Bệnh giảm tiểu cầu vô căn: Một số điều bạn cần biết

Bệnh giảm tiểu cầu vô căn là một bệnh lý khiến cho người bệnh dễ chảy máu, với biểu hiện duy nhất trên xét nghiệm máu là giảm số lượng tiểu cầu. Vậy bệnh giảm tiểu cầu vô căn có chữa được không? Những thuốc chữa bệnh giảm tiểu cầu vô căn nào hiện được sử dụng? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về giảm tiểu cầu vô căn

Giảm tiểu cầu vô căn là một tình trạng rối loạn đông máu do giảm số lượng tiểu cầu không liên quan đến các bệnh lý hệ thống. Bệnh thường diễn tiến mạn tính ở người lớn, còn trẻ em thường hay tiến triển cấp tính và tự giới hạn. Việc chẩn đoán giảm tiểu cầu vô căn đòi hỏi phải loại trừ tất cả các nguyên nhân khác thông qua các bộ xét nghiệm máu.

Việc điều trị bệnh giảm tiểu cầu vô căn sẽ phụ thuộc vào số tiểu cầu hiện tại, lứa tuổi và mức độ các triệu chứng của người bệnh. Nếu bệnh nhân không có biểu hiện xuất huyết và số lượng tiểu cầu trong xét nghiệm máu không quá thấp không cần thiết phải điều trị ngay, tuy nhiên nếu bệnh đang tiến triển nặng, số lượng tiểu cầu giảm thấp thì cần can thiệp cấp cứu ngay.

Triệu chứng của bệnh giảm tiểu cầu vô căn

giảm tiểu cầu vô căn
Triệu chứng của bệnh giảm tiểu cầu vô căn

Bệnh nhân giảm tiểu cầu vô căn có thể không xuất hiện triệu chứng, nếu có thì các biểu hiện của giảm tiểu cầu vô căn bao gồm:

  • Dễ bầm da hoặc nổi các ban xuất huyết dưới da.
  • Các chấm phát ban có kích thước nhỏ như những đầu kim, chúng thường xuất hiện chủ yếu ở vị trí cẳng chân.
  • Nếu bị các vết thương cắt như đứt tay, sẽ có tình trạng chảy máu khó hoặc không cầm.
  • Dễ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
  • Tiểu máu, đi cầu ra máu
  • Phụ nữ có thể bị rong kinh, chu kỳ kinh kéo dài
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi

Nếu bỗng phát hiện trẻ bị bầm tím hoặc chảy máu mà không xác định được nguyên nhân, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ (tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa huyết học) để được chẩn đoán bệnh kịp thời và điều trị thích hợp.

Chẩn đoán bệnh giảm tiểu cầu vô căn

Khi nghi ngờ bệnh nhân bị giảm tiểu cầu vô căn, trước tiên bác sĩ sẽ thăm khám để tìm dấu hiệu xuất huyết (dưới da, nội tạng) và hỏi người bệnh một số câu về tiền sử bệnh lý, những loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung đã và đang sử dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ lần lượt đề nghị tiến hành các xét nghiệm dưới đây:

Xét nghiệm máu

giảm tiểu cầu vô căn
Xét nghiệm máu

Đây là 1 trong những xét nghiệm đầu tay được thực hiện để có thể chẩn đoán bệnh giảm tiểu cầu vô căn. Xét nghiệm giúp xác định chính xác số lượng các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu bệnh nhân, kết quả phù hợp cho bệnh lý này là số lượng hồng cầu và bạch cầu bình thường, riêng chỉ có số lượng tiểu cầu giảm thấp so với bình thường.

Phết máu ngoại vi

Kỹ thuật viên/ bác sĩ sẽ lấy 1 giọt máu của người bệnh, đặt lên lam kính và kéo đến cuối lam sao cho lượng máu được dàn trải hết lam kính và soi nó dưới kính hiển vi để quan sát tổng thể hình dạng các tế bào máu.

Tủy đồ, sinh thiết tủy

giảm tiểu cầu vô căn
Sinh thiết tủy

Bác sĩ sẽ dùng kim to để chọc vào vùng mào chậu của xương chậu để lấy 1 mẫu mô tủy xương ra, thực hiện các phương pháp nhuộm và quan sát các tế bào tủy xương để xác định chính xác về nguyên nhân giảm số lượng tiểu cầu.

Phác đồ điều trị giảm tiểu cầu vô căn

Phác đồ điều trị giảm tiểu cầu vô căn có mục tiêu là nâng từ từ số lượng tiểu cầu về mức bình thường và duy trì ổn định, đồng thời ngăn ngừa xuất huyết tái phát, và ngoài ra còn phải hạn chế tối đa những tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị.

Trẻ em

Khoảng 80% trẻ em bị giảm tiểu cầu vô căn có thể tự khỏi bệnh hoàn toàn chỉ trong vòng 6 tháng. Đối với trường hợp trẻ bị giảm tiểu cầu vô căn mạn tính cũng hoàn toàn có khả năng tự hồi phục sau khoảng vài năm điều trị. Do đó, giảm tiểu cầu vô căn hoàn toàn có thể chữa trị được.

Người lớn

Người lớn mắc bệnh giảm tiểu cầu vô căn mức độ nhẹ chỉ cần được theo dõi và tái khám định kỳ là hoàn toàn bình thường, bác sĩ chỉ cân nhắc điều trị với những trường hợp được đánh giá có tiên lượng xấu. Quá trình điều trị giảm tiểu cầu vô căn có thể sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật (cắt lách) tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Thuốc điều trị giảm tiểu cầu vô căn

Những loại thuốc hiện đang được sử dụng để điều trị hiệu quả bệnh giảm tiểu cầu vô căn bao gồm:

  • Corticoid: Thuốc này có thể giúp cải thiện số lượng tiểu cầu qua cơ chế ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân. Chú ý là không nên dùng loại này lâu ngày vì tác dụng phụ của nó là tăng nguy cơ đục thuỷ tinh thể, tăng cân, tăng đường huyết, dễ bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ loãng xương.
  • Tiêm globulin miễn dịch vào tĩnh mạch (IVIG): Đối với những bệnh nhân giảm tiểu cầu vô căn bị xuất huyết mức độ nghiêm trọng hoặc họ cần cải thiện nhanh số lượng tiểu cầu để đảm bảo đủ điều kiện phẫu thuật, có thể điều trị bằng loại thuốc tiêm tĩnh mạch chữa globulin miễn dịch.
  • Thuốc chủ vận thụ thể Thrombopoietin: loại thuốc này mới được cấp phép cho việc điều trị bệnh giảm tiểu cầu vô căn, nó có thể hỗ trợ tủy xương sản sinh ra nhiều lượng tiểu cầu hơn và phòng ngừa xuất huyết cũng như bầm tím da.

Phẫu thuật

Nếu bệnh nhân giảm tiểu cầu vô căn bị xuất huyết nặng và đợt điều trị bằng corticoid đầu không có hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt lách cho bệnh nhân nhằm loại bỏ dứt điểm cơ quan có chức năng diệt tiểu cầu của cơ thể bệnh nhân, từ đó tăng số lượng tiểu cầu. Tuy nhiên, việc cắt lách có thể đem đến những tai biến sau này, ví dụ như chảy máu hậu phẫu, hoặc về lâu về dài dễ có nguy cơ nhiễm trùng vì suy giảm miễn dịch do cắt lách.

Phương pháp điều trị khác

Trong trường hợp dùng thuốc uống và phẫu thuật cắt lách vẫn không cải thiện được số lượng tiểu cầu của bệnh nhân và mức độ nặng các triệu chứng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân đổi thuốc corticoid khác, liều nhẹ nhất có thể, và tiến hành một đợt điều trị thử.

Một số phương pháp khác giúp điều trị giảm tiểu cầu vô căn là dùng các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch như cyclophosphamide và azathioprine. Tuy nhiên, tác dụng phụ của những thuốc này khá nghiêm trọng và chưa được kiểm định về hiệu quả điều trị.

Kết luận

Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn là 1 bệnh lý nếu không được điều trị đúng cách thì sẽ dẫn đến những nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh, đồng thời là sự xuất hiện những tác dụng phụ của các biện pháp điều trị. Điều đó khiến bác sĩ luôn cân nhắc rất kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và những thói quen sinh hoạt hàng ngày của bệnh có khả năng cao làm gây chảy máu, tổn thương.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Bệnh giảm tiểu cầu vô căn: 1 số điều bạn cần biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.com, verywellhealth.com

Contact Me on Zalo