Huyết sắc tố hay còn gọi hemoglobin (Hb) là một chỉ số liên quan đến chức năng vận chuyển oxy của máu. Một số tình trạng bệnh lý về máu có thể được chẩn đoán thông qua chỉ số huyết sắc tố và một vài chỉ số máu khác như: hematocrit, thể tích trung bình hồng cầu (MCV), huyết sắc tố trung bình trong hồng cầu (MCH), mức độ phân bố hồng cầu (RDW),… Những thông tin liên quan đến huyết sắc tố cũng như các vấn đề cần lưu ý khi có bất thường về công thức máu sẽ được Doctor có sẵn cung cấp trong bài viết sau, cùng tìm hiểu nhé!
Tóm tắt nội dung
- 1 Huyết sắc tố là gì?
- 2 Điện di huyết sắc tố là gì?
- 3 Chỉ số huyết sắc tố
- 4 Huyết sắc tố bình thường
- 5 Các bệnh lý về máu liên quan
- 6 Huyết sắc tố ở phụ nữ mang thai, phụ nữ mãn kinh
- 7 Khi nào cần đi thử huyết sắc tố?
- 8 Khi nào cần truyền máu?
- 9 Câu hỏi thường gặp
- 9.0.0.1 Huyết sắc tố thấp có nguy hiểm không?
- 9.0.0.2 Điện di huyết sắc tố là gì?
- 9.0.0.3 Cách đọc kết quả điện di huyết sắc tố
- 9.0.0.4 Kết quả điện di huyết sắc tố bình thường
- 9.0.0.5 Lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu
- 9.0.0.6 Huyết sắc tố thấp có ảnh hưởng gì?
- 9.0.0.7 Huyết sắc tố HgB là gì?
- 9.0.0.8 Huyết sắc tố thấp nên ăn gì?
- 9.0.0.9 Giá xét nghiệm điện di huyết sắc tố
- 9.0.0.10 Điện di huyết sắc tố chẩn đoán thalassemia
- 9.0.0.11 Huyết sắc tố giảm khi mang thai
- 9.0.0.12 Nồng độ huyết sắc tố là gì?
- 9.0.0.13 Thiếu huyết sắc tố là gì?
- 9.0.0.14 Điện di huyết sắc tố có cần nhịn ăn không?
- 9.0.0.15 Chỉ số huyết sắc tố ở trẻ em
- 9.0.0.16 Huyết sắc tố nằm ở đâu?
Huyết sắc tố là gì?
Huyết sắc tố hay Hemoglobin (Hb) là protein chứa trong các tế bào hồng cầu chịu trách nhiệm vận chuyển oxy đến các mô. Để đảm bảo cung cấp oxy cho mô đầy đủ, phải duy trì đủ nồng độ huyết sắc tố.
Trọng lượng phân tử của huyết sắc tố là khoảng 64.500 dalton, bao gồm hai cặp chuỗi, α và β, mỗi chuỗi được xác định bởi một trình tự axit amin cụ thể và kết hợp với một nhóm heme chứa sắt. Hai dime α–β kết hợp với nhau, điều này cho phép tương tác “heme–heme” cần thiết cho sự gắn và giải phóng oxy. Ái lực oxy của huyết sắc tố là thước đo xem có bao nhiêu phân tử hemoglobin liên kết với oxy ở một mức độ bão hòa oxy nhất định.
Điện di huyết sắc tố là gì?
Điện di huyết sắc tố là một kỹ thuật dựa vào tốc độ di chuyển của protein trong điện trường, các protein khác nhau sẽ có tốc độ di chuyển khác nhau. Dựa vào kết quả điện di này, ta có thể xác định được các thành phần huyết sắc tố bất thường.
Ở người bình thường, huyết sắc tố chính là HbA, chiếm khoảng 97% tổng lượng huyết sắc tố. Sự thay thế axit amin thứ sáu trên chuỗi β tạo ra HbS (huyết sắc tố hình liềm). HbS có ái lực với oxy thấp hơn nên vận chuyển oxy kém. HbF, một thành phần nhỏ của huyết sắc tố bình thường có ái lực với oxy cao hơn HbA. HbF có tỉ lệ cao ở trẻ em hơn người lớn.
Chỉ số huyết sắc tố
Nhiều bệnh lý về máu có thể được phát hiện bằng các chỉ số xét nghiệm công thức máu trước khi triệu chứng được biểu hiện rõ ràng. Do đó, khi dựa vào chỉ số huyết sắc tố để đánh giá bệnh lý cần dựa vào nhiều yếu tố. Ví dụ, một người thiếu máu lâu ngày với lượng huyết sắc tố thấp hơn bình thường có thể không biểu hiện triệu chứng rầm rộ như một người bị thiếu máu cấp tính do xuất huyết tiêu hóa, chấn thương,…
Lượng huyết sắc tố trong máu toàn phần được biểu thị bằng gram trên mỗi decilit (g/dl). Khi lượng huyết sắc tố thấp, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu máu. Tăng số lượng hồng cầu là hậu quả của việc tăng sản xuất hoặc giảm phân hủy hồng cầu, điều này dẫn đến lượng huyết sắc tố trên mức bình thường.
Huyết sắc tố bình thường
Theo độ tuổi
Giá trị huyết sắc tố ở người lớn tuổi khỏe mạnh nhìn chung thấp hơn so với với người trẻ tuổi. Một vài nguyên nhân chính nên lưu ý như: thiếu hụt dinh dưỡng do kém hấp thu, các bệnh lý về thận, viêm mãn tính (viêm khớp,…),… Do đó, để đánh giá một người cao tuổi có thiếu máu hay không cần dựa vào nhiều yếu tố để có thể đánh giá đúng mực.
Theo giới tính
Mức Hemoglobin bình thường đối với nam giới là 14 đến 18 g/dl, đối với nữ là 12 đến 16 g/dl. Mức huyết sắc tố bình thường của nam cao hơn nữ có thể do hoạt động thể lực tương đối nặng hơn nữ, cũng như hormon androgen (nội tiết tố nam) có thể làm tăng nồng độ huyết sắc tố.
Hút thuốc
Những người hút thuốc hoặc tiếp xúc đáng kể với khói thuốc hoặc các nguồn khói, khí thải độc khác sẽ có lượng huyết sắc tố tăng hơn so với người bình thường. Nguyên nhân là do tăng nồng độ carboxyhemoglobin, làm giảm việc cung cấp oxy. Do đó, cơ thể sẽ bù trừ bằng cách tăng số lượng huyết sắc tố trong cơ thể để đảm bảo lượng oxy cung cấp cho cơ thể.
Người sinh sống ở vùng cao
Ở độ cao trên 2500 mét so với mực nước biển, độ bão hòa oxy giảm đi đáng kể. Do đó, những người sống ở vùng cao lâu ngày sẽ có mức huyết sắc tố cao hơn bình thường do sự đáp ứng của cơ thể.
Các bệnh lý về máu liên quan
Huyết sắc tố thấp
Thiếu máu là một tình trạng mà huyết sắc tố trong cơ thể giảm thấp dưới mức bình thường. Tùy vào mức độ thiếu máu mà người bệnh có hay không xuất hiện triệu chứng.
Nguyên nhân của thiếu máu giảm hồng cầu có thể do giảm sản xuất hoặc bất thường trong quá tình phân ly. Các bệnh lý có thể được phân loại như sau:
- Thiếu máu hồng cầu nhỏ (huyết sắc tố và thể tích hồng cầu giảm <80 fL):
- Thiếu máu do thiếu sắc
- Thiếu máu hậu quả do các bệnh mãn tính (ung thư, bệnh thận mãn tính liên quan đến việc thiếu hụt erythropoietin, viêm khớp, suy giáp,…)
- Thalassemia
- Ngộ độc chì
- Thiếu máu hồng cầu to (huyết sắc tố giảm nhưng thể tích hồng cao tăng >100 fL):
- Tế bào hồng cầu không phân chia. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vitamin B12, thiếu folate, đồng, hội chứng loạn sản tủy, thuốc cản trở quá trình tổng hợp ADN,…
- Bệnh về gan, uống nhiều rượu hoặc suy giáp.
- Hồng cầu lưới lớn hơn hồng cầu bình thường, khi đó tăng số lượng hồng cầu lưới gây tăng thể tích hồng cầu dù lượng huyết sắc tố thấp. Nguyên nhân có thể gặp như: tán huyết, phục hồi sau chấn thương,…
- Thiếu máu hồng cầu bình thường chủ yếu là do chấn thương, mất máu cấp tính làm giảm lượng huyết sắc tố đáng kể. Một vài trường hợp cần truyền máu để đảm bảo vận mạch. Sau khi bệnh nhân ổn định, cần thực hiện đánh giá có hay không thiếu máu.
Huyết sắc tố cao
Ngoài những nguyên nhân sinh lý có thể làm lượng huyết sắc tố cao hơn so với bình thường như: nam giới, hút thuốc, sống ở vùng cao,… một vài bệnh lý có thể liên quan đến tình trạng này.
- Cô đặc máu: Nồng độ huyết sắc tố tăng cao do mất nước, bỏng,…
- Đa hồng cầu nguyên phát: Nguyên nhân do đột biến gen.
- Đa hồng cầu do thiếu oxy: Bệnh phổi mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở, bệnh nhân sau ghép thận,…
- Ung thư biểu mô tế bào gan, thận,…
- U xơ tử cung
Huyết sắc tố ở phụ nữ mang thai, phụ nữ mãn kinh
Phụ nữ mang thai
Trong thời kỳ mang thai, lượng huyết sắc tố của cơ thể mẹ tăng lên để đảm bảo duy trì cung cấp oxy cho mẹ và thai. Tuy nhiên, thể tích huyết tương tăng lên đáng kể, do đó gây ra việc giảm nồng độ hemoglobin.
Phụ nữ có thai có thể thực sự không bị thiếu máu nếu huyết sắc tố vẫn duy trì trên 11 g/dl ở 3 tháng đầu thai kỳ và lớn hơn 10,5 g/dl trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.
Phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh
Thiếu máu thiếu sắt thường xuất hiện ở những người phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh do sự thay đổi về nội tiết tố cũng như các bệnh lý phụ khoa tăng lên.
Cường kinh do u xơ tử cung gây thiếu máu kèm theo xuất hiện các triệu chứng thiếu máu điển hình như chóng mặt, da xanh xao, buồn nôn, thở nhanh, mệt mỏi, lơ mơ, viêm lưỡi, viêm môi, vàng da,…
Khi nào cần đi thử huyết sắc tố?
Tổng phân tích tế bào máu là một xét nghiệm phổ biến và dễ dàng khi tầm soát sức khỏe tại các cơ sở y tế. Do đó, nếu không có triệu chứng điển hình hoặc có bất thường liên quan đến máu có thể định kỳ thực hiện theo thời gian khám sức khỏe tổng quát.
Nếu có các dấu hiệu như: chóng mặt, da niêm nhợt nhạt, ăn uống kém,… hoặc đang sử dụng các loại thuốc cũng như mắc các bệnh lý gây ảnh hưởng đến các dòng tế bào máu, bạn có thể thử huyết sắc tố thường xuyên hơn. Thời gian khám định kỳ nên được ấn định bởi bác sĩ điều trị do phụ thuộc vào nồng độ huyết sắc tố, sinh lý bình thường của mỗi cá nhân.
Một số nhóm thuốc cần lưu ý như:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc hạ đường huyết
- Thuốc kháng vi rút
- Kháng sinh
- Thuốc chống co giật
Khi nào cần truyền máu?
Thiếu máu do mất máu cấp, khi huyết sắc tố giảm dưới 7 g/dl cần được điều trị bằng truyền dịch tĩnh mạch kèm truyền máu.
Ở những người mắc các bệnh lý về tim mạch nên duy trì nồng độ huyết sắc tố cao hơn 8 g/dl.
Câu hỏi thường gặp
Huyết sắc tố thấp có nguy hiểm không?
Tùy vào mức độ thấp của huyết sắc tố. Nếu huyết sắc tố dưới 7 g/dl, truyền máu nên được thực hiện để đảm bảo cung cấp oxy cho cơ thể. Đối với phụ nữ mang thai, thiếu máu có thể tăng tỉ lệ sinh non.
Điện di huyết sắc tố là gì?
Điện di huyết sắc tố là một kỹ thuật trong phòng thí nghiệm, dùng để phân tích các dòng huyết sắc tố dựa vào tốc độ di chuyển khác nhau trong điện trường. Từ đó, có thể xác định được các dòng huyết sắc tố bất thường, hỗ trợ chẩn đoán.
Cách đọc kết quả điện di huyết sắc tố
Kết quả điện di huyết sắc tố sẽ được đọc bởi kỹ thuật viên dựa vào tốc độ di chuyển của dòng huyết sắc tố. Có nhiều loại huyết sắc tố như: HbA, HbF, HbS, HbC,…
Kết quả điện di huyết sắc tố bình thường
Huyết sắc tố bình thường ở người trưởng thành chủ yếu là HbA, chiếm tỉ lệ nhỏ hơn là HbF. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có tỉ lệ HbF cao hơn người trưởng thành.
Lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu
Lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH). Chỉ số này được tính bằng tỉ lệ hemoglobin (đơn vị g/dl) x 10/ số lượng hồng cầu (10^6/ul). MCH thấp có thể thấy trong trường hợp thiếu máu thiếu sắt và bệnh thalassemia.
Huyết sắc tố thấp có ảnh hưởng gì?
Huyết sắt tố thấp có thể do sinh lý bình thường như: nữ giới, phụ nữ mang thai, người cao tuổi,… Tuy nhiên, một vài trường hợp nó là chỉ dấu ban đầu của nhiều bệnh lý liên quan đến máu.
Huyết sắc tố HgB là gì?
HgB là tên viết tắt của hemoglobin, là lượng huyết sắc tố có mặt trong một thể tích huyết tương. Hemolobin có chức năng là vận chuyển oxy và cũng là thành phận tạo ra màu đỏ của hồng cầu.
Huyết sắc tố thấp nên ăn gì?
Một số thực phẩm có thể bổ sung thêm nếu huyết sắc tố thấp: trái cây giàu vitamin C để tăng hấp thu sắt (cam, chanh, bưởi, ổi,…), đu đủ, dưa hấu, nho, xoài,… Bổ sung thêm thịt đỏ và các loại hạt.
Giá xét nghiệm điện di huyết sắc tố
Xét nghiệm điện di huyết sắc tố có vai trò quan trọng trong hỗ trợ định danh và xác định nồng độ các loại huyết sắc tố trong cơ thể, do đó, giá của xét nghiệm này dao động từ 500.000 – 1.000.000 đồng cho 1 lần xét nghiệm.
Điện di huyết sắc tố chẩn đoán thalassemia
Thalassemia là bệnh lý huyết sắc tố do giảm hoặc mất khả năng tổng hợp chuỗi alpha hoặc beta globin. Bạn nên tầm soát thalassemia bằng điện di huyết sắc tố nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh, tiền hôn nhân.
Huyết sắc tố giảm khi mang thai
Huyết sắc tố giảm khi mang thai chủ yếu do tăng thể tích huyết tương. Do đó, thực tế lượng huyết sắc tố giảm nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ oxy cho mẹ và bé.
Nồng độ huyết sắc tố là gì?
Nồng độ huyết sắc tố là lượng huyết sắc tố trong máu toàn phần được biểu thị bằng gram trên mỗi decilit (g/dl).
Thiếu huyết sắc tố là gì?
Thiếu huyết sắc tố là tình trạng lượng huyết sắc tố trong cơ thể dưới mức bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu máu thiếu sắt, tuy nhiên cũng có nhiều bệnh lý và thuốc ảnh hưởng đến sự thiếu hụt huyết sắc tố trong cơ thể.
Điện di huyết sắc tố có cần nhịn ăn không?
Không bắt buộc phải nhịn ăn trước khi lấy máu làm điện di huyết sắc tố. Tuy nhiên, khi làm công thức máu bác sĩ có thể chỉ định thêm các chỉ số đường huyết để kiểm tra, các chỉ số này cần có thời gian nhịn ăn từ 8-12 giờ để đạt kết quả tốt nhất.
Chỉ số huyết sắc tố ở trẻ em
Chỉ số huyết sắc tố bình thường ở trẻ khoảng 11g/dl. Tuy nhiên, thiếu máu ở trẻ ít khi được quan tâm do khả năng hấp thu cũng như chế độ dinh dưỡng ở trẻ em khá đầy đủ trong điều kiện kinh tế phát triển. Thiếu máu ở trẻ nên được lưu ý nếu trẻ mắc các bệnh lý cấp tính, ký sinh trùng.
Huyết sắc tố nằm ở đâu?
Huyết sắc tố là một dạng protein nằm trong tế bào hồng cầu, có ái lực với oxy giúp vận chuyển oxy trong máu. Ngoài ra, huyết sắc tố cũng là thành phần tạo màu đỏ cho hồng cầu.
Huyết sắc tố là một chỉ số quan trọng giúp xác định được tình trạng thiếu máu của cơ thể. Có nhiều bệnh lý cũng như yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chỉ số này, nếu không phát hiện kịp thời có thể gây nhiều hệ lụy về sau.
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK259/
- https://www.uptodate.com/contents/diagnostic-approach-to-the-patient-with-erythrocytosis-polycythemia?search=huy%E1%BA%BFt%20s%E1%BA%AFc%20t%E1%BB%91%20cao&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1
- https://www.uptodate.com/contents/high-altitude-air-travel-and-heart-disease?sectionName=Long-term%20altitude%20exposure&search=hemoglobin%20theo%20%C4%91%E1%BB%99%20tu%E1%BB%95i&topicRef=7133&anchor=H5&source=see_link#
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK499994/