Những dấu hiệu sảy thai chị em cần biết

Dấu hiệu sảy thai là một trong những điều quan trọng cần nên lưu ý trong quá trình mang thai. Thai kỳ là khoảng thời gian ý nghĩa và cũng nhiều thử thách đối với mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình. Việc làm sao để đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn cho cả mẹ và bé là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Tuy vậy, vẫn những có rủi ro và bất lợi có thể xảy ra, trong đó có sảy thai, hay còn gọi là chấm dứt thai kỳ sớm, là một vấn đề không mới, nhưng luôn là nỗi lo lắng đối với mỗi ng phụ nữ đang nuôi giấc mơ làm mẹ. Hãy đọc bài viết dưới đây để biết thêm các thông tin cũng như dấu hiệu của sảy thai

Sảy thai là gì ?

Sảy thai là tình trạng thai kỳ chấm dứt một cách tự nhiên và thai bị đưa ra khỏi buồng tử cung của người mẹ trước khi có thể sống được.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lúc đó phôi thai hoặc thai nhi có cân nặng dưới 500 gram và thời gian xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng). Tuy vậy, mốc thời gian trong định nghĩa này cũng thay đổi đôi chút ở một số quốc gia trên thế giới..

Nguyên nhân dẫn đến sảy thai

Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến sảy thai đó là bất thường về di truyền, chủ yếu là đột biến gen, có nghĩa là đã có điều gì đó sai lệch xảy ra trong sự hình thành bộ gen của đứa trẻ. Vì thế, trong những trường hợp này, thai vẫn có thể sảy tự nhiên mà không phải do các tác động bên ngoài của người mẹ.

Ngoài ra, sảy thai có thể còn do một số nguyên nhân khác, hoặc trong một số trường hợp, người ra vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên sảy thai là gì (chiếm 20-30% số ca sảy thai). Một số nguyên nhân khác gây ra sảy thai, ví dụ như:

  • Nhiễm trùng ở mẹ hoặc thai.
  • Phơi nhiễm với các chất độc hại, phóng xạ có trong môi trường hoặc nơi làm việc.
  • Bất thường về nhau thai: Nhau thai là bộ phận kết nối giữa mẹ và bé khi em bé còn trong bụng mẹ. Thông qua nhau thai, chất dinh dưỡng sẽ được đưa đến cho bé và cũng đào thải những sản phẩm chuyển hoá của bé ra bên ngoài. Vì thế, bất thường về nhau thai, ảnh hưởng đến sự phát triển và tồn tại của bé.
  • Mất cân bằng nội tiết tố: Lượng progesterone của mẹ không đủ, có thể khiến nhau thai dễ bong tróc và gây sảy thai.
  • Rối loạn hệ miễn dịch, bất đồng nhóm máu
  • Bất thường về hình dạng tử cung của mẹ: tử cung có vách ngăn, hở eo tử cung…
  • Một số bệnh lý nội tiết ở mẹ chưa được kiểm soát tốt: bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp…

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sảy thai

  • Độ tuổi khi mang thai của người mẹ càng lớn, tỉ lệ sảy thai xảy ra càng cao: Đối với phụ nữ dưới 35 tuổi, có khoảng 15% khả năng sảy thai trong mỗi lần mang thai. Đối với phụ nữ từ 35 đến 45 tuổi, tỉ lệ đó là 20-35%. Đối với phụ nữ mang thai khi đã trên 45 tuổi, tỉ lệ sảy thai lên đến 50%.
  • Người mẹ mắc một số bệnh lý như đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp…
  • Đã có nhiều lần sảy thai trước đó.
  • Thừa cân hoặc nhẹ cân ở người phụ nữ trước khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ, theo như tạp chí Sản phụ khoa Quốc tế.
  • Hút thuốc, uống rượu bia và sử dụng chất kích thích.
  • Việc lạm dụng thuốc trong quá trình mang thai: Khi mang thai, người mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng bất kì loại thuốc nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến thai kỳ.

Các hình thức sảy thai

Các hình thức, khái niệm về sảy thai bạn có thể nghe nhắc đến khi đến gặp bác sĩ:

Về thời gian xảy ra sảy thai

  • Sảy thai sớm: Sảy thai xảy ra trước tuần thứ 6 của thai kỳ (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng). Ở khoảng thời gian này, thường người phụ nữ chưa biết mình đã có thai và phát hiện thai nhờ xét nghiệm thử thai.
  • Sảy thai muộn: Sảy thai sau tuần 13-14 của thai kỳ, tuy nhiên điều này rất ít phổ biến.

Về các tình huống sảy thai có thể gặp

  • Doạ sảy thai: Triệu chứng ra máu âm đạo trong 3 tháng đầu thai kỳ nhưng không gây đau bụng, có thể đó là tình trạng dọa sảy thai. Thai kỳ cần được chăm sóc và có những biện pháp theo dõi kỹ lưỡng. Lúc này em bé trong bụng mẹ vẫn phát triển bình thường.
  • Sảy thai hoàn toàn (sảy thai trọn): Toàn bộ sản phẩm thụ thai được đưa ra khỏi buồng tử cung.
  • Sảy thai không hoàn toàn (sảy thai không trọn): Còn sót lại một phần sản phẩm của thai trong buồng tử cung.
  • Trứng trống: Siêu âm thấy có túi thai nhưng không có phôi thai bên trong.
  • Sảy thai tái phát (liên tục): Là khi sảy thai liên tiếp từ 3 lần trở lên (khoảng 1% đôi vợ chồng gặp phải).
  • Sảy thai ngoài tử cung: Trứng sau khi thụ tinh thành công đã di chuyển “nhầm chỗ” và làm tổ tại một vị trí khác ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở ống dẫn trứng.

Dấu hiệu sảy thai có thể nhận biết

Ra máu âm đạo

Ra máu âm đạo là triệu chứng phổ biến nhất của sảy thai. Lượng máu có thể khác biệt, từ lượng ít thấm quần lót đến chảy máu ồ ạt. Trong dọa sảy thai, lượng máu ít, còn trong sảy thai thì lượng máu ra khá nhiều, thậm chí có nhiều trường hợp quan sát được những mẫu mô của thai

Máu sảy thai có màu sắc đa dạng, có màu đỏ tươi, hoặc màu nâu mận chín và ra máu kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

dấu hiệu sảy thai
Chảy máu âm đạo là dấu hiệu của sảy thai

Đau bụng

Bên cạnh dấu hiệu ra máu âm đạo, đau quặn bụng và cảm giác co bóp tử cung cũng là một triệu chứng thường gặp khi sảy thai. Cảm giác của cơn đau này rất giống cơn đau chị em gặp phải trong lúc hành kinh.

dấu hiệu sảy thai

Khi dọa sảy thai, triệu chứng đau bụng có thể hơi mờ nhạt, chỉ cảm giác trằn bụng dưới.

Trong dạng sảy thai không hoàn toàn, thai phụ đau bụng nhiều, kèm theo ra máu âm đạo, có thể là một mảnh mô, tuy nhiên sau đó, người phụ nữ vẫn còn đau bụng nhiều và tiếp tục ra huyết

Đối với sảy thai hoàn toàn, thai phụ đau bụng dữ dội, sau khi thai nhi được tống xuất ra ngoài thì hết đau bụng, máu ra ít hẳn..

Nếu như bạn đang trong thai kỳ và xuất hiện những cơn đau quặn, co bóp cơ tử cung kèm ra máu, bạn cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và xử trí sớm nhất có thể.

Các triệu chứng khác

Đôi khi, một số tình trạng sảy thai xảy ra mà không có triệu chứng nào rõ rệt, đặc biệt là sảy thai sớm, hoặc một số sản phụ có những triệu chứng không điển hình như chuột rút, đau lưng từ nhẹ đến nặng, sụt cân, đột nhiên không cảm nhận được cử động của thai nhi, ra dịch nhầy màu trắng hồng ở âm đạo, thấy tử cung nhỏ lại,..

Chẩn đoán sảy thai như thế nào ?

Khi có các dấu hiệu kể trên, bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa sản để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, và từ đó có hướng xử trí phù hợp.

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và quá trình mang thai của bạn, cùng với việc thăm khám toàn trạng, đặc biệt là vùng bụng dưới và âm đạo để đánh giá khối thai đã hay đang lọt ra ngoài buồng tử cung.

  • Siêu âm sản phụ khoa: Phương pháp sẽ cung cấp hình ảnh về túi thai, thai nhi và tình trạng buồng tử cung của người mẹ để giúp bác sĩ chẩn đoán chắc chắn bạn đã sảy thai hay không.
  • Xét nghiệm máu: Đối với một số trường hợp thai còn quá nhỏ, khó phát hiện trên siêu âm thì xét nghiệm máu sẽ giúp ích cho chẩn đoán của bác sĩ.

Điều trị và phòng ngừa sảy thai

Tùy theo tình trạng sảy thai của sản phụ mà các bác sĩ sẽ có hướng xử trí khác nhau. Đồng thời, việc xác định được nguyên nhân cũng rất quan trọng, để từ đó có biện pháp khắc phục và phòng ngừa cho các lần mang thai tiếp theo. Tuy nhiên, như đã trình bày, việc xác định nguyên nhân là tương đối khó khăn và không phải trường hợp nào cũng có thể xác định rõ ràng.

Bạn nên khám sức khoẻ trước khi lập gia đình, và trước khi cả hai vợ chồng có ý định có thai và sinh em bé.

dấu hiệu sảy thai
Khám sức khỏe tiền hôn nhân để giảm nguy cơ sẩy thai

Đồng thời, hạn chế đến mức tối đa các yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến sảy thai mà chúng tôi đã trình bày ở phía trên. Chẳng hạn như điều trị kiểm soát tốt các bệnh lý nội tiết và nhiễm trùng ở người mẹ, tránh lao động nặng, hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn lao động ở mức cao nhất…

Một số vấn đề cần lưu ý sau khi sảy thai

Quan tâm đến vấn đề tâm lý và cảm xúc của người phụ nữ sau khi sảy thai. Mất thai có thể cảm giác đau buồn và tổn thương rất lớn đối với họ, những người đang mong chờ được làm mẹ. Một số trường hợp, phản ứng này sẽ rất mạnh mẽ và kéo dài.

Sau khi sảy thai, tốt nhất bạn không nên có thai lại ngay, cần tránh thai ít nhất 3-6 chu kỳ kinh để cân bằng nội tiết tố và điều trị tận gốc vấn đề dẫn đến lần sảy thai trước.

Thăm khám và làm theo những lời tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Lời kết

Sảy thai là một biến cố không mong muốn trong thai kỳ. Việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ và kiểm tra sức khoẻ trước sinh sản là quan trọng để giúp giảm khả năng xảy ra sảy thai. Khi có các dấu hiệu sảy thai như ra máu âm đạo trong 3 tháng đầu thai kỳ, kèm theo đau quặn bụng, cảm giác co bóp tử cung,… bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có hướng xử trí phù hợp. Mang thai là quá trình tràn ngập niềm vui, hi vọng và thử thách đối với các đôi vợ chồng. Chúng tôi mong rằng bài viết này đã đem đến những kiến thức bổ ích cho quý bạn đọc về sảy thai và cách phòng ngừa.