Xét nghiệm định lượng HDL-C là gì? Đối tượng và quy trình thực hiện

HDL cholesterol được gọi là “cholesterol tốt” vì chúng giúp bảo vệ tim và mạch máu bằng cách loại bỏ các dạng “cholesterol xấu”. Hàm lượng HDL cholesterol cao giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch do xơ vữa động mạch. Ngược lại, HDL cholesterol thấp làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ Hãy cùng tìm hiểu thêm về định lượng HDL-C qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung về cholesterol và phân loại

Cholesterol là chất béo chủ yếu được tìm thấy trong các tế bào cơ thể. Cholesterol có nguồn gốc từ hai nguồn chính là gan và từ chế độ ăn uống của chúng ta như thịt, sữa, các sản phẩm từ sữa, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại hạt, rau,… Cơ thể chúng ta cần cholesterol để hoạt động bình thường. Cholesterol không hòa tan trong máu vì máu là chất lỏng thân nước còn cholesterol là chất lỏng thân dầu. Hàm lượng cholesterol cao trong máu sẽ đông lại thành các mảng bám dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Dựa trên tỷ lệ lipoprotein, cholesterol được chia thành hai loại chính: HDL cholesterol và LDL cholesterol. Lipoprotein là sự kết hợp của chất béo (lipid) và protein. Lipid cần được gắn vào protein để chúng có thể di chuyển trong máu. HDL và LDL có vai trò khác nhau:

  • HDL – High Density Lipoprotein hay lipoprotein tỷ trọng cao. Đây được xem là cholesterol “tốt” vì chúng mang cholesterol từ các bộ phận khác của cơ thể trở lại gan. Cho phép gan loại bỏ cholesterol khỏi cơ thể.
  • LDL – Low Density Lipoprotein hay lipoprotein tỷ trọng thấp. Đây được cân nhắc là cholesterol “xấu” vì mức LDL cao dẫn đến tích tụ cholesterol trong động mạch, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạchđột quỵ. Quá nhiều LDL cholesterol lưu thông trong máu sẽ dần dần hình thành các mảng bám và cục máu đông, có thể gây ra cơn đau tim. Mức LDL cholesterol bình thường được khuyến cáo dưới 100 mg/dL.
Cholesterol có nguồn gốc từ gan và chế độ ăn uống
Cholesterol có nguồn gốc từ gan và chế độ ăn uống

Xét nghiệm HDL cholesterol là gì?

Xét nghiệm HDL là một trong số nhiều xét nghiệm được dùng để kiểm tra mức cholesterol trong máu của bạn. Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nên được sàng lọc thường xuyên bằng xét nghiệm này.

Mục đích của xét nghiệm HDL cholesterol

Xét nghiệm HDL-C đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc, theo dõi và chẩn đoán các vấn đề ảnh hưởng đến tim, mạch máu và quá trình lưu thông máu. Định lượng HDL-C và tổng lượng cholesterol trong cùng một mẫu máu cho phép bác sĩ dễ dàng tính toán tỷ lệ HDL-C so với cholesterol khác. Điều này rất quan trọng để đánh giá sức khỏe tim mạch của bạn.

Xét nghiệm HDL-C có vai trò quan trọng trong việc sàng lọc các bệnh tim mạch
Xét nghiệm HDL-C có vai trò quan trọng trong việc sàng lọc các bệnh tim mạch

Ai cần làm xét nghiệm HDL cholesterol

Định lượng HDL-C là một xét nghiệm sàng lọc và cần được thực hiện sớm nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, huyết áp cao, hút thuốc lá, tiểu đường hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Những người không có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim mạch thường bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi muộn hơn và chỉ cần kiểm tra định kỳ 1-2 lần trong năm.

Ở người lớn tuổi thường phải xét nghiệm HDL cholesterol định kỳ
Ở người lớn tuổi thường phải xét nghiệm HDL cholesterol định kỳ

Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm HDL là gì?

Xét nghiệm HDL là một xét nghiệm thường quy ở bài kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm HDL là:

  • Nên xét nghiệm HDL-C vào buổi sáng, vì trước khi xét nghiệm cần nhịn ăn tối thiểu 10 tiếng.
  • Không uống cà phê, rượu, bia, nước có gas, thuốc lá,… trước khi làm xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể.
  • Mang theo đồ ăn nhẹ để ăn sau khi lấy máu.

Cách thực hiện xét nghiệm HDL cholesterol

Xét nghiệm HDL thường diễn ra nhanh chóng và không gây đau đớn cho bạn. Mẫu máu để xét nghiệm HDL-C được lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay và quy trình thường quy này được diễn ra tại phòng khám, phòng xét nghiệm hoặc bệnh viện.

Xét nghiệm định lượng HDL-C là xét nghiệm thường quy khi kiểm tra sức khoẻ
Xét nghiệm định lượng HDL-C là xét nghiệm thường quy khi kiểm tra sức khoẻ

Chuẩn bị Trước khi xét nghiệm

Một số xét nghiệm đo HDL-C cũng bao gồm xét nghiệm nồng độ LDL cholesterol, có thể bị ảnh hưởng bởi lượng thức ăn hoặc đồ uống bạn nạp vào. Vì vậy chúng ta cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm, tốt nhất là không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ngoài nước trong vòng 12 giờ trước khi lấy máu. Nếu bạn thực hiện xét nghiệm tại nhà, hãy xem kỹ hướng dẫn của bộ dụng cụ xét nghiệm để biết thông tin về việc nhịn ăn và bất kỳ công tác chuẩn bị cần thiết nào khác trước xét nghiệm.

Quá trình xét nghiệm diễn ra như thế nào?

Nếu bạn thực hiện xét nghiệm cholesterol tại phòng xét nghiệm, bạn sẽ được lấy mẫu máu ở tĩnh mạch. Quy trình lấy máu này thường chỉ mất vài phút để hoàn thành và có thể gây cảm giác đau nhẹ hoặc chỉ châm chích. Để thực hiện xét nghiệm cholesterol tại nhà, bạn cần sử dụng một cây kim nhỏ để lấy một giọt máu nhỏ từ đầu ngón tay và điều này cũng có thể gây cảm giác châm chích nhẹ.

Sau khi xét nghiệm HDL cholesterol

Sau khi lấy máu, điều dưỡng sẽ làm các thao tác để giúp bạn cầm máu và vệ sinh sạch sẽ nơi lấy máu. Trong trường hợp cần phải tự lấy máu tại nhà, bạn hãy đảm bảo có đầy đủ dụng cụ cầm máu. Cùng với đó, hãy thực hiện việc lấy máu tại nơi khô ráo, sạch sẽ đầy đủ ánh sáng. Sau đó bạn có thể ăn nhẹ và thực hiện các hoạt động bình thường, sẽ không có biến chứng nguy hiểm nào sau khi lấy máu để xét nghiệm HDL cholesterol. Có thể bạn sẽ hơi đau nhẹ hoặc bầm tím ở vị trí lấy máu.

Có thể có cảm giác châm chích sau khi làm xét nghiệm định lượng HDL-C
Có thể có cảm giác châm chích sau khi làm xét nghiệm định lượng HDL-C

Liên hệ bệnh viện Đồng Nai để xét nghiệm HDL-C ngay.

Kết quả HDL cholesterol có ý nghĩa gì?

HDL-C thường được đo và hiển thị bằng đơn vị miligam trên decilit máu (mg/dL). Đối với hầu hết mọi người, chỉ số xét nghiệm máu HDL-C > 60 mg/dL là lý tưởng. Chỉ số này rất có ý nghĩa trong việc phòng ngừa các bệnh mạch vành ở mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, HDL-C cao có thể không có lợi trong một số trường hợp ít phổ biến như di truyền, sử dụng một số loại thuốc, lạm dụng rượu hoặc các vấn đề về tuyến giáp. Nếu chỉ số xét nghiệm máu HDL-C thấp < 40 mg/dL là yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề về tim mạch bao gồm các tình trạng nghiêm trọng như bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, HDL-C thấp có thể phản ánh tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tiểu đường. Rủi ro sức khỏe do HDL-C thấp có thể tăng lên khi xảy ra đồng thời cùng với các mức cholesterol bất thường khác, chẳng hạn như mức cholesterol LDL “xấu” cao hoặc với các vấn đề như huyết áp cao. HDL-C là một chỉ số quan trọng, nhưng hiếm khi được đánh giá riêng lẻ. Bằng cách xem xét HDL-C cùng với các yếu tố khác, bao gồm mức cholesterol LDL, bác sĩ có thể có đánh giá rõ ràng hơn nguy cơ tim mạch của bạn.

Bác sĩ sẽ có đánh giá rõ ràng hơn các bệnh tim mạch sau khi xét nghiệm định lượng HDL-C và các xét nghiệm liên quan khác
Bác sĩ sẽ có đánh giá rõ ràng hơn các bệnh tim mạch sau khi xét nghiệm định lượng HDL-C và các xét nghiệm liên quan khác

Cần làm gì nếu HDL cholesterol thấp?

Mặc dù mức cholesterol HDL được xác định phụ thuộc một phần bởi yếu tố di truyền, nhưng thay đổi lối sống lành mạnh hơn có thể làm để tăng mức cholesterol HDL một cách tự nhiên. Một số cách bạn có thể áp dụng như:

  • Tăng cường hoạt động thể chất: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị nên tập thể dục với cường độ vừa phải tối thiểu 40 phút mỗi lần và từ 3 đến 4 lần mỗi tuần.
  • Giảm cân: Đối với những người thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân giúp tăng mức cholesterol HDL một cách lành mạnh, tự nhiên.
  • Thay đổi chế độ ăn:
    • Tránh chất béo chuyển hóa (một số loại bánh nướng, đồ chiên, một số loại bơ thực vật) và hạn chế chất béo bão hòa (sữa nguyên kem, thịt).
    • Sử dụng dầu oliu vì theo nghiên cứu cho thấy một trong những tác dụng có lợi cho tim của dầu ô liu là làm tăng cholesterol HDL nhờ vào chất chống oxy hóa gọi polyphenol.
    • Chế độ ăn ít carb và ketogenic mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm cân và giảm lượng đường trong máu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tuân theo chế độ ăn này có thể làm tăng cholesterol HDL ở những người có lượng cholesterol thấp.
    • Bổ sung dầu dừa vào chế độ ăn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu dừa có xu hướng làm tăng HDL cholesterol đồng thời cải thiện tỷ lệ lipoprotein mật độ thấp (LDL) hoặc cholesterol “xấu” so với HDL cholesterol, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
    • Ăn trái cây và rau củ màu tím như cà tím, bắp cải tím, quả việt quất, quả mâm xôi,… Các thực phẩm này chứa chất chống oxy hoá anthocyanin giúp chống viêm, bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây hại và có khả năng làm tăng mức cholesterol HDL.
    • Ăn nhiều cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá cơm,… Chất béo omega-3 trong cá mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn cá hoặc dùng thực phẩm bổ sung dầu cá cũng có thể giúp tăng mức cholesterol HDL thấp.
    • Bỏ hút thuốc lá vì chúng làm giảm mức HDL và tăng mức LDL, triglyceride.
    • Tránh hoặc hạn chế đồ uống có cồn, bia, rượu.
Cần thay đổi thói quen ăn uống để chỉ số HDL-C trong cơ thể ở mức tốt nhất
Cần thay đổi thói quen ăn uống để chỉ số HDL-C trong cơ thể ở mức tốt nhất

Xem thêm:

Nhìn chung, định lượng HDL cholesterol nên được theo dõi và sàng lọc định kỳ ở tất cả những người khỏe mạnh. Đặc biệt, xét nghiệm HDL – C cần được kiểm tra với tần suất nhiều hơn ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Hãy chia sẻ thông tin hữu ích này đến mọi người xung quanh để giúp họ hiểu rõ hơn về tình trạng mạch máu, cholesterol và sức khỏe tổng thể của mình bạn nhé! Tài liệu tham khảo: 1. Cholesterol

  • Link tham khảo:https://byjus.com/biology/cholesterol/
  • Ngày tham khảo: 22/8/2024

2. HDL Cholesterol Test

  • Link tham khảo:https://www.testing.com/tests/hdl-cholesterol/
  • Ngày tham khảo: 22/8/2024

3. HDL Cholesterol

  • Link tham khảo: https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspxcontenttypeid=167&contentid=hdl_cholesterol
  • Ngày tham khảo: 22/8/2024

4. Cholesterol and lipid test

  • Link tham khảo: https://www.healthdirect.gov.au/cholesterol-and-lipid-tests
  • Ngày tham khảo: 22/8/2024
Contact Me on Zalo
Call Now Button