Ho gà.

Ho gà: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị, VNVC.