Viêm phế quản mãn tính là một căn bệnh hô hấp phổ biến làm ảnh hưởng đến các đường dẫn khí trong phổi, tiên lượng có thể rất khác nhau tùy theo tốc độ và diễn tiến của bệnh. Đây là một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh viêm phế quản mãn tính.
Tóm tắt nội dung
Viêm phế quản mãn tính là bệnh gì?
Viêm phế quãn mãn tính là tình trặng viêm mãn tính của các đường dẫn khí trong phổi, dẫn đến phù nề và gây hẹp đường thở, lâu ngày dẫn đến tắc nghẽn đường thở không phục hồi.
Viêm phế quản mãn tính thường là một phần trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Viêm phế quản mãn là sự tồn tại của triệu chứng ho và khạc đàm mãn tính thường xuyên, hầu như mỗi ngày ít nhất 3 tháng trong 1 năm và kéo dài trong ít nhất 2 năm liên tiếp ở những bệnh nhân mà các nguyên nhân gây ra ho khạc đàm mãn tính khác đã được loại trừ như lao, các bệnh phổi khác,..
Các yếu tố nguy cơ gây ra viêm phế quản mãn tính
Khác với viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mãn tính thường không phải do vi khuẩn hay virus gây ra. Các yếu tố môi trường mới là các tác nhân chính gây nên viêm phế quản mãn tính, như:
Hút thuốc lá
Đây là một trong những yếu tô nguy cơ chính gây ra viêm phế quản mạn. Nguy cơ bị mắc bệnh ở người hút thuốc lá liên quan đến liều lượng như tuổi bắt đầu hút, tổng số gói thuốc 1 năm và tình trạng hút hiện tại. Viêm phế quản mãn tính thường xảy ra ở đàn ông trung niên hút thuốc lá.
Hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ gây ra các triệu chứng hô hấp và viêm phế quản mạn như hút thuốc lá chủ động.
Môi trường ô nhiễm
Khó có thể đánh giá ảnh hưởng của chất gây ô nhiễm đơn độc khi tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm. Tuy nhiên, ô nhiễm do khí thải ô tô, xe máy ở thành thị có liên quan đến giảm chức năng phổi.
Các chất đốt sinh khói được sử dụng trong đun nấu sinh hoạt hoặc trong nhà xưởng thông khí kém có thể gây ô nhiễm không khí nặng, và việc sử dụng chất đốt như củi, rơm, rạ làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản mạn lên nhiều lần.
Các chất khói bụi từ nghề nghiệp
Phơi nhiễm bui và hóa chất nghề nghiệp cũng là một yếu tố nguy cơ của viêm phế quản mạn, tùy theo liều lượng và tần suất tiếp xúc.
Triệu chứng của viêm phế quản mãn tính
Ho khạc đàm kéo dài
Đây là một triệu chứng rất thường gặp. Việc đường thở luôn bị kích thích bởi khói thuốc lá và các chất độc hại sẽ đáp ứng lại bằng cách tăng tiết nhầy, dẫn đến ho và khạc đàm.
Ho lúc đầu là ngắt quãng, không thường xuyên, sau đó ho ngày càng dai dẳng hoặc ho hằng ngày. Ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp. Người bệnh thường khạc đàm vào buổi sang, lượng ít. Trong các đợt cấp, có thể khạc ra đàm có mủ.
Khó thở, thở khò khè
Khi bệnh đã tiến triển nặng, người bệnh có thể cảm thấy khó thở hoặc thở khò khè. Thường là ho khạc đàm trước, sau một thời gian thì xuất hiện thêm khó thở. Điều này được cho là do sự viêm kéo dài của niêm mạc đường hô hấp (do các tác nhân khói bụi,..) dẫn đến tình trạng thay đổi cấu trúc và xơ hóa các đường dẫn khí trong phổi, gây ra tắc nghẽn đường thở. Lâu ngày có thể gây ra tắc nghẽn không phục hồi và làm lưu thông khí máu bị ứ trệ, hay được biết đến là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) dẫn đến thiếu oxy máu và ứ đọng CO2.
Khó thở có thể nặng dần theo thời gian, từ khó thở khi gắng sức đến khó thở thường xuyên. Người bệnh thở khò khè, tăng khi mắc các nhiễm trùng hô hấp cấp tính.
Bên cạnh đó, người bệnh thường sẽ có cảm giác mệt mỏi, căng tức ở ngực.
Điều trị viêm phế quản mãn tính
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị viêm phế quản mãn tính, đặc biệt ở đối tượng hút thuốc lá thường xuyên, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp. Đối với các trường hợp viêm phế quản mãn tính, một số phương pháp điều trị bao gồm:
Ngưng hút thuốc lá và tiếp xúc các chất khói bụi ô nhiễm
Đây là bước đầu tiên cần phải thực hiện để làm chậm diễn tiến của bệnh.
Sử dụng thuốc
Các thuốc trị viêm phế quản mãn tính thường được sử dụng là thuốc giãn phế quản, thuốc kháng viêm nhằm làm giảm độ hẹp của đường dẫn khí vốn đang bị viêm nề.
Hỗ trợ oxy
Thường chỉ được sử dụng trong những tình trạng người bệnh bị thiếu oxy, khó thở nhiều, nồng độ oxy trong máu giảm do tắc nghẽn đường thở trầm trọng. Sau khi xuất viện, người bệnh có thể tự thở oxy ở nhà bằng máy cá nhân nếu cần thiết.
Phẫu thuật
Vì diễn tiến bệnh dẫn đến suy giảm chức năng phổi không phục hồi, nên có thể cắt bỏ một phần phổi nếu phổi tổn thương nhiều, hoặc có thể ghép phổi, tuy nhiên chỉ định này thường không nhiều.
Y học cổ truyền
Bên cạnh các phương pháp điều trị tây y, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp điều trị bằng các bài thuốc dân gian, có thể kể đến là chữa viêm phế quản mãn tính bằng lá trầu không.
Với tính ấm, đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, lá trầu không đã cho thấy hiệu quả trong các bệnh lý đường hô hấp. Sự kết hợp giữa lá trầu không và các nguyên liệu khác sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, có thể kể đến là gừng, mật ong, củ nén,..
Một số điều cần lưu ý khi chữa viêm phế quản mãn tính bằng lá trầu không:
- Không nên sử dụng lá còn non, nên chọn lá già vì chứa lượng tinh dầu cao hơn
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng vì có thể gây tương tác với các loại thuốc tây được chỉ định.
- Điều trị bằng thuốc nam có tác dụng hỗ trợ là chủ yếu, cần nên đến các cơ sở y tế để được thâm khám và điều trị.
- Không nên kết hợp nhiều cách trong quá trình điều trị, đặc biệt là mật ong kết hợp với củ nén.
Các cách phòng ngừa viêm phế quản mãn tính
- Không hút thuốc lá
- Che chắn, bảo vệ kỹ khi tiếp xúc với các chất khói bụi hoặc môi trường ô nhiễm
- Tránh các chất gây dị ứng cho cơ thể
- Giữ môi trường sống sạch và đủ ẩm
- Rèn luyện thể thực, chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cơ thể
- Giữ vệ sinh mũi họng sạch, ẩm và ấm
- Tuân thủ điều trị các bệnh lý mạn tính, đặc biệt ở đường hô hấp.
Lời kết
Viêm phế quãn mãn tính là một bệnh lý hô hấp thường gặp, bệnh lâu ngày không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp không phục hổi và suy giảm chức năng phổi. Hiểu đúng về viêm phế quản mãn tính cũng như cách phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu khả năng mắc bệnh. Ngưng hút thuốc lá là một trong những cách chính để phòng ngừa cũng như một bước không thể thiếu trong điều trị bệnh.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo: hopkinsmedicine.org