Bài viết được tham khảo từ các Bác sĩ Sản khoa Trần Quang Đại và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com
Bệnh trĩ là tình trạng sưng tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới, tương tự như chứng giãn tĩnh mạch. Bệnh trĩ có thể phát triển bên trong trực tràng (trĩ nội) hoặc dưới da xung quanh hậu môn (trĩ ngoại).
Trĩ là một căn bệnh rất phổ biến. Theo thống kê, có tới 3 trong số 4 người trưởng thành sẽ từng ít nhất 1 lần có những triệu chứng của bệnh trĩ. Bệnh trĩ thường xuất hiện không rõ nguyên nhân, tuy nhiên may mắn rằng căn bệnh này có thể thuyên giảm bằng những phương pháp điều trị tại nhà và thay đổi lối sống.
Tóm tắt nội dung
1. Dấu hiệu bệnh trĩ
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh trĩ thường phụ thuộc vào loại trĩ mà bạn gặp phải.
Bệnh trĩ ngoại
Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường hậu môn – trực tràng (còn gọi là đường lược), hiện tượng này được gọi là trĩ ngoại. Trĩ ngoại nằm dưới da, xung quanh hậu môn của người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Ngứa hoặc kích ứng ở vùng hậu môn.
- Đau hoặc khó chịu.
- Sưng xung quanh hậu môn.
- Chảy máu.
Trĩ nội
Búi trĩ xuất phát trên đường lược gọi là trĩ nội. Trĩ nội nằm bên trong trực tràng (búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và các lớp biểu mô chuyển tiếp) nên thường không thể nhìn thấy hoặc cảm thấy, trĩ nội rất hiếm khi gây khó chịu. Trong lúc đi tiêu, phân khi đi ngang hậu môn có thể làm trầy xước bề mặt búi trĩ và làm chảy máu:
- Chảy máu không đau khi đi tiêu. Bạn có thể nhận thấy một lượng nhỏ máu đỏ tươi trên khăn giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu.
- Trĩ đẩy qua lỗ hậu môn (trĩ sa ra ngoài hoặc lồi ra ngoài), gây đau và rát.
Trĩ huyết khối
Nếu máu đọng trong búi trĩ bên ngoài và hình thành cục máu đông (huyết khối), tình trạng này có thể khiến cho người bệnh:
- Đau dữ dội.
- Sưng tấy.
- Viêm.
- Xuất hiện cục cứng gần hậu môn.
2. Nguyên nhân bệnh trĩ
Các tĩnh mạch xung quanh hậu môn có xu hướng căng ra dưới áp lực và có thể phồng lên hoặc sưng lên. Vì vậy, nguyên nhân bị trĩ thường được xác định có thể xuất hiện do tăng áp lực ở trực tràng dưới khi bạn:
- Dùng một lực mạnh khi đi tiêu.
- Ngồi lâu trong toilet.
- Bị tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính.
- Bị béo phì.
- Mang thai.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Chế độ ăn có ít chất xơ.
- Thường xuyên nâng vật nặng.
3. Khi nào nên đến gặp bác sĩ
Trong trường hợp bạn bị chảy máu khi đi tiêu, hoặc các triệu chứng của bệnh trĩ không cải thiện sau một tuần chăm sóc tại nhà, hãy liên hệ với bác sĩ, đặc biệt nếu bạn bị chảy máu trực tràng một lượng lớn, có hiện tượng choáng váng, chóng mặt hoặc cảm giác gần ngất xỉu.
Trong một số trường hợp, chảy máu trực tràng có thể không phải do bệnh trĩ. Nếu bạn có những thay đổi trong thói quen đi tiêu, phân thay đổi màu sắc hoặc độ đặc. Khi đó chảy máu trực tràng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác, bao gồm ung thư đại trực tràng và ung thư hậu môn.
4. Những biến chứng của bệnh trĩ
Bệnh trĩ thường hiếm khi dẫn đến những tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên đối với một số trường hợp, bệnh trĩ cũng có thể gây ra các biến chứng sau:
- Thiếu máu: Mất máu mãn tính do bệnh trĩ có thể gây ra thiếu máu, khi đó bạn không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đến khắp cơ thể.
- Trĩ bị căng: Nếu nguồn cung cấp máu cho búi trĩ bên trong bị ngắt quãng, búi trĩ có thể bị “bóp nghẹt”, gây đau đớn tột độ.
- Cục máu đông: Đôi khi, cục máu đông có thể hình thành trong trĩ (bệnh trĩ huyết khối). Mặc dù không nguy hiểm nhưng nó có thể gây đau đớn vô cùng cho người bệnh.
5. Các biện pháp phòng tránh bệnh trĩ
Để ngăn ngừa bệnh trĩ và giảm các triệu chứng của căn bệnh này, bạn có thể tham khảo những phương pháp sau:
Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là đó là giữ cho phân mềm để dễ dàng đi ngoài. Bạn có thể ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Các thực phẩm này có tác dụng làm mềm phân và tăng khối lượng của nó. Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống của bạn từ từ để tránh các vấn đề với khí thải cơ thể.
Uống nhiều nước: Uống sáu đến tám cốc nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp phân mềm.
Cân nhắc bổ sung chất xơ: Hầu hết mọi người không có đủ lượng chất xơ khuyến nghị – 20 đến 30 gam mỗi ngày – trong chế độ ăn uống của họ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất bổ sung chất xơ không kê đơn, chẳng hạn như psyllium (Metamucil) hoặc methylcellulose (Citrucel) cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng tổng thể và chảy máu do bệnh trĩ.
Tập thể dục: Vận động có thể giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên các tĩnh mạch – tình trạng dễ xảy ra khi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. Tập thể dục cũng có thể giúp bạn giảm trọng lượng dư thừa có thể góp phần gây ra bệnh trĩ.
Tránh ngồi lâu: Ngồi quá lâu, đặc biệt là trong bồn cầu, có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn.
6. Bác sĩ điều trị bệnh trĩ
BSCKII. Lê Kim Sang đã có hơn 30 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực nội soi và nội tiêu hóa.
ThS. BS. Trần Quang Đại tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TP HCM và đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị Ngoại tổng hợp.
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và đáng tin cậy tại TP. HCM.
Khi cơ thể trưởng thành và già đi, nguy cơ mắc bệnh trĩ càng tăng. Đó là bởi vì các mô hỗ trợ tĩnh mạch trong trực tràng và hậu môn có thể bị suy yếu và căng ra. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi bạn đang mang thai, vì trọng lượng của em bé gây áp lực lên vùng hậu môn. Sau khi nhận định bệnh trĩ là gì, bạn có thể xác định rằng trĩ thường không nguy hiểm, nhưng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong những trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương hướng điều trị bệnh trĩ hiệu quả nhất.
Nguồn tham khảo: Webmd