2 NHÓM BIẾN CHỨNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Biến chứng đái tháo đường rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát đường huyết và rèn luyện lối sống lành mạnh

Các triệu chứng của đái tháo đường diễn tiến lặng lẽ, ít nặng nề nên thường bị người bệnh bỏ qua trong giai đoạn sớm. Việc phát hiện và điều trị chậm trễ dẫn đến nguy cơ cao mắc các biến chứng đái tháo đường nghiêm trọng. Hiểu biết về biến chứng đái tháo đường sẽ giúp bệnh nhân và người nhà phòng ngừa những biến chứng này tốt hơn.

Điều trị chậm trễ dẫn đến nguy cơ cao mắc các biến chứng đái tháo đường

Tham khảo thêm: Nắm rõ các giai đoạn phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2

Phân loại biến chứng đái tháo đường

Muốn phòng ngừa biến chứng đái tháo đường hiệu quả, trước tiên cần phân biệt được bản thân hoặc người nhà có nguy cơ mắc loại biến chứng nào.

Biến chứng đái tháo đường chia thành 2 nhóm lớn: 

  • Biến chứng cấp tính
  • Biến chứng mạn tính

Trong đó, biến chứng đái tháo đường cấp tính bao gồm:

  • Hôn mê nhiễm ceton acid
  • Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu
  • Hôn mê hạ đường huyết

Biến chứng đái tháo đường mạn tính bao gồm:

  • Biến chứng mạch máu lớn
  • Biến chứng mạch máu nhỏ

Biến chứng đái tháo đường cấp tính

Hôn mê nhiễm ceton acid

Hôn mê nhiễm ceton acid, hay còn gọi là hôn mê nhiễm toan ceton, là tình trạng cấp cứu do sự gia tăng các thể ceton và đường trong máu cao. Người mắc bệnh đái tháo đường type 1 thường gặp biến chứng này hơn so với đái tháo đường type 2. 

Các nguy cơ thường gặp dẫn đến hôn mê nhiễm ceton acid bao gồm:

  • Nhiễm trùng: tai mũi họng, da, phổi, tiết niệu,…
  • Điều trị insulin không đủ liều hoặc ngưng insulin đột ngột
  • Kiểm soát đường huyết không tốt

Bệnh nhân bị hôn mê nhiễm ceton acid sẽ rơi vào tình trạng nguy cấp do mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, dấu hiệu mất nước dẫn đến suy giảm ý thức hay thậm chí là hôn mê. Người đã hôn mê do nhiễm ceton acid cần được đưa đi cấp cứu kịp thời để bù dịch: NaCl 0,9%, KCl 10% và insulin tiêm tĩnh mạch nếu cần.

Tham khảo thêm: Giải thích nguyên nhân của triệu chứng khó thở ở người tiểu đường

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu

Khác với hôn mê nhiễm ceton acid, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu không làm tăng thể ceton trong máu. Thay vào đó, đường trong máu cao gây tiểu nhiều thẩm thấu, dẫn đến tình trạng mất nước và giảm thể tích tuần hoàn nghiêm trọng. 

Theo thống kê, người mắc đái tháo đường type 2 thường bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu hơn, nhất là phụ nữ lớn tuổi. Các biểu hiện tương tự như nhiễm ceton acid: mệt mỏi, đau đầu, da khô, tụt huyết áp, tim đập nhanh, suy giảm ý thức và sau cùng là hôn mê. 

Người bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu cần được cấp cứu kịp thời bằng cách bù dịch, đồng thời phải tạm ngưng các thuốc làm giảm dung nạp glucose (glucocorticoid) hay làm tăng mất nước (lợi tiểu).

Hôn mê hạ đường huyết (do quá liều thuốc điều trị đái tháo đường)

Thêm một tình trạng hôn mê thường gặp ở người đang điều trị đái tháo đường đó là hôn mê do quá liều thuốc hạ đường huyết. Tất cả bệnh nhân đái tháo đường cần chuẩn bị kỹ năng xử lí khi bị hạ đường huyết quá mức: ngậm kẹo, uống nước ngọt, uống trà đường,… đồng thời liên hệ với cơ sở y tế để được hỗ trợ.

Chính vì vậy, lượng đường trong máu luôn phải được kiểm soát ở mức phù hợp bằng cách tuân thủ chế độ dùng thuốc, tuyệt đối không dùng thuốc sai liều, sai cách, sai thời điểm.

Tham khảo thêm: Cấp cứu hạ đường huyết – Quy tắc 15/15

Biến chứng mạn tính – Biến chứng mạch máu lớn

Biến chứng đái tháo đường trên mạch máu lớn xuất phát từ tình trạng xơ vữa mạch máu. Đường trong máu cao gây kết dính tiểu cầu tại các vùng viêm và tổn thương của mạch máu, theo thời gian hình thành các mảng xơ vữa gây bít tắc lòng mạch. 

Biến chứng đái tháo đường trên mạch máu lớn thường biểu hiện trên mạch máu não, mạch vành và mạch máu ngoại biên với nhiều bệnh lý khác nhau:

Biến chứng trên mạch máu não

  • Đột quỵ não (tai biến mạch máu não)
  • Xuất huyết não
  • Cơn thiếu máu não thoáng qua
  • Sa sút trí tuệ

Biến chứng trên mạch vành

  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ
  • Nhồi máu cơ tim
  • Cơn đau thắt ngực

Biến chứng trên mạch máu ngoại biên 

  • Chuột rút, đau, mỏi chân
  • Loét, hoại tử đầu chi
  • “Đi cà nhắc cách hồi”

Tham khảo thêm: 5 dấu hiệu nhận biết biến chứng tiểu đường ở chân

Nói chung, biến chứng đái tháo đường trên mạch máu lớn là loại biến chứng khởi phát sớm nhưng khó điều trị. Bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi (> 45 tuổi), tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì và có các thói quen không lành mạnh: hút thuốc lá, uống rượu bia, lười vận động sẽ dễ mắc các biến chứng này hơn

Biến chứng mạn tính – Biến chứng mạch máu nhỏ

Biến chứng đái tháo đường trên mạch máu nhỏ cũng bắt nguồn từ việc bệnh nhân kiểm soát đường huyết không tốt, lượng đường trong máu cao dẫn đến gia tăng quá trình oxy hóa, làm viêm và tổn thương lòng vi mạch. Lòng mạch tổn thương là điều kiện để các yếu tố bất lợi tấn công, đồng thời tích tụ tiểu cầu gây bít tắc lòng mạch. 

Biến chứng đái tháo đường trên mạch máu nhỏ bao gồm các biến chứng trên võng mạc, trên thận và trên thần kinh:

  1. Biến chứng trên võng mạc
  • Đục thủy tinh thể
  • Glaucoma
  • Suy giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực

Biến chứng trên thận

  • Hội chứng thận hư
  • Suy thận mạn

Tham khảo thêm: Làm gì tốt cho thận? 5 cách giúp thận khỏe khi bạn mắc đái tháo đường

Biến chứng trên thần kinh

  • Bệnh thần kinh tự chủ
  • Bệnh thần kinh ngoại biên
  • Viêm đơn dây thần kinh
  • Viêm đa dây thần kinh

So với biến chứng đái tháo đường trên mạch máu lớn, các vấn đề trên mạch máu nhỏ diễn tiến lặng lẽ hơn. Chính vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết ổn định ngay từ giai đoạn đầu và thường xuyên tầm soát chức năng các cơ quan: mắt, thận, thần kinh để phòng ngừa biến chứng đái tháo đường nguy hiểm.

Phòng ngừa

Biến chứng đái tháo đường là mối nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sức khỏe và tâm lý người bệnh. Chính vì vậy, người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ điều trị và rèn luyện các thói quen sinh hoạt khoa học, điều độ để phòng ngừa tiến triển các biến chứng.

Tham khảo thêm: Phòng ngừa 45% biến chứng đái tháo đường chỉ sau 3 tháng