Khám sức khỏe xin việc là điều kiện cần và buộc bạn phải bổ sung vào hồ sơ. Đây cũng được xem là bằng chứng xác nhận với nhà tuyển dụng bạn có đủ điều kiện để tham gia vào vị trí đó hay không. Vậy, quy trình khám sức khỏe là như thế nào, cần chuẩn bị những gì, bao nhiêu tiền? Tất cả vấn đề này sẽ được Doctor có sẵn làm rõ trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Khám sức khỏe xin việc và những thông tin cần biết
Khám sức khỏe xin việc là hình thức tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát nhằm đánh giá thể trạng, phát hiện bệnh ký nguy hiểm, bệnh truyền nhiễm, từ đó đưa ra kết luận người lao động có phù hợp với vị trí ứng tuyển đó hay không. Thông qua giấy khám sức khỏe, nhà tuyển dụng phần nào nắm được tình trạng thể chất của người lao động đó để cống hiến và làm việc hay không. Do đó, đây được xem là bước chuẩn bị khá quan trọng và không thể thiếu đối với người lao động đang chuẩn bị hồ sơ xin việc.
Có rất nhiều người khá chủ quan vì một phần họ có suy nghĩ thủ tục này là không cần thiết. Phần khác là họ lo ngại đến việc đi đến bệnh viện hoặc phòng khám để thăm khám sức khỏe đi làm. Trên thực tế, ngoài xem xét năng lực, bằng cấp, nhà tuyển dụng còn đánh giá sức khỏe của người lao động có đủ điều kiện để tham gia vào công việc đó hay không, thể trạng có tốt để hợp tác lâu dài hay không. Hơn thế, cũng dựa vào đó mà nhà tuyển dụng sẽ đưa ra vị trí phù hợp cho nhân viên đó.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để người lao động nắm được tình hình sức khỏe của bản thân, có đang mắc phải căn bệnh nào không. Nếu chẳng may mắc bệnh sẽ có phương án điều trị phù hợp.
Thông thường, khám sức khỏe xin việc thường bao gồm các nội dung khám quan trọng sau:
- Kiểm tra thể lực: đo chiều cao, cân nặng, đo huyết áp, chỉ số BMI,…
- Khám lâm sàng: khám da liễu, khám mắt, khám tai mũi họng, răng hàm mặt, xương khớp, tim, phổi, khám bệnh thần kinh, khám phụ khoa (đối với nữ giới),…
- Xét nghiệm: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,…
- Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang phổi, tim, siêu âm ổ bụng,…
Quy trình khám sức khỏe xin việc cơ bản
Quy trình khám sức khỏe xin việc khá đơn giản, bao gồm các bước chính sau:
- Bước 1: Làm thủ tục đăng ký khám sức khỏe tại đơn vị y tế uy tín. Nộp giấy tờ tùy thân, mẫu giấy khám sức khỏe xin việc và thanh toán chi phí tại quầy thu ngân.
- Bước 2: Lấy số thứ tự và di chuyển đến phòng khám được chỉ định. Sau đó ngồi chờ khi đến lượt thì vào phòng khám gặp bác sĩ.
- Bước 3: Bác sĩ chỉ định thăm khám từng khâu một. Bệnh nhân nộp lại những kết quả xét nghiệm cho bác sĩ.
- Bước 4: Nhận lại mẫu giấy xác nhận sức khỏe bình thường có dấu mộc của cơ quan và ra về.
Khám sức khỏe xin việc có xét nghiệm máu không?
Theo quy định về giấy khám sức khỏe xin việc, hạng mục xét nghiệm máu không mang tính chất bắt buộc ở một số đơn vị. Người lao động có thể đăng ký xét nghiệm máu khi có yêu cầu của cơ quan, xí nghiệp dự định nộp hồ sơ xin việc. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ yêu cầu của cơ quan đó trước khi đăng ký khám sức khỏe tại bệnh viện hoặc phòng khám.
Trên thực tế, xét nghiệm máu được xếp vào hạng mục khám cận lâm sàng. Kỹ thuật này sẽ cho bác sĩ biết tế bào máu ngoại vi, ure, cretinie, GOT, GPT, glucose, HBsAg, huyết thanh giang mai, HIV, bệnh truyền nhiễm khác,…
Đi khám sức khỏe xin việc cần mang theo gì?
Để việc khám sức khỏe xin việc diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, bạn cần chuẩn bị một số giấy tờ sau:
- Đừng quên mang theo giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, căn cước hoặc hộ chiếu, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm nhân thọ. Nếu bạn có tiền sử khám bệnh hay mắc phải bệnh lý nào, hãy mang theo kết quả xét nghiệm, đơn thuốc cũ,… Điều này sẽ giúp rút ngắn các xét nghiệm không cần thiết.
- Mang theo tiền mặt để trả tiền thăm khám cho bệnh viện hoặc phòng khám.
- Mang theo tờ giấy khám sức khỏe xin việc. Số lượng tờ mang theo tùy vào nhu cầu cá nhân. Bởi không phải bệnh viện hay phòng khám nào cũng cung cấp cho bạn loại giấy tờ này.
- Hãy mang theo kính đang dùng để kiểm tra thị lực. Không đeo kính áp tròng vào ngày khám.
- Đang điều trị bệnh đái tháo đường thì không nên dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm insulin vào buổi sáng khi khám.
- Nếu đang điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch thì vẫn dùng thuốc bình thường theo chỉ định của bác sĩ.
- Chuẩn bị tâm lý thoải mái vì khám sức khỏe xin việc chỉ là việc nhỏ, không có gì là quá khẩn cấp khiến bạn hồi hộp.
- Nên khám sức khỏe xin việc vào buổi sáng để đáp ứng một số xét nghiệm cận lâm sàng như điều kiện phải nhịn ăn uống để xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng,…
- Nên mặc quần áo rộng và thoải mái khi đi khám sức khỏe.
- Cần uống nhiều nước và hạn chế đi tiểu trong vòng 1 giờ đồng hồ nếu có yêu cầu xét nghiệm nước tiểu.
- Đối với nữ giới đang trong chu kỳ kinh nguyệt thì không nên đi khám sức khỏe xin việc ngay. Thời điểm thích hợp để đi khám là sau 5 ngày kết thúc chu kỳ để bác sĩ kiểm tra tình trạng phụ khoa.
Giá khám sức khỏe xin việc bao nhiêu tiền?
Bệnh viện công là nơi khám sức khỏe xin việc đáng tin cậy, được nhiều người tin tưởng và lựa chọn. Theo quy định tại Thông tư 04/BYT năm 2012, phí khám sức khỏe xin việc là 85.000 đồng/lần. Bệnh viện sẽ thu thêm 5.000 – 10.000 đồng phí hồ sơ cho mỗi phiếu khám sức khỏe. Tổng chi phí khám sức khỏe đi làm sẽ dao động từ 100.000 – 120.000 đồng.
Tuy nhiên, nếu lựa chọn khám sức khỏe đi làm ở bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân thì bạn cần trả một khoản tiền cao hơn tùy vào chính sách của đơn vị đó. Thông thường tổng chi phí sẽ rơi vào khoảng 200.000 – 400.000 đồng. Hơn thế, nếu bạn có nhu cầu bổ sung thêm hạng mục thăm khám nào thì sẽ phải trả thêm một khoản tiền cho bác sĩ.
Khám sức khỏe xin việc là điều bắt buộc ở một số cơ quan, xí nghiệp. Đây được xem như lời khẳng định bạn đủ điều kiện về mặt sức khỏe để tham gia làm việc. Do đó, hãy chuẩn bị tờ giấy khám sức khỏe từ trước để bổ sung hồ sơ. Điều này cũng giúp bạn thêm một điểm cộng trong lòng của phía tuyển dụng.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.