Thiếu máu là một tình trạng phổ biến xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp nhất. Bệnh có thể diễn tiến âm thầm khiến người bệnh không nhận ra được cho đến khi triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Đây cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho một bệnh lý nghiêm trọng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này trong nội dung dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Thiếu máu là gì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố (hemoglobin) và số lượng hồng cầu trong máu ngoại biên dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho mô, tế bào trong cơ thể. Bệnh có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và suy nhược. Hiện nay có nhiều loại thiếu máu, mỗi loại đều có nguyên nhân riêng. Thiếu máu có thể là tạm thời hoặc lâu dài, mức độ có thể từ nhẹ đến nặng. Các phương pháp điều trị bệnh thiếu máu bao gồm từ việc bổ sung thực phẩm đến việc can thiệp của y khoa.
Nguyên nhân gây thiếu máu
Thiếu máu xảy ra khi số lượng hồng cầu trong máu giảm. Có 3 trường hợp xảy ra:
- Cơ thể không tạo đủ tế bào hồng cầu.
- Chảy máu làm mất đi các tế bào hồng cầu nhanh hơn thời gian để chúng có thể được thay thế bởi hồng cầu mới.
- Cơ thể tự phá hủy các tế bào hồng cầu.
Các loại thiếu máu khác nháu có những nguyên nhân khác nhau, các nguyên nhân thiếu máu cụ thể bao gồm:
- Thiếu máu do thiếu sắt: Loại thiếu máu phổ biến nhất này là do cơ thể bị thiếu sắt bởi nhiều nguyên nhân. Tủy xương cần sắt để tạo ra hemoglobin. Nếu không có đủ chất sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ hemoglobin cho các tế bào hồng cầu. Loại này thường gặp phụ nữ mang thai. Ngoài ra nguyên nhân của dạng này cũng có thể là do mất máu, chẳng hạn như chảy máu kinh nhiều, loét đường tiêu hóa, ung thư và thường xuyên sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn, đặc biệt là aspirin, có thể gây viêm niêm mạc dạ dày dẫn đến mất máu.
- Thiếu máu do thiếu vitamin: Bên cạnh sắt, cơ thể cần folate và vitamin B12 để sản xuất đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Chế độ ăn uống thiếu những chất này và các chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể gây giảm sản xuất hồng cầu. Ngoài ra, một số người mặc dù tiêu thụ đủ B12 nhưng không thể hấp thụ chúng dẫn đến thiếu máu do thiếu vitamin, còn được gọi là thiếu máu ác tính.
- Thiếu máu không tái tạo (thiếu máu bất sản): Đây là tình trạng hiếm gặp, đe dọa tính mạng này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm nhiễm trùng, một số loại thuốc, bệnh tự miễn dịch và tiếp xúc với hóa chất độc hại tác động đến tủy xương ảnh hưởng chức năng tạo hồng cầu.
- Thiếu máu tán huyết: Nhóm bệnh này phát triển khi các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn so với thời gian tủy xương cần để thay thế chúng. Một số bệnh huyết học làm tăng quá trình phá hủy hồng cầu. Bệnh thiếu máu tán huyết có thể di truyền hoặc phát triển bệnh trong quá trình sống.
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm: Tình trạng này thường do di truyền. Nguyên nhân là do một dạng hemoglobin bị khiếm khuyết khiến các tế bào hồng cầu phải có hình dạng hình lưỡi liềm (hình liềm) bất thường. Các tế bào bất thường này chết sớm hơn, dẫn đến tình trạng thiếu hồng cầu mãn tính.
Dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu
Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếudo một bệnh mãn tính gây ra, căn bệnh này có thể che dấu sự hiện diện của thiếu máu, do đó bệnh thiếu máu có thể được phát hiện ngẫu nhiên bằng các xét nghiệm cho một tình trạng khác. Hầu như tình trạng này thường không có triệu chứng rõ rệt. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Mệt mỏi, yếu đuối, thiếu tập trung, dễ hồi hộp
- Da tím tái, nhợt nhạt hoặc hơi vàng
- Nhịp tim nhanh bất thường
- Khó thở, đánh trống ngực
- Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, u tai
- Tay chân lạnh
- Nếu là phụ nữ có thể gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt
Lúc đầu, thiếu máu có thể rất nhẹ, diễn tiến âm thầm đến nỗi không cảm nhận được. Nhưng các triệu chứng sẽ dần xấu đi khi tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu
Các yếu tố nguy cơ của hiện tượng thiếu máu là:
- Chế độ ăn thiếu một số vitamin và khoáng chất: Chế độ ăn luôn ít sắt, vitamin B12 và folate làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn đường ruột ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong ruột non – chẳng hạn như bệnh Crohn và bệnh Celiac – làm tăng nguy cơ bị thiếu máu do thiếu chất dinh dưỡng.
- Kinh nguyệt: Nhìn chung, phụ nữ chưa mãn kinh có nguy cơ cao mắc bệnh do thiếu sắt cao hơn nam giới và phụ nữ sau mãn kinh do hiện tượng hành kinh làm mất đi một lượng hồng cầu đáng kể.
- Mang thai: Ở phụ nữ đang mang thai và không dùng vitamin tổng hợp có axit folic và sắt sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh cao hơn.
- Bệnh mãn tính: Bệnh ung thư, suy thận, tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính khác có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh.
- Mất máu rỉ rả: Chảy máu từ các vết loét hoặc các nguồn khác trong cơ thể có thể làm cạn kiệt kho dự trữ sắt của cơ thể, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
- Tiền căn gia đình: Nếu gia đình có tiền sử bị thiếu máu di truyền, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm, thành viên trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tuổi tác: Những người trên 65 tuổi có nhiều nguy cơ mắc bệnh
- Những yếu tố khác: Tiền sử mắc một số bệnh nhiễm trùng, bệnh máu và rối loạn tự miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nghiện rượu, tiếp xúc với hóa chất độc hại và sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu và dẫn đến thiếu máu.
Phòng ngừa bệnh thiếu máu
Nhiều loại thiếu máu không thể phòng ngừa được. Nhưng chúng ta có thể tránh thiếu máu do thiếu sắt và thiếu máu do thiếu vitamin bằng cách áp dụng chế độ ăn uống bao gồm nhiều loại vitamin và khoáng chất. Ngoài ra việc nhận biết sớm các dấu hiệu có thể ngăn chặn kịp thời bệnh tiến triển. Các cách phòng ngừa bệnh bao gồm:
- Ăn uống hợp vệ sinh, khoa học: bổ sung đầy đủ các loại vitamin C, vitamin B12, acid folic và sắt giúp cung cấp đầy đủ thành phần cho quá trình tạo hồng cầu của cơ thể.
- Chế độ làm việc cân đối, hợp lý kết hợp với rèn luyện sức khỏe thường xuyên.
- Dùng thuốc xổ giun mỗi năm 1 lần
- Phụ nữ nên theo dõi kĩ chu kì kinh nguyệt, bổ sung thêm sắt vào bữa ăn hàng ngày, đặt biệt là những phụ nữ mang thai cần phải chú ý bổ sung hơn.
- Không dùng thuốc giảm đau không rõ loại có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
- Khám sức khỏe định kì mỗi năm 1 lần để phát hiện kịp thời những dấu hiệu thiếu máu sớm nhất.
Chẩn đoán thiếu máu ra sao?
Để chẩn đoán thiếu máu, các bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng kể trên kết hợp với thăm khám lâm sàng để đưa ra những chẩn đoán sơ bộ. Sau đó bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm máu đối với bệnh thiếu máu, để chẩn đoàn tình trạng thiếu máu kết hợp với các xét nghiệm khác để đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân thiếu máu. Các xét nghiệm có thể là:
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: giúp chẩn đoán tình trạng thiếu máu ở người bệnh thông qua việc khảo sát tất cả thông số của máu và hồng cầu.
- Đo hàm lượng Ferritin: Ferritin giảm chứng tỏ trữ lượng sắt trong cơ thể giảm.
- Đo hàm lượng acid folic và vitamin B12.
- Tủy đồ: đôi khi tủy đồ cần được thực hiện khi kết quả công thức máu và các xét nghiệm khác không giải thích được nguyên nhân gây bệnh
Ngoài ra còn một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh khác như nội soi dạ dày – thực quản, nội soi đại tràng, tìm máu ẩn trong phân, siêu âm bụng,…
Điều trị thiếu máu như thế nào?
Điều trị thiếu máu thiếu sắt phải tùy vào nguyên nhân của bệnh mà đưa ra hướng xử trí phù hợp. Các hướng xử trí có thể bao gồm:
- Bổ sung sắt, vitamin B12, acid folic và vitamin C.
- Nội soi hoặc phẫu thuật để cầm máu nếu nguyên nhân là do chảy máu.
- Tiêm erythropoietin (một hormone được tổng hợp ở thận) giúp kích thích sản xuất hồng cầu.
- Truyền máu được sử dụng trong các trường hợp thiếu máu không tái tạo hoặc thiếu máu do bệnh mạn tính.
- Cấy ghép tủy xương sử dụng trong trường hợp tủy xương không thể sản xuất ra các hồng cầu khỏe mạnh bởi nhiều nguyên nhân như di truyền, ung thư,…
Phòng khám và bác sĩ tư vấn bệnh thiếu máu
- BS. Phí Thị Tuyết Nga có gần 30 năm kinh nghiệm. – Q4, TP.HCM.
- BS. Trần Thiện Vĩnh Quân có 30 năm kinh nghiệm. – Q10, TP.HCM.
- Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà cung cấp gần như toàn diện các dịch vụ thăm khám chữa bệnh với gần 20 chuyên khoa. – Đống Đa, Hà Nội.
Kết luận
Thiếu máu là một tình trạng phổ biến thường gặp ở mọi độ tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài các nguyên nhân khác thì thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vitamin là có thể phòng ngừa được. Thiếu máu nhẹ ban đầu có thể không có triệu chứng nhưng về sau có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.