Vi khuẩn lao được tìm thấy bởi bác sĩ Robert Koch tại Berlin nước Đức vào năm 1882. Khi đó bệnh lao đang tàn phá khắp Châu Âu và Châu Mỹ với tỷ lệ cứ 7 người sống sẽ có 1 người chết vì bệnh lao. Phát hiện này đã tạo nên một tiếng vang lớn đối với lịch sử nghiên cứu bệnh Lao trên toàn thế giới. Vậy vi khuẩn lao tồn tại trong không khí bao lâu? Có cách diệt vi khuẩn lao hay không? Cơ chế gây bệnh của chúng là gì? Chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu trong bài đọc sau đây cùng Docosan nhé.
Tóm tắt nội dung
Vi khuẩn lao là gì?
Vi khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis (hay còn gọi tắt là BK: Bacille de Kock) thuộc họ Mycobacteriaceae. Vi khuẩn lao được phát hiện dưới kính hiển vi nhờ đặc tính bắt màu phẩm nhuộm của chúng. Hiện nay có nhiều kỹ thuật nhuộm phải kể đến như: nhuộm carbol – fuchsin (Ziehl – Neelsen, Kinyoun), nhuộm huỳnh quang (fluorochrome staining).
Để biết cách phòng ngừa cũng như hiểu hơn về vi khuẩn lao, chúng ta cần phải nắm được các đặc tính về cấu tạo vi khuẩn lao:
- Dạng hình que, đôi khi có thể thấy hạt hay dạng sợi phân nhánh, sắp xếp không theo trật tự nhất định.
- Chiều dài chỉ từ 3µm đến 5µm, rộng 0,3µm – 0,5µm.
- Không có vỏ, không lông, bất động và không có khả năng sinh nha bào. Ưa khí tuyệt đối, mọc tốt nhất ở 37 độ C, pH 6.7 – 6.9.
- Thời gian sinh sản chậm từ 15 – 22 tiếng.
Vi khuẩn lao có sức đề kháng cao, khả năng sinh sống thay đổi trong các môi trường khác nhau:
- Acid, alcol, base và các thuốc sát khuẩn khó diệt được vi khuẩn.
- Trong rác ẩm ướt, trực khuẩn lao sống được 4 tháng.
- Trong dịch dạ dày sống được 6 giờ.
- Trong đàm khô, trực khuẩn lao sống được 2 tháng (do đó người bệnh lao phải dùng ống nhổ riêng, tốt nhất là loại có nắp đậy kín).
- Trong các hạt đàm nhỏ bay lơ lửng vi khuẩn có thể lây nhiễm cho người khác trong khoảng 8 – 10 ngày.
- Dưới ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vi khuẩn bị chết sau 50 phút.
- Ở 80 độ C, vi khuẩn chết sau 10 phút.
Đường lây truyền của vi khuẩn lao
Vi khuẩn lao lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp (giọt nước bọt, đàm, bụi có vi khuẩn gây bệnh lao,…) và đường ăn uống (uống sữa nhiễm vi khuẩn lao, trẻ em nuốt phải đàm có mang vi khuẩn lao,…). Ngoài ra, vi khuẩn lây truyền qua đường da bị tổn thương, niêm mạc và kết mạc mắt cũng đã được ghi nhận.
Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao
Không phải tất cả mọi người nhiễm lao đều phát tán bệnh. Vì thế, người ta chia thành 2 tình trạng chính liên quan đến người nhiễm khuẩn lao: nhiễm lao thể tiềm ẩn và bệnh lao.
- Nhiễm lao thể tiềm ẩn: đa phần các trường hợp nhiễm lao là thể tiềm ẩn không triệu chứng, chỉ khoảng 10% những người này trong cuộc đời họ sẽ tiến triển thành bệnh lao có triệu chứng. Người nhiễm lao thể tiềm ẩn không có khả năng lây truyền vi khuẩn cho những người khác. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi, chỉ cần một vi khuẩn lao phát triển trong cơ thể và sinh sản thì người này sẽ chuyển từ nhiễm lao dạng tiềm ẩn sang mắc bệnh lao thực sự.
- Bệnh lao: bệnh diễn ra khi vi khuẩn bắt đầu hoạt động và hệ miễn dịch không thể ngăn cản sự tăng trưởng của chúng. Những người mắc bệnh lao sẽ biểu hiện triệu chứng của bệnh và có khả năng lây truyền vi khuẩn cho những người khác.
Bệnh lao xảy ra khi cơ thể suy yếu, điều kiện làm việc và sinh hoạt không tốt. Vì vậy trình độ vệ sinh, điều kiện lao động và mức sống ảnh hưởng lớn đến khả năng mắc bệnh và điều trị bệnh. Đối với đa số người nhiễm vi khuẩn lao, khả năng phát triển thành bệnh lao là rất thấp, trong số đó có những người có thể phát triển thành bệnh lao sau khi nhiễm từ vài tuần đến vài tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.
Cách diệt vi khuẩn lao và phòng tránh nhiễm
Vi khuẩn lao là một loại vi khuẩn có sức đề kháng cao, chúng có thể sống trong môi trường thuận lợi từ vài tháng thậm chí cả vài năm trong môi trường phòng thí nghiệm. Hóa trị liệu đặc hiệu là điều trị chính đối với người mắc bệnh lao. Ngoài biện pháp trên người mắc bệnh lao trong quá trình điều trị cần phải thực hiện các cách sau để giúp bạn bè và gia đình của bạn không mắc phải:
- Ở nhà: Không đi làm, đi học hoặc ngủ trong phòng với người khác trong vài tuần đầu điều trị.
- Thông thoáng phòng ở: Vi trùng lao dễ lây lan hơn trong những không gian nhỏ khép kín, nơi không khí không có đường ra. Nếu ngoài trời không quá lạnh, hãy mở cửa sổ và dùng quạt để thổi không khí trong nhà ra bên ngoài.
- Che chắn khi ho: Dùng khăn giấy để che miệng bất cứ khi nào bạn cười, hắt hơi hoặc ho. Cho khăn giấy bẩn vào túi, buộc kín và vứt đi.
- Mang khẩu trang: Đeo khẩu trang khi ở gần người khác trong ba tuần đầu điều trị có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền.
Cách diệt vi khuẩn lao cơ bản nhất đối với người chưa mắc bệnh lao đó chính là tăng sức đề kháng của bản thân. Một cơ thể khỏe mạnh là mấu chốt của việc phòng tránh bệnh lao cũng như tiêu diệt ngăn không cho vi khuẩn phát triển ngay từ những bước đầu tiên:
- Cải thiện chất lượng đời sống, chế độ làm việc và sinh hoạt khoa học.
- Nguồn dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là các thức ăn tăng cường hệ miễn dịch như thịt, cá, trứng, sữa.
- Tập thể dục đều đặn.
- Tránh xa rượu bia thuốc lá.
- Tiêm ngừa vắc-xin BCG.
Phòng khám lao phổi
- Trung tâm điều trị bệnh hô hấp phổi Việt – Q.10
- Bệnh viện quốc tế City – City International Hospital – Q. Bình Tân
Kết luận
Vi khuẩn lao tuy có sức đề kháng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu phát bệnh nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được chúng. Ngày nay việc điều trị bệnh lao cũng đã và đang có những bước tiến nổi bật giúp cho bệnh nhân yên tâm hơn để điều trị.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- BS. Phạm Minh Tuấn (2018), Vi khuẩn gây bệnh lao ở người.
- Tuberculosis – Mayo Clinic
Có thể bạn quan tâm