Bệnh tiểu cầu cao có thể do nguyên nhân nguyên phát tại tủy hoặc thứ phát do tình trạng bệnh lý ngoài tủy gây ra. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Tóm tắt nội dung
Tiểu cầu cao là bệnh gì?
Tiểu cầu (hay thrombocytes) là những mảnh vỡ hình không nhân từ tế bào chất của tế bào megakaryocyte xuất phát từ tủy xương. Tiểu cầu có đời sống trong khoảng 8-12 ngày, chu trình đổi mới là 4 ngày. Tiểu cầu đóng vai trò giúp máu ngừng chảy bằng cách kết tụ lại và tạo thành các nút chặn ở các vết thương mạch máu. Tiểu cầu bình thường có số lượng vào khoảng 150.000 – 450.000/cm3.
Tiểu cầu ở trạng thái bình thường sẽ trôi tự do trong máu. Khi mạch máu bị tổn thương sẽ làm bộc lộ lớp collgaen ở dưới lớp biểu mô. Tiểu cầu sẽ kết tụ lại tại vị trí mạch máu bị tổn thương và kéo theo các tiểu cầu khác đến kết tụ cùng, cho đến khi hình thành nút chặn tiểu cầu bịt kín tổn thương tại mạch máu.
Vậy tiểu cầu tăng cao là bệnh gì và xảy ra khi nào? Số lượng tiểu cầu cao được định nghĩa là số lượng tế bào tiể cầu vượt quá ngưỡng giới hạn trên bình thường, tức lớn hơn 450.000/cm3. Tình trạng này còn được gọi là đa tiểu cầu.
Cơ chế gây bệnh của tiểu cầu cao dựa trên 3 vấn đề chính sau:
- Tắc vi mạch do số lượng tiểu cầu tăng cao làm tắc nghẽn dòng chảy của mạch máu ở những mao mạch nhỏ, ở phần xa đầu chi, có thể gây ra tình trạng ban đỏ, đau mắt, hoặc cơn thoáng thiếu máu não thoáng qua nếu gây tắc nghẽn ở mạch máu não
- Huyết khối ở mạch máu lớn có thể dẫn tới thuyên tắc hoặc huyết khối động, tính mạch, nguy hiểm có thuyên tắc phổi.
- Chảy máu nghiêm trọng khó cầm: tiểu cầu tăng nhưng lại gây chảy máu là do thiếu yếu tố Von-Willerbrand . Nguyên nhân gây tăng tiểu cầu trong các trường hợp này thường do tế bào gốc trong tủy xương rối loạn tăng sinh tạo ra quá nhiều tiểu cầu.
Số lượng tiểu cầu tăng cao được biết đến do 2 nhóm nguyên nhân chính là tăng tiểu cầu nguyên phát trong bệnh lý tủy xương và tăng tiểu cầu thứ phát do các bệnh lý khác gây ra. Trong trường hợp tiên phát tiên lượng bệnh nguy hiểm hơn do mức độ nguy hiểm của bệnh lý ở tủy, trong trường hợp này đa số là bệnh lý u. Còn tăng thứ phát có thể là một đáp ứng bình thường của cơ thể.
Tăng tiểu cầu nguyên phát: có thể do di truyền (đột biến) khiến tủy tăng sinh nhiều tiểu cầu, các tiểu cầu trong trường hợp này không bình thường và có thể tạo thành huyết khối. Trường hợp khác có thể gây chảy máu trong bệnh lý Von-Willerbrand, ảnh hưởng đến quá trình đông máu, nếu kéo dài và không được điều trị có thể gây xơ hóa tủy xương.
Tăng tiểu cầu thứ phát: xảy ra do ảnh hưởng của bệnh lý hoặc một tác nhân bên ngoài gây ra làm tăng số lượng tiểu cầu. Đa số là tiên lượng nhẹ, có thể tự giới hạn khi điều trị đúng bệnh gây ra. Thường gặp tăng thứ phát tiểu cầu trong các bệnh lý:
- Thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu tán huyết
- Hậu phẫu cắt lách
- Bệnh lý K
- Viêm loét đại tràng
- Lao
- Phản ứng hay tác dụng phụ của thuốc
- Loãng xương
- Sau mất máu nghiêm trọng
- Bệnh lý gan do nghiện rượu gây thiếu vitamin B12 hay nhóm folate
Tiểu cầu cao có nguy hiểm không?
Để trả lời cho câu hỏi bệnh tiểu cầu cao có nguy hiểm không, hãy cùng tìm hiểu các triệu chứng xảy ra khi cơ thể mắc phải tình trạng tiểu cầu tăng cao. Tăng tiểu cầu có thể gây ra: huyết khối và xuất huyết. Đây là 2 triệu chứng thường gặp nhất trong bệnh lý tăng tiểu cầu.
Huyết khối: tăng tiểu cầu nguyên phát có thể hình thành cục máu đông ở não, tay và chân hoặc bất cứ vị trí nào của cơ thể. Cục máu đông nếu xuất hiện ở não có thể gây tai biến mạch máu não, dấu hiệu nhận biết là cơn đau đầu và chóng mặt khi có cơn thiếu máu não thoáng qua. Một số trường hợp đột quỵ có thể dẫn tới tử vong nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.
Huyết khối do tiểu cầu cao nếu xuất hiện ở thai nhi có thể gây chết bào thai, sẩy thai ở thai phụ mắc tiểu cầu tăng nguyên phát. Không phải trường hợp huyết khối nào cũng do tăng tiểu cầu mà bệnh lý này còn có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố nguyên nhân khác. Tùy vào từng nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau.
Xuất huyết có thể làm xuất hiện các triệu chứng như chảy máu cam, mảng bầm máu, mảng tụ máu, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa tiêu phân đen hay nôn ra máu. Đa số các trường hợp xuất huyết thường do giảm tiểu cầu, vậy vì sao tiểu cầu cao vẫn gây xuất huyết? Có thể giải thích rằng, khi cục máu đông được hình thành do tăng tiểu cầu thì nó sử dụng hết lượng tiểu cầu hiện có, dẫn đến thiếu hụt tiểu cầu trong máu khiến các vết thươn trên thành mạch máu khó hồi phục và cầm máu.
Điều trị tiểu cầu trong máu cao như thế nào?
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, các kết công thức máu định kỳ là yếu tố quan trọng để bác sĩ kiểm tra và đánh giá tình trạng tiểu cầu.
- Hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá đồng thời kiểm soát các yếu tố gây huyết khối khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol, mỡ máu, đái tháo đường,…
- Nếu mắc bệnh, cần theo dõi các triệu chứng huyết khối và xuất huyết đồng thời báo ngay cho bác sĩ điều trị để tiến hành can thiệp.
- Sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ không chỉ trong vấn đề điều trị tiểu cầu cao mà còn trong bất kỳ bệnh lý nào khác, trước khi sử dụng bất cứ thuốc nào bạn cần thông báo với bác sĩ về tình trạng bệnh và các loại thuốc đang điều trị. Vì khi đang điều trị thuốc giảm tiểu cầu nếu sử dụng các loại thuốc kháng viêm NSAIDs có thể gây xuất huyết.
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “3 câu hỏi về tình trạng tiểu cầu cao mà bạn cần lưu ý”. Hy vọng bài viết đã đem đến cho quý bạn đọc những thông tin thú vị về tình trạng tăng tiểu cầu.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: NHS