Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em: Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ em, xảy ra khi đáp ứng của cơ thể bé đối với nhiễm trùng bị mất kiểm soát đưa đến rối loạn chức năng cơ quan. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng mà bố mẹ cần nắm thông tin thật kỹ. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này ngay trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em

Nguyên nhân nhiễm trùng máu ở trẻ em cũng tương tự như người lớn, có thể do vi khuẩn Gram âm, vi khuẩn Gram dương cũng như vi nấm và ngay cả siêu vi và Rickettsiae đều có thể gây nhiễm trùng máu.

  • Các tác nhân thường gây nhiễm trùng máu Gram âm gồm: Escherichia coli, Klebsiella
    pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa…
  • Các tác nhân thường gây nhiễm trùng máu Gram dương gồm: Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Enterococcus spp.,…
  • Nhiễm trùng máu bệnh viện thường do các tác nhân đa kháng thuốc: họ Enterobactericiae tiết men beta-lactamase phổ rộng (ESBL), Pseudomonas aeruginosa, S. aureus kháng Methicillin (MRSA), Enterococcus spp. kháng Vancomycin, Candida spp.,…
nhiễm trùng máu ở trẻ
Nguyên nhân nhiễm trùng máu ở trẻ

Trẻ bị nhiễm trùng máu có nguy hiểm không?

Nhiễm trùng máu ở trẻ là bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu có tỷ lệ tử vong cao, lên tới 20-50%. Trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm trùng máu. Bệnh có diễn biến nặng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, tiên lượng khó lường, tỷ lệ tử vong rất cao.

Nhiễm trùng máu gây tử vong cho hàng triệu trẻ em bởi các biến chứng nguy hiểm như:

  • Sốc nhiễm khuẩn, biến chứng này có thể gây suy hô hấp, suy tim, đột quỵ, suy các cơ quan và tử vong, kể cả khi đã được điều trị tích cực, là biến chứng nguy hiểm nhất.
  • Tăng đông máu dẫn đến tình trạng thiếu máu, tắc mạch ở các cơ quan, trẻ có thể tử vong nếu bị nhồi máu phổi, máu não, thiếu máu cơ tim…
  • Suy đa cơ quan dẫn đến tử vong
nhiễm trùng máu ở trẻ
Bé bị nhiễm trùng máu có nguy hiểm không?

Dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trẻ

Biểu hiện nhiễm trùng máu ở trẻ em không đặc hiệu, gồm

Biểu hiện lâm sàng

Triệu chứng của ổ nhiễm trùng nguyên phát

Tùy vào vị trí của ổ nhiễm trùng nguyên phát mà trẻ sẽ bị nhiễm trùng máu sẽ có triệu chứng cơ năng ở cơ quan bị nhiễm trùng đó. Ví dụ như:

  • Viêm phổi ở trẻ thường có biểu hiện ho, khạc đàm, khó thở, nghe phổi có rales nổ…
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu thì bé có tiểu khó, tiểu gắt, tiểu đục …

Triệu chứng toàn thân

Tăng hay giảm thân nhiệt: Sốt là triệu chứng đặc trưng, thường kèm theo ớn lạnh, lạnh run hoặc hạ thân nhiệt (<36.50C) hoặc có nhiệt độ bình thường.

Thở nhanh là biểu hiện lâm sàng sớm nhất của nhiễm trùng máu là ở trẻ và thở nhanh dẫn đến kiềm hô hấp.

  • Nhịp tim nhanh
  • Tiêu chảy, nôn mửa, ăn bú kém

Các triệu chứng lâm sàng khác

Rối loạn đông máu: bầm chỗ chích, xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…)

Hoại tử mô do thiếu máu nuôi: xanh tím đầu chi và hoại tử thiếu máu của, thường gặp nhất là đầu chi.

Sang thương da (có thể thấy ở nhiễm trùng máu do vi khuẩn, siêu vi, nấm, ngay cả ký sinh trùng): viêm mô tế bào, mụn mủ, bóng nước, xuất huyết, … Đôi khi sang thương da có thể gợi ý tác nhân gây bệnh đặc hiệu:

  • Khi nhiễm trùng máu kèm theo tử ban dạng chấm, mảng có hoại tử trung tâm thì tác nhân gây bệnh có thể là N.menigitidis, S. suis (hoặc ít gặp hơn là H.influenzae).
  • Sang thương dạng bóng nước hoặc xuất huyết ở trẻ nhiễm trùng máu vừa ăn sò sống gợi ý tác nhân Vibrio vulnificus.
  • Đỏ da toàn thân ở trẻ nhiễm trùng máu gợi ý hội chứng sốc độc tố do Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes.
nhiễm trùng máu ở trẻ
Nổi đỏ toàn thân là biểu hiện của nhiễm trùng máu ở trẻ em

Xem thêm: Xuất huyết dưới da ở trẻ em

Chẩn đoán nhiễm trùng máu ở trẻ

Triệu chứng lâm sàng

các triệu chứng không đặc hiệu, không giúp gợi ý bệnh nhưng có thể dựa vào lâm sàng để tìm ổ nhiễm trùng nguyên phát. Ở trẻ nghi ngờ hoặc đã xác định là có nhiễm trùng, những dấu hiệu sau đây gợi ý nhiễm trùng máu: sốt hoặc hạ thân nhiệt, nhịp thở nhanh, nhịp tim nhanh, rối loạn tri giác, tụt huyết áp.

Triệu chứng cận lâm sàng

  • Bạch cầu máu tăng hoặc giảm, tiểu cầu giảm.
  • Phết máu ngoại biên xem: bạch cầu dạng băng (band forms), không bào, thể Dohle, hạt độc.
  • CRP/Procalcitonin máu tăng.
  • Cấy máu, nhuộm Gram và cấy các bệnh phẩm khác để chẩn đoán tác nhân gây bệnh.
  • Xét nghiệm đánh giá rối loạn chức năng cơ quan: khí máu động mạch, Bilirubin/máu, Creatinine/máu…
  • Xét nghiệm tìm ổ nhiễm trùng: tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X-quang, CT scan…)
nhiễm trùng máu ở trẻ
Xét nghiệm máu chẩn đoán nhiễm trùng máu ở trẻ em

Điều trị nhiễm trùng máu ở trẻ

Bệnh nhiễm trùng máu có thể làm trẻ tử vong nhanh chóng nhưng không phải là không cứu chữa được.

Về nguyên tắc, chữa nhiễm trùng máu ở trẻ được tiến hành song song các biện pháp điều trị sau:

  • Điều trị nhiễm trùng: điều trị kháng sinh và xử lý ổ nhiễm trùng nguyên phát
  • Điều trị hồi sức tích cực (điều trị rối loạn chức năng các cơ quan): hồi sức tuần hoàn, hồi sức hô hấp, điều trị thay thế thận, điều trị rối loạn đông máu…
  • Các điều trị hỗ trợ khác: hydrocortisone, kiểm soát đường huyết bằng Insulin, cân bằng nước và điện giải…
nhiễm trùng máu ở trẻ
Điều trị nhiễm trùng máu bằng thuốc kháng sinh

Do đó bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ vẫn có thể được điều trị, chữa khỏi nhưng đòi hỏi rất nhiều ở người bác sĩ, không những phải chẩn đoán được sớm và đúng bệnh nhiễm trùng máu mà còn phải phân tích và phối hợp nhiều biện pháp điều trị trong cùng một lúc để cứu được bé.

Kết luận

Nhiễm trùng máu là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng, xảy ra khi đáp ứng của cơ thể trẻ đối với nhiễm trùng bị mất kiểm soát đưa đến rối loạn chức năng cơ quan. Chấn đoán nhiễm trùng máu ở trẻ dựa vào lâm sàng để tìm ổ nhiễm trùng nguyên phát và cận lâm sàng. Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ vẫn có thể được chữa khỏi nhưng đòi hỏi bác sĩ phải chẩn đoán sớm và đúng bệnh nhiễm trùng máu, phân tích và phối hợp nhiều biện pháp điều trị trong cùng một lúc để cứu được bé.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  • Bài giảng Nhiễm trùng huyết của TS. BS. Hồ Đặng Trung Nghĩa