Trẻ ho có đờm là một triệu chứng thường gặp ở các bé, nhất là vào những thời điểm giao mùa trong năm. Nếu không biết cách xử trí, ba mẹ có thể để trẻ mắc bệnh nặng hơn và lâu khỏi hơn. Vậy hãy tham khảo bài viết này của Doctor có sẵn để biết cách chăm sóc đúng cách và phòng ngừa cho trẻ về sau nhé
Tóm tắt nội dung
Trẻ ho có đờm có nguy hiểm không?
Trẻ em rất hay bị ho có đờm do hệ miễn dịch của các em còn non nớt, dễ bị các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Khi vi khuẩn, virus, bụi bẩn,… xâm nhập qua đường hô hấp, hệ miễn dịch sẽ phản ứng và cô lập chúng tạo ra đờm, khi có quá nhiều đờm trong đường hô hấp sẽ kích thích phản ứng ho để trẻ tống các chất nhầy, hoặc dị vật ra ngoài.
Do đó, trẻ ho có đờm là một triệu chứng bình thường của cơ thể, giúp bé chống lại tác nhân gây bệnh, ba mẹ không nên quá hoảng loạn mà hãy bình tĩnh theo dõi. Khi trẻ ho có đờm mà có thêm các dấu hiệu sau đây ba mẹ cần chú ý đưa trẻ đi khám ngay:
- Lừ đừ, li bì, hôn mê
- Bỏ bú, bỏ ăn
- Nôn ói tất cả mọi thứ
- Co giật
- Sốt cao
- Khó thở, thở nhanh, khò khè
- Tím tái
- Ho ra máu
- Dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng, khóc không ra nước mắt, uống nước háo hức, tiểu ít, không đi tiểu,…
Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, chơi đùa, ăn bú được, không sốt, không quấy khóc mà chỉ ho có đờm thì đây có thể là triệu chứng thông thường, chưa có dấu hiệu nguy hiểm. Thậm chí bé có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần uống thuốc, phụ huynh nên chăm sóc, theo dõi bé như dưới đây.
Xử trí khi trẻ ho có đờm
Khi trẻ ho có đờm, hãy quan sát tính chất, số lượng cơn ho để biết cơn ho có nặng hơn hay nhẹ đi qua thời gian, đồng thời nhìn màu sắc của đờm vì tính chất của đờm đôi khi cũng gợi ý nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh quan sát triệu chứng ho có đờm, hãy chú ý những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ em đã đề cập ở trên như: trẻ có lừ đừ, li bì, hôn mê; bỏ bú, bỏ ăn; nôn ói tất cả mọi thứ; co giật; sốt cao hay không để đưa trẻ đi khám bệnh ngay.
Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm: Uống nhiều nước có hai tác dụng chính là bổ sung nước đầy đủ, giúp cơ thể không bị thiếu nước, nhất là khi sốt trẻ sẽ bị mất nhiều nước, đồng thời nước ấm còn giúp làm loãng đờm, nhờ vậy trẻ sẽ tống chất đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra có thể bổ sung các loại thực phẩm như canh, nước ép trái cây vào thực đơn cho trẻ.
Thường xuyên vệ sinh mũi miệng bằng nước muối sinh lý: Rửa mũi, miệng bằng nước muối sinh lý, dụng cụ chuyên dụng để hút dịch nhầy hỏi mũi của bé giúp mũi, họng thông thoáng và hạn chế viêm nhiễm. Trước khi vệ sinh mũi cần hút hết nước mũi, không để nước mũi chảy ngược vào trong khoang mũi.
Giữ ấm đầy đủ cho bé: Trẻ ho có đờm thường do bị viêm nhiễm đường hô hấp, rất hay gặp vào thời điểm giao mùa, khi không khí lạnh và khô tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển và phân tán ra khắp nơi. Vì vậy ba mẹ hãy nhớ giữ ấm đầy đủ, không để trẻ mặc quần áo phong phanh khi trời lạnh sẽ dễ khiến bé bị cảm lạnh.
Giữ cho phòng đủ độ ẩm, đặc biệt là khi sử dụng điều hòa. Có thể sử dụng máy tạo ẩm phun sương để làm ẩm không khí liên tục.
Không để trẻ tiếp xúc với bụi bẩn, ba mẹ hãy dọn dẹp phòng ốc, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng, đồ chơi cho trẻ. Không được để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, hạn chế để trẻ tiếp xúc với những người bị cảm hay viêm mũi cấp tính hoặc đưa trẻ đến nơi đông người.
Bổ sung nhiều rau sạch và hoa quả vào chế độ ăn để trẻ tăng cường hệ miễn dịch. Nên cho trẻ ăn các thực phẩm loãng, dễ tiêu hoá trong thời gian này, tránh các thực phẩm khô cứng, thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ.
Các phương pháp trên có thể giúp trẻ bớt ho và mau khỏi bệnh nhanh chóng hơn. Trẻ ho có đờm thường sẽ tự hết sau 7 ngày, nếu trẻ vẫn ho kéo dài hoặc xuất hiện các triệu chứng nặng hơn hãy đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Cách để phòng tránh trẻ ho có đờm
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, ba mẹ có thể bảo vệ con khỏi các tác nhân gây bệnh bằng cách nâng cao hệ miễn dịch của trẻ, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh cụ thể như sau:
- Cho trẻ chơi ít nhất một môn thể thao hoặc vận động thường xuyên.
- Giữ gìn vệ sinh, đảm bảo môi trường sống thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ để không khí lưu thông tốt.
- Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, không hạ nhiệt độ máy lạnh quá thấp.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc thường xuyên ở môi trường đông người, những nơi có ổ dịch bệnh hay những nơi có không khí ô nhiễm, khói thuốc.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý đầy đủ các khoáng chất, vitamin, rau xanh, trái cây,… sẽ giúp trẻ hoàn thiện về mặt thể chất cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
- Điều trị dứt điểm những bệnh lý hô hấp thường gặp như viêm họng, viêm amidan, cảm cúm cho trẻ.
- Chích ngừa cho bé đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng.
Trẻ ho có đờm là vấn đề các bậc phụ huynh đều sẽ gặp trong quá trình chăm lo con em trưởng thành. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho có đờm như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi,… do các tác nhân vi khuẩn, virus, bụi bẩn, khói thuốc lá,… Tốt hơn hết hãy chú ý phòng bệnh cho trẻ vì phòng bệnh đơn giản và hiệu quả hơn chữa bệnh.
Xem thêm: Thuốc Bisolvon: công dụng, liều dùng, lưu ý khi sử dụng
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: NHS