Đau đỉnh đầu là triệu chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy cùng Docosan tìm hiểu đau đỉnh đầu là bị gì, nguyên nhân, cũng như cách điều trị hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
- 1 Giới thiệu về đau đỉnh đầu
- 2 Các loại đau đỉnh đầu thường gặp
- 3 Đau đầu ảnh hưởng đến ai? Biến chứng nguy hiểm
- 4 Nguyên nhân gây đau đỉnh đầu
- 5 Các vị trí đau đỉnh đầu nguy hiểm cần lưu ý
- 6 Các phương pháp, xét nghiệm chẩn đoán đau đỉnh đầu hiệu quả
- 7 Các phương pháp điều trị đau đỉnh đầu hiệu quả
- 8 Cách xử trí đau đỉnh đầu tại nhà:
- 9 Cách phòng ngừa đau đỉnh đầu hiệu quả
- 10 Khi nào cần gặp bác sĩ khám:
- 11 Một số câu hỏi liên quan
Giới thiệu về đau đỉnh đầu
Đau đỉnh đầu được định nghĩa là tình trạng đau đầu đột ngột, âm ỉ hoặc từng cơn, vị trí đau ở vùng đỉnh đầu, có thể đau ở bên phải, trái hoặc cả vùng đỉnh đầu hai bên.
Đau đỉnh đầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm căng thẳng tâm lý, rối loạn mạch máu, hoặc viêm nhiễm. Đau đỉnh đầu thường biểu hiện là cảm giác nhức nhối hoặc bóp chặt ở khu vực đỉnh đầu.
Các loại đau đỉnh đầu thường gặp
Đau đầu nguyên phát
- Đau đầu căng cơ: Là loại đau đầu phổ biến và thường gặp nhất, tính chất đau thường là đau quanh đỉnh đầu.
- Đau đầu Migraine (đau nửa đầu): Có thể kèm theo các dấu hiệu khác như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng, người bệnh thường cảm giác đau nhói một bên đầu kéo dài.
- Đau đầu cụm: Thường đau dữ dội trong một khoảng thời gian, sau đó tự ngưng, cơn đau có thể xuất hiện trong vài tuần đến vài tháng.
Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát là tình trạng đau đầu do các nguyên nhân khác như nhiễm trùng thần kinh trung ương gặp trong viêm não – viêm màng não hay chấn thương đầu do tai nạn giao thông, té ngã, va đập hoặc gặp trong các bệnh lý mạch máu não như tai biến mạch máu não: đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não,…
Đau đầu ảnh hưởng đến ai? Biến chứng nguy hiểm
Đau đầu có thể ảnh hưởng đến cứ đối tượng nào mắc phải, bất kể độ tuổi, giới tính hay mức độ của cơn đau đầu. Đau đầu do căng thẳng thường xảy ra ở người trẻ với áp lực học hành lớn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hiệu quả học tập cũng như công việc. Đặc biệt ở nhóm đối tượng trong các ngành nghề yêu cầu sự tập trung, chuẩn xác cao độ, cơn đau đầu có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc, thậm chí là tính mạng của người làm việc nếu công việc có tố chất nguy hiểm như lái xe, đứng máy sản xuất.
Đau đầu ở người cao tuổi thường do các biến đổi sinh lý thường gặp ở người cao tuổi, mạch máu xơ vữa làm cung lượng máu nuôi não bị ảnh hưởng, do đó ở người già tình trạng đau đầu có thể kèm theo sa sút trí tuệ, mất trí nhớ người già,…
Đau đầu có thể là biến chứng của cơn tăng huyết áp, nặng nề hơn là tình trạng tai biến mạch máu não. Ngoài ra đau đầu còn là hệ quả của các vấn đề rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần, rối loạn tim mạch khác, do đó nếu trình trạng đau đầu diễn tiến tăng dần, kéo dài, người bệnh cần thăm khám tại các Trung tâm y tế.
Nguyên nhân gây đau đỉnh đầu
Căng thẳng
Đau đầu căng thẳng thường xảy ra ở người trẻ, đặc biệt là người thường xuyên có áp lực công việc, học hành lớn. Đây là một vòng xoắn bệnh lý khi đau đầu do áp lực công việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên thành quả lao động, hiệu quả làm việc giảm sút, áp lực ngày càng tăng thêm khiến tình trạng đau đầu căng thẳng diễn ra nặng nề hơn. Cách giải quyết tình trạng đau đầu căng thẳng là thuốc giảm đau, tìm hướng đi phù hợp cho bản thân, tăng cường khả năng thích ứng với áp lực công việc, cải thiện hiệu quả năng suất lao động.
Thay đổi thời tiết
Thay đổi thời tiết hay sự thay đổi áp suất khí quyển làm tăng giảm đột ngột áp lực trong các xoang vùng mặt cũng như mô xung quanh não. Từ đó kích thích các hệ thống dây thần kinh dẫn truyền, làm xuất hiện triệu chứng đau đầu. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng có thể gây đau đầu với cơ chế tương tự.
Mất ngủ
Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ chập chờn, ngủ không thẳng giấc, gặp nhiều ác mộng khiến chu kỳ thức – ngủ của người bệnh bị rối loạn, ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn máu não, Hậu quả sang ngày hôm sau người bệnh sẽ có cảm giác đau đầu, uể oải, thiếu năng lượng.
Điều trị các rối loạn giấc ngủ tập trung vào việc xây dựng lối sống lành mạnh, ngủ đúng giờ đúng giấc, hạn chế thức khuya, tránh sử dụng điện thoại quá lâu trước khi chợp mắt.
Viêm xoang
Viêm nhiễm vùng xoang gây đau lan tỏa lên vùng đỉnh đầu. Viêm xoang làm thay đổi áp lực các xoang vùng mặt cũng như xoang trong hộp sọ, ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng đau đỉnh đầu, buồn nôn, chóng mặt, chảy mũi,…
Điều trị viêm xoang chủ yếu điều trị triệu chứng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, cho thuốc kháng sinh nếu cần thiết, trong một số trường hợp có thể bơm rửa vùng xoang viêm nhiễm để giải áp, tránh làm thay đổi áp lực bên trong.
Cao huyết áp
Huyết áp tăng đột ngột đặc biệt trong các trường hợp cơn tăng huyết áp khẩn cấp, chỉ số huyết áp lớn hơn 180/110 mmHg, có thể gây ra tình trạng đau đầu do thay đổi áp lực nội sọ, sự co dãn của các mạch máu cung cấp máu nuôi cho não trong lúc này cũng góp phần làm nặng thêm tình trạng đau đầu.
Thiếu máu lên não
Việc thiếu máu nuôi lên não gây thiếu hụt oxy cần thiết cho não, dẫn đến tình trạng tăng áp lực nội sọ, kích thích các thụ thể đau ở trên não, gây rối loạn dẫn truyền, các cơ chế này phối hợp gây ra tình trạng đau đầu. Thiếu máu nuôi lên não có thể do xơ vữa động mạch cảnh, thiếu máu toàn thân hoặc hẹp – tắc các nhánh động mạch nuôi não.
Các nguyên nhân nghiêm trọng khác có thể làm thiếu máu nuôi não: khối u não, chấn thương vùng đầu, đột quỵ.
Khối u não dù lành hay ác tính đều có thể gây ra tình trạng đau đầu. Tùy vào mức độ ác tính, khối u có thể phát triển và lan rộng một cách nhanh chóng. Các khối u não không được giải quyết kịp thời có thể gây tình trạng đau đầu dai dẳng, suy giảm khả năng vận động, nhìn mờ, nhìn đôi, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí là tử vong,…
Dấu hiệu nghi ngờ mắc khối u não thường gặp là đau đầu dữ dội, đau tăng dần theo thời gian. Tình trạng đau đầu có thể kèm buồn nôn, nôn, thay đổi thị lực, yếu cơ tay chân, kèm cảm giác tê bì, rối loạn ngôn ngữ,…
Các chấn thương vùng đầu có thể làm người bệnh đau đầu do chấn thương mô mềm, vỡ xương sọ, xuất huyết não. Chấn thương càng nặng nề thì tình trang đau đầu càng dữ dội. Các dấu hiệu nhận biết tình trạng chấn thương đầu: chóng mặt, buồn nôn, mất ý thức, chảy máu các xoang mũi, tai, bầm tím, sưng vùng đầu…
Đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng hẹp – tắc hoặc thậm chí là vỡ các mạch máu não, gâu xuất huyết, thiếu máu nuôi não. Đột quỵ có thể gây ra cơn đau đầu dữ dội, thường đột ngột, yếu cơ tứ chi, méo miệng, nói khó,… Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ: đau đầu dữ dội, đột ngột, nói khó, nói ngọng, méo miệng,…
Các vị trí đau đỉnh đầu nguy hiểm cần lưu ý
- Đau đỉnh đầu: Vị trí đau quanh đỉnh đầu có thể do khối u não, xuất huyết não, phình động mạch.
- Đau đầu thái dương: Đau đầu thái dương 2 bên có thể do viêm xoang, viêm màng não, viêm động mạch thái dương, u não.
- Đau đầu vùng trán: Có thể do viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm xoang, u não.
- Đau nửa đầu: Có thể do đột quỵ, chấn thương vùng đầu, u não.
- Đau khắp đầu: Đau quanh khắp đầu có thể do lạm dụng thuốc, đột quỵ, chấn thương đầu, thay đổi áp lực nội sọ, viêm màng não, não úng thủy.
Các phương pháp, xét nghiệm chẩn đoán đau đỉnh đầu hiệu quả
Để chẩn đoán đau đỉnh đầu hiệu quả, một số biện pháp sẽ được thực hiện. Trong đó phải kể đến các cận lâm sàng hình ảnh học như CT-scan hoặc MRI, tuy nhiên các cận lâm sàng này không được sử dụng một cách tùy tiện, mà chỉ dùng để loại trừ các trường hợp đau đỉnh đầu do các nguyên nhân cấp tính, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Trong các trường hợp đau đầu mạn tính, mức độ nhẹ, đau đầu do các yếu tố stress, căng thẳng, thông thường người bệnh sẽ không cần thực hiện các biện pháp chẩn đoán chuyên sâu.
Các phương pháp điều trị đau đỉnh đầu hiệu quả
Tùy nguyên nhân gây ra tình trạng đau đỉnh đầu, bác sĩ điều trị sẽ lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp. Các nguyên nhân gây đau đầu cấp tính cần xử trí cấp cứu như chấn thương, tai nạn, đột quỵ,… người bệnh cần phải nhập viện để tiến hành điều trị. Trong khi đó, các tình trạng đau đầu kinh niên, kéo dài, mức độ nhẹ, có thể dùng thuốc giảm đau và điều chỉnh lối sống.
Quản lý căng thẳng cho chứng đau đầu
Bên cạnh việc điều chỉnh lối sống, giảm các yếu tố gây căng thẳng, người bệnh có thể áp dụng các bài tập hít thở sâu, tập yoga, các bài tập giãn cơ, xây dựng lối sống tinh thần khỏe mạnh, giúp giảm thiểu tình trạng căng thẳng, đau đỉnh đầu.
Phản hồi sinh học cho chứng đau đầu
Phản hồi sinh học (biofeedback) là những phản ứng của cơ thể với các tình huống căng thẳng và sẽ sản xuất ra các hormone giảm tình trạng căng thẳng đó. Trong quá trình phản hồi sinh, người bệnh có thể được kết nối với các máy đo cảm biến để theo dõi các chỉ số khác bên cạnh tình trạng đau đầu:
- Tần số thở.
- Mạch đập.
- Tần số tim.
- Nhịp tim.
- Nhiệt độ.
- Căng cứng cơ.
- Hoạt động điện của não.
Dựa vào kết quả của phản hồi sinh học, người bệnh sẽ nhận biết được và kiểm soát được các yếu tố gây ra tình trạng đau đầu. Thông qua đó, người bệnh có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như giảm thiểu tác động của đau đỉnh đầu lên chất lượng cuộc sống.
Sử dụng thuốc điều trị đau đầu
Một số thuốc giảm đau không cần kê đơn có thể giúp làm giảm tình trạng đau đầu nhẹ, mang tính chất thoáng qua và không có các dấu hiệu nguy hiểm kèm theo. Bên cạnh đó, tình trạng đau đầu còn được bác sĩ phối hợp điều trị kèm với các bệnh lý nguyên nhân gây đau đầu như tăng huyết áp, co giật, trầm cảm.
Điều trị tình trạng bệnh lý tiềm ẩn gây ra chứng đau đầu thứ phát
Trong các trường hợp đau đầu thứ phát như tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, chấn thương vùng đỉnh đầu, tình trạng đau đỉnh đầu có thể giải quyết bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy lượng cho một cuộc phẫu thuật vùng đầu là rất nguy hiểm và nguy cơ biến chứng sau mổ khá cao.
Cách xử trí đau đỉnh đầu tại nhà:
- Nghỉ ngơi: Xây dựng thời gian biểu hợp lý, giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng sẽ giúp cải thiện tình trạng đau đỉnh đầu.
- Chườm nóng-lạnh: Khi đau đầu kết hợp với triệu chứng sốt, nóng lạnh, việc chườm nóng-lạnh kết hợp lau mát có thể làm giảm cảm giác đau đầu cho người bệnh.
- Massage, bấm huyệt: Các biện pháp làm giãn cơ, giảm đau gân cốt như massage, bấm huyệt,… có thể làm giảm tình trạng đau đầu, giúp cải thiện tình trạng tưới máu não.
- Bổ sung nước, điện giải: Trong các trường hợp rối loạn điện giải, việc bổ sung nước hoặc các chất điện giải như natri, kali, có thể cải thiện tình trạng đau đỉnh đầu.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: Các triệu chứng đau đầu nhẹ, thoáng qua có thể đáp ứng tốt với thuốc giảm đau không kê đơn để giảm đau.
Cách phòng ngừa đau đỉnh đầu hiệu quả
Để ngăn ngừa đau đỉnh đầu hiệu quả cần xác định được nguyên nhân, các yếu tố thúc đẩy gây cơn đau đầu. Khi xác định đúng nguyên nhân gây đau đỉnh đầu là gì, lúc này người bệnh mới có thể được điều trị đúng phương pháp.
Ví dụ như đau đầu do dị ứng với mùi hương mạnh, việc tránh tiếp xúc với mùi hương đó sẽ giảm thiểu tình trạng đau đầu, mà các biện pháp như thuốc uống, xoa bóp có thể không hiệu quả bằng. Các nguyên nhân đau đầu như căng thẳng, thiếu ngủ, tư thế sinh hoạt sai cách,… cần được khắc phục trên từng trường hợp riêng biệt như giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngồi đúng tư thế.
Khi nào cần gặp bác sĩ khám:
Một số dấu hiệu bất thường
- Cơn đau đầu đột ngột và dữ dội, đau như búa bổ, cơn đau kéo dài hoặc đau từng cơn, không đáp ứng với giảm đau.
- Nhức đầu kèm theo các triệu chứng tiên lượng nặng như sốt cao > 38 độ C, cứng cổ, tê yếu tay chân, mất khả năng thăng bằng, khó nói, thay đổi thị lực như nhìn mờ, nhìn đôi,…
- Nhức đầu xảy ra sau chấn thương đầu hoặc tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt.
- Đau đầu mới khởi phát sau tuổi 55.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường kể trên, người bệnh cần thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa lớn để được thăm khám, đánh giá tình trạng đau đầu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đặt lịch khám tại các phòng khám thần kinh uy tín để nhận được điều trị từ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao.
Một số câu hỏi liên quan
Đau nhói đỉnh đầu bên trái có sao không?
Đau đỉnh đầu bên trái có thể do nhiều nguyên nhân như đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng, viêm xoang, thiếu máu não, chấn thương. Tùy vào mức độ đau bệnh sẽ có những mức độ nguy hiểm khác nhau, khi tình trạng đau kéo dài, kém đáp ứng với giảm đau người bệnh cần đi thăm khám bác sĩ ngay.
Ấn vào đầu đau có sao không?
Ấn vào đầu đau có thể là triệu chứng của đau đầu do căng thẳng, viêm xoang, chấn thương vùng đầu. Lưu ý cần có thao tác ấn phù hợp, ấn nhẹ, không đè ấn mạnh tại một điểm có thể làm sai lệch triệu chứng và mức độ đau.
Đau nhói đỉnh đầu bên phải có sao không?
Cũng như đau đỉnh đầu bên trái, đau đỉnh đầu bên phải cũng có thể được gây ra bởi các nguyên nhân tương tự. Khi triệu chứng đau tăng dần người bệnh cần tiến hành thăm khám bác sĩ ngay.
Đau đỉnh đầu và hốc mắt có sao không?
Đau đỉnh đầu kèm đau hốc mắt có thể xuất hiện trong bệnh lý viêm xoang, viêm động mạch thái dương. Đặc biệt đau xuất hiện sau chấn thương hoặc tai nạn giao thông có thể báo hiệu tình trạng nguy hiểm như xuất huyết não, chèn ép thần kinh thị, do đó người bệnh tai nạn giao thông cần được thăm khám kỹ lưỡng các triệu chứng thần kinh.
Đau đầu có di truyền không?
Yếu tố di truyền có thể góp phần vào trong một số loại đau đầu như đau đầu Migraine, đau đầu do căng thẳng, đau đầu cụm,… Tuy nhiên, việc biểu hiện ra trình trạng đau đầu còn phụ thuộc vào tác động giữa các yếu tố di truyền và môi trường sống, do đó, việc cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là một biến pháp phòng ngừa đau đầu hiệu quả.
Xem thêm:
- Cách trị đau đầu chóng mặt tại nhà bạn không nên bỏ qua
- Thiếu máu não nên ăn gì? 15 thực phẩm chuyên gia khuyên dùng
- Đau đầu chóng mặt là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách xử lý
- Trí nhớ kém – 7 cách khắc phục hiệu quả có thể bạn bất ngờ
- Mất tập trung – 25 biểu hiện bạn là người dễ mất tập trung
Bài viết đã cung cấp những thông tin về vấn đề đau đỉnh đầu là bệnh gì, cách nhận biết cũng như điều trị đau đỉnh đầu tại nhà hiệu quả. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Headaches – Cleveland Clinic
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9639-headaches
- Ngày tham khảo: 12/09/2024
2. Can high blood pressure lead to headaches? – MedicalNewsToday
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/322451
- Ngày tham khảo: 12/09/2024
3. Headache from Lack of Sleep? Here’s What to Do – Healthline
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/lack-of-sleep-headache
- Ngày tham khảo: 12/09/2024