Phế quản phế viêm là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Phế quản phế viêm là tình trạng viêm tại nhu mô phổi, thường do vi khuẩn, virus, nấm hoặc các tác nhân khác gây ra. Bệnh nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Sau đây, hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về bệnh phế quản phế viêm qua bài viết dưới đây nhé!

Phế quản phế viêm là gì?

Viêm phổi là bệnh cảnh tổn thương các tổ chức của phổi như phế nang, các tổ chức kẽ và các tiểu phế quản ở tận. Viêm phổi được chia thành 2 dạng gồm: Viêm phổi thùy và Phế quản phế viêm. 

Phế quản phế viêm hay còn gọi là viêm phế quản phổi hay viêm phổi đốm là một dạng của bệnh viêm phổi, có tình trạng viêm cấp tính, tổn thương ở phổi, vách phế quản, phế nang phổi và cả các mô kẽ. 

Yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh phế quản phế viêm:

  • Người có cơ địa yếu như người già, trẻ suy dinh dưỡng, người nhiễm HIV/AIDS, suy giảm miễn dịch.
  • Người có tiền sử các bệnh đường hô hấp mạn tính như viêm phế quản mạn, giãn phế quản, hen phế quản,…
  • Thường xuất hiện vào mùa lạnh, giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường vì đây là khoảng thời gian vi khuẩn, virus phát triển và phát tán mạnh, tấn công vào hệ hô hấp tiến tới các quản, phế nang phổi gây viêm nhiễm. 

Phế quản phế viêm có nguy hiểm không?

Phế quản phế viêm gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, sẽ kéo dài nếu không được điều trị kịp thời, ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc hàng ngày và nặng hơn nữa là dẫn đến những biến chứng phức tạp, đe dọa tính mạng con người như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, viêm màng não, …

Nguyên nhân gây bệnh phế quản phế viêm

phế quản phế viêm
Phế quản phế viêm là bệnh gì, có nguy hiểm không?
  • Nguyên nhân thường gặp nhất của phế quản phế viêm là do sự xâm nhập của vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào trong niêm mạc đường hô hấp. Các vi khuẩn thường gây viêm đường hô hấp bao gồm: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, …   
  • Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp phế quản phế viêm do virus như: HSV, Coronavirus, Enterovirus, …
  • Hoặc do các tác nhân vật lý như: do nhiệt, xạ trị, chấn thương lồng ngực, không khí quá khô, quá ẩm, quá nóng, …
  • Và các tác nhân hóa học như: chất kích ứng ở dạng khí, bụi, hoá chất, khói thuốc lá, khói xe,… 
  • Ngoài ra các nguyên nhân bên trong cơ thể gây ra sự hoại tử các mô hô hấp như: tắc nghẽn, xuất huyết mạch máu phổi, viêm tắc động mạch phổi, …

Triệu chứng của phế quản phế viêm

Các triệu chứng của bệnh phế quản phế viêm thường phát triển từ nhẹ tới nặng, thay đổi theo từng giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn ủ bệnh

Triệu chứng bệnh giai đoạn này thường không rõ ràng hoặc không có, có thể xuất hiện một số biểu hiện thông thường, ít nghĩ tới bệnh như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ho khan, ho đờm, sốt nhẹ,…

  • Giai đoạn khởi phát

Sau thời gian ủ bệnh, bệnh nhân có thể phải đối diện với nhiều dấu hiệu nặng hơn và khó chịu khác như bụng bị chướng, chán ăn, đau tức ngực, khó thở, da tím tái, sốt cao hơn,…

  • Giai đoạn toàn phát
phế quản phế viêm
Phế quản phế viêm là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Các triệu chứng bệnh xuất hiện một cách rõ ràng và gây nhiều nguy hiểm như ho liên tục, sốt cao lên tới 40 độ C, kèm theo hiện tượng co giật, hôn mê, trẻ nhỏ có thể có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn trớ. Lúc này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đe dọa tới tính mạng.

Điều trị phế quản phế viêm

Khi đi khám bệnh nếu các triệu chứng của người bệnh gợi ý nhiều nguyên nhân do vi khuẩn như ho đờm mủ, sốt cao, … bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc kháng sinh như Azithromycin, Clarithromycin, Erythromycin, Levofloxacin, Ceftriaxone, Doxycycline.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc mà người bệnh có thể sử dụng để cải thiện tình trạng bệnh hiện tại như thuốc giãn phế quản, các loại thuốc cắt cơn dự phòng ho, long đờm và thuốc hạ sốt nếu cần… cần lưu ý uống theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng dùng. Không nên tự ý mua thuốc ngoài để uống khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

Đối với các trường hợp bệnh phế quản phế viêm nặng: bệnh nhân có thể phải điều trị nội trú tại bệnh viện, dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch, có thể phải thở oxy, thậm chí là cần lọc máu…

phế quản phế viêm
Phế quản phế viêm là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Tóm lại khi có những biểu hiện bất thường nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có những phương pháp điều trị tốt nhất.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lí cho người bệnh: nên ăn những đồ ăn dễ tiêu hóa, đồ ăn lỏng và nên uống nhiều nước đun sôi để nguội, vừa phòng chống mất nước vừa làm tăng thải các độc tố ra khỏi cơ thể mà dịch đờm cũng được tống ra ngoài dễ dàng hơn, giảm rát, khô cổ họng.

Phế quản phế viêm là một dạng của bệnh viêm phổi, có tình trạng viêm cấp tính, tổn thương ở phổi, vách phế quản, phế nang phổi và cả các mô kẽ. Các triệu chứng của bệnh phế quản phế viêm thường phát triển từ nhẹ tới nặng, thay đổi theo từng giai đoạn bệnh. Điều trị cần phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự mua thuốc uống bên ngoài. 

Nguồn: vhea.org.vn, bcare.vn, chuyenkhoahohap.net

Contact Me on Zalo