Cholesterol có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Tuy nhiên khi lượng cholesterol trong máu tăng hoặc giảm có thể báo hiệu tình trạng bệnh tật bên trong cơ thể. Hãy cùng Docosan tìm hiểu một số thông tin về chỉ số này trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Chỉ số cholesterol là gì?
Cholesterol là một chỉ số quen thuộc với hầu hết mọi người, nhưng để trả lời cho câu hỏi cholesterol có tác dụng gì không phải dễ. Đây là một chất thuộc thành phần lipid máu, có vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Chúng giữ vai trò không thể thiếu trong việc vận hành và hoạt động của tế bào sợi thần kinh, sản xuất các loại hormone – nội tiết tố, giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh.
Chúng được tổng hợp từ 2 nguồn: trong cơ thể (nội sinh) hoặc từ thức ăn (ngoại sinh). Khoảng 75% cholesterol trong máu được sản xuất từ gan và các cơ quan khác trong cơ thể, phần còn lại là từ thức ăn. Các loại thực phẩm giàu cholesterol hầu hết có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật.
Về phân loại có thể phân thành 2 loại chính: LDL-C hay còn gọi là cholesterol “xấu”; HDL-C hay cholesterol “tốt’. Ngoài ra còn có một loại khác Lp(a)-C. Việc phân chia “tốt”, “xấu” dựa vào vai trò của chúng trong cơ thể chúng.
LDL–C đóng vai trò vận chuyển hầu hết cholesterol trong cơ thể. Nếu hàm lượng chất này tăng cao trong máu thì đồng nghĩa với nguy cơ xuất hiện hiện tượng lắng đọng chất béo ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và phổi) gây ra hiện tượng xơ vữa động mạch hay xơ vữa mạch máu, chính vì vậy LDL–C được gọi là “xấu”.
Các mảng xơ vữa này là nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp hay tắc mạch máu, tăng áp lực mạch máu có thể làm vỡ mạch máu đột ngột, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm thậm chí là tử vong như nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Hàm lượng LDL-C tăng có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau như yếu tố gia đình, chế độ ăn uống, hút thuốc lá, thói quen không tập thể dục thường xuyên, mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường.
HDL-C chiếm khoảng 25 đến 30% hàm lượng trong máu. HDL–C có vai trò vận chuyển đưa cholesterol từ máu đi về gan, đồng thời cũng đưa chúng rời khỏi các mảng xơ vữa động mạch. Chính vai trò này giúp hạn chế các biến chứng tim mạch nguy hiểm, giúp bảo vệ cơ thể. Hàm lượng HDL–C giảm có thể liên quan đến các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ như thói quen hút thuốc lá, lười tập thể dục, thể trạng thừa cân, béo phì…
Đánh giá chỉ số cholesterol trong máu
Việc gia tăng nồng độ chất này trong máu có thể không gây ra triệu chứng thực thể nào, chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm bilan lipid máu. Theo khuyến cáo của Hội tim mạch Việt Nam, các xét nghiệm lipid máu nên được thực hiện định kỳ 5 năm 1 lần với tất cả mọi đối tượng từ 20 tuổi trở lên, bao gồm các thành phần cơ bản của lipid máu như LDL-C, HDL-C và triglycerides.
Thông qua xét nghiệm thành phần lipid máu, bạn có thể kiểm tra xem hàm lượng thành phần của từng chất có ở mức bình thường không hay tăng cao, từ đó có những điều chỉnh về lối sống như thực đơn ăn uống hàng ngày, cũng như chế độ sinh hoạt hợp lý để đưa các chỉ số về bình thường. Trong trường hợp điều chỉnh thực đơn ăn uống và thay đổi thói quen sinh hoạt không hiệu quả, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và nếu cần có thể sử dụng thuốc điều chỉnh lượng lipid trong máu.
Ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ, giàu mỡ động vật chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo dạng trans làm tăng nguy cơ bị rối loạn lipid máu. Các thói quen sinh hoạt, lối sống không lành mạnh cũng làm nồng độ lipid máu tăng cao theo chiều hướng “xấu” như lười tập thể dục, nghiện rượu bia và hút thuốc lá. Di truyền cũng là một trong những yếu tố nguy cơ nhất định. Nếu cha mẹ bị rối loạn lipid máu thì con cái cũng có khả năng mắc hơn người bình thường. Một số rối loạn di truyền mang tính gia đình cũng gây ảnh hưởng tới nồng độ lipid máu.
Ngưỡng lipid máu bình thường thay đổi tùy theo các labo xét nghiệm khác nhau, tùy theo độ tuổi của người được làm xét nghiệm. Do đó việc đánh giá rối loạn lipid máu cần được bác sĩ chẩn đoán, cũng như việc can thiệp điều trị khi cần thiết cũng cần được đánh giá bởi bác sĩ và các chuyên gia.
Cholesterol cao có cần điều trị không?
Đại học Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo mới trong việc điều trị nồng độ lipid máu “xấu” tăng cao. Theo khuyến cáo này, việc điều trị không chỉ dựa trên nồng độ đo được mà còn xem xét dựa trên các các yếu tố nguy cơ tim mạch khác kèm theo. Những yếu tố nguy cơ cần được xem xét bao gồm cả bệnh đái tháo đường, nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch ước tính trong 10 năm (bệnh mạch vành cấp như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ).
Như vậy chỉ số cholesterol cao chưa phải là yếu tố quyết định hoàn toàn liệu có cần điều trị hay không mà còn thay đổi phụ thuộc vào việc các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Khuyến cáo mới khuyến nghị, nếu người bệnh không có kèm theo các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nếu nồng độ LDL-C lớn hơn 189 mg/dL để có thể điều chỉnh nồng độ cholesterol bình thường ở người trưởng thành, giúp giảm các yếu tố nguy cơ như xơ vữa động mạch.
Bổ sung vitamin E bằng ENAT sau ăn có tác động tích cực trên việc giảm cholesterol xấu, đảm bảo cơ thể luôn đủ lượng vitamin E cần thiết.
Cholesterol là một chất cần thiết trong cơ thể, tuy nhiên khi nồng độ của chúng bị rối loạn như tăng LDL-C hay giảm HDL-C có thể là những yếu tố gây ra mảng xơ vữa, nguy cơ tim mạch như đột quỵ, nhồi máu.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: NHS