Nhiễm trùng máu là bệnh lý nguy hiểm, khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao nếu mắc phải. Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin quan trọng về căn bệnh này qua bài viết phía dưới cùng Doctor có sẵn nhé.
Tóm tắt nội dung
Bệnh nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng, xảy ra khi đáp ứng của cơ thể con người đối với nhiễm trùng bị mất kiểm soát đưa đến rối loạn chức năng cơ quan.
Nhiễm trùng máu là một bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng khi toàn hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với sự hiện diện của vi trùng trong máu. Nhiễm trùng máu nguy hiểm không chỉ vì những độc lực của vi khuẩn, độc tố từ các chất bài tiết của chúng, mà còn vì những chất hóa học trung gian do các phán ứng miễn dịch giải phóng đi vào máu, kích hoạt phản ứng viêm toàn thân để chống lại nhiễm trùng nhưng lại làm tổn thương mô và cơ quan trong cơ thể.
Xem thêm: Nhiễm trùng máu ở trẻ em
Hai biến chứng nặng của nhiễm trùng máu là sốc nhiễm trùng và suy đa cơ quan nhanh chóng dẫn đến tử vong nên nhiễm trúng máu được xem là một cấp cứu y tế.
Nguyên nhân nhiễm trùng máu
Vi khuẩn Gram âm, Gram dương cũng như vi nấm và ngay cả siêu vi và Rickettsiae đều có thể gây nhiễm trùng máu.
- Các tác nhân thường gây nhiễm trùng máu Gram âm gồm: Escherichia coli, Klebsiella
pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa… - Các tác nhân thường gây nhiễm trùng máu Gram dương gồm: Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Enterococcus spp.,…
- Nhiễm trùng máu bệnh viện thường do các tác nhân đa kháng thuốc: họ Enterobactericiae tiết men beta-lactamase phổ rộng (ESBL), Pseudomonas aeruginosa, S. aureus kháng Methicillin (MRSA), Enterococcus spp. kháng Vancomycin, Candida spp., …
Nhiễm trùng máu có lây không?
Nhiễm trùng máu là bệnh hoàn toàn không lây lan, đặc biệt không lây qua tiếp xúc thông thường.
Bệnh thường khởi phát từ một nhiễm trùng bất kì trong cơ thể có thể ở bất kì vị trí nào trong cơ thể.
Một số nguyên nhân thường gặp là viêm đài bể thận, viêm phổi, viêm phúc mạc, nhiễm trùng đường mật, viêm mô tế bào, viêm màng não mủ, các ổ áp – xe.
Vị trí nhiễm trùng nguyên phát thường có thể xác định được ở những người có sức đề kháng bình thường. Tuy nhiên ở những bệnh nhân giảm bạch cầu hạt, vị trí nhiễm trùng nguyên phát thường rất khó phát hiện.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng máu gồm:
- Sự gia tăng sử dụng các thủ thuật xâm lấn (các catheter đặt trong mạch máu, thở máy…);
- Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch và thuốc độc tế bào trong điều trị ung thư và ghép tạng;
- Người cao tuổi
- Bị bệnh mãn tính như : ung thư, đái tháo đường (những bệnh nhân có khuynh hướng dễ bị nhiễm trùng máu);
- Sự gia tăng nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc; do đại dịch AIDS.
Bệnh có nguy hiểm không ?
Nhiễm trùng máu là bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Tại các quốc gia phát triển, tần suất nhiễm trùng máu nặng vào khoảng 50-100 trường hợp/100.000 dân. Tỷ lệ tử vong chung trong nhiễm trùng máu kể từ thập niên 2000 vào khoảng xấp xỉ 20%.
Các yếu tố tiên lượng xấu ở người mắc bệnh cần lưu ý theo dõi kĩ:
- Tuổi cao,
- Bệnh nền đi kèm (suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính…),
- Bệnh cảnh nặng,
- Lactate máu cao,
- Sử dụng liều vận mạch cao và chậm trễ trong việc hồi sức bệnh nhân.
Biểu hiện nhiễm trùng máu
Biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng máu gồm 4 nhóm triệu chứng:
Triệu chứng của ổ nhiễm trùng nguyên phát
Tùy vào vị trí của ổ nhiễm trùng nguyên phát mà người bị nhiễm trùng máu sẽ có triệu chứng cơ năng ở cơ quan bị nhiễm trùng đó. Ví dụ như:
- Viêm phổi bệnh nhân thường có biểu hiện ho, khạc đàm, khó thở, nghe phổi có rales nổ…
- Nhiễm trùng đường tiết niệu thì bệnh nhân có tiểu khó, tiểu gắt, tiểu đục…
Tuy nhiên, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, già, yếu có thể không có biểu hiện ổ nhiễm trùng khu trú. Và ở một số bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có giảm bạch cầu hạt nặng, sẽ rất khó tìm ra được ổ nhiễm trùng nguyên phát.
Triệu chứng toàn thân
Tăng hay giảm thân nhiệt: Sốt là triệu chứng đặc trưng, thường kèm theo ớn lạnh, lạnh run hoặc hạ thân nhiệt (<36.50C) hoặc có nhiệt độ bình thường.
Thở nhanh: là biểu hiện lâm sàng sớm nhất của nhiễm trùng máu là bệnh nhân lo lắng và thở nhanh dẫn đến kiềm hô hấp.
Hội chứng rối loạn chức năng đa cơ qua:
Sốc nhiễm trùng :
- Mạch đập nhanh, nhẹ
- Tụt huyết áp: (thỏa một trong các tiêu chuẩn bên dưới)
- Huyết áp tâm thu <90 mmHg o Huyết áp tâm thu giảm >40 mmHg so với mức huyết áp cơ bản trước đó
- Huyết áp trung bình <70 mmHg
- Tình trạng giảm tưới máu mô như chi lạnh, da nổi bông, thời gian đổ đầy mao mạch (CRT) kéo dài, thiểu niệu, nhiễm toan acid lactic, rối loạn tri giác …
- Không đáp ứng với bù dịch, cần phải dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp trung bình ≥ 65 mmHg
Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS) hay còn gọi là “sốc phổi”: xảy ra trong vòng 1 tuần (bệnh sử)
- Tổn thương thận cấp: thiểu niệu (< 0.5ml/kg/giờ trong 6 giờ)
- Tổn thương gan: vàng da, tăng Bilirubine/máu.
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương: thay đổi tri giác như: li bì, kích động, bứt rứt, rối loạn hành vi…
Các triệu chứng lâm sàng khác :
Rối loạn đông máu: bầm chỗ chích, xuất huyết da, niêm mạc (chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…)
Hoại tử mô do thiếu máu nuôi: xanh tím đầu chi và hoại tử thiếu máu của, thường gặp nhất là đầu chi.
Sang thương da (có thể thấy ở nhiễm trùng máu do vi khuẩn, siêu vi, nấm, ngay cả ký sinh trùng): viêm mô tế bào, mụn mủ, bóng nước, xuất huyết, … Đôi khi sang thương da có thể gợi ý tác nhân gây bệnh đặc hiệu:
- Khi nhiễm trùng máu kèm theo tử ban dạng chấm, mảng có hoại tử trung tâm thì tác nhân gây bệnh có thể là N.menigitidis, S. suis (hoặc ít gặp hơn là H.influenzae).
- Sang thương dạng bóng nước hoặc xuất huyết ở bệnh nhân nhiễm trùng máu vừa ăn sò sống gợi ý tác nhân Vibrio vulnificus.
- Đỏ da toàn thân ở bệnh nhân nhiễm trùng máu gợi ý hội chứng sốc độc tố do Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes.
Chẩn đoán nhiễm trùng máu
Lâm sàng : các triệu chứng không đặc hiệu, không giúp gợi ý bệnh nhưng có thể dựa vào lâm sàng để tìm ổ nhiễm trùng nguyên phát. Trên bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định là có nhiễm trùng, những dấu hiệu sau đây gợi ý nhiễm trùng máu: sốt hoặc hạ thân nhiệt, nhịp thở nhanh, nhịp tim nhanh, rối loạn tri giác, tụt huyết áp.
Cận lâm sàng :
- Bạch cầu máu tăng hoặc giảm, tiểu cầu giảm.
- Phết máu ngoại biên xem: bạch cầu dạng băng (band forms), không bào, thể Dohle, hạt độc.
- CRP/Procalcitonin máu tăng.
- Cấy máu, nhuộm Gram và cấy các bệnh phẩm khác để chẩn đoán tác nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm đánh giá rối loạn chức năng cơ quan: khí máu động mạch, Bilirubin/máu, Creatinine/máu…
- Xét nghiệm tìm ổ nhiễm trùng: tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X-quang, CT scan…)
Nhiễm trùng máu có chữa được không?
Bệnh nhiễm trùng máu có thể làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng nhưng không phải là không cứu chữa được.
Về nguyên tắc, chữa nhiễm trùng máu được tiến hành song song các biện pháp điều trị sau:
- Điều trị nhiễm trùng: điều trị kháng sinh và xử lý ổ nhiễm trùng nguyên phát
- Điều trị hồi sức tích cực (điều trị rối loạn chức năng các cơ quan): hồi sức tuần hoàn, hồi sức hô hấp, điều trị thay thế thận, điều trị rối loạn đông máu…
- Các điều trị hỗ trợ khác: hydrocortisone, kiểm soát đường huyết bằng Insulin, cân bằng nước và điện giải…
Do đó bệnh nhiễm trùng máu vẫn có thể được điều trị, chữa khỏi nhưng đòi hỏi rất nhiều ở người bác sĩ, không những phải chẩn đoán được sớm và đúng bệnh nhiễm trùng máu mà còn phải phân tích và phối hợp nhiều biện pháp điều trị trong cùng một lúc để cứu được bệnh nhân.
Kết luận
Nhiễm trùng máu là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng, xảy ra khi đáp ứng của cơ thể con người đối với nhiễm trùng bị mất kiểm soát đưa đến rối loạn chức năng cơ quan. Chẩn đoán nhiễm trùng máu dựa vào lâm sàng để tìm ổ nhiễm trùng nguyên phát và cận lâm sàng. Bệnh nhiễm trùng máu vẫn có thể được chữa khỏi nhưng đòi hỏi bác sĩ phải chẩn đoán sớm và đúng bệnh nhiễm trùng máu, phân tích và phối hợp nhiều biện pháp điều trị trong cùng một lúc để cứu được bệnh nhân.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Bài giảng Nhiễm trùng huyết của TS. BS. Hồ Đặng Trung Nghĩa