Bệnh u hạt (tiếng Anh là Sarcoidosis) là một tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển của những tập hợp các tế bào viêm ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể, thường gặp nhất ở phổi và hạch bạch huyết, Vậy đây là bệnh gì? Nguyên nhân và triệu chứng như thế nào? Cách điều trị ra sao? Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Bệnh u hạt là gì?
Bệnh u hạt đặc trưng bởi sự phát triển của những tập hợp các tế bào viêm ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể, thường gặp nhất ở phổi và hạch bạch huyết Tuy nhiên, chúng cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, da, tim và các cơ quan khác.
Nguyên nhâu gây bệnh u hạt vẫn chưa rõ, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là kết quả của phản ứng miễn dịch với một số chất không xác định.
Không có phương pháp điều trị dứt điểm u hạt, nhưng hầu hết bệnh nhân đều sống tốt mà không cần điều trị hoặc điều trị rất ít. Một số bệnh nhân tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể kéo dài nhiều năm và làm tổn thương đến những cơ quan khác trên cơ thể.
Nguyên nhân gây nên bệnh u hạt
Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng u hạt vẫn chưa được xác định. Một số người cũng có xu hướng di truyền dễ mắc bệnh, khởi phát do vi khuẩn, virus hoặc hít phải khói bụi, hóa chất độc hại.
Điều này thúc đẩy hệ miễn dịch của bệnh nhân phản ứng quá mức, và các tế bào miễn dịch bắt đầu tập trung trong ổ viêm, gọi là u hạt. Khi u hạt hình thành bên trong cơ quan, có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan đó.
Một số đối tượng cũng có nguy cơ cao bị mắc bệnh là:
- Nữ giới ở độ tuổi từ 20 đến 60. Tuy nhiên nam giới cũng có thể bị u hạt.
- Nếu người thân trong gia đình từng bị bệnh thì nguy cơ cao thế hệ sau cũng sẽ bị mắc bệnh
Triệu chứng của bệnh u hạt
Các triệu chứng của bệnh u hạt sẽ khác nhau tùy thuộc vào cơ quan mà bệnh gây ảnh hưởng. Phần lớn các trường hợp, triệu chứng sẽ xuất hiện và biến mất một cách đột ngột.
Một số người không có bất kỳ triệu chứng nào và tình trạng bệnh chỉ được phát hiện khi người bệnh thực hiện chẩn đoán bởi phương pháp chụp X-quang nhằm tìm kiếm các bệnh lý khác.
Một số bệnh nhân nhận thấy rằng các triệu chứng của họ phát triển dần dần và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, đến mức họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều u hạt có thể hình thành trong một cơ quan và khiến cho cơ quan này không hoạt động bình thường. Đây được gọi là bệnh u hạt mãn tính
Các triệu chứng của bệnh có thể được phát hiện nhiều nhất ở phổi, da và hạch bạch huyết
Các triệu chứng của u hạt ở phổi
Một số triệu chứng của tình trạng u hạt ở phổi là:
- Ho khan
- Khó thở
- Thở khò khè
- Cảm giác đau ngực
Các triệu chứng của u hạt ở trên da
Một số triệu chứng của tình trạng u hạt ở trên da là:
- Nổi mẩn đỏ hoặc đỏ tía, thường nằm trên cẳng chân hoặc mắt cá chân, có thể ấm và mềm khi chạm vào
- Tổn thương dạng loét trên mũi, gò má và tai
- Những vùng da sậm hoặc sáng màu hơn
- Nốt (u hạt) dưới da, thường quanh sẹo hoặc hình xăm trên da
Các triệu chứng của u hạt ở mắt
Một số triệu chứng của ở mắt là:
- Khô mắt
- Ngứa mắt
- Đau mắt
- Thị lực bị suy giảm
- Cảm giác nóng rát ở mắt
- Đỏ mắt nặng
- Nhạy cảm với ánh sáng
Các triệu chứng của u hạt ở hệ tim mạch
Một số triệu chứng của u hạt ở hệ tim mạch là:
- Đau ngực
- Khó thở
- Choáng
- Mệt mỏi
- Rối loạn nhịp tim
- Đánh trống ngực
- Phù do quá tải dịch
Bệnh u hạt còn ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá can xi, hệ thống thần kinh, gan và lách, cơ xương khớp, thận, hạch bạch huyết hay bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể.
Biến chứng của tình trạng u hạt
Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi bệnh u hạt diễn biến phức tạp là:
- Xơ hoá phổi
- Tổn thương võng mạc
- Đục thủy tinh thể
- Bệnh tăng nhãn áp
- Sỏi thận
- Suy thận
- Nhịp tim bất thường
- Liệt mặt (liệt dây thần kinh VII)
Chẩn đoán bệnh u hạt như thế nào?
Bệnh u hạt có thể rất khó chẩn đoán do trong giai đoạn đầu bệnh chỉ có một vài triệu chứng, hoặc các triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh lý khác. Do đó các bác sĩ sẽ tiến hành nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh. Các bác sĩ sẽ tiến hành:
- Hỏi bệnh sử, các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân
- Khám tổng quát tìm kiếm các hạch bạch huyết bị sưng; sử dụng ống nghe để kiểm tra tim và phổi của người bệnh; kiểm tra gan và lá lách của người bệnh và các sang thương da.
Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các phương pháp khác để chẩn đoán bệnh u hạt:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá sức khoẻ tổng quát và kiểm tra chức năng gan – thận của bệnh nhân
- Chụp X- quang
- Chụp CT
- Kiểm tra chức năng của phổi bằng cách đo thể tích phổi và lượng oxy trong mạch máu
- Điện tâp đồ để phát hiện các vấn đề ở tim và theo dõi tình trạng tim
- Kiểm tra mắt để phát hiện các vấn đề về thị giác có thể là hệ quả của bệnh u hạt
- PET (Positron emission tomography) hay chụp cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging – MRI) nếu bệnh có ảnh hưởng đến tim hoặc hệ thần kinh trung ương
- Sinh thiết sang thương
Điều trị bệnh u hạt như thế nào?
Với nhiều người thì bệnh u hạt có thể tự hết trong vài tháng hoặc vài năm mà không cần thông qua bất kì phương pháp điều trị nào.
Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch để giảm bớt tình trạng viêm nhiễm. Thuốc giảm đau như paracetamol hay ibuprofen cũng có thể được bác sĩ chỉ định để kiểm soát các cơn đau cấp tính.
Các bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng của người bệnh thường xuyên để đảm bảo rằng các triệu chứng của bệnh không trở nên tồi tệ đi theo thời gian.
Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh.
Kết luận
U hạt là một căn bệnh khó lường, người bệnh không nên chủ quan. Do đó, người bệnh cần tìm đến các bác sĩ hô hấp hoặc các phòng khám đa khoa gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Một số bác sĩ có thể khám và điều trị bệnh u hạt
- Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Hồ Chí Minh.
- Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hồng Anh, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài viết được tham khảo từ Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hồng Anh và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com.
Nguồn tham khảo: NHS.uk, Mayoclinic.org, Healthline.com