Chết có phải là hết? Cái chết đôi khi lại là sự bắt đầu cho cuộc sống mới, đây là ý nghĩa đầy sâu sắc và nhân văn về hiến xác cho y học. Dù cuộc sống có kết thúc nhưng giá trị mang lại của hiến xác vẫn còn đó, trở thành “món quà cho sự sống”. Do đó, để bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết hơn về mẫu đơn đăng ký hiến xác và những điều chưa biết. Mời bạn cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết này.
Tóm tắt nội dung
Những điều bạn cần biết về hiến xác
Hiến xác là gì?
Hiến xác được định nghĩa là một cá nhân tự nguyện hiến xác của mình sau khi chết cho y học. Hiến xác được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tương thân tương ái. Mục đích chính của hiến xác là phục vụ cho nghiên cứu giảng dạy và phát triển nền y học nước nhà.
Sự khác nhau giữa hiến xác và hiến tạng
Hiến tạng hay hiến xác đều là những hoạt động trên tinh thần tự nguyện, được quy định rõ trong luật hiến xác và hiến tạng Việt Nam. Tuy nhiên, hiến xác và hiến tạng vẫn có một số điểm khác nhau cơ bản như sau:
Hiến xác: | Hiến tạng: | |
Khái niệm | Hiến xác là một cá nhân tự nguyện đồng ý hiến xác cho y học sau khi chết. | Hiến tạng là một cá nhân đăng ký hiến mô, bộ phận trên cơ thể khi còn sống, sau khi chết não hoặc chết. Bộ phận có thể đăng ký như: tim, gan, thận, phổi, mắt, xương,… |
Thời điểm hiến | Thực hiện nguyện vọng đăng ký hiến xác của mình khi đã chết. | Thực hiện nguyện vọng đăng ký hiến tạng của mình ngay cả khi còn sống, chết não hoặc chết. Khi còn sống người hiến tạng có thể hiến một phần mô và bộ phận cơ thể. Người hiến tạng khi chết não hoặc chết có thể hiến cả phổi, thận, tim, gan,… |
Mục đích hiến | Mục đích chính của hiến xác là phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và phát triển nền y học nước nhà. | Tạng được hiến có thể phục vụ cho nghiên cứu khoa học, thử nghiệm phương pháp điều trị mới.Bệnh nhân suy tạng có thể được tái sinh nhờ vào phương pháp ghép tạng bởi tạng được hiến tặng. Đây là phương pháp cuối cùng có thể cứu sống bệnh nhân suy tạng. |
Tại sao bạn nên hiến xác cho y học?
Lễ Macchabée diễn ra tháng 12 hằng năm, được sinh viên trường y biết đến như là lễ tri ân những “người thầy thầm lặng” đã hiến thân cho y học. Những người hiến tặng cơ thể của họ vì họ coi trọng cho việc đầu tư vào giáo dục và phát triển y tế nước nhà. Việc hiến tặng cơ thể có thể tự nguyện thực hiện qua mẫu đơn đăng ký hiến xác.
Trong y học thực hành, giải phẫu là một trong những môn học quan trọng nhất trong việc đào tạo bác sĩ, cử nhân vật lý trị liệu và nhiều chuyên gia chăm sóc sức khoẻ khác. Hiến xác đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên y khoa nắm vững giải phẫu phức tạp của cơ thể con người và cung cấp cho các nhà nghiên cứu công cụ thiết yếu để khám phá và giúp đỡ y học.
Ngoài việc, hiến xác giúp ích cho mục đích giảng dạy, cơ thể hiến tặng được sử dụng với các mục đích sau đây:
- Phát triển các loại thuốc mới, tương tác thuốc thường gặp.
- Cải thiện và phát triển các thiết bị y tế.
- Điều trị và nghiên cứu các chấn thương.
- Phát triển kỹ thuật trong phẫu thuật như:
- Phẫu thuật nội soi khớp mới.
- Phẫu thuật khớp khối mắt cá chân và khớp vai.
- Quy trình phẫu thuật thẩm mỹ gồm tái tạo vạt da cho bệnh nhân ung thư và chấn thương.
- Phương pháp phẫu thuật đến các cơ quan nội tạng khác nhau.
Điều kiện để được hiến xác cho y học
Điều kiện để được hiến xác theo pháp luật nhà nước Việt Nam, người tham gia hiến xác phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
- Đủ 18 tuổi trở lên.
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Những công dân đáp ứng đủ 2 yêu cầu như trên, có thể tự nguyện làm mẫu đơn đăng ký hiến xác mà không cần sự đồng ý của người thân trong gia đình. Việc hiến xác được thực hiện trên tinh thần tương thân tương ái, mang lại mục đích cao cả với mong muốn cống hiến cho nền y học nước nhà.
Thủ tục bạn cần làm để đăng ký hiến xác? Mẫu đơn đăng ký hiến xác lấy ở đâu?
Thủ tục đăng ký hiến xác
Về thủ tục đăng ký hiến xác theo quy định Điều 19 tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 như sau:
- Bước 1: Công dân xem xét lại điều kiện hiến xác.
- Bước 2: Khi đã đủ điều kiện hiến xác, công dân bày tỏ nguyện vọng được hiến xác với các cơ sở y tế có thẩm quyền.
- Bước 3: Khi đã nhận được thông tin về người đăng ký hiến xác, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo lại cho cơ sở tiếp nhận, bảo quản xác của người hiến theo quy định pháp luật,
- Bước 4: Khi cơ sở tiếp nhân, bảo quản xác của người có nguyện vọng hiến xác tiếp nhận được thông tin, cơ sở phải:
- Trực tiếp đến gặp người hiến xác để tư vấn các thông tin liên quan đến việc hiến xác và thực hiện kiểm tra sức khoẻ.
- Hướng dẫn người hiến xác đăng ký vào mẫu đơn đăng ký hiến xác.
- Thẻ hiến xác được cấp cho người hiến.
Việc đăng ký hiến xác được xem là xong và có hiệu lực ngay sau khi người đăng ký hiến xác được cấp thẻ hiến xác.
Hướng dẫn viết mẫu đơn đăng ký hiến xác
Mẫu đơn đăng ký hiến xác được thực hiện bởi công dân đủ 18 tuổi, có hành vi dân sự gửi đến các cơ sở y tế có thẩm quyền. Đơn hiến xác được viết trên tinh thần tự nguyện, là căn cứ để cơ quan thẩm quyền xác minh được nguyện vọng hiến xác của người viết đơn.
Mẫu đơn đăng ký hiến xác có thể xin được ở bất kỳ cơ quan y tế có thẩm quyền.
Hướng dẫn cách viết mẫu đơn đăng ký hiến xác chi tiết nhất:
- Kính gửi: Ghi thông tin cơ sở y tế có thẩm quyền nơi đăng ký hiến xác.
- Tên tôi là: Ghi đầy đủ họ và tên in hoa theo giấy khai sinh hoặc CCCD.
- Giới tính: Nếu là Nữ thì ghi Nữ, nếu là Nam thì ghi Nam.
- Địa chỉ thường trú: Địa chỉ thường trú ghi đúng theo địa chỉ theo sổ hộ khẩu hoặc CCCD.
- Nghề nghiệp: Ghi nghề nghiệp theo công việc hiện tại đang làm.
- Nơi công tác (nếu có): Ghi rõ tên đường, khu phố, phường/xã, tỉnh/thành phố.
- Giấy CMND/Hộ chiếu: Ghi đầy đủ CMND/số hộ chiếu, ngày cấp và nơi cấp.
- Điện thoại: Ghi đúng số điện thoại đang sử dụng, để cơ quan chức năng có thể liên lạc.
- Người làm đơn ký và ghi rõ họ tên: Đơn được ký tên là căn cứ để cơ quan thẩm quyền xác minh được nguyện vọng hiến xác của người viết đơn.
Có thể huỷ bỏ mẫu đơn đăng ký hiến xác được không?
Trong trường hợp người hiến xác muốn thay đổi nguyện vọng và có nhu cầu hủy bỏ mẫu đơn đăng ký hiến xác cần:
- Bước 1: Gửi đơn đề nghị huỷ bỏ mẫu đơn đăng ký hiến xác đến cơ sở y tế có thẩm quyền hoặc cơ sở tiếp nhận bảo quản xác của người nguyện vọng đăng ký.
- Bước 2: Cơ sở y tế hoặc cơ sở tiếp nhận bảo quản xác của người nguyện vọng đã đăng ký:
- Tiếp nhận đơn huỷ bỏ đăng ký hiến xác của người đăng ký.
- Thu hồi thẻ hiến xác đã được cấp trước đó.
- Trong thời gian 2 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn, thông báo cho trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể để huỷ bỏ đơn đăng ký hiến xác.
- Bước 3: Việc huỷ bỏ mẫu đơn đăng ký hiến xác có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế có thẩm quyền hoặc cơ sở tiếp nhận bảo quản xác của người nguyện vọng đăng ký tiếp nhận đơn.
- Bước 4: Bộ trưởng Bộ Y Tế ban hành mẫu đơn huỷ bỏ hiến xác.
Hiến xác là hành động tự nguyện, vì một lý do nào đó mà không thể tiếp tục hiến xác cho y học, bạn có thể làm đơn thay đổi nguyện vọng hiến xác. Ngoài hiến xác ra, khi ta còn sống khỏe mạnh có thể hiến máu. Khi tham gia hiến máu sẽ nhận được giấy xác nhận hiến máu đây cũng là minh chứng cho việc làm nhân đạo đã làm.
Đăng ký hiến xác ở đâu?
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Đăng ký hiến xác ở đâu? Tại khu vực phía Nam, người có nguyện vọng hiến xác có thể đăng ký trực tiếp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (số 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP Hồ Chí Minh), đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. Thời gian từ thứ 2 đến thứ 6.
Nếu ở xa có thể liên lạc qua SĐT hotline: 0913677016 để được hướng dẫn cụ thể.
Tại Hà Nội
Tại khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, người đăng ký đến trực tiếp phòng 203 – Nhà C2 – Bệnh viện Việt Đức (số 40 Tràng Thi), trung tâm điều phối quốc gia về ghép Bộ phận cơ thể người.
Nếu ở xa có thể liên lạc qua số điện thoại: 0915060550 để được hướng dẫn cụ thể.
Tại các trường đại học y dược trên toàn quốc
Ngoài ra, người dân có nguyện vọng cũng có thể đến các trường đại học y gần nhất để viết mẫu đơn đăng ký hiến xác.
Xác sau khi được hiến sẽ được xử lý như thế nào?
Sau khi người làm hồ sơ hiến xác qua đời theo thông tin trên mẫu đơn đăng ký hiến xác, người thân cần gọi điện sớm nhất có thể (trong vòng 12 giờ sau khi người hiến xác mất) đến cơ quan tiếp nhận có thẩm quyền. Tại đây, có quan tiếp nhận sẽ cử đại diện và có xe đến nhận thi hài.
Những trường hợp không thể tiếp nhận thi hài hiến xác như:
- Thi hài của người chết vì tự tử.
- Thi hài của người có vết thương trầm trọng, dập nát.
- Thi hài của người qua đời vì các bệnh trong danh mục bộ y tế ban hành như: nhiễm HIV, lao, viêm gan do virus và bệnh truyền nhiễm nặng,…
- Thi hài của người qua đời quá 24 tiếng.
Trong trường hợp, người đăng ký hiến xác bị qua đời do tai nạn giao thông thì thi hài sẽ được tiếp nhận khi còn nguyên vẹn.
Thi hài khi được đưa về cơ quan tiếp nhận sẽ được thực hiện ướp hoá chất và bảo quản theo đúng quy định để phục vụ cho mục đích học tập, giảng dạy y khoa. Trong khoảng thời gian này, người thân và bạn bè của thi hài có thể đến thắp hương tại phòng tưởng niệm của cơ quan tiếp nhận.
Sau khi hết thời gian phục vụ công tác, thi hài đã được bảo quản trong thời gian dài bằng hóa chất nên cần được hỏa táng. Trong buổi hỏa táng, người thân và bạn bè của người hiến sẽ được mời tham dự buổi tri ân và hoả táng. Sau đó bàn giao thi thể về cho người nhà.
Câu hỏi thường gặp
Hiến xác cho y học được bao nhiêu tiền?
Hiến xác là hành động hoàn toàn tự nguyện với mục đích cao cả không vì tiền bạc mà vì giá trị nhân văn cao góp phần vào sự phát triển y học của Việt Nam.
Sau khi qua đời, người hiến xác sẽ được truy tặng kỷ niệm chương của nhà nước.
Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?
Định nghĩa về hiến tạng: Hiến tạng là một cá nhân đăng ký hiến mô, bộ phận trên cơ thể khi còn sống, sau khi chết não hoặc chết. Bộ phận có thể đăng ký như: tim, gan, thận, phổi, mắt, xương,…
Định nghĩa về hiến xác: Hiến xác là một cá nhân đồng ý hiến xác cho y học sau khi chết. Hiến xác thực hiện sau khi đã chết.
Hiến xác bao nhiêu tuổi?
Điều kiện để có thể hiến xác theo pháp luật Việt Nam là đủ 18 tuổi và có hành vi dân sự đầy đủ.
Người công giáo có được hiến xác không?
Về mặt luân lý công giáo, hiến xác sau khi chết là một hành vi cao quý nhưng cần phải xác định người hiến tặng chắc chắn đã chết.
Quan điểm của phật giáo về hiến xác?
Việc hiến tặng các cơ quan nội tạng đối với nhiều Phật tử là một vấn đề đầy mâu thuẫn. Theo quan niệm này, tốt nhất là không được cắt xẻ thi hài trong vòng ba ngày sau cái chết lâm sàng, nếu không nó sẽ gây ra sự rối loạn cho tiến trình tái sinh. Tuy nhiên, theo y học, để cấy ghép cơ thể có hiệu quả, những bộ phận đó trong cơ thể người chết phải được cắt càng nhanh càng tốt sau khi trút hơi thở sau cùng.
Vì vậy, ta có thể hiến tặng khi ta còn sống và khỏe mạnh là hiến tặng máu. Khi hiến máu ta sẽ nhận được giấy xác nhận hiến máu đây cũng là căn cứ cho việc làm nhân đạo.
Hi vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu về mục đích hiến xác và cách viết mẫu đơn đăng ký hiến xác chi tiết nhất. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có thắc mắc, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ trên docosan.com.