Viêm phế quản dạng hen là một bệnh lý hô hấp phức tạp và thường gặp, thường gây ra do các tác nhân thời tiết, môi trường, các chất dị ứng, hoặc viêm nhiễm,… Doctor có sẵn sẽ cùng với bạn tìm hiểu về thêm về bệnh lý trên thông qua bài viết này.
Tóm tắt nội dung
Tìm hiểu về cấu trúc phế quản
Phế quản là một cấu trúc giải phẫu thuộc đường hô hấp dưới, có dạng hình ống, chia nhánh, có chức năng dẫn khí lưu thông ra và vào trong hoạt động hô hấp của cơ thể. Phía trên của phế quản là khí quản, phía dưới phế quản là các túi phế nang – là nơi thực hiện quá trình trao đổi khí. Như vậy, phế quản như một cấu trúc trung gian, là đường đi của dòng khí lưu thông ra vào cơ thể, giúp thực hiện chức năng hô hấp.
Viêm phế quản dạng hen là gì?
Viêm phế quản dạng hen, hay còn được gọi với một số tên gọi khác như viêm phế quản thể hen, viêm phế quản co thắt, hay viêm phế quản co thắt dạng hen, là một tình trạng viêm nhiễm phế quản, co thắt lòng ống làm thu hẹp đường kính phế quản tạm thời. Bên cạnh sự co thắt thành phế quản, các tuyến tiết nhầy tại phế quản cũng tăng tiết, làm tăng nặng thêm tình trạng chít hẹp lòng phế quản, gây cản trở dòng khí lưu thông ra vào, gây các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, thở co kéo, ho khạc đàm…
Nguyên nhân gây viêm phế quản dạng hen
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm và tăng tiết ở phế quản gây viêm phế quản dạng hen, trong đó, phổ biến nhất là:
- Sự thay đổi thời tiết đột ngột, thất thường, đặc biệt là khi tiết trời lạnh vào cuối năm, giao mùa giữa mùa đông và xuân.
- Ô nhiễm từ môi trường.
- Khói thuốc lá.
- Các chất hoá học.
- Các chất dễ gây dị ứng, như nấm mốc, phấn hoa, lông vật nuôi, bụi bẩn, và một số loại phụ gia thực phẩm, nuôi trồng…
- Một số loại thuốc như nhóm thuốc chẹn beta, aspirin…
- Nhiễm siêu vi hoặc nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm.
- Vận động thể lực quá sức.
- Xúc động mạnh, các stress cảm xúc mãnh liệt…
Các triệu chứng gợi ý bệnh viêm phế quản dạng hen
Các triệu chứng của bệnh xuất phát từ sự chít hẹp do co thắt cơ thành phế quản và sự tăng tiết của các tuyến phế quản. Một số dấu hiệu thường gặp như:
- Thở khò khè: Đối với trẻ nhỏ, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận hơn nếu bế bé áp sát lồng ngực bé vào lồng ngực mình. Cần chú ý để phân biệt giữa thở khò khè và tiếng khụt khịt mũi tắc nghẽn, viêm đường hô hấp trên.
- Tức ngực, nặng ngực.
- Khó thở, thở nhanh, thở co kéo các cơ hô hấp ở vùng thành ngực hoặc vùng cổ, cánh mũi.
- Các dấu hiệu nhiễm siêu vi viêm long đường hô hấp như sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức mỏi cơ, chảy nước mũi…
- Ho, có thể là ho khan hoặc ho có đàm. Đàm đổi màu cũng là một dấu hiệu gợi ý tình trạng nặng lên của bệnh.
- Cảm thấy vướng họng do đờm đặc.
- Buồn nôn, nôn ói, đặc biệt là sau bữa ăn.
Chẩn đoán viêm phế quản dạng hen như thế nào?
Khi nhận thấy bạn hoặc người thân có các dấu hiệu kể trên, bạn cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và có kế hoạch điều trị thích hợp.
Việc chẩn đoán viêm phế quản dạng hen sẽ dựa trên các triệu chứng và quá trình diễn tiến bệnh, cùng với đó, việc khai thác tiền căn và thăm khám trực tiếp cũng đóng góp phần quan trọng trong việc đưa ra chẩn đoán của bác sĩ.
Một phần không thể thiếu trong việc chẩn đoán ngày nay đó là sự đóng góp của các xét nghiệm, thăm dò chức năng. Một số xét nghiệm cận lâm sàng thường được chỉ định để giúp bổ sung cho chẩn đoán viêm phế quản dạng hen:
- Đánh giá chức năng hô hấp (Hô hấp ký): Đây là một biện pháp thăm dò chức năng chuyên biệt để đánh giá tình trạng hô hấp của người bệnh, từ đó giúp phân biệt một số bệnh lý có cùng triệu chứng khó thở.
- Chụp X-Quang phổi: Hình ảnh trực quan sẽ giúp các bác sĩ đánh giá sự viêm nhiễm nếu có, và có biện pháp điều trị cụ thể.
- Một số xét nghiệm máu để giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng, dị ứng, ..
Phác đồ điều trị viêm phế quản dạng hen
Điều trị bệnh lý viêm phế quản dạng hen sẽ dựa trên nguyên nhân cụ thể gây bệnh, các biến chứng nếu có. Thông thường, phác đồ điều trị thường bao gồm các biện pháp sau:
- Các loại thuốc đồng vận beta 2 giao cảm dạng hít: giúp giảm co thắt phế quản có tác dụng ngắn hạn hoặc dài hạn tùy loại thuốc
- Corticosteroid dạng hít hoặc dạng uống.
- Thuốc ức chế thụ thể leukotriene giúp kiểm soát phản ứng viêm xảy ra.
- Thuốc Theophylline: cũng là một loại thuốc làm giãn phế quản
- Thuốc kháng Cholinergic tác dụng kéo dài: thuốc làm ức chế dẫn truyền thân kinh, có thể tác động điều trị lên nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, trong đó các các dạng hen, Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, cần uống thuốc theo toa của bác sĩ.
- Kháng sinh: nếu bác sĩ nhận định có tình trạng nhiễm vi khuẩn kèm theo.
- Một số loại thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng, điện giải, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Trên đây là sự tổng quan về các phương thức điều trị viêm phế quản dạng hen, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, đánh giá cụ thể tình trạng bệnh, và từ đó các các biện pháp điều trị phù hợp.
Viêm phế quản dạng hen là một bệnh lý thường gặp, tuy nhiên có nhiều triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, vì vậy sự thăm khám y khoa là cần thiết trước khi sử dụng thuốc để điều trị, bạn cần lưu ý tránh lạm dụng, tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt trên đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để không gây những hệ lụy đáng tiếc.
Xem thêm: Chữa viêm phế quản bằng bài thuốc dân gian
Các biện pháp phòng ngừa viêm phế quản dạng hen
Để việc phòng ngừa một bệnh lý đạt hiệu quả cao, chúng ta cần nắm được các nguyên nhân có thể gây bệnh (như chúng tôi đã trình bày ở trên), từ đó, đề ra các biện pháp phòng bệnh phù hợp.
Đối với viêm phế quản dạng hen, việc tránh các yếu tố kích ứng, dị nguyên là đặc biệt quan trọng. Bạn cần sớm nhận biết các yếu tố thường khởi phát sự kích thích phế quản của bản thân hoặc người bệnh. Vì đối với mỗi người, dị nguyên có thể khác nhau, như khói bụi, khói thuốc lá, lông chó mèo, hoặc sự thay đổi thời tiết. hoặc một yếu tố nào khác… Nhận biết sớm để phòng tránh là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
Một số biện pháp khác giúp phòng bệnh viêm phế quản co thắt dạng hen, ví dụ như:
- Sử dụng máy tạo hơi ấm, ẩm cho không gian sống.
- Giữ sạch môi trường sống: giặt giũ quần áo, chăn drap giường thường xuyên bằng nước nóng và phơi dưới nắng mặt trời, vệ sinh hút bụi phòng thường xuyên.
- Tránh để vật nuôi vào phòng ngủ, và vệ sinh lông, cơ thể vật nuôi định kỳ.
- Không hút thuốc lá, không ngồi gần người hút thuốc lá.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng.
- Giữ ấm cơ thể khi tiết trời trở lạnh.
- Tiêm ngừa các vaccine phòng cúm hàng năm.
Lời kết
Viêm phế quản dạng hen là một tình trạng viêm co thắt đường hô hấp dưới thường gặp, tuy vậy việc chẩn đoán và điều trị đôi khi gặp khó khăn vì sự mơ hồ của triệu chứng, cũng như nan giải trong quá trình chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh. Chúng tôi hy vọng bài viết này đã giúp quý bạn đọc hiểu thêm về bệnh và biết thêm các biện pháp phòng bệnh viêm phế quản dạng hen hiệu quả.
Tài liệu tham khảo: suckhoedoisong.vn; webmd.com; healthline.com