Tất cả nhân viên công tác trong ngành y tế, trực tiếp khám chữa bệnh cần một khoảng thời gian thực hành tại cơ sở y tế kéo dài 1-2 năm mới được chính thức công nhận là một nhân viên y tế thực thụ. Do đó, nắm vững lý thuyết và biết vận dụng vào thực tế để giải quyết các vấn đề lâm sàng là điều tất yếu. Vậy những kiến thức nào ta cần phải trang bị và cách vận dụng chúng ra sao? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu nhé!
Tóm tắt nội dung
Lâm sàng là gì
Lâm sàng (tiếng Pháp: clinique, tiếng Anh: clinical) là một từ hán việt với ý nghĩa là tình trạng thực tế tại giường bệnh ngay tại lúc khám bệnh. Lâm sàng bao gồm những triệu chứng do người bệnh khai (mang tính chất chủ quan) và những dấu hiệu khi nhân viên y tế thăm khám trực tiếp trên cơ thể bệnh nhân. Bác sĩ sẽ đưa ra những lý luận lâm sàng dựa vào các triệu chứng này và một số cận lâm sàng cần thiết, sau đó quyết định chẩn đoán cuối cùng.
Cận lâm sàng là gì?
Cận lâm sàng là những kỹ thuật khác nhau được bác sĩ chỉ định trong quá trình thăm khám bệnh nhằm cung cấp thêm thông tin để đưa ra kết luận chẩn đoán. Cận lâm sàng bao gồm: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, X-quang, điện tâm đồ, siêu âm,… Mỗi kỹ thuật sẽ có những đặc điểm thông số riêng biệt cung cấp thông tin khách quan hỗ trợ chẩn đoán.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị bệnh, thông số cận lâm sàng còn hỗ trợ theo dõi hiệu quả điều trị song song với sự cải thiện lâm sàng của người bệnh. Cận lâm sàng cũng đóng vai trò quan trọng trong một vài trường hợp cần theo dõi độc tính của thuốc, có thể dựa vào xét nghiệm nồng độ thuốc trong máu hay những thông số đặc trưng tại các cơ quan trong cơ thể.
Dược lâm sàng liệu có cần thiết?
Theo khoản 40, điều 2 luật dược 2016, dược lâm sàng là hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hành dược về tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thuốc. Hoạt động dược lâm sàng, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người hành nghề khám, chữa bệnh là nhiệm vụ cần có chuyên môn cao, kinh nghiệm lâm sàng thực tế.
Do đó, dược lâm sàng đòi hỏi phải vừa phải có kiến thức hóa lý về thuốc cũng như có kiến thức bệnh lâm sàng để có thể phối hợp suy luận, đưa ra hướng giải quyết hỗ trợ điều trị.
Hiện nay, các bệnh viện lớn tại Việt Nam đã triển khai mô hình dược lâm sàng và nhận về những đánh giá khả quan. Do đó, trong tương lai, việc phối hợp giữa dược lâm sàng trong hệ thống khám chữa bệnh là cần thiết.
Dược lý lâm sàng
Muốn trở thành một nhà lâm sàng giỏi, sử dụng thuốc hợp lý thì cần phải nắm rõ các khái niệm về dược động học cũng như dược lực của thuốc. Tương tác thuốc có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào ở quá trình thuốc tác động trong cơ thể, do đó, nắm được dược lý sẽ hỗ trợ các nhà lâm sàng hạn chế những tác dụng không mong muốn xảy ra khi sử dụng thuốc và tói ưu điều trị.
Dược lực học của thuốc
Dược lực học nghiên cứu tác động của thuốc lên cơ thể. Dược lực học quan tâm đến mối liên quan giữa nồng độ thuốc tại vị trí tác động với tác đụng và độc tính của thuốc. Với cùng một nồng độ thuốc tại cùng một vị trí tác động, nhưng tác dụng và độc tính của thuốc là không hoàn toàn giống nhau giữa các cá thể khác nhau. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng như: mật độ thụ thể thuốc, tương tác thuốc – thụ thể, cơ chế dẫn truyền, sự tổng hợp protein trong tế bào.
Dược động học của thuốc
Dược động học biểu diễn quá trình thuốc đi vào trong cơ thể, bao gồm các giai đoạn: hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ. Các giai đoạn này đối với mỗi cá thể sẽ khác nhau. Do đó, để đạt được nồng độ thuốc điều trị đôi khi cần phải có sự hiệu chỉnh các thông số như: liều dùng, số lần dùng thuốc, đường dùng thuốc,… để đạt được hiệu quả tối ưu.
Hấp thu
Thuốc không ngẫu nhiên mà xuất hiện trong máu và tác động lên cơ thể, thuốc cần có sự hấp thu từ bên ngoài vào máu. Một số đường dùng của thuốc như: đường tiêm (tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm truyền tĩnh mạch,…), đường uống, bôi ngoài da, đường trực tràng,…
Tùy vào mỗi đường sử dụng, thuốc sẽ có tỉ lệ hấp thu vào máu khác nhau. Một số ví dụ trong đó có đường uống, thuốc bị ảnh hưởng nhiều từ enzym trong nước bọt, acid trong dạ dày, thức ăn, đồ uống dùng kèm với thuốc,… những yếu tố này sẽ làm giảm nồng độ thuốc và thời gian thuốc đi vào máu hơn là sử dụng đường tiêm đưa thuốc trực tiếp vào máu.
Phân bố
Sau khi thuốc được hấp thu vào máu, các phân tử thuốc sẽ phân bố khắp cơ thể, đến vị trí tác động. Tùy vào tính chất của thuốc, thuốc sẽ được phân bố nhiều ở mô kẽ hay trong tế bào. Lưu ý, thuốc trong máu sẽ có 2 dạng tự do và liên kết với protein huyết tương, chỉ có thuốc ở dạng tự do mới có tác dụng dược lý.
Chuyển hóa và thải trừ
Thuốc có thể được chuyển hóa và thải trừ ở gan, thận. Thuốc ở dạng tiền chất cần chuyển hóa để có hoạt tính. Một số thuốc cảm ứng hoặc ức chế các enzym chuyển hóa cần được sử dụng thận trọng trong trường hợp sử dùng chung với các thuốc chuyển hóa nhiều qua gan.
Thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận qua các cơ chế sau: lọc qua cầu thận, bài tiết ở ống thận, tái hấp thu thụ động.
Bệnh lâm sàng là gì?
Bệnh lâm sàng là gì? Thực sự đây là một câu hỏi khó để xác định chính xác. Ta có thể định nghĩa bệnh lâm sàng không phải là lý thuyết được giả định từ những chuyên gia về y tế mà nó là một tình huống xuất hiện thực tế.
Ở tình huống này, người cung cấp thông tin, bằng chứng là bệnh nhân, các nhà lâm sàng cần có định hướng đúng để khai thác thông tin và chỉ định những cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác.
Một tình huống lâm sàng không chỉ bao gồm các triệu chứng bất thường mà có rất nhiều vấn đề kèm theo cần nhà lâm sàng phải phân tích như: tiền sử của bệnh nhân, các bệnh kèm theo có những triệu chứng trùng lặp với chẩn đoán nghi ngờ, đặc điểm của bệnh nhân (thừa cân, suy giảm chức năng gan, thận,…), tác dụng phụ của thuốc,…
Do đó, bệnh lâm sàng là cả quá trình cần được khai thác và nhà lâm sàng phải nhìn nhận ra được vấn đề thực sự nằm ở giai đoạn nào để có thể điều trị hiệu quả nhất.
Các bước đánh giá một tình huống lâm sàng
Khi tiếp cận một tình huống lâm sàng thực tế, phải thật bình tĩnh và quan sát một cách tổng thể quá trình diễn tiến bệnh để đánh giá bệnh một cách khách quan nhất.
Bước 1: Hãy cẩn thận khai thác tiền sử của bệnh nhân, kể cả tiền sử dị ứng, tiền sử dùng thuốc, tiền sử gia đình.
Bước 2: Khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trong quá trình khám bệnh, hãy đặt ra các chẩn đoán phân biệt khác và đưa ra những lập luận loại trừ để tránh sai sót trong chẩn đoán cuối cùng.
Bước 3: Dựa vào các thông tin đã có để đưa ra chẩn đoán. Trước khi đưa ra chẩn đoán này, cần đảm bảo tính xác thực của các bằng chứng (lâm sàng, cận lâm sàng có tin cậy hay không) để kết luận.
Điều mà các nhà lâm sàng thường hay mắc phải là khuôn khổ theo lý thuyết và chưa linh hoạt theo các diễn tiến bệnh khác nhau. Những sự nhạy bén này cần có thời gian thực hành và rút kinh nghiệm, trước tiên hãy lặp lại những bước trên cho từng bệnh nhân mà bạn gặp phải, so sánh sự khác biệt giữa các bệnh nhân này và kết cục điều trị của mỗi người.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc trên lâm sàng
Bệnh nhân suy giảm chức năng thận
Đối bệnh nhân suy thận mạn, việc sử dụng thuốc thải qua thận nên được chú ý và giảm liều theo độ lọc cầu thận. Một số thuốc cần điều chỉnh liều khi bệnh nhân có suy giảm chức năng thận như: vancomycin, digoxin, imipenem, meropenem, nhóm kháng sinh nhóm aminoglycosids, quinolons,…
Ngoài ra, tránh phối hợp các thuốc có khả năng gây độc tính trên thận với nhau. Trong trường bắt buộc cần phối hợp, phải theo dõi nồng độ thuốc trong máu cũng như nồng độ creatinin thường xuyên để kịp thời can thiệp nếu chức năng thận của bệnh nhân xấu đi.
Bệnh nhân tăng thanh thải thận
Tăng thanh thải thận là hiện tượng tăng chức năng thận, thường được xác định khi độ lọc cầu thận trên 130 mL/phút/1,73 m2. Trường hợp này thường gặp khi bệnh nhân bị chấn thương nặng và cần sử dụng thuốc liều cao hơn bình thường, đặc biệt là các thuốc thải qua thận như kháng sinh hay thuốc chống đông (enoxaparin).
Bệnh nhân tăng thể tích phân bố
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tăng thể tích phân bố là do cơ thể người bệnh hạ albumin máu – là một protein có tác dụng tạo áp lực keo trong lòng mạch máu. Hạ albumin xảy ra khi có sự tăng tính thấm thành mạch (do tình trạng viêm nhiễm, chấn thương, phẫu thuật, hóa trị ung thư,…).
Trong các cuộc phẫu thuật lớn, bệnh nhân được hồi sức đầy đủ bằng dịch truyền để ngăn chặn tình trạng giảm thể tích tuần hoàn và gây sốc dẫn đến phù, tăng thể tích phân bố. Khi sử dụng thuốc ở những bệnh nhân này, nên lưu ý đến nồng độ albumin trong máu, đặc biệt là thuốc gắn kết với protein tỉ lệ cao để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.
Thuốc trong cơ thể chỉ có tác động khi ở dạng tự do, không gắn kết với protein máu. Albumin là một protein tiềm năng, gắn kết với nhiều loại thuốc. Khi thuốc có tỉ lệ gắn kết với protein cao sử dụng ở bệnh nhân tăng thể tích phân bố do thoát protein vào dịch kẽ hay giảm tổng hợp protein sẽ dẫn đến tăng nồng độ trong máu. Tuy nhiên, thời gian bán thải của thuốc sẽ nhanh hơn, do đó nên cân nhắc tăng khoảng cách liều ở những bệnh nhân này.
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Đây là đối tượng cần được lưu ý bởi vì thuốc khi người mẹ sử dụng có thể tác động đến thai nhi, trẻ sơ sinh thông qua nhau thai, sữa mẹ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể tích phân bố tăng, nguyên nhân do khối lượng cơ thể tăng trong thai kỳ và thai nhi. Do đó, việc sử dụng thuốc trên nhóm đối tượng này cần được đánh giá kỹ càng.
Trẻ em và người cao tuổi
Trẻ em và người cao tuổi là nhóm đối tượng đặc biệt, nguyên nhân bởi khối lượng cơ, chức năng gan thận, tốc độ hấp thu thuốc,… khác biệt so với người trưởng thành. Khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc, hãy tra cứu đặc tính thuốc trên nhóm đối tượng sử dụng một cách cẩn trọng, tránh sai sót gây ra biến chứng về sau.
Câu hỏi thường gặp
Thử nghiệm lâm sàng là gì?
Là hoạt động nghiên cứu thuốc trên người tình nguyện nhằm thăm dò hay xác định sự an toàn và hiệu quả của thuốc.
Cận lâm sàng là gì?
Cận lâm sàng là các xét nghiệm được chỉ định nhằm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị. Cận lâm sàng bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhau như: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp CT, siêu âm,…
Khám lâm sàng là gì?
Khám lâm sàng là quá trình thăm khám, xác định các triệu chứng cũng như dấu hiệu bất thường thông qua hỏi thăm, khám nghiệm trên cơ thể người bệnh.
Chẩn đoán lâm sàng là gì?
Dựa vào các kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ có những lý luận lâm sàng để kết luận vấn đề của bệnh nhân gọi là chẩn đoán lâm sàng.
Lâm sàng và cận lâm sàng là gì?
Lâm sàng và cận lâm sàng là những thang đo tiêu chuẩn giúp chẩn đoán các vấn đề của bệnh nhân. 2 khái niệm này hỗ trợ lẫn nhau, giúp bác sĩ theo dõi được hiệu quả trong quá trình điều trị.
Nghiên cứu lâm sàng là gì?
Nghiên cứu lâm sàng là một nhánh của khoa học sức khỏe. Nghiên cứu được thực hiện nhằm thu thập các chứng cứ để thiết lập nên một phác đồ điều trị.
Bác sĩ lâm sàng là gì?
Bác sĩ lâm sàng là người thực hiện thăm khám bệnh nhân và đưa ra các chỉ định cận lâm sàng để chẩn đoán, điều trị các vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về lâm sàng. Docosan luôn cung cấp cho bạn những thông tin về phòng khám, bệnh viện có bác sĩ giỏi, hàng đầu trong lĩnh vực y tế, liên hệ Docosan để đặt lịch khám.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7379941/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6989233/