Lao màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Lao màng phổi là một bệnh thường gặp trong nhóm lao ngoài phổi với các thể lâm sàng như tràn dịch và tràn khí màng phổi, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy hãy cùng Docosan tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh lao màng não như thế nào?

Lao màng phổi là gì?

Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao màng phổi cũng là một thể bệnh rất hay gặp.

Lao màng phổi thuộc nhóm bệnh lao ngoài phổi – là tổn thương lao nằm bên ngoài hai phổi, gồm các thể bệnh như: lao màng phổi, lao màng não, lao hạch, lao màng tim, lao ổ bụng, lao xương khớp, lao niệu sinh dục, lao da, lao tai mũi họng, lao hốc mắt, lao phần mềm …

Lao màng phổi do vi khuẩn lao (Mycobacterium  tuberculosis), đôi khi cũng có thể do những vi khuẩn lao không điển hình gây nên, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường là bệnh  xuất hiện thứ phát sau lao sơ nhiễm

Lao màng phổi

Nguyên nhân của bệnh lao màng phổi?

Lao màng phổi do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là vi khuẩn hiếu khí tuyệt đối, sinh sản chậm, nhưng tỷ lệ đột biến kháng thuốc cao nên cần phải cẩn thận trong điều trị để tránh tình trạng kháng thuốc xảy ra.

Đôi khi cũng có thể do những vi khuẩn lao không điển hình gây nên như Mycobacterium avium-intracellulare, M. abscessus, M. kansasii, …

lao mang phoi 2

Bệnh lao màng phổi có lây không?

Lao màng phổi là một thể bệnh của lao ngoài phổi – là tổn thương lao nằm bên ngoài hai phổi, gồm các thể bệnh như: lao màng phổi, lao màng não, lao hạch, lao màng tim, lao ổ bụng, lao xương khớp, lao niệu sinh dục, lao da, lao tai mũi họng, lao hốc mắt, lao phần mềm …

Nhóm bệnh lao ngoài phổi không phải bệnh truyền nhiễm và hầu như không lây truyền qua đường hô hấp như bệnh lao phổi.

Tuy nhiên cũng có trường hợp bệnh nhân không mắc bệnh lao màng phổi đơn thuần, mà đi kèm với bệnh lao phổi thì vẫn có thể lây bệnh cho người khác theo các con đường như lao phổi:

  • Tiếp xúc gần với những người bị lao có ho khạc đờm, đặc biệt có vi khuẩn lao trong đờm thì tỷ lệ lây lan rất cao.
  • Trẻ em dễ bị lây lao nhưng ít khi là nguồn lây.
  • Đường lây truyền bệnh lao:
  • Lây qua đường hô hấp: do hít phải chất tiết có chứa vi khuẩn lao khi ho khạc, hắt hơi hoặc nói chuyện.
  • Lây qua đường tiêu hoá: do sử dụng thực phẩm có chứa vi khuẩn lao như sữa không được tiệt trùng…
  • Lây qua tiếp xúc da niêm: vi khuẩn xâm nhập qua những vùng da bị tổn thương như đứt hay dập nát để rồi vào theo máu vào cơ thể và gây bệnh.
lao mang phoi 3

Bệnh lao màng phổi có nguy hiểm không?

Thể lâm sàng điển hình của lao màng phổi là tràn dịch màng phổi tự do, khó thở tăng dần và khám có hội chứng 3 giảm, dịch màng phổi màu vàng dịch tiết – lympho chiếm ưu thế hoặc các thể lâm sàng khác như tràn dịch + tràn khí màng phổi, lao màng phổi kết hợp lao phổi, lao đa màng và tràn dịch khu trú ở rãnh liên thùy, vùng nách, … đều nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, chưa kể đến những biến chứng của bệnh lao màng phổi cũng là một mối đe dọa không nhỏ như tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phủ màng phổi, dày dính dịch nhiều ở màng phổi và ổ cặn màng phổi. Do đó, việc phát hiện sớm và kịp thời điều trị bệnh là vô cùng quan trọng.

lao mang phoi 4

Triệu chứng của bệnh lao màng phổi?

– Hội chứng nhiễm lao chung: ho, sốt về chiều, ăn uống kém, mệt mỏi, sụt cân.

  • Ho: kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng giúp nghĩ đến bệnh lao quan trọng nhất. Ho cũng là triệu chứng thường gặp: ban đầu có thể ho khan khi bệnh tiến triển có thể ho có đờm.
  • Mệt mỏi: tăng dần từng ngày đến sau vài tuần bệnh nhân hầu như chỉ muốn nghỉ ngơi không thể hoạt động.
  • Sốt: thường nhẹ, hiếm khi sốt cao 40°C , nhiệt độ thường thấp vào buổi sáng và cao vào buổi chiều nên mọi người hay gọi là sốt về chiều
  • Sụt cân: sụt kí dần dần, nếu không điều trị sẽ sụt nhanh trong vòng vài tháng, có thể mất gần 50% trọng lượng cơ thể hoặc hơn.
  • Đổ mồ hôi nhiều: ra mồ hôi “trộm” ban đêm, có thể tiếp diễn dù đã sau vài tháng điều trị.

– Triệu chứng khác: có thể không khó thở mà chỉ có cảm giác nặng ngực, khó thở từ nhẹ đến nặng, đôi khi phải ngồi mới dễ thở, đau nhức vai hoặc vùng xương sườn tương ứng bên tràn dịch.

– Hội chứng 3 giảm bên phổi tràn dịch (rung thanh giảm, âm phế bào giảm, gõ đục)

Chẩn đoán lao màng phổi như thế nào?

Cận lâm sàng:

  • Xác định được AFB trong mẫu bệnh phẩm đờm bằng phương pháp soi trực tiếp hoặc nuôi cấy
  • X quang ngực thẳng
  • Siêu âm màng phổi
  • Xét nghiệm dịch màng phổi

Điều trị bệnh lao màng phổi như thế nào?

  • Xử lý cấp cứu: chọc hút dịch màng phổi khi bệnh nhân có khó thở, tức ngực nhiều.
  • Điều trị thuốc kháng lao theo hướng dẫn Chương Trình Chống Lao Quốc Gia.
  • Tập thở thổi bong bóng, phục hồi chức năng phổi
  • Hút dịch màng phổi: chọc hút dịch sớm 1 đến 2 lần, mỗi lần không nên hút quá 700ml vì hút nhiều có thể gây shock tim, phù phổi cấp.
  • Tái khám sau thời gian điều trị khoảng 1 tháng
  • Cân nhắc can thiệp ngoại khoa khi lao màng phổi có biến chứng như ổ cặn, rò màng phổi thành ngực, rò màng phổi phế quản, can thiệp qua nội soi (VATS), bóc vỏ màng phổi, mở cửa sổ màng phổi.

Phác đồ điều trị lao màng phổi theo hướng dẫn Chương Trình Chống Lao Quốc Gia

4 thuốc được sử dụng trong các phác đồ điều trị lao màng phổi không kháng thuốc gồm:

  • Isoniazid (H)
  • Rifampicin (R)
  • Pyrazinamide (Z)
  • Ethambutol (E)

Phác đồ A1: 2RHZE/4RHE

  • Hướng dẫn:
    • Giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày.
    • Giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng, gồm 3 loại thuốc là R, H và E dùng hàng ngày.
  • Chỉ định: cho các trường hợp bệnh lao người lớn không có bằng chứng kháng thuốc.

Phác đồ A2: 2RHZE/4RH

  • Hướng dẫn:
    • Giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng, gồm 4 loại thuốc dùng hàng ngày.
    • Giai đoạn duy trì kéo dài 4 tháng, gồm 2 loại thuốc là R và H dùng hàng ngày.
  • Chỉ định: cho các trường hợp bệnh lao trẻ em không có bằng chứng kháng thuốc.
lao mang phoi 5

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo