Suy nhược cơ thể là tình trạng sức khỏe mệt mỏi kéo dài cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong bài viết dưới đây, Docosan sẽ trình bày những nguyên nhân và dấu hiệu suy nhược cơ thể để người bệnh nhanh chóng nhận biết và tiến hành điều trị.
Tóm tắt nội dung
- 1 Suy nhược cơ thể là gì? Có nguy hiểm không?
- 2 Nguyên nhân và đối tượng nguy cơ cao bị suy nhược cơ thể
- 3 Dấu hiệu nhận biết suy nhược cơ thể
- 4 Suy nhược cơ thể được chẩn đoán như thế nào?
- 5 Phương pháp điều trị suy nhược cơ thể
- 6 Cách phòng ngừa suy nhược cơ thể
- 7 Khi nào cần gặp bác sĩ?
- 8 Một số câu hỏi thường gặp
Suy nhược cơ thể là gì? Có nguy hiểm không?
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, suy nhược cơ thể (asthenia) là tình trạng cơ thể yếu ớt và mất năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần. Suy nhược cơ thể có thể là dấu hiệu phổ biến của nhiều bệnh lý cấp tính và mạn tính, hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ cảm thấy khỏe hơn sau khi nghỉ ngơi hoặc điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân cơ thể suy nhược do bệnh lý mạn tính, người bệnh cần phải điều trị trong thời gian dài với sự theo dõi sát sao từ bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, suy nhược cơ thể còn là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe khẩn cấp như đau tim, suy tim hoặc đột quỵ. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu suy nhược cơ thể, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và tìm nguyên nhân.
Nguyên nhân và đối tượng nguy cơ cao bị suy nhược cơ thể
Nhiều bệnh lý liên quan đến thể chất và tinh thần, cũng như các yếu tố về lối sống, có thể gây ra tình trạng suy nhược cơ thể. Chính vì vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân gây suy nhược cơ thể rất khó khăn và dễ nhầm lẫn. Ở những ca bệnh nhẹ, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi và hạn chế dùng caffein trước khi đi ngủ. Trong khi đó, suy nhược cơ thể do bệnh tim hoặc COPD lại rất nghiêm trọng và yêu cầu bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị lâu dài ngay lập tức.
Một số nguyên nhân phổ biến gây suy nhược cơ thể như:
- Lối sống: Stress, căng thẳng, làm việc quá sức, thiếu ngủ, chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
- Bệnh lý mạn tính: Thiếu máu, nhiễm trùng, bệnh tuyến giáp, bệnh tim mạch, tiểu đường, trầm cảm…
- Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc xạ trị…
- Tuổi tác: Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị suy nhược cơ thể.
Vitamin B giúp giảm stress vô cùng hiệu quả,bổ sung vitamin B với Nat B trong bữa ăn để giảm tình trạng stress và đẩy lùi suy nhược cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết suy nhược cơ thể
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy nhược cơ thể mà biểu hiện ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Nhìn chung, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu sau đây:
- Mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng, khó tập trung, giảm khả năng làm việc.
- Sút cân, ăn không ngon miệng, khó tiêu, buồn nôn, giảm ham muốn tình dục.
- Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc mơ nhiều, ác mộng.
Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể suy nhược toàn thân hoặc suy nhược cục bộ ở một vài khu vực cụ thể với những biểu hiện sau:
- Suy nhược cục bộ: Yếu cơ (đặc biệt là cơ tay hoặc cơ chân), co thắt cơ, chuột rút, run rẩy, khó khăn trong việc di chuyển và vận động cơ thể,…
- Suy nhược toàn thân: Mệt mỏi toàn thân, kiệt sức cực độ, không thể hoạt động bình thường,…
- Một số triệu chứng khác: Sốt, triệu chứng giống cảm cúm, mệt mỏi, khó chịu, khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày.
Trong một vài trường hợp, suy nhược cơ thể có thể là dấu hiệu của đột quỵ hoặc suy tim. Tình trạng này có thể gây ra suy nhược ở một hoặc hai bên cơ thể. Đột quỵ có thể gây ra các triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng như khó nói, rối loạn thị lực một hoặc cả hai mắt, mất thăng bằng, chóng mặt, lú lẫn, đau đầu đột ngột và dữ dội, tê liệt một phần cơ thể,….
Người bệnh đau tim có thể kèm theo cảm giác đau, bóp nghẹt ở ngực, đau lan tới toàn bộ vai và lưng trái, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn,… Bệnh nhân nếu phát hiện những dấu hiệu này cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong.
Suy nhược cơ thể được chẩn đoán như thế nào?
Suy nhược cơ thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên rất khó để chẩn đoán chính xác. Bác sĩ có thể dựa vào tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, các loại thuốc đang sử dụng để xác định nguyên nhân. Ngoài ra, với bệnh nhân suy nhược cơ thể cục bộ, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe chi tiết khu vực này. Một vài xét nghiệm chẩn đoán mà bệnh nhân cần thực hiện như:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra mất cân bằng nội tiết tố và dấu hiệu nhiễm trùng.
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng và bệnh lý mạn tính.
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để chẩn đoán các tổn thương cơ, xương, thần kinh tại bộ phận cơ thể bị suy nhược.
Phương pháp điều trị suy nhược cơ thể
Căn cứ vào nguyên nhân gây suy nhược cơ thể mà phương pháp điều trị đối với từng bệnh nhân sẽ khác nhau. Phác đồ điều trị suy nhược cơ thể tuân thủ các nguyên tắc sau:
Điều trị căn nguyên
Xác định rõ nguyên nhân suy nhược để điều trị bệnh lý tiềm ẩn là mục tiêu hàng đầu nhằm dứt điểm tình trạng suy nhược. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng thông qua chế độ ăn uống đủ chất, giàu protein, vitamin, khoáng chất; tránh đồ ăn chế biến sẵn, hạn chế caffein, rượu bia,… Đồng thời, người bệnh cần tập thói quen sinh hoạt điều độ bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, giảm stress, tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn.
Một số bệnh nhân suy nhược cơ thể do thiếu máu cần phải bổ sung sắt (bệnh thiếu máu thiếu sắt) hoặc truyền máu nếu tình trạng thiếu máu trở nên trầm trọng. Các trường hợp nhiễm trùng cần được điều trị bằng kháng sinh (nếu cần).
Điều trị triệu chứng
Người bệnh có thể bổ sung vitamin C, D, các khoáng chất (sắt, magie, kẽm,…) hoặc thuốc an thần nhẹ (giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ),… để bổ trợ cho quá trình điều trị thêm hiệu quả. Các trường hợp suy nhược cơ thể do rối loạn hoặc mắc các bệnh tâm lý cần áp dụng liệu pháp tâm lý (trò chuyện, tư vấn,…) song song với phác đồ điều trị để đảm bảo bệnh nhân hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cách phòng ngừa suy nhược cơ thể
Cách tốt nhất để phòng ngừa suy nhược cơ thể là phát hiện và ngăn chặn các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này. Trong đó, yếu tố dinh dưỡng là tiên quyết trong việc phòng ngừa và điều trị suy nhược cơ thể. Đặc biệt, chế độ ăn uống nên bao gồm nhiều trái cây, rau củ, bổ sung vitamin C, vitamin D và kẽm,…để tăng cường hệ miễn dịch.
Duy trì lối sống lành mạnh bằng việc sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, hạn chế rượu bia và thuốc lá. Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời, ngăn ngừa tình trạng suy nhược cơ thể xảy ra.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần gặp bác sĩ nếu thấy tình trạng suy nhược cơ thể ngày càng nghiêm trọng hoặc diễn ra thường xuyên với các dấu hiệu sau:
Dấu hiệu bệnh nhân nên được thăm khám
Nếu bệnh nhân bị suy nhược cơ thể kèm theo các dấu hiệu nghiêm trọng sau thì cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và cấp cứu kịp thời:
- Dấu hiệu đột quỵ: Rối loạn ngôn ngữ, khó phát âm, lắp bắp, đau đầu đột ngột và dữ dội, rối loạn thị lực một hoặc cả hai mắt, mất thăng bằng, chóng mặt, lú lẫn, tê liệt một phần cơ thể,…
- Dấu hiệu đau tim hoặc suy tim: Người bệnh có cảm giác đau nhói hoặc bóp nghẹt ở ngực trái, đau lan tới toàn bộ vai và lưng trái, có thể lan xuống tay trái, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, chóng mặt, khó thở,…
Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên bị suy nhược cơ thể hoặc suy nhược cơ thể trong thời gian dài không cải thiện triệu chứng thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và xác định nguyên nhân.
Các xét nghiệm chẩn đoán
Để chẩn đoán suy nhược cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, CT scan,… Các xét nghiệm sinh hóa và hình ảnh sẽ cung cấp cho bác sĩ những thông tin quan trọng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây suy nhược cơ thể. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Bệnh nhân có thể thăm khám và điều trị suy nhược cơ thể tại các bệnh viện nhà nước chuyên khoa uy tín như:
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 2.
- Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
- Bệnh viện FV Sài Gòn.
- Bệnh viện Hoàn Mỹ Phú Nhuận Sài Gòn.
- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
- Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
- Bệnh viện Quân Y 175.
Một số câu hỏi thường gặp
Phụ nữ mang thai bị suy nhược cơ thể có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Suy nhược cơ thể có thể ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi thông qua việc hạn chế ăn uống và hoạt động thể lực của người mẹ, đồng thời dinh dưỡng để thai nhi phát triển. Bên cạnh đó, suy nhược cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
- Thiếu máu thiếu sắt: Phụ nữ mang thai có nhu cầu sắt cao hơn so với bình thường. Vì vậy, tình trạng thiếu sắt có thể khiến mẹ mệt mỏi và suy nhược trong suốt thai kỳ.
- Bệnh lý hô hấp: Suy nhược cơ thể kèm theo ngáy to, nhịp thở ngắt quãng có thể là dấu hiệu của bệnh lý về hô hấp. Tình trạng này khiến thai phụ có nguy cơ bị huyết áp cao, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bé.
- Triệu chứng tâm lý: Suy nhược cơ thể kèm theo khó ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh tâm lý như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Suy nhược cơ thể để lâu có sao không?
Suy nhược cơ thể lâu dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tình trạng này có thể do một bệnh lý nhất định gây ra. Do đó, cần xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời, mang lại kết quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Suy nhược cơ thể bao lâu thì khỏi?
Vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây ra suy nhược, mức độ, chế độ điều trị và sức khỏe tổng thể của từng người. Trong trường hợp nhẹ, suy nhược cơ thể có thể tự khỏi trong vài ngày đến vài tuần thông qua việc nghỉ ngơi và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hoặc liên quan đến các bệnh lý, quá trình hồi phục có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn tùy theo mức độ đáp ứng điều trị của từng cá thể và phương pháp điều trị.
Suy nhược cơ thể nên làm gì?
Đối với suy nhược cơ thể, việc tìm hiểu và điều trị nguyên nhân gây ra là điều quan trọng. Người bị suy nhược cơ thể cần lưu ý chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, cần đảm bảo ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi điều độ. Tham gia các hoạt động thể chất, tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Nếu có bất kỳ triệu chứng hay vấn đề sức khỏe cụ thể, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho người đọc những thông tin quan trọng về suy nhược cơ thể cũng như cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này. Nếu bạn hoặc người thân mắc phải tình trạng trên hoặc có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ thuộc phòng khám đa khoa tại Docosan.
Xem thêm:
- Bệnh suy nhược thần kinh: Nguyên nhân và cách điều trị
- Top 12 dấu hiệu thiếu vitamin B2 không nên xem thường
- 7 dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin cần bổ sung ngay!
Nguồn tham khảo:
1. What to know about asthenia (weakness)
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/asthenia-weakness
- Ngày tham khảo: 11/08/2024
2. Fatigue and Exhaustion: Causes, Symptoms, and Treatment
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/balance/how-tired-is-too-tired
- Ngày tham khảo: 11/08/2024
3. Fatigue and tiredness during pregnancy
- Link tham khảo: https://www.pregnancybirthbaby.org.au/dealing-with-fatigue-during-your-pregnancy
- Ngày tham khảo: 11/08/2024