Xét nghiệm Folate là gì? Quy trình và kết quả của xét nghiệm folate

Folate (axit folic) hay vitamin B9 có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tế bào máu và ngăn ngừa các bệnh lý thần kinh bẩm sinh ở trẻ em. Hãy cùng tìm hiểu về xét nghiệm folate trong bài viết dưới đây nhé!

Folate (acid folic) là gì?

Folate (acid folic) còn được gọi là vitamin B9, tham gia vào việc hình thành và phát triển tế bào hồng cầu. Vitamin B9 có đóng góp quan trọng trong sự phát triển thai kỳ ở những giai đoạn đầu, giúp giảm nguy cơ khuyết tật não bộ và cột sống ở thai nhi. Folate có vai trò quan trọng việc tạo máu (tạo hồng cầu), hỗ trợ duy trì nồng độ hemocysteine (một loại hoạt chất không có lợi cho sức khỏe tim mạch) ở mức an toàn, hỗ trợ quá trình phân chia tế bào trong cơ thể và tăng cường sức khỏe thần kinh. Folate có nhiều trong rau xanh, đậu, hạt, các loại trái cây như cam, chanh, chuối, dâu tây. Ngoài ra folic còn có trong các loại ngũ cốc, mì ống. Khi cơ thể bị thiếu folate hay axit folic, nguyên nhân có thể là từ việc ăn uống không đủ chất hoặc do tình trạng bệnh lý như bệnh Celiac (ruột non khó hấp thụ chất dinh dưỡng), hội chứng kém hấp thu,… Nhu cầu folate ở người trưởng thành khoảng 400 microgram (mcg) mỗi ngày. Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu folate tăng lên khoảng 400 đến 1.000 mcg mỗi ngày.

Folate hay vitamin B9 có nhiều trong các loại rau củ.
Folate hay vitamin B9 có nhiều trong các loại rau củ

Xét nghiệm folate là gì?

Xét nghiệm folate giúp định lượng nồng độ folate có trong máu. Folate là một trong những loại vitamin, có vai trò hỗ trợ tạo ra các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Folate có thể được đo trong phần lỏng của máu (huyết tương). Kết quả xét nghiệm này phản ánh lượng folate và axit folic mà người đó đã tiêu thụ gần đây trong chế độ ăn uống. Ngoài ra, Folate cũng có thể được đo bằng cách định lượng folate có trong các tế bào hồng cầu. Lượng folate trong các tế bào hồng cầu thể hiện lượng folate được dự trữ tại đây trong thời gian kéo dài, có thể là trong vòng 4 tháng. Giá xét nghiệm Folate tại Việt Nam dao động từ 50.000 – 200.000 đồng tùy vào cơ sở thực hiện. Ngoài ra, nếu bạn lấy máu tại nhà thì có thể cộng thêm mức tiền khoảng 100.000-150.000 đồng phí dịch vụ.

Xét nghiệm kiểm tra folate hiện nay có thể thực hiện dễ dàng ở các cơ sở y tế.
Xét nghiệm kiểm tra folate hiện nay có thể thực hiện dễ dàng ở các cơ sở y tế

Khi nào cần thực hiện xét nghiệm folate?

Xét nghiệm folate có thể được thực hiện trong một số trường hợp sau:

  • Tầm soát nguyên nhân thiếu máu vì tình trạng thiếu hụt folate (vitamin B9) cùng với thiếu hụt vitamin B12 là một trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu hồng cầu to.
  • Tầm soát nguyên nhân gây suy dinh dưỡng hoặc kém hấp thu.
  • Trong một số trường hợp thiếu hụt folate, thực hiện xét nghiệm định lượng folate có thể được chỉ định làm để đánh giá hiệu quả của điều trị.
  • Ở trẻ nghi ngờ mắc các bệnh lý dị tật thần kinh, có thể thực hiện xét nghiệm folate để tầm soát nguyên nhân gây bệnh.
Kiểm tra lượng folate trong máu có thể tầm soát nguyên nhân thiếu máu.
Kiểm tra lượng folate trong máu có thể tầm soát nguyên nhân thiếu máu

Xét nghiệm folate có nguy hiểm không?

Hầu hết các xét nghiệm với mẫu xét nghiệm là máu tĩnh mạch thì gần như không gây nguy hiểm và không dẫn đến biến chứng gì. Chỉ trong một số trường hợp, người bệnh khó lấy máu từ tĩnh mạch hoặc thành mạch quá mỏng, sau khi lấy máu có thể bị bầm xung quanh vị trí lấy máu.

Liên hệ bệnh viện Đồng Nai để xét nghiệm folate ngay

Quy trình thực hiện xét nghiệm folate

Trước khi thực hiện

Trong trường hợp các thuốc bạn đang sử dụng có những loại thuốc cần phải ngưng trước ngày làm xét nghiệm folate, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cần ngưng loại nào và ngưng bao lâu. Vào trước ngày lấy máu, bạn nên ăn tối sớm, nhịn ăn vào buổi sáng hôm sau để kết quả xét nghiệm máu cho kết quả đúng nhất. Khoảng cách từ bữa ăn cuối cùng tới thời điểm xét nghiệm phải ít nhất là 6 đến 8 tiếng.

Trong khi thực hiện

Máu xét nghiệm được lấy từ tĩnh mạch ở mặt trong khuỷu tay hoặc từ mu bàn tay. Các bước lấy máu được thực hiện theo quy trình xét nghiệm chuẩn của Bộ Y tế:

  • Sát trùng: Vệ sinh vùng da lấy máu bằng cồn 70 độ.
  • Buộc garo: Buộc garo phía trên vị trí lấy máu để làm nổi tĩnh mạch.
  • Lấy máu: Đâm kim vào tĩnh mạch và rút máu vào ống nghiệm.
  • Tháo garo: Tháo garo ngay sau khi lấy đủ máu.
  • Rút kim: Rút kim nhẹ nhàng và ấn bông cầm máu.
  • Dán băng dính: Dán băng dính cố định bông cầm máu.

Lưu ý: Toàn bộ thủ thuật được thực hiện trong môi trường vô trùng.

Sau khi thực hiện

Sau khi thực hiện xong thủ tục lấy máu, bạn có thể trở về nhà hoặc đợi kết quả xét nghiệm để được tư vấn, hướng dẫn cùng với bác sĩ điều trị. Hầu hết các phòng xét nghiệm hiện đại có thể trả sớm kết quả xét nghiệm folate cho người bệnh trong ngày.

Lấy máu xét nghiệm folate thường được lấy máu xét nghiệm từ tĩnh mạch.
Lấy máu xét nghiệm folate thường được lấy máu xét nghiệm từ tĩnh mạch

Kết quả của xét nghiệm folate là gì?

Kết quả xét nghiệm folate có thể rơi vào các trường hợp: bình thường, thấp hoặc cao. Nếu kết quả đo lượng folate trong cơ thể bạn nằm trong khoảng bình thường ( trong khoảng từ 3-16 ng/mL), bạn vẫn sẽ được bác sĩ thăm khám, cân nhắc kết quả đo được với tình trạng hiện tại của người bệnh dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe, các bất thường khác trong cơ thể,… để đưa ra kết luận cuối cùng. Ngoài đánh giá nồng độ folate trong máu, bạn có thể được đo nồng độ folate trong hồng cầu với mức bình thường trong khoảng từ 140-960 ng/mL. Xét nghiệm này phản ánh lượng folate tích lũy trong cơ thể trong một thời gian dài.

Thừa folate

Nếu kết quả kiểm tra folate của bạn ở mức cao (trên 16 ng/mL), nguyên nhân có thể là do chế độ ăn giàu folate, đang sử dụng viên uống vitamin, viên uống axit folic. Ngoài ra tình trạng folate dư thừa trong cơ thể cũng có thể báo hiệu bạn đang thiếu vitamin B12. Vì B12 là loại vitamin có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa folate. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp folate cao trong máu không cần xử trí khẩn hay can thiệp, bạn có thể theo dõi, điều chỉnh lối sống và kiểm tra định kỳ chỉ số này.

Thiếu folate

Nếu kết quả trả về chỉ số folate thấp (dưới 3 ng/mL) có thể là do cơ thể là bạn kém hấp thu folate hoặc chế độ ăn thiếu vitamin, khoáng chất cần thiết. Trường hợp folate thấp có thể gặp trong các bệnh lý như bệnh gan, bệnh Celiac, bệnh Crohn,.. Ngoài ra mức folate thấp ở phụ nữ có thai có thể ảnh hưởng đến tình trạng thai nhi như thiếu máu, phá hủy tế bào hồng cầu, tổn thương thận ở thai nhi. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ giải thích nguyên nhân gây thiếu folate, đánh giá mức độ nghiêm trọng và đưa ra lời khuyên cụ thể cho trường hợp của bạn. Đồng thời, bạn cũng sẽ được gợi ý các loại thực phẩm giày folate có thể bổ sung hằng ngày.

Các viên uống vitamin có thể hỗ trợ tình trạng thiếu hụt folate.
Các viên uống vitamin B9 có thể hỗ trợ tình trạng thiếu hụt folate

 

Xem thêm: 

Bài viết đã cung cấp các thông tin về xét nghiệm folate và ý nghĩa của chỉ số này đối với sức khỏe của chúng ta. Hãy chia sẻ đến bạn bè và người thân những thông tin bổ ích từ bài viết nhé! Nguồn tham khảo: 1. Medical test: Folic acid test – Coronary angioplasty and stents – UC SF Health

  • Link tham khảo: https://www.ucsfhealth.org/medical-tests/folic-acid—test
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

2. Folate test – Health Link BC

  • Link tham khảo: https://www.healthlinkbc.ca/tests-treatments-medications/medical-tests/folic-acid-test
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024
Contact Me on Zalo
Call Now Button