Chụp X quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng, không gây đau đớn. Phim X quang cho thấy hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể, đặc biệt là xương. Đối với một số phương pháp chụp X quang có dùng thuốc cản quang được sử dụng trong quá trình chụp để cung cấp hình ảnh khảo sát chi tiết hơn. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn phương pháp chẩn đoán hình ảnh này trong bài chia sẻ dưới đây.
Truy cập docosan.com đặt lịch hẹn chụp X quang tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức không chờ đợi lâu.
Tóm tắt nội dung
Chụp X quang là gì?
Chụp X quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế từ nhiều thập kỷ qua. Thông qua hình ảnh được thể hiện trên hệ thống sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ nét về hình ảnh cơ xương và một số mô trong cơ thể. Mục đích của phương pháp chẩn đoán này là giúp bác sĩ hay kỹ thuật viên chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh lý, đặc biệt là bệnh liên quan đến xương khớp, tim mạch, hô hấp,…
Khi nào bác sĩ chỉ định chụp X quang?
Tùy vào mỗi trường hợp và nhu cầu của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân chụp X quang để chẩn đoán.
– Chụp X quang xương và răng được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Gãy xương và nhiễm trùng: Trong hầu hết các trường hợp, gãy xương và nhiễm trùng ở xương và răng hiển thị rõ ràng trên phim chụp X quang.
- Viêm khớp: Phim X quang khớp có thể cung cấp bằng chứng của bệnh viêm khớp. Việc quan sát những thay đổi trên phim X quang trong nhiều năm có thể giúp bác sĩ theo dõi bệnh viêm khớp của bạn có đang xấu đi hay không.
- Sâu răng: Nha sĩ thường sử dụng phim X quang để kiểm tra lỗ sâu răng của bạn.
- Bệnh loãng xương: Một số phương pháp chụp X-quang đặc biệt có thể đo mật độ xương của bạn.
- Ung thư xương: Chụp X-quang có thể giúp bác sĩ phát hiện khối u xương.
– Chụp X quang lồng ngực được chỉ định để phát hiện:
- Viêm phổi hoặc các bệnh lý khác của phổi: Bằng chứng của viêm phổi, lao hoặc ung thư phổi có thể hiển thị trên phim X quang ngực.
- Ung thư vú: Chụp nhũ ảnh là một phương pháp chụp X quang đặc biệt để kiểm tra mô vú nhằm phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm.
- Bóng tim lớn: Đây là dấu hiệu của tình trạng suy tim sung huyết, hiển thị rõ ràng trên phim X quang.
- Tình trạng tắc mạch: Khi tiêm chất cản quang có chứa i-ốt sẽ giúp làm nổi bật các mạch máu trong hệ thống tuần hoàn của bạn trên phim chụp X quang.
– Chụp X quang bụng được chỉ định nhằm mục đích phát hiện:
- Các vấn đề về đường tiêu hóa: Thuốc cản quang như barium có thể giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề trong hệ tiêu hóa của bạn.
- Dị vật: Nếu con bạn nuốt phải vật lạ, chẳng hạn như chìa khóa hoặc đồng xu, phim X quang có thể cho biết vị trí của dị vật.
Chụp X quang chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức
Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức là câu trả lời cho những ai đang kiếm câu trả lời cho thắc mắc chụp X quang ở đâu. Đây là bệnh viện tư nhân tọa lạc tại quận Gò Vấp TPHCM có hơn 23 năm hình thành và phát triển, đạt được nhiều thành tích nổi bật trong lĩnh vực y tế. Từ những ngày đầu đi vào hoạt động cho đến thời điểm hiện tại, bệnh viện dần trở thành nơi khám chữa bệnh uy tín và chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy.
Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức sẽ tiếp nhận các ca chụp X quang. Đây là chuyên khoa đóng vai trò quan trọng với đội ngũ y bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, vững chuyên môn, tay nghề cao và hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho công tác chẩn đoán ban đầu. Một số tên tuổi nổi bật như:
- Bác sĩ CKII Dương Quang Hùng
- Bác sĩ CKI Nguyễn Bá Kiên
- Bác sĩ CKI Tạ Tiến Hùng
- Bác sĩ CKI Trần Nguyễn Ngọc Thanh Thanh
Ở chuyên môn chụp X quang KTS, đơn vị chuyên:
- Thực hiện tất cả các kỹ thuật chụp X quang thường quy như: xương khớp, xoang, sọ, bụng, ngực,…
- Chụp X quang có sử dụng chất tương quản: tiêu hóa, ruột, thực quản, dạ dày, hệ niệu,…
- Chụp nhũ ảnh bằng kỹ thuật chụp X quang tuyến vú chẩn đoán và tầm soát ung thư vú
Chụp X quang có rủi ro gì không?
Tuy được đánh giá cao trong việc chẩn đoán bệnh lý nhưng kỹ thuật chụp X quang cũng có khả năng mang lại một số rui ro sau:
Tiếp xúc bức xạ
Một số người lo lắng rằng chụp X quang không an toàn vì việc tiếp xúc với bức xạ có thể gây ra đột biến tế bào và dẫn đến ung thư. Lượng bức xạ tiếp xúc trong quá trình chụp X quang phụ thuộc vào mô hoặc cơ quan được khảo sát. Độ nhạy với bức xạ còn phụ thuộc vào độ tuổi của bạn, trẻ em nhạy cảm với bức xạ hơn người lớn. Tuy nhiên, nói chung, mức độ phơi nhiễm bức xạ từ chụp x quang là thấp, và nếu so sánh thì những lợi ích từ việc chụp X quang lớn hơn nhiều so với rủi ro mà phương pháp này mang lại.
Nhưng nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn trước khi chụp X quang. Mặc dù nguy cơ ảnh hưởng của hầu hết các phương pháp chụp X quang đối với thai nhi là rất nhỏ, nhưng bác sĩ có thể cân nhắc thay thế bằng một phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như siêu âm.
Một số tác dụng phụ của thuốc cản quang
Ở một số người, việc tiêm hoặc uống thuốc cản quang có thể gây ra các phản ứng phụ như:
- Cảm giác nóng rát
- Có vị kim loại trong miệng hoặc khi ợ
- Choáng váng
- Buồn nôn
- Ngứa
- Nổi mề đay
Thỉnh thoảng một số bệnh nhân cũng gặp các phản ứng nghiêm trọng với thuốc cản quang, bao gồm:
- Hạ huyết áp nghiêm trọng
- Sốc phản vệ
- Ngưng tim
Nếu lo lắng bản thân gặp phải các rủi ro vừa nêu trên, hãy trao đổi kỹ với chuyên gia y tế để có phương án dự phòng hoặc có sự điều chỉnh phù hợp.
Cần chuẩn bị những trước khi chụp X quang?
Các phương pháp chụp X quang khác nhau sẽ yêu cầu bệnh nhân có chuẩn bị khác nhau. Bác sĩ hoặc điều dưỡng, kỹ thuật viên chụp X quang sẽ hướng dẫn cho bạn cụ thể trong từng kỹ thuật chụp chiếu.
Tâm lý thoải mái
Hãy chuẩn bị một tâm lý thoải mái trước khi vào buồng chụp X quang. Vì quy trình chụp X quang khá nhanh và không hề gây đau đớn. Nếu là con trẻ, cha mẹ cần động viên để trẻ phối hợp với kỹ thuật viên.
Chụp X quang có phải thay quần áo không?
Bạn cần mặc áo choàng của bệnh viện trong khi kiểm tra để tránh ảnh hưởng đến chất lượng phim chụp. Bạn cũng được yêu cầu tháo đồ trang sức, kính đeo mắt và bất kỳ đồ vật kim loại nào trên cơ thể vì chúng sẽ hiển thị trên phim X-quang. Nếu những vật dụng bằng kim loại trong cơ thể bạn không thể tháo rời, ví dụ ốc tai điện tử, van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim… bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi chụp X quang để có hướng xử trí phù hợp hơn.
Thông báo với bác sĩ nếu dị ứng với thuốc cản quang
Một số trường hợp chụp X quang, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn dùng thuốc cản quang. Các thuốc cản quang có chưa các hợp chất như bari và i-ốt, giúp khảo sát rõ nét hình ảnh X quang bằng cách tăng độ tương phản của cấu trúc hoặc dịch cơ thể trên phim chụp. Thuốc cản quang có thể được đưa vào cơ thể bằng đường uống, bơm trực tràng hoặc tiêm tĩnh mạch/động mạch.
Nếu có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong thuốc cản quang, hãy thông báo với bác sĩ trước khi thực hiện.
Trẻ em có chụp X quang được không?
Nếu trẻ nhỏ được chỉ định chụp X- quang, có thể cần sử dụng một số phương tiện để giữ trẻ cố định. Những thiết bị này sẽ không gây hại cho con bạn và sẽ hạn chế việc phải thực hiện lại quy trình, do trẻ cử động trong quá trình chụp chiếu.
Bạn có thể được phép ở lại với con mình trong suốt quá trình kiểm tra. Nếu bạn vẫn ở trong phòng trong quá trình chụp chiếu, bạn có thể sẽ được yêu cầu đeo đồ bảo hộ bằng chì để hạn chế sự tiếp xúc không cần thiết với tia X.
Một số lưu ý sau khi chụp X quang
Sau khi chụp X quang, bạn thường có thể sinh hoạt bình thường. Chụp X-quang định kỳ thường không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu bạn được tiêm chất cản quang trước khi chụp, hãy uống nhiều nước để giúp loại bỏ chất cản quang khỏi cơ thể. Cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn bị đau, sưng hoặc đỏ ở vết tiêm. Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng khác, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để theo dõi sức khoẻ tốt.
Ảnh chụp X quang được xử lý kỹ thuật số và lưu trên máy tính, bác sĩ có thể xem trên màn hình sau khi chụp X quang. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thường xem, giải thích kết quả và gửi báo cáo cho bác sĩ điều trị của bạn, bác sĩ điều trị sẽ giải thích kết quả cho bạn. Trong trường hợp khẩn cấp, kết quả chụp X quang có thể được cung cấp cho bác sĩ điều trị trong vài phút.
Xem thêm:
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước..