Hội chứng Raynaud: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Hội chứng Raynaud (hay còn gọi là Hiện tượng Raynaud) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1862 và đặt theo tên của một bác sĩ người Pháp Auguste Gabriel Maurice Raynaud (1834-1881). Hội chứng Raynaud xuất hiện ở khoảng 4% dân số và ảnh hưởng không ít đến chất lượng đời sống của người bệnh. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Hội chứng Raynaud là gì?

Hội chứng Raynaud là hiện tượng các động mạch nhỏ cung cấp máu cho da trở nên hẹp hơn so với bình thường làm hạn chế dòng máu lưu thông từng hồi đến các vùng mô bị ảnh hưởng (hiện tượng co thắt mạch máu). Bệnh Raynaud ảnh hưởng một số vùng trên cơ thể của bạn, điển hình là ngón tay hoặc ngón chân, sẽ đổi màu lần lượt theo 3 pha trắng, tím và đỏ kèm theo cảm giác tê và lạnh khi gặp nhiệt độ thấp hoặc căng thẳng. 

Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh Raynaud hơn nam giới. Bệnh dường như phổ biến hơn ở những người sống ở vùng khí hậu lạnh hơn. Độ tuổi mắc bệnh rơi vào khoảng từ 15 đến 30 tuổi. 

hội chứng raynaud
Hội chứng Raynaud – ngón tay bị thiếu dòng máu đến nuôi trở nên trắng bệch

Nguyên nhân xảy ra hội chứng Raynaud

Các bác sĩ không hoàn toàn biết rõ nguyên nhân chính xảy ra bệnh Raynaud nhưng hiện có các giả thuyết được đặt ra tuy không hoàn chỉnh nhưng các bạn có thể tham khảo. Khởi đầu, hội chứng Raynaud xảy ra bởi sự co thắt mạch do tăng phản xạ giao cảm. Một giả thiết khác do mạch máu nhỏ các đầu chi tăng đáp ứng với nhiệt độ thấp dẫn đến xuất hiện hiện tượng Raynaud. 

Hội chứng Raynaud được chia thành 2 nhóm chính:

  • Raynaud nguyên phát: hay còn được gọi là bệnh Raynaud. Raynaud nguyên phát không có nguyên nhân nào để giải thích, là dạng phổ biến nhất. Triệu chứng của bệnh có thể nhẹ đến mức mà nhiều người bị Raynaud nguyên phát không hay biết để đi điều trị và đôi khi bệnh có thể tự khỏi.
  • Raynaud thứ phát: hay còn được gọi là hiện tượng Raynaud, dạng này do một bệnh lý đi kèm gây ra. Raynaud thứ phát thường ít phổ biến hơn dạng nguyên phát, nhưng hiện tượng này có xu hướng nghiêm trọng hơn. Hiện tượng Raynaud thứ phát thường xuất hiện vào khoảng tuổi 40, muộn hơn so với Raynaud nguyên phát.

Nguyên nhân của Raynaud thứ phát bao gồm:

  • Bệnh mô liên kết hỗn hợp (Mixed Connective Tissue Disease -MCTD): là một bệnh tự miễn, đặc trưng bởi triệu chứng tổn thương tại nhiều cơ quan khác nhau, giao thoa giữa các đặc điểm lâm sàng của các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì hệ thống, hội chứng Sjogren.
  • Bệnh về động mạch: bao gồm các hiện tượng tạo thành mảng xơ vữa trong các tiểu động mạch gây nên hiện tượng viêm và hội chứng Raynaud ở các đầu chi.
  • Hội chứng ống cổ tay: tình trạng này liên quan đến việc gây áp lực lên dây thần kinh chính của ống cổ tay, gây tê và đau tay khiến bàn tay dễ bị lạnh hơn.
  • Hành động lặp đi lặp lại nhiều lần: đánh máy, chơi đàn piano hoặc thực hiện các động tác tương tự trong thời gian dài và vận hành các dụng cụ rung, chẳng hạn như búa khoan, có thể dẫn đến chấn thương khi sử dụng quá mức.
  • Hút thuốc lá: hút thuốc làm co thắt mạch máu.
  • Bị thương ở tay hoặc chân: ví dụ như gãy xương cổ tay, phẫu thuật hoặc tê cóng.
  • Một số loại thuốc: bao gồm một số loại thuốc như chẹn beta cho bệnh tăng huyết áp, thuốc trị đau nửa đầu có chứa ergotamine và sumatriptan, thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), một số thuốc hóa trị và thuốc co mạch, chẳng hạn như một số loại thuốc cảm lạnh không kê đơn.
hội chứng raynaud
Đánh đàn là hành động lặp đi lặp lại nhiều lần nên có thể gây ra hội chứng Raynaud

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Raynaud bao gồm: 

  • Lạnh các ngón tay và ngón chân.
  • Màu sắc trên da thay đổi theo thứ tự 3 pha lần lượt trắng, tím và đỏ: ban đầu các ngón tay trở nên trắng bệch do thiếu dòng máu đến nuôi mô, sau đó sẽ tím xanh khi mạch máu giãn ra để giữ máu ở mô và cuối cùng sẽ màu đỏ hồng khi dòng máu tái lưu thông trở lại.
  • Ban đầu cảm giác lạnh và tê như kim chích sau đó đau nhói, ngứa ran hoặc sưng lên khi được ủ ấm trở lại hoặc khi giảm stress.
hội chứng raynaud
Raynaud xuất hiện ở đầu ngón tay

Mặc dù hội chứng Raynaud phổ biến nhất ảnh hưởng ở đầu chi, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng khác trên cơ thể, chẳng hạn như mũi, môi, tai và thậm chí cả núm vú. Sau khi khởi động, có thể mất 15 phút để lưu lượng máu bình thường trở lại những khu vực này. Ngoài ra người mắc hội chứng Raynaud còn bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý nền liên quan.

Đến khám bác sĩ ngay nếu bạn gặp phải các triệu chứng kể trên hoặc có tiền sử bệnh Raynaud nặng được chẩn đoán trước đó hiện đang bị chấn thương hoặc nhiễm trùng ở một trong các ngón tay, ngón chân bị ảnh hưởng.

Biến chứng hội chứng Raynaud

Biến chứng nguy hiểm nhất của hội chứng Raynaud đó chính là hiện tượng hoại tử mô. Nếu bệnh Raynaud trở nên nghiêm trọng (thường gặp ở những bệnh nhân bị Raynaud thứ phát) thì việc giảm lưu lượng máu đến ngón tay hoặc ngón chân của bạn có thể gây ra tổn thương mô. Động mạch bị tắc hoàn toàn có thể dẫn đến lở loét da hoặc tệ hơn là hoại tử, cả hai đều khó điều trị. Hiếm khi, những trường hợp nghiêm trọng không được điều trị có thể yêu cầu bệnh nhân phải cắt bỏ phần cơ thể bị ảnh hưởng. 

Chẩn đoán hội chứng Raynaud

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh cùng với thực hiện thăm khám để đưa ra chẩn đoán ban đầu. Sau đó bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh khác có thể gây ra dấu hiệu và triệu chứng tương tự từ đó đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Trước tiên, để phân loại hội chứng Raynaud là nguyên phát hay thứ phát, bác sĩ có thể làm xét nghiệm gọi là soi mao mạch nền móng (Capillaroscopy). Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ xem xét vùng da ở gốc móng tay dưới kính hiển vi hoặc kính lúp để tìm sự thay đổi về số lượng, hình thái, cấu trúc các vi mạch đầu ngón.

hội chứng raynaud
Hình ảnh soi mao mạch nền móng dưới kính hiển vi

Nếu như bác sĩ cho rằng tình trạng hiện tại của người bệnh không phải Raynaud nguyên phát mà là Raynaud thứ phát, bác sĩ có thể yêu cầu thêm xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý hệ thống. Không một xét nghiệm máu nào có thể hoàn toàn giúp chẩn đoán được nguyên nhân bệnh của Raynaud. Bác sĩ có thể yêu cầu thêm nữa các xét nghiệm khác, chẳng hạn như các xét nghiệm loại trừ các bệnh về động mạch, tổng phân tích nước tiểu,… để giúp xác định chính xác tình trạng có thể liên quan đến Raynaud. 

Điều trị hội chứng Raynaud

Mục tiêu điều trị chủ yếu của hội chứng Raynaud là hạn chế tối đa tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn co mạch, ngăn ngừa tổn thương mô và điều trị bệnh nền. Từ đó cải thiện chất lượng đời sống của người bệnh. Đầu tiên phải kể đến những phương pháp thay đổi lối sống của người, đây là phương pháp quan trọng nhất:

  • Tránh khói thuốc: hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc làm cho nhiệt độ da giảm xuống do mạch máu bị co lại, có thể dẫn đến cơn co mạch.
  • Tập thể dục: tăng tuần hoàn là một trong số các lợi ích sức khỏe khác của việc tập thể dục. Nếu bạn bị Raynaud thứ phát, hãy đến với bác sĩ để nhận được lời khuyên trước khi tập thể dục ngoài trời lạnh.
  • Kiểm soát căng thẳng: học cách nhận biết và tránh các tình huống căng thẳng có thể giúp kiểm soát số lượng các đợt tấn công của bệnh.
  • Tránh nhiệt độ thay đổi nhanh chóng: cố gắng không vội di chuyển từ môi trường nóng sang phòng điều hòa nhiệt độ. Nếu có thể, hãy tránh các khu vực thực phẩm đông lạnh ở các cửa hàng tạp hóa. 
  • Mặc quần áo chống lạnh nhiều lớp và đeo găng tay hoặc tất dày nếu thời tiết lạnh: thường có hiệu quả trong việc đối phó với các triệu chứng nhẹ của bệnh Raynaud.
hội chứng raynaud
Thường xuyên tập thể dục để năng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật

Thứ hai, tùy vào nguyên nhân gây ra triệu chứng, một số thuốc có thể hữu ích. Để làm giãn mạch máu và tăng lưu lượng máu, bác sĩ có thể kê đơn:

  • Thuốc chẹn Canxi: những loại thuốc này giúp làm giãn các mạch máu nhỏ ở bàn tay và bàn chân, làm giảm mức độ nghiêm trọng và số lượng các đợt tấn công ở hầu hết những người mắc bệnh Raynaud. Những loại thuốc này cũng có thể giúp chữa lành vết loét trên da trên ngón tay hoặc ngón chân do biến chứng của bệnh Raynaud mang lại.
  • Các loại thuốc giãn mạch: sử dụng các thuốc giãn mạch khác trong hội chứng Raynaud hiện nay còn đang gây nhiều tranh cãi, chỉ được khuyến nghị sử dụng khi Raynaud không đáp ứng với thuốc chẹn canxi.

Cuối cùng, đối với các trường hợp hội chứng Raynaud nặng gây biến chứng loét hoặc hoại tử ngón, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Ngoài ra trường hợp Raynaud nặng bệnh nhân còn được chỉ định tiêm botox A – là một loại hóa chất có tác dụng ức chế sự giải phóng acetylcholin tại đầu tận cùng thần kinh, gây ức chế co cơ trơn, ức chế dẫn truyền thần kinh có tác dụng giảm đau và tăng lưu lượng máu ở đầu ngón.

Phòng khám chẩn đoán hình ảnh mạch máu

  • Phòng khám đa khoa Hạnh Phúc | BS Võ Văn Trí – Q.10

Kết luận

Hội chứng Raynaud là một tình trạng thường gặp ở nữ hơn nam giới, xảy ra ở các nước xử lạnh nhiều hơn. Ban đầu có thể triệu chứng bệnh chỉ là những đợt tấn công nhẹ, thoáng qua, gây khó chịu cho người bệnh, nhưng về sau bệnh để lại những biến chứng vô cùng nghiêm trọng như loét hoặc hoại tử đầu chi.

Nếu phát hiện các triệu chứng kể trên, bạn hãy liên hệ ngay Docosan.com để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ những y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm của chúng tôi.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu hội chứng raynaud tại trang web Docosan.com, chúng tôi hân hạnh được chào đón và nhận sự tín nhiệm của bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.