Ngưng thở khi ngủ: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngưng thở khi ngủ là một căn bệnh thường gặp ở Việt Nam. Tình trạng bệnh kéo dài không những ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, mà còn ảnh hưởng về tinh thần của cả bệnh nhân và người thân.

Việc trang bị kiến thức cần thiết để nhận biết khi nào bị ngưng thở khi ngủ, cách xử trí như thế nào là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giấc ngủ cho bệnh nhân, từ đó bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng Docosan tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Triệu chứng của ngưng thở khi ngủ

Những bệnh lý khi thức thường chiếm được sự quan tâm nhiều hơn những bệnh lý biểu hiện trong lúc chúng ta ngủ. Cái tên của bệnh lý đã nói lên đặc trưng của nó: ngưng thở khi ngủ, nghĩa là sự ngưng thở xảy ra khi bệnh nhân ngủ.

Đặc điểm cơn ngưng thở ở mỗi người là khác nhau, ngoài những cơn ngưng thở ra thì bệnh nhân còn các triệu chứng khác như ngáy ngủ, vật vã trong đêm, thức giấc giữa đêm, … Các triệu chứng xuất hiện khác nhau ở mỗi người.

ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ ban đêm gián tiếp gây tai nạn giao thông

Ngáy ngủ là một trong những biết hiện đầu tiên của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Chúng ta cần nhớ rằng, khi mà bị hẹp đường thở thì một người mới tạo ra tiếng ngáy. Và rồi khi ngáy do đường thở bị hẹp, bệnh nhân sẽ bị thức giấc giữa đêm do xuất hiện sự ngưng thở.

Khi bệnh nhân thức giấc, các cơ đường thở co lại, người bệnh lại thở được bình thường và chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, khi ngủ, các cơ lại giãn ra và vòng quay thức ngủ lặp lại mãi, người bệnh ngủ không ngon giấc, dẫn đến buồn ngủ nhiều vào ban ngày.

Các nhóm dấu hiệu ngưng thở khi ngủ

Nhóm dấu hiệu vào ban đêm

  • Ngáy lớn, ngáy kéo dài, âm sắc tiếng ngáy thay đổi, ngáy gián đoạn
  • Thở gián đoạn, thử hổn hển
  • Tiểu đêm nhiều lần
  • Thức giấc giữa đêm, gián đoạn giấc ngủ
  • Giấc ngủ không sâu, mơ màng

Nhóm dấu hiệu ban ngày

  • Không sảng khoái khi thức giấc buổi sáng
  • Đau đầu khi mới thức giấc
  • Buồn ngủ ban ngày, ngủ gật, mệt mỏi
  • Mất chú ý, mất tập trung, giảm trí nhớ
  • Giảm ham muốn, dễ bị kích thích, lo lắng, buồn bã, …
ngưng thở khi ngủ
Buồn ngủ ban ngày, ngủ gật, mệt mỏi

Nhóm dấu hiệu khi khám

  • Béo phì, dư cân
  • Cổ to, vòng cổ > 40 cm
  • Vẹo vách ngăn mũi, polip mũi, …
  • Amidan lớn, họng chật chội, lưỡi lớn che họng khi há miệng
  • Cằm nhỏ, cằm lẹm
  • Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim

Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ

Bảng câu hỏi tầm soát

Đầu tiên, bạn có thể tự đánh giá mình/ người thân có bị ngưng thở khi ngủ hay không bằng bảng câu hỏi, hai bảng câu hỏi thường được sử dụng là STOP-BANG và thang điểm EPWORTH.

  • Bảng câu hỏi STOP-BANG gồm 8 câu hỏi, mỗi câu trả lời có thì tính 1 điểm. Điểm số sẽ cho bạn đánh giá sơ bộ về khả năng bị ngưng thở khi ngủ. Với tổng điểm từ 3 đến lớn hơn 3, khả năng cao bạn bị ngưng thở khi ngủ.
    • Snoring- Bạn có ngáy lúc ngủ không?
    • Tired – Bạn có mệt mỏi, buồn ngủ ngày không?
    • Observed apnea – Người khác có thấy bạn ngưng thở khi ngủ không?
    • Pressure – Bạn có bị cao huyết áp không?
    • BMI – Chỉ số khối cơ thể của bạn có lớn hơn 35kg/m2 không?
    • Age – Tuổi của bạn có trên 50 không?
    • Neck – Vòng cổ của bạn có trên 40 cm không?
    • Gender – Bạn có phải đàn ông không?
ngưng thở khi ngủ
Bảng khảo sát đánh giá tình trạng ngưng thở khi ngủ
  • Thang điểm EPWORTH giúp bạn tự đánh giá mức độ buồn ngủ ban ngày. Bạn sẽ lần lượt trả lời 8 câu hỏi tình huống bằng số điểm chỉ mức độ : Không buồn ngủ (0); Hiếm khi buồn ngủ (1); Đôi khi buồn ngủ (2); Rất dễ buồn ngủ (3). Nếu tổng điểm lớn hơn hoặc bằng 12 thì bạn là người buồn ngủ ngày nhiều.
Các tình huốngMức độ
Đang đọc sách báo0 1 2 3
Đang xem ti vi0 1 2 3
Đang ngồi yên ở nơi công cộng (rạp chiếu phim, buổi họp)0 1 2 3
Đang ngồi trong xe hơi/ xe đò chạy liên tục trong 1 giờ0 1 2 3
Đang nằm nghỉ trưa0 1 2 3
Đang ngồi nói chuyện với ai đó0 1 2 3
Đang ngồi nghỉ ngơi sau khi dùng bữa không có rượu bia0 1 2 3
Đang ngồi trong xe hơi, xe đò khi dừng vài phút do kẹt xe0 1 2 3
Thang điểm EPWORTH đánnh giá mức độ buồn ngủ ban ngày

Xét nghiệm khẳng định chứng ngưng thở khi ngủ

Người có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cần làm thêm xét nghiệm đa ký giấc ngủđa ký hô hấp khẳng định để tiến đến điều trị.

  • Đa ký hô hấp: Dùng để khẳng định bệnh nhân có cơn ngưng thở, giảm thở qua đường mũi, miệng hay không. Song song với cơn ngưng thở, thiết bị còn cho biết những biến động về mức oxy trong máu và rối loạn nhịp tim. Không những vậy máy đa ký hô hấp còn cho biết sự tồn tại của cơn ngưng thở khi bệnh nhân đổi tư thế nằm nghiêng, ngửa, sấp.

Đa ký hô hấp có thể thực hiện ở nhà, người bệnh không nhất thiết phải ngủ ở bệnh viện, phòng khám. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm vẫn chưa đủ để kết luận về trạng thái giấc ngủ. Để giải quyết những dư liệu còn thiếu, các dữ liệu từ máy Đa ký giấc ngủ cho phép chẩn đoán chính xác chứng ngưng thở lúc ngủ.

  • Đa ký giấc ngủ: Những dữ liệu thu được gồm điện não đồ, chuyển động mắt, điện tim, chuyển động tay chân, lượng oxy trong máu, theo dõi cơn ngưng thở. Hơn nữa, đa ký giấc ngủ còn cho một số bằng chứng về các tình trạng giấc ngủ khác như nghiến răng, mộng du, động kinh, …
ngưng thở khi ngủ
Đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán xác định ngưng thở khi ngủ

Những điều bạn cần nhớ

  • Ngáy và thở gián đoạn trong đêm là triệu chứng chính của ngưng thở khi ngủ
  • Các nhóm triệu chứng ban đêm, ban ngày, nhóm triệu chứng khi khám bệnh góp phần chẩn đoán ngưng thở khi ngủ
  • Bảng câu hỏi STOP – BANG và EPWORTH góp phần tầm soát ngưng thở khi ngủ
  • Chẩn đoán chính xác ngưng thở lúc ngủ cần dùng đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.