Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Đột quỵ não được chia thành 2 dạng: Đột quỵ thiếu máu não (hay còn gọi là nhồi máu não), phổ biến hơn và đột quỵ xuất huyết não (hay còn gọi là chảy máu não). Đột quỵ não là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong tại Hoa Kỳ, trong đó có đến 82-92% là nhồi máu não.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) trên toàn thế giới, trong đó có 5 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Những số liệu này thể hiện rõ mối đe doạ tính mạng và gánh nặng bệnh tật mà đột quỵ não gây ra. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Nhồi máu não là gì?

Não bộ của chúng ta được phân khu để đảm nhiệm những chức năng cụ thể. Các động mạch sẽ đưa máu giàu dưỡng chất (glucose, vitamin…) và oxy đến nuôi dưỡng các tế bào, các mô trong cơ thể nói chung, và não bộ nói riêng.

Nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính là một tình trạng mà dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não, làm mất chức năng thần kinh tương ứng. Độ nặng của tình trạng nhồi máu não phụ thuộc vào vị trí mạch máu bị tắc và độ rộng của vùng não bị tổn thương.

nhồi máu não
Nhồi máu não là tình trạng mà dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não

Nguyên nhân gây nhồi máu não

Các nguyên nhân thường gặp của nhồi máu não:

  • Do xơ vữa động mạch lớn, chiếm khoảng 1/2 số ca bệnh.
  • Do huyết khối di chuyển từ tim, xuất hiện trong các bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim…
  • Bệnh động mạch không xơ vữa.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm, các bệnh lý tăng đông máu, loạn sản cơ… cần chú ý ở người bệnh trẻ tuổi.

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi có thể gây nhồi máu não ở một số người:

  • Tuổi: Độ tuổi nào cũng có nguy cơ bị đột quỵ não, tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi và đa số các trường hợp nhồi máu não gặp ở bệnh nhân trên 45 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới.
  • Chủng tộc: Chủng tộc người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các chủng tộc khác.
  • Tiền sử đau nửa đầu Migraine.
  • Di truyền : gia đình có người từng bị đột quỵ não hoặc có các cơn thiếu máu não thoáng qua.
  • Loạn sản xơ cơ.
nhồi máu não
Những nguyên nhân gây nhồi máu não

Các yếu tố nguy cơ thay đổi được có thể gây nhồi máu não ở một số người:

  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường.
  • Bệnh tim mạch: rung nhĩ, bệnh van tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trái – phải, …
  • Rối loạn lipid máu.
  • Thiếu máu não thoáng qua (transient ischemic attack – TIAs).
  • Hẹp động mạch cảnh.
  • Béo phì
  • Dùng thuốc tránh thai, hoặc dùng hormone sau mãn kinh
  • Lối sống: uống rượu bia quá mức, hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực…

Triệu chứng nhồi máu não

Cần nghĩ ngay đến đột quỵ não khi người bệnh có dấu hiệu thần kinh hoặc rối loạn ý thức đột ngột. Các triệu chứng của đột quỵ rất đa dạng, và không có sự khác biệt rõ ràng giữa 2 nhóm bệnh nhồi máu não và xuất huyết não. 

Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (American Stroke Association – ASA) khuyên tất cả mọi người học cách nhận diện những dấu hiệu sau đây của đột quỵ:

  • Đột ngột tê hay yếu cơ mặt, tay hay chân, đặc biệt là một nửa cơ thể.
  • Đột ngột lú lẫn, rối loạn hoặc không hiểu lời nói.
  • Đột ngột rối loạn thị giác ở 1 hoặc 2 bên.
  • Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác, ví dụ múc thức ăn đưa vào miệng hoặc đánh răng
  • Đột ngột đau đầu nhiều không rõ nguyên nhân.
nhồi máu não
Đau đầu là triệu chứng thường gặp của nhồi máu não

Để dễ ghi nhớ hơn, chúng ta có thể sử dụng từ khoá F.A.S.T mang ý diễn đạt như sau:

  • F: Face – Mặt: Có xệ/rũ 1 bên mặt khi cố gắng mỉm cười hay không ? Có tê một bên mặt không?
  • A: Arms – Tay: Khi giơ cả 2 tay lên, có 1 bên rơi xuống, hoặc giơ thấp hơn. Hoặc một tay cảm thấy tê.
  • S: Speech – Lời nói: Có thể lặp lại một câu nói đơn giản được không ? Có đột ngột nói lắp hoặc nói những nội dung kì lạ, khó hiểu hay không ? Hoặc bệnh nhân không thể nói hay hiểu một câu đơn giản.
  • T: Time – Thời gian: Thời gian trong cấp cứu đột quỵ là vàng. Do đó nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, ngay cả khi các triệu chứng chỉ thoáng qua, cũng nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán nhồi máu não như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và thăm khám tổng quát, nhận diện các triệu chứng, đồng thời kết hợp các phương tiện hình ảnh học để đưa ra chẩn đoán xác định một cách nhanh nhất và chính xác nhất để kịp thời điều trị cho người bệnh.

Một số phương pháp cận lâm sàng thường được sử dụng:

  • Chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT-Scan sọ não): Theo khuyến cáo năm 2019 của Hội tim mạch và đột quỵ Hoa Kỳ thì chụp cắt lớp vi tính là công cụ hình ảnh học quan trọng nhất trong thăm khám ban đầu ở bệnh nhân đột quỵ não nhằm phân biệt tổn thương thiếu máu hay chảy máu, đồng thời xác định mức độ tổn thương và vị trí mạch tắc.
  • Chụp cộng hưởng từ não: Giúp phát hiện tổn thương thiếu máu hay chảy máu ở giai đoạn rất sớm và đánh giá các chi tiết cấu trúc giải phẫu nhờ độ phân giải tốt.
  • Các phương pháp khác, ví dụ như siêu âm doppler xuyên sọ, siêu âm tim, chụp động mạch não qua da, xét nghiệm máu…
nhồi máu não
Chụp cộng hưởng từ não chẩn đoán nhồi máu não

Nhồi máu não có nguy hiểm không?

Khi tình trạng thiếu máu cung cấp cho vùng não kéo dài, vùng não đó sẽ bị tổn thương vĩnh viễn, và để lại các di chứng không thể hồi phục,

Một số di chứng tai biến mạch máu não thường gặp sau đây sẽ giúp bạn hình dung mức độ nặng nề mà căn bệnh này để lại:

  • Liệt nửa người: người bệnh sẽ giảm khả năng điều khiển, yếu hoặc liệt một nửa thân người, ảnh hưởng đến các khả năng vận động cơ bản của cơ thể như đi lại, cầm nắm đồ vật…
  • Rối loạn ngôn ngữ: người bệnh có thể nói ngọng, nói đớ, không rõ từ hoặc không hiểu lời nói của người .
  • Đi tiểu, đi cầu không tự chủ: do rối loạn cơ vòng, người bệnh có thể đi tiểu hoặc đi cầu không kiểm soát.
  • Nuốt khó
  • Thay đổi hành vi và cảm xúc : bệnh nhân đã từng đột quỵ não sẽ khó kiểm soát cảm xúc của bản thân, hoặc dễ bị trầm cảm. Bên cạnh đó, người bị đột quỵ không có khả năng tự chăm sóc bản thân mà cần phải có người giúp đỡ, đặc biệt trong giai đoạn đầu tiên sau đột quỵ.
nhồi máu não
Nhồi máu não điều trị không đúng cách sẽ gây ra biến chứng liệt nửa người

Từ những điều trên, có thể nhận định nhồi máu não là một tình trạng nguy hiểm và mang tính chất cấp cứu.

Điều trị nhồi máu não như thế nào?

Đột quỵ não nói chung, hay nhồi máu não nói riêng là một tình trạng cấp cứu ưu tiên. Mục tiêu của các bác sĩ là bảo tồn nhu mô não ở vùng giảm tưới máu bằng cách khôi phục lưu lượng máu và tối ưu sử dụng các mạch máu nhỏ bổ sung để cung cấp máu cho vùng não thương tổn.

Các biện pháp điều trị nhồi máu não bao gồm:

  • Kiểm soát hô hấp, tuần hoàn, bổ sung oxy (nếu cần), kiểm soát đường huyết, huyết áp, thân nhiệt. 
  • Tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết và/hoặc bằng dụng cụ trong lòng mạch.
  • Điều trị với thuốc kháng kết tập tiểu cầu.
  • Chống phù não, động kinh.
  • Thuốc chống đông máu và dự phòng huyết khối.
  • Bảo vệ tế bào thần kinh
nhồi máu não
Điều trị nhồi máu não bằng thuốc kê đơn của bác sĩ

Trên đây là những ý chính khái quát bức tranh toàn cảnh về các bước điều trị nhồi máu não. Mọi quyết định điều trị sẽ do bác sĩ chuyên khoa đưa ra và được cá thể hoá cho từng bệnh nhân, cho mỗi trường hợp cụ thể.

Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não

Chứng sa sút trí tuệ có liên quan chặt chẽ đến bệnh lý đột quỵ thiếu máu não cục bộ. Những người sống sót sau tai biến mạch máu não có tỉ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ gần gấp đôi so với dân số bình thường. Vậy nên trong chăm sóc và dinh dưỡng cho người bệnh sau nhồi máu não, cần thực hiện chế độ ăn uống phù hợp giúp ngăn ngừa mất trí nhớ, kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp của bệnh nhân, ví dụ chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension).Chế độ ăn uống khuyến khích sử dụng thường xuyên các loại rau, cá, thịt gia cầm, đậu và các loại hạt khác, hạn chế thịt đỏ, thức ăn nhanh, phô mai và bơ.

Chương trình phục hồi chức năng cho người bệnh nhồi máu não. Những bệnh nhân bị nhồi máu não sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng vận động của bản thân. Do đó, sau khi được điều trị tích cực khỏi giai đoạn nguy hiểm, các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân tham gia chương trình phục hồi chức năng, được thiết kế dựa vào độ tuổi, tổng trạng và mức độ ảnh hưởng do nhồi máu não của từng bệnh nhân. Chương trình này có sự tham gia của nhiều chuyên ngành y khoa khác nhau như chuyên gia dinh dưỡng, âm ngữ trị liệu, vật lý trị liệu…. nhằm giúp bệnh nhân phục hồi chức năng vận động của bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

nhồi máu não
Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não bằng chế độ ăn uống khoa học

Phòng ngừa nhồi máu não như thế nào?

Để phòng ngừa nhồi máu não, cần phải:

  • Cần phát hiện sớm và điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhồi máu não như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch và van tim…
  • Có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh: hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, giảm ăn mặn, giảm các thực phẩm có chứa nhiều chất béo, tăng cường chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh và trái cây…
  • Tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu béo phì.
  • Tránh căng thẳng về thể chất và tinh thần.
  • Khám sức khoẻ định kì để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lí nguy cơ.
nhồi máu não
Thường xuyên tập thể dục để phòng ngừa nhồi máu não

Một số bác sĩ khám và điều trị nhồi máu não

  • Bác sĩ Chuyên khoa I Đặng Thế Ân, 24 năm kinh nghiệm, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Mai Thy, trên 13 năm kinh nghiệm, Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Quỳnh Nga, hơn 11 năm kinh nghiệm, Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh

Kết luận

Nhồi máu não là một căn bệnh thật sự nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế nhiều nhất trong cộng đồng, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của cả người bệnh và những người thân. Vì vậy chúng ta cần hiểu rõ, biết cách phòng ngừa và phát hiện sớm triệu chứng của bệnh để được điều trị kịp thời, tránh để lại các di chứng nặng nề sau này. Ngoài ra, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, cần gặp các Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não – Ban hành kèm theo Quyết định số 5331/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2020.

Stroke declines from third to fourth leading cause of death in the United States: historical perspective and challenges ahead – Tác giả Towfighi  A, Saver JL.

Global Burden of Stroke – Tác giả MacKay J, Mensah GA – World Health Organization.