Đau bụng dưới gần mu ở nữ giới có nguy hiểm không?

Chắc hẳn nhiều người phụ nữ đã từng có những cơn đau bụng dưới gần mu, gây khó chịu và lo lắng vì không biết cơ thể mình có gặp vấn đề gì không, đặc biệt vùng gần mu là vị trí của nhiều bộ phận thuộc cơ quan sinh dục của nữ. Tuy nhiên, ngoài các bệnh lý ở đường sinh dục, đau bụng dưới vùng mu vẫn có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác. Cùng tham khảo bài viết dưới đây của Doctor có sẵn để tìm hiểu về các bệnh lý gây ra triệu chứng này.

Vùng bụng dưới gần mu của phụ nữ có những bộ phận nào?

Trước khi tìm hiểu về những căn bệnh, thì ta hãy lược sơ qua các bộ phận của cơ thể tại vùng này. Các bộ phận nằm tại vùng bụng dưới gần mu ở nữ là:

  • Bàng quang và một đoạn niệu quản
  • Ruột, trực tràng
  • Tử cung, vòi trứng, buồng trứng

Khi bị đau vùng bụng dưới gần mu, có thể là dấu báo hiệu các bộ phận này đang bị tổn thương

đau bụng dưới gần mu
Các bộ phận ở vùng bụng dưới của nữ theo thiệt diện dọc

Các nguyên nhân gây đau bụng dưới gần mu ở nữ

Viêm ruột thừa

Bình thường khi nhắc đến viêm ruột thừa, người ta thường nghĩ đến chỗ đau ở bụng dưới bên phải (hố chậu phải). Tuy nhiên, vị trí và triệu chứng của viêm ruột thừa tùy thuộc vào vị trí của ruột thừa nằm ở đâu. Khi ruột thừa nằm ở phía thấp vào khung chậu (viêm ruột thừa tiểu khung), khi viêm sẽ gây ra đau ở bụng dưới vùng gần khớp mu, ổ viêm kích thích bàng quang gây tiểu lắt nhắt, tiểu gắt, kích thích trực tràng gây mót rặn.

Viêm bàng quang

Bàng quang như một khối cầu rỗng nấp sau xương mu, là một bể chứa nước tiểu, khi tồn đọng nước tiểu dễ gây viêm bàng quang. Viêm bàng quang có thể là kết quả của những trường hợp sau:

  • Nước tiểu bị ứ đọng không thoát được do sỏi kẹt cổ bàng quang, rối loạn thần kinh cơ
  • Nước tiểu trào ngược lên, do lỗ niệu quản hở bẩm sinh hoặc do tổn thương

Viêm bàng quang rất thường gặp ở phụ nữ, với các triệu chứng như:

  • Tiểu gắt, tiểu buốt
  • Tiểu lắt nhắt
  • Đôi khi tiểu ra máu
  • Có thể có sốt

Bệnh thường xuất hiện nhanh, các triệu chứng có thể rầm rộ trong vài ngày đầu, tuy nhiên sau đó khoảng 1 tuần, người bệnh thấy hết các triệu chứng, cho dù không điều trị. Lý do là vò bàng quang có sức chống đỡ rất tốt.

Đau bụng kinh

Đau bụng kinh hay thống kinh xuất hiện ở vùng bụng dưới và lưng, thường kéo dài từ 48 đến 72 tiếng kể từ lúc bắt đầu hành kinh. Đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt xảy ra do các cơ trong tử cung co thắt. Mỗi tháng, cơ thể chuẩn bị cho việc mang thai bằng cách tăng sinh lớp nội mạc tử cung. Sau đó, nếu trứng không được thụ tinh và làm tổ, cơ tử cung sẽ co lại để làm bong lớp niêm mạc đó và tống xuất nó ra ngoài âm đạo gây nên những cơn đau bụng kinh. Đây là đau bụng sinh lý và sẽ hết khi qua kì kinh.

Sẩy thai

Có những phụ nữ mang thai mà không biết, chỉ khi có các dấu hiệu sẩy thai mới biết là mình đã từng mang thai. Các dấu hiệu của sẩy thai là xuất huyết âm đạo, đau quặn bụng dưới, có khi thấy một mẩu mổ rớt ra từ âm đạo, nhưng sau đó thì người phụ nữ đỡ đau bụng. Hãy chú ý nguyên nhân này nếu trước đó bạn đã bị trễ kinh một thời gian và từng có quan hệ mà không dùng các biện pháp tránh thai.

Viêm vùng chậu

Khi vùng sinh dục như âm đạo, cổ tử cung bị viêm nhiễm do vấn đề vệ sinh, thói quen sinh hoạt, các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời, lâu ngày các tác nhân nhiễm trùng ngược lên dẫn đến viêm vùng chậu. Viêm vùng chậu đe dọa đến khả năng sinh sản của người phụ nữ sau này.

Các triệu chứng của viêm vùng chậu là:

  • Đau vùng bụng dưới
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Ra huyết trắng nhiều, thay đổi về màu sắc và mùi
  • Tiểu gắt
  • Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói,..
đau bụng dưới gần mu
Viêm vùng chậu gây đau bụng dưới gần mu

Đau bụng dưới gần mu ở nữ có nguy hiểm không?

Như các nguyên nhân đã trình bày ở trên, cho thấy đau bụng dưới gần mu có thể là nguy hiểm cũng có thể chỉ là hiện tượng sinh lý như đau bụng kinh. Có những nguyên nhân nguy hiểm cần phải được can thiệp ngay như viêm ruột thừa, sẩy thai, và có những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ như viêm vùng chậu.

Vì vậy, khi có dấu hiệu đau vùng bụng dưới gần mu, đặc biệt khi không trong ngày “đèn đỏ” và kèm những triệu chứng sau, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị:

  • Sốt cao, lừ đừ
  • Buồn nôn, nôn
  • Chảy máu âm đạo
  • Đau bụng dữ dội
  • Đau kéo dài không thuyên giảm
  • Huyết trắng ra nhiều, thay đổi màu sắc, có mùi hôi
  • Đau bụng kèm trễ kinh
  • Tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt
  • Mót rặn (cảm giác đi cầu không hết phân)
  • Khi lo lắng và muốn được khám kiểm tra

Nếu bạn đang gặp vấn đè đau bụng dưới gần mu bên phải, đau bụng dưới bên phải gần háng ở nữ, thỉnh thoảng đau nhói bụng dưới hay bất kỳ điều vì, hãy chủ động liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.

Lời kết

Đau bụng dưới gần mu ở phụ nữ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ sinh lý đến bệnh lý, có những nguyên nhân nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Vì vậy, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.