Những điều cần biết về hiến xác cho y học và thủ tục 2023

Sự sống khởi nguồn từ cái chết – một nghĩa cử cao đẹp của việc hiến xác cho y học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chắc hẳn trong chúng ta cũng đã từng có mong muốn một phần cơ thể của mình sau khi chết có thể mang lại sự sống cho những người khác, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa rõ thủ tục đăng ký hiến xác như thế nào. Vì thế, bài viết dưới đây Doctor có sẵn sẽ giải đáp chi tiết về điều kiện, thủ tục và cách đăng ký hiến xác cho y học theo quy định mới nhất.

hiến xác cho y học

Hiến xác cho y học là gì? Hiến xác có khác hiến tạng không?

Hiến xác cho y học là hành động mà một người tự nguyện mang cơ thể của mình sau khi qua đời cho các tổ chức có thẩm quyền, nhằm phục vụ cho mục đích nhân đạo như điều trị bệnh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, hiến tạng là việc một cá nhân tự nguyện hiến mô hoặc bộ phận của cơ thể khi còn sống hoặc sau khi qua đời. Các mô và bộ phận cơ thể bao gồm thận, tim, gan, phổi, ruột, da và nhiều bộ phận khác.

Tại sao nên hiến xác? Mục đích của hiến xác cho y học

Hành động hiến xác cho y học là nghĩa cử cao đẹp, đồng thời thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cơ thể được hiến tặng có thể phục vụ cho những mục đích cao đẹp như sau:

  • Tạo cơ hội để đào tạo cho sinh viên y khoa và phẫu thuật viên, giúp họ trau dồi kiến thức và kỹ năng thực hành.
  • Kiểm tra tính an toàn của các phương tiện vận tải như ô tô để cải thiện và giảm thiểu nguy cơ thương tích cho con người trong tình huống tai nạn.
  • Kiểm tra và thử nghiệm thiết bị bảo hộ cá nhân, ví dụ như giày bảo hộ cho công nhân, áo giáp chống đạn cho cảnh sát, mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp hay trượt tuyết.
  • Hỗ trợ trong việc nghiên cứu, phát triển các loại thuốc mới và phát hiện tương tác nguy hiểm giữa các loại thuốc.
  • Góp phần phát triển và nâng cấp các thiết bị y tế cần thiết cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
  • Nghiên cứu trong điều trị các bệnh lý và chấn thương
  • Hỗ trợ phát triển kỹ thuật phẫu thuật mới, đẩy mạnh tiến bộ trong lĩnh vực y khoa.
Hiến xác cho y học giúp phát triển tiến bộ trong lĩnh vực y khoa
Hiến xác cho y học giúp phát triển tiến bộ trong lĩnh vực y khoa

Nguyên tắc trong việc hiến xác cho y học

Đối với việc hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người cũng như việc hiến xác cho y học và lấy xác sau khi chết phải dựa trên các nguyên tắc sau: 

  • Mọi hành động liên quan đến hiến, lấy, hoặc ghép phải dựa trên sự tự nguyện của người hiến và người được ghép. 
  • Vì mục đích nhân đạo, cứu chữa, giảng dạy hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học y tế
  • Không được sử dụng với bất kỳ mục đích thương mại nào
  • Tất cả thông tin liên quan đến người hiến và người được ghép phải được bảo mật chặt chẽ, trừ trường hợp giữa các bên thỏa thuận riêng hoặc pháp luật có quy định khác.

Quyền và lợi ích của người hiến xác

Quyền được hiến xác

Các cá nhân đủ 18 tuổi trở lên và có đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến xác và bộ phận cơ thể của họ sau khi qua đời, với mục tiêu chữa bệnh cho người khác hoặc để phục vụ nghiên cứu khoa học. Quy trình hiến tặng và sử dụng cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Hiến xác là một quyền của công dân, vì thế bất kỳ ai có mong muốn và nguyện vọng hiến xác sau khi qua đời, cần thực hiện việc đăng ký hiến xác theo các bước sau:

  • Người muốn hiến xác đến một cơ sở y tế bất kỳ để bày tỏ nguyện vọng của mình.
  • Sau khi cơ sở y tế nhận được thông tin về nguyện vọng hiến xác, họ sẽ thông báo về cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác.
  • Cơ sở nhận tiếp và bảo quản xác thực sẽ gặp gỡ trực tiếp với người muốn hiến xác để cung cấp thông tin và tư vấn liên quan đến quá trình hiến xác. Nếu sau cuộc tư vấn, người muốn hiến xác vẫn duy trì nguyện vọng của họ, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác thực sẽ hướng dẫn đăng ký hiến xác và cung cấp thẻ đăng ký hiến xác. Thẻ đăng ký hiến xác này là cơ sở để sau khi người đăng ký hiến xác qua đời, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác lấy xác để sử dụng cho mục đích đã đăng ký.
Hiến xác là một quyền của công dân
Hiến xác cho y học là một quyền của công dân

Quyền lợi của người hiến xác được hưởng khi đăng ký hiến xác

Dựa trên thông tư số 104/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, các chế độ mà người đăng ký hiến bộ phận cơ thể, hiến xác cho y học được hưởng quy định cụ thể như sau:

  • Người đã hiến khi còn sống sẽ được miễn phí khám sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ Y tế và cơ quan cơ quan có thẩm quyền.
  • Trường hợp người hiến ở xa cơ sở y tế và không thể đi về trong ngày, họ sẽ được hỗ trợ tiền phòng ngủ với chi phí 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 02 ngày.
  • Người hiến xác cho y học sẽ được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ, với chi phí là 200.000 đồng/ngày .
  • Người hiến cũng sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở chữa bệnh để khám sức khỏe định kỳ và ngược lại, theo mức giá phương tiện di chuyển công cộng. Trường hợp sử dụng phương cá nhân, căn cứ vào mức tiêu hao nhiên liệu là 0.2 lít xăng/km và giá xăng tại địa phương.
  • Cơ sở khám sức khỏe định kỳ sẽ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người hiến để hưởng chế độ theo quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các hướng dẫn văn bản (nếu có).
  • Người hiến cho y học khi đi khám phá sức khỏe định kỳ, phải xuất trình giấy ra viện hoặc giấy tờ chứng minh đã hiến bộ phận cơ thể hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân.

Thủ tục hiến xác cho y học tại Việt Nam 

Thủ tục đăng ký hiến xác được quy định tại Điều 19 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006, cụ thể như sau:

  • Người tự nguyện hiến xác cho y học có đủ điều kiện là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tại thời điểm đăng ký hiến xác.
  • Khi nhận được thông tin, nguyện vọng của người đăng ký hiến xác, cơ sở y tế sẽ thông báo cho cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác.
  • Khi nhận được thông báo về nguyện vọng của người hiến xác, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác sẽ tiến hành: Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin liên quan về việc hiến xác, hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn và cấp thẻ đăng ký hiến xác cho người hiến.
  • Việc đăng ký hiến xác cho y học có hiệu lực kể từ khi người đăng ký hiến xác được cấp thẻ đăng ký hiến.
  • Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về mẫu đơn đăng ký hiến xác và công tác tư vấn cho người đăng ký hiến xác.

Các cách đăng ký hiến xác

Để đăng ký hiến xác cho y học, bạn có thể chọn 1 trong những cách sau:

Làm đơn và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền

Các bạn cần làm đơn theo mẫu kèm theo 1 ảnh thẻ, 1 bản photo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu không cần công chứng. Sau đó gửi đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tại: Phòng 230 – Nhà C2 – Bệnh viện Việt Đức,  địa chỉ số 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội.

Đến trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền

Bạn cũng có thể đến trực tiếp tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia: Phòng 230 – Nhà C2 – Bệnh viện Việt Đức địa chỉ số 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội (hoặc bạn có thể qua cổng số 1 số 16 Phủ Doãn – Hoàn Kiếm – Hà Nội). 

Đối với các bạn các tỉnh phía Nam, có thể đến trực tiếp bệnh viện để đăng ký. Lưu ý khi đi mang theo chứng minh nhân dân + 1 ảnh thẻ (nếu không có sẵn ảnh thẻ, Trung tâm sẽ chụp miễn phí cho bạn).

Đăng ký tại các bệnh viện

Ngoài ra, các bạn cũng có thể đến các trường Đại học Y gần nơi cư trú để tiến hành đăng ký hiến xác cho y học.

Đăng ký hiến tạng online

Các bạn có thể thực hiện đăng ký hiến xác online bằng các cách sau:

Cách 1: Đăng ký online tại qua Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia

  • Bước 1: Truy cập vào website Vnhot.vn
Đăng ký hiến xác online qua cổng website Vnhot.vn
Đăng ký hiến xác online qua công website Vnhot.vn
  • Bước 2: Chọn vào mục “Đăng ký hiến tặng”
  • Bước 3: Điền thông tin đầy đủ và tải ảnh đính kèm theo yêu cầu
  • Bước 4: Chọn xác nhận 

Cách 2: Đăng ký online tại Cổng đăng ký hiến và ghép mô tạng (HCM)

Cách 3: Đăng ký qua Email

  • Trường hợp người đăng ký hiến tặng tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc: Đăng ký qua email [email protected]
  • Trường hợp người đăng ký hiến tặng tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam: Đăng ký qua email: [email protected].

Đã đăng ký hiến xác y học thì có hủy đăng ký được không?

Nếu như sau khi đã đăng ký hiến xác cho y học mà người hiến xác muốn hủy quyết định đăng ký thì hoàn toàn có thể gửi đơn đề nghị hủy bỏ quyết định đăng ký hiến xác tới cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác.

Thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người, hiến xác sau khi chết như sau:

  • Người đã đăng ký hiến gửi đơn đề nghị thay đổi hoặc hủy bỏ đến cơ sở y tế hoặc cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến.
  • Cơ sở y tế hoặc cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác tiếp nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến.
  • Cấp lại hoặc thu hồi thẻ đăng ký hiến
  • Trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn, thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người về việc thay đổi này.

Việc thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người và hiến xác có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế hoặc cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến tiếp nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến.

Điều kiện lấy xác 

Điều kiện lấy xác như sau:

  • Cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác tiến hành lấy xác của người hiến.
  • Người chết có cấp thẻ đăng ký hiến xác.
  • Trường hợp người chết không có thẻ đăng ký hiến xác cho y học thì phải được sự đồng thuận bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người hiến xác hoặc vợ, chồng, đại diện các con đã thành niên của người đó.
  • Người chết không xác định được nơi cư trú cuối cùng và có cấp giấy chứng tử của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người chết.

Câu hỏi thường gặp

Hiến xác cho y học được bao nhiêu tiền?

Hiến xác cho y học là nghĩa cử cao đẹp với mục đích phục vụ cho nghiên cứu y học, không vì một bất kỳ lợi ích thương mại nào, do đó người hiến xác thường không nhận được tiền thưởng hay thanh toán trực tiếp cho việc hiến xác. Tuy nhiên, bạn sẽ được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe với mức phí theo quy định của pháp luật.

Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Hiến xác cho y học là hành động tự nguyện mang cơ thể của mình sau khi qua đời cho các tổ chức có thẩm quyền, nhằm phục vụ cho mục đích nhân đạo. Trong khi đó, hiến tạng là hiến mô hoặc bộ phận của cơ thể khi còn sống hoặc sau khi qua đời bao gồm thận, tim, gan, phổi, ruột, da và nhiều bộ phận khác.

Hiến xác bao nhiêu tuổi?

Người hiến xác cho y học phải có đủ điều kiện là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự tại thời điểm đăng ký hiến xác và việc hiến xác dựa trên nguyên tắc tự nguyện.

Người Công giáo có được hiến xác không?

Bất kỳ ai đủ điều kiện là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền hiến xác không phân biệt tôn giáo. Giáo hội cũng công nhận, khuyến khích việc hiến xác cho y học vì đó là một hành vi cao quý và quyết định phụ thuộc vào quan điểm cá nhân.

Quan điểm của Phật giáo về hiến xác

Theo quan điểm Phật giáo, khuyến khích hiến xác cho y học vì đây hành động từ thiện và giúp đỡ người khác, một nghĩa cử cao đẹp. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào quyền tự do của mỗi cá nhân.


Dù cuộc sống kết thúc nhưng giá trị thân thể của người hiến tặng vẫn còn đó, cái chết của họ đã mang lại sự sống cho những người cần thiết, đó chính là ý nghĩa nhân văn của việc hiến xác cho y học. 

Bên cạnh đó, nếu bạn muốn đăng ký khám sức khỏe, hãy đặt lịch khám ngay trên docosan.com để đặt lịch với các bác sĩ phù hợp.

Contact Me on Zalo