Điều trị hội chứng ruột kích thích cho tới thời điểm hiện vẫn chỉ dừng ở mắc điều trị triệu chứng, hạn chế sự tác động của bệnh lên cuộc sống của người bệnh chứ chưa thể điều trị triệt để hoàn toàn. Hãy cùng Docosan tìm hiểu hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý gì?
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là IBS – Irritable bowel syndrome, hay viêm đại tràng co thắt, là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp nhất ở nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tỉ lệ mắc hội chứng ruột kích thích vào khoảng từ 5 đến 20%, nữ thường gặp hơn ở nam. Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích là nguyên nhân thường gặp khiến bệnh nhân đi khám bệnh lý đại tràng nhất với 80%, đây cũng là chẩn đoán thường gặp nhất tại các phòng khám.
IBS thường gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên và trung niên, độ tuổi mắc bệnh chiếm tỉ lệ nhiều nhất là từ 18 đến 30 tuổi. Bệnh ít gặp sau độ tuổi 50 và thường gặp hơn ở nhóm đối tượng có trình độ học vấn cao như học sinh sinh viên, cán bộ viên chức, tỉ lệ mắc bệnh cũng cao hơn ở dân cư khu vực thành thị so với vùng nông thôn.
Hiện nay chưa tìm ra được cơ chế bệnh sinh rõ ràng cho hội chứng ruột kích thích. Một vài cơ chế được đa số các nhà khoa học chấp nhận đó là sự bất thường trong chức năng của hệ tiêu hóa như gia tăng tính nhạy cảm, trạng thái dễ bị kích thích của ruột. Một số đoạn ruột bị giảm khả năng chịu áp lực từ thức ăn bên trong lòng ống. Sự tham gia của các rối loạn vận động (chức năng co bóp) của ruột, tăng giảm nhu động ruột có thể gây tiêu chảy, táo bón.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chưa phát hiện được nguyên nhân thực thể gây hội chứng ruột kích thích, như chụp X quang và sinh thiết. Các yếu tố góp phần gây bệnh bao gồm chế độ ăn uống, thuốc, hormoen có thể làm nặng thêm các triệu chứng đường tiêu hoá. Bệnh có thể được xem là sự kết hợp của các yếu tố sinh lý và yếu tố xã hội.
Hội chứng ruột kích thích thuộc dạng rối loạn chức năng, chưa ghi nhận tổn thương thực thể, ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng cuộc sống của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do các triệu chứng như:
- Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất, thường đau bụng xuất hiện sau khi ăn, vị trí đau không rõ ràng và có thể tự giảm đau sau khi đại tiện hoặc trung tiện.
- Đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân lỏng hoặc dạng sệt, phân có thể lẫn nhầy, nếu có máu trong phân cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.
- Táo bón: phân ít nhưng có dạng rắn, có thể xen kẽ với tiêu chảy, gọi chung là thay đổi thói quen đi cầu.
- Chướng bụng: thường gây khó khăn cho bệnh nhân vì bất tiện khi di chuyển, cảm giác mệt khó thở khiến BN phải nằm.
Cách điều trị hội chứng ruột kích thích hiệu quả
Trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích hiện vẫn đang là một thách thức với các bác sĩ lâm sàng chuyên khoa tiêu hoá bởi chưa tìm ra cơ chế thật sự và đầy đủ của bệnh, dẫn tới việc chưa có thuốc trị hội chứng ruột kích thích một cách triệt để, hoàn toàn. Mục tiêu điều trị chủ yếu là giảm lo lắng, căng thẳng cho người bệnh và điều trị triệu chứng. Lưu ý kháng sinh chỉ được chỉ định khi có dấu hiệu nhiễm trùng.
Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng liệu pháp tâm lý
Các liệu pháp tâm lý là bước không thể thiếu trong liệu trình điều trị hội chứng ruột kích thích hiệu quả. Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh là do người bệnh thường xuyên lo lắng, căng thẳng kéo dài. Do đó, các bác sĩ thường lắng nghe và trấn an giúp bệnh nhân hiểu rõ về bệnh, đây không phải một bệnh lý nguy hiểm, không phải bệnh ung thư. Đồng thời trong quá trình tư vấn bác sĩ sẽ hướng cho bệnh nhân có lối sống tích cực lành mạnh để nâng cao hiệu quả điều trị.
Thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích
Đa số người bệnh thắc mắc hội chứng ruột kích thích uống gì để điều trị? Tùy vào mức độ bệnh nặng nhẹ ra sao bác sĩ điều trị sẽ kê đơn các loại thuốc phù hợp để điều trị triệu chứng. Một số loại thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích thường dùng là thuốc tiêu chảy, táo bón, thuốc chống co thắt,…
Thuốc tiêu chảy thường sử dụng là Loperamide (imodium 2mg) giúp làm giảm chuyển động ruột giúp tăng hấp thu nước ở ruột và tăng trương lực thu của cơ vòng đường ruột. Một số thuốc tiêu chảy thường dùng khác: Erceyuryl 200mg, Diphenoxylase,… Trong các trường hợp tiêu chảy nhẹ khuyến cáo trong những năm gần đây có thể không cần dùng đến thuốc tiêu chảy.
Thuốc chống táo bón hay thuốc nhuận tràng có thể được kê để điều trị hội chứng ruột kích thích. Có nhiều thuốc nhuận tràng hiện nay trên thị trường như nhuận tràng thẩm thấu, nhuận tràng tạo khối, tăng co thắt, trị đau bụng chống co thắt, thuốc kháng cholinergic,…
Ngoài ra các nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc ruột như Diosmectite, Bismuth…hay thuốc tác đọng lên thụ thể 5-HT hoặc các thuốc chống lo ân, thuốc an thần… có thể được chỉ định trong một số trường hợp nhất định. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng nên được cân nhắc kĩ trước khi sử dụng.
Chế độ ăn uống khoa học
Một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến IBS đó là chế độ ăn uống không hợp lý. Do đó, muốn điều trị hội chứng ruột kích thích một cách bao quát, cần thay đổi sang một chế độ ăn uống khoa học với những nguyên tắc như sau:
- Tránh sử dụng các thức ăn thuộc nhóm “không dung nạp” ví dụ như thức ăn quá nhiều đường bột, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn khó tiêu gây đầy bụng, nhưng không cần kiêng cử quá mức.
- Các loại thực phẩm như trà, cà phê, sữa, thức ăn khô, nhiều gia vị, thức ăn tẩm ướp sẵn nên được hạn chế
- Uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, rau quả tươi giàu vitamin và chất khoáng.
Lưu ý khi điều trị hội chứng ruột kích thích
Thời gian điều trị hội chứng ruột kích thích phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích. Do đó, mục tiêu chính trong điều trị hội chứng ruột kích thích vẫn là thuyên giảm triệu chứng, cải thiện sức khỏe của người bệnh và hạn chế bệnh tái phát.
Khi mắc phải IBS, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định và thực hiện các nguyên tắc duy trì lối sống lành mạnh:
- Hạn chế căng thẳng, tránh những cảm xúc tiêu cực, duy trì tinh thần tâm trạng thoải mái
- Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc theo nhu cầu sinh lý, không nên làm việc quá sức, học tập và sinh hoạt có điều độ.
- Thườn xuyên tập luyện thể dục thể thao như yoga, bài tập thể hình phù hợp với thể lực kết hợp với ăn uống khoa học.
- Thường xuyên massage bụng nhẹ nhàng trong thời gian nghỉ ngơi.
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Điều trị hội chứng ruột kích thích hiệu quả bằng cách nào?”. Hy vọng qua bài viết này quý bạn đọc đã có những thông tin hữu ích về cách điều trị hội chứng ruột kích thích. Đây không phải một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, do đó bạn cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị để cải thiện triệu chứng.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: NIH