Viêm đường hô hấp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Viêm đường hô hấp hay viêm hô hấp là bệnh lý đường hô hấp rất thường gặp của con người. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành và người già. Hãy cùng Docosan tìm hiểu xem viêm đường hô hấp là gì, nguyên nhân, chẩn đoán cũng như điều trị bệnh này như thế nào qua bài viết dưới đây.

Viêm đường hô hấp là gì?

Đường hô hấp là con đường đưa khí oxy từ môi trường bên ngoài vào cơ thể đến tế bào để tạo năng lượng và thải khí CO2 ra khỏi cơ thể để duy trì sự sống. Đường hô hấp được chia thành trên và dưới, ngăn cách nhau bởi Sụn nhẫn. Trong đó đường hô hấp trên bao gồm các cơ quan: mũi, hầu, họng, các xoang và thanh quản; đường hô hấp dưới gồm: khí quản, phế quản và 2 lá phổi.

Viêm đường hô hấp là phản ứng phức tạp của cơ thể khởi phát sau khi tổn thương tế bào hay do vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp.

đường hô hấp
Vị trí đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới

Nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp

Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm đường hô hấp là do sự xâm nhập của vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào trong niêm mạc đường hô hấp. Các vi khuẩn thường gây viêm đường hô hấp bao gồm: Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, …   

Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp viêm đường hô hấp do virus như: HSV, Coronavirus, Enterovirus, …

Các tác nhân vật lý có thể gây viêm đường hô hấp như do nhiệt, xạ trị, chấn thương lồng ngực, không khí quá khô, quá ẩm, quá nóng,… Không dừng lại ở đó, các tác nhân hóa học cũng có thể gây viêm đường hô hấp như: chất kích ứng ở dạng khí, bụi, hoá chất, khói thuốc lá, khói xe,… 

Ngoài ra các nguyên nhân bên trong cơ thể gây ra sự hoại tử các mô hô hấp như: tắc nghẽn, xuất huyết mạch máu phổi, viêm tắc động mạch phổi, …

Chẩn đoán viêm đường hô hấp

Chẩn đoán viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện tại 2 vị trí: 

  • Viêm mũi: mũi làm chức năng dẫn khí từ ngoài qua hầu họng, thanh quản, vào đường hô hấp dưới, làm ẩm khí và lọc khí bảo vệ cơ thể. Khi bị viêm mũi sẽ làm niêm mạc mũi phù nề và tăng tiết dịch làm phì đại cuống mũi. Khi 2 mũi đều bị nghẹt BN sẽ thở bằng miệng, hậu quả là khí đi vào đường thở không được làm ẩm, làm ấm và làm sạch nên sẽ dễ gây khô miệng, khô họng và làm BN bị viêm họng hoặc viêm đường hô hấp dưới. Triệu chứng: nghẹt mũi, chảy mũi (trước/sau), ho, … 
  • Viêm thanh quản: thanh quản là đường dẫn khí duy nhất vào đường hô hấp dưới, khi thanh quản bị viêm có thể gây phù nề niêm mạc vùng thanh quản và dây thanh âm làm hẹp và bít đường thở gây suy hô hấp

Để chẩn được trường hợp viêm đường hô hấp trên chủ yếu sẽ dựa vào các triệu chứng cơ năng và thực thể của người bệnh:

  • Người bệnh có các triệu chứng của Hội chứng tắc nghẽn hô hấp trên: khó thở thì hít vào, hoặc cả 2 thì hít và thở, có tiếng rít thanh quản khi thăm khám
  • Người bệnh có Hội chứng đáp ứng Viêm toàn thân nếu viêm đường hô hấp trên do nhiễm vi khuẩn: sốt > 38 độ C hoặc < 36 độ C, nhịp tim > 90 nhịp/phút, nhịp thở > 20 lần/phút
  • Nếu nguyên nhân do siêu vi, người bệnh có Hội chứng nhiễm siêu vi: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, nhức đầu,…
  • Nặng hơn nữa có thể dẫn đến Hội chứng suy hô hấp cấp: khó thở, NT > 30l/phút, co kéo cơ hô hấp phụ,…
  • Ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, ho,…
  • Đối với viêm thanh quản do virus, bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng hoặc mất tiếng do dây thanh âm bị viêm nhiễm, phù nề
  • Viêm đường hô hấp trên thường lui dần sau 5-6 ngày, có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần, nếu dài hơn có thể gợi ý đến các bệnh khác như viêm dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản

Chẩn đoán viêm đường hô hấp dưới

Viêm đường hô hấp dưới cũng tương tự viêm đường hô hấp trên, để chẩn đoán bệnh cảnh viêm đường hô hấp dưới ta có thể chú ý đến các Hội chứng bệnh và triệu chứng bệnh sau:

  • Hội chứng tắc nghẽn hô hấp dưới: khó thở thì thở ra, khò khè, nghe phổi có ran ngáy hoặc ran rít
  • Hội chứng đáp ứng Viêm toàn thân nếu viêm đường hô hấp trên do nhiễm vi khuẩn: sốt > 38 độ C hoặc < 36 độ C, nhịp tim > 90 nhịp/phút, nhịp thở > 20 lần/phút, …
  • Nếu nguyên nhân do siêu vi, người bệnh có Hội chứng nhiễm siêu vi: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, nhức đầu, …
  • Nặng hơn nữa có thể dẫn đến Hội chứng suy hô hấp cấp: khó thở, NT > 30l/phút, co kéo cơ hô hấp phụ, …
  • Nếu liên quan đến khí quản: khàn giọng, khó nói.
  • Nếu liên quan đến phế quản: ho khan, ho kèm theo đờm, nặng tức ngực.
  • Nếu liên quan đến tiểu phế quản: khó thở, thở khò khè, thở rít.
  • Nếu tổn thương phổi: khó thở, đau ngực khi hít sâu, ho khạc đờm, ho ra máu.

Các thể bệnh viêm đường hô hấp dưới thường gặp:

  • Viêm phế quản: Niêm mạc phế quản bị kích thích phồng lên, tăng tiết dịch nhầy làm bít tắc phế quản. Viêm phế quản được chia thành hai loại:
    • Viêm phế quản cấp tính: nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn gram dương, virus, nấm, …. Biến chứng: viêm phế quản mạn, viêm phổi, … Có 2 giai đoạn:
      • Giai đoạn viêm khô: ho, khó khạc đờm, khó thở, cảm giác đau rát sau xương ức
      • Giai đoạn viêm tiết dịch: tương tự triệu chứng giai đoạn viêm khô nhưng lúc này đàm dễ đẩy ra ngoài hơn
      • Triệu chứng: sốt nhẹ, nhức đầu, đau mỏi khắp cơ thể, ho khan hoặc đờm trắng, có thể ho ra máu do khạc đờm nhiều gây tổn thương niêm mạc, xuất hiện khi có sự thay đổi nhiệt độ không khí, khó thở, đau ngực, … Bệnh thường tự khỏi sau vài tuần lễ, hô hấp bình thường sau 20-30 ngày.
    • Viêm phế quản mạn tính: là sự viêm nhiễm tại phế quản kéo dài trên 3 tháng. Nguyên nhân gây viêm phế quản mạn thường gặp là do hút thuốc lá trong nhiều năm hoặc sống ở môi trường nhiều bụi bẩn.
  • Viêm phổi: là hậu quả của phản ứng viêm tại phế nang, khiến các tế bào phế nang bị viêm phù nề và tăng tiết dịch viêm vào phế nang. Dịch viêm trong phế nang có thể làm dính thành phế nang. Triệu chứng: sốt cao 39 – 40 độ C, rét run, đau ngực: kiểu màng phổi, đau bên tổn thương, ho: ho khan hoặc có đờm đặc, vàng, xanh hoặc màu gỉ sắt, khó thở: khi tổn thương lan tỏa, nặng hoặc trên bệnh nhân có bệnh mạn tính kèm theo, hội chứng nhiễm trùng: sốt cao, thở hôi, môi khô, lưỡi dơ, vẻ mặt đừ.
  • Viêm tiểu phế quản: đợt khò khè lần đầu tiên sau một lần viêm hô hấp trên không giải thích được bằng nguyên nhân khác Các thể bệnh nêu trên đều thường gặp trong trường hợp viêm đường hô hấp ở người lớn nhưng riêng bệnh này thì thường chỉ xảy ra ở trẻ em < 2 tuổi, khi các tiểu phế quản chưa phát triển toàn diện. Các triệu chứng thường là:
    • Ngày 1 – 2: Khởi phát là viêm đường hô hấp trên xảy ra từ từ: sốt nhẹ, ho, sổ mũi trong
    • Ngày 2 -4: Tắc nghẽn đường hô hấp dưới, khò khè, phổi có ran rít, ngáy, ẩm, thì thở ra kéo dài
    • Suy hô hấp: Thở nhanh, co lõm ngực, thở không đều, cơn ngừng thở (< 3 tháng)
    • Mất nước

Điều trị viêm đường hô hấp như thế nào?

Việc điều trị viêm đường hô hấp cũng chia theo vị trí bị viêm:

Điều trị viêm đường hô hấp trên

Đa số các trường hợp viêm đường hô hấp trên thường nhẹ và tự giới hạn trong vòng 2 tuần vì vậy không cần biện pháp điều trị đặc hiệu. Người bệnh có thể tự điều trị triệu chứng ở nhà mà không cần thăm khám bác sĩ hoặc sử dụng thuốc.

Cần nghỉ ngơi hợp lý, hoạt động vận động thể lực ở mức vừa phải, không quá sức. Uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi do chảy nước mũi, sốt và ăn uống kém do viêm đường hô hấp trên. Có thể sử dụng một số thuốc điều trị triệu chứng để giảm bớt khó chịu cho người bệnh:

  • Thuốc hạ sốt: acetaminophen, …
  • Thuốc kháng histamin để giảm nghẹt mũi
  • Thuốc điều trị ho như dextromethorphan, guaifenesin, codein
  • Thuốc kháng viêm như dexamethasone, prednisolone dùng để giảm viêm và phù nề đường hô hấp

Kháng sinh được sử dụng trong một số trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên liên quan đến vi khuẩn, và không nên tự ý mua sử dụng ở các nhà thuốc tây vì việc sử dụng kháng sinh liên quan đến một số tác dụng không mong muốn và có thể thúc đẩy đề kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn thứ phát, nên kháng sinh cần được sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị viêm đường hô hấp dưới

Việc điều trị viêm đường hô hấp dưới phụ thuộc vào từng bệnh lý ở bệnh nhân:

Đối với viêm phế quản cấp tính

Nếu viêm phế quản cấp tính do siêu vi gây ra, sẽ không phải điều trị đặc hiệu. Các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm vi khuẩn hoặc có thêm các nhiễm trùng khác

Các bác sĩ sẽ tập trung điều trị triệu chứng ho là chính. Ngoài ra, người bệnh nên tích cực nghỉ ngơi ở nhà, súc miệng bằng nước muối, ngưng thuốc lá, tránh yếu tố kích thích. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng thì cần đến các cơ sở y tế để được khám và nhận tư vấn của bác sĩ.

Đối viêm phế quản mãn tính

Có thể dùng thuốc giãn phế quản chống co thắt như Théostart, Salbutamol,…Các thuốc này có tác dụng làm thông đường thở của bệnh nhân giúp việc trao đổi khí dễ dàng hơn.

Do tổn thương cơ bản trong viêm phế quản mãn tính làm tắc nghẽn đường thở nên cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết. Thở oxy là biện pháp điều trị được sử dụng khi viêm phế quản mãn tính nặng và ít đáp ứng với thuốc điều trị.

Đối với viêm phổi

Điều trị dùng kháng sinh sớm và phù hợp trong thời gian từ 5-10 ngày. Kháng sinh có thể được dùng hai hoặc ba loại theo đường chích hay uống tuỳ theo chỉ định của bác sĩ. 

Khi có dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, xanh tím, co kéo cơ hô hấp phụ thì cần sử dụng oxy hỗ trợ.

Đối với viêm tiểu phế quản

Người bệnh cần được hỗ trợ hô hấp và cung cấp nước, điện giải, dinh dưỡng đầy đủ. Ngoài ra, có thể điều trị triệu chứng tại nhà: thông thoáng đường thở, bú nhiều cữ nhỏ (đối với trẻ nhỏ), uống nhiều nước, hạ sốt (nếu có), thuốc ho an toàn, chú ý các dấu hiệu nặng cần đi khám ngay.

Một số bác sĩ và phòng khám điều trị viêm đường hô hấp

  • Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh

Kết luận

Viêm đường hô hấp nhìn chung là sự đề cập đến rất nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến đường hô hấp của người bệnh. Khi các triệu chứng trở nên dai dẳng và không có xu hướng thuyên giảm, người bệnh cần gặp các bác sĩ Chuyên khoa hô hấp sớm để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Bài giảng Các hội chứng trong bệnh lý hô hấp, Viêm phổi, Viêm tiểu phế quản, Viêm phế quản của thầy cô giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 

Viêm đường hô hấp trên: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị – Bệnh viện Đa khoa Vinmec