Nổi mẩn ngứa: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Tình trạng nổi mẩn ngứa, đỏ như muỗi đốt là biểu hiện thường gặp của các bệnh da liễu như viêm da tiếp xúc, các bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc, dị ứng với thay đổi thời tiết,… Ngoài ra, đây còn có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Để có thể biết hiện tượng nổi mẩn ngứa là bệnh gì, nguyên nhân và cách chữa như thế nào cho hiệu quả, hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết sau.

Nổi mẩn ngứa là gì?

Nổi mẩn ngứa còn gọi là phát ban, mề đay là những dát, sẩn da đổi màu, thường màu đỏ, mới xuất hiện khi có hiện tượng viêm da. Nguyên nhân có thể do dị ứng hoặc các bệnh lý nhiễm trùng. Nổi mẩn ngứa da thường cấp tính và hết sau khoảng một tuần. Các triệu chứng kèm theo có thể có như mụn nước, lở loét, nóng rát, nghẹn cổ, khó thở.

nổi mẩn ngứa
Hầu như đối tượng nào cũng bị nổi mẩn ngứa

Nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa

Viêm da tiếp xúc

Viêm da do tiếp xúc là một trong những nguyên nhân tổn thương da thường gặp. Tình trạng này xảy ra khi da tiếp xúc với các yếu tố kích ứng như hóa chất, chất tẩy rửa có độ kiềm cao, xà phòng, kim loại nặng hoặc do ma sát. Tổn thương do viêm da tiếp xúc thường khu trú ở phạm vi nhỏ (vị trí tiếp xúc). Tuy nhiên ở những người có cơ địa dễ nhạy cảm, tổn thương có thể lan rộng hoặc thậm chí là bùng phát toàn thân.

Ghẻ

Bệnh ghẻ thường khiến da nổi mẩn ngứa do một loại chân khớp nhỏ tên sarcoptes scabiei, hay dân gian gọi là cái ghẻ gây ra. Cái ghẻ đào những hang nhỏ trong mô da làm cho bệnh nhân bị ghẻ ngứa dữ dội rất điển hình.

nổi mẩn ngứa
Ghẻ gây nổi mẩn ngứa

Nấm da

Nấm da là một bệnh da liễu gây ra bởi tình trạng da bị nhiễm vi nấm. Bệnh thường xuất hiện do tiếp xúc với người hay vật nuôi mắc bệnh, thường xảy ra trên nền bệnh nhân có các bệnh làm suy giảm miễn dịch. Bệnh có thể được điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng nấm.

Dị ứng thời tiết

Đây là tình trạng phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với các thay đổi của thời tiết như nhiệt độ, không khí, độ ẩm, gió,… Tình trạng này chủ yếu xảy ra trong giai đoạn giao mùa – nhất là từ mùa nóng chuyển sang mùa lạnh và các mùa có nhiều phấn hoa. Sang thương da do dị ứng thời tiết thường xuất hiện ở những vùng da hở, không được che bởi quần, áo như mặt, cổ, tay và chân, sau đó lan dần ra toàn thân, đi kèm với cảm giác ngứa âm ỉ hay dữ dội.

Dị ứng thuốc

Đây là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng thái quá với các thành phần có trong một số loại thuốc – có thể là thuốc bôi hoặc thuốc tiêm. Biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy theo mức độ dị ứng. Tuy nhiên, triệu chứng thường gặp nhất là da nổi các mẩn đỏ ngứa như nốt muỗi cắn, có thể lan tỏa toàn thân hoặc khu trú tại một vị trí nhất định.

Bệnh lý gan

Rối loạn chức năng gan là tình trạng gan hoạt động kém dẫn đến độc tố tích tụ trong cơ thể hoặc ngược lại. Tình trạng này gây ra cảm giác bứt rứt, khó chịu kèm theo nổi mẩn đỏ như vết muỗi cắn ở da, tập trung ở vùng lưng, ngực hoặc lan tỏa toàn thân.

nổi mẩn ngứa
Bệnh lý về gan cũng có thể là nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa

Bệnh lý tuyến giáp

Rối loạn chức năng tuyến này có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa các chất và vô tình kích hoạt phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch và gây ra mẩn đỏ, ngứa trên da. 

Một số nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như là trên cơ địa người nhiễm HIV, người bị Zona, người bị bệnh lý về thận,…

Chữa tình trạng nổi mẩn ngứa như thế nào?

Một số phương pháp có thể dùng để làm dịu triệu chứng nổi mẩn ngứa:

  • Chườm mát: Đây là biện pháp giảm ngứa và nóng rát rất dễ thực hiện. Đắp khăn mát lên vùng da bị nổi mẩn ngứa có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu rõ rệt. Nếu tổn thương da rộng toàn thân, tắm nước mát có thể làm giảm nhanh triệu chứng.
  • Tắm lá trà: Lá trà xanh hay chè xanh có tác dụng kháng viêm, làm giảm ngứa. Bên cạnh đó, trà còn có các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất giúp nuôi dưỡng, làm trẻ, khỏe làn da. 
  • Bạn cũng có thể sử dụng một số thuốc không kê toa (chủ yếu là thuốc kháng histamin) để cải thiện tình trạng mẩn ngứa.
nổi mẩn ngứa
Tắm nước lá trà xanh rất tốt cho người bị nổi mẩn ngứa

Nổi mẩn ngứa cần thăm khám bác sĩ khi nào?

Hầu hết các trường hợp nổi mẩn đỏ ngứa khắp người như muỗi đốt đều thuyên giảm nhanh sau vài ngày. Tuy nhiên ở một số trường hợp, triệu chứng có thể tiến triển dai dẳng gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, ngoại hình.

Trong trường hợp triệu chứng kéo dài, bạn nên chủ động liên hệ bác sĩ da liễu hay các chuyên gia để được thăm khám, chẩn đoán bệnh lý và có phương pháp can thiệp điều trị phù hợp. Cần hạn chế tình trạng chủ quan hoặc tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc đông y để điều trị.

nổi mẩn ngứa
Nổi mẩn ngứa cần thăm khám bác sĩ khi nào?

Cách phòng ngừa nổi mẩn ngứa

Một số lời khuyên để phòng ngừa tình trạng nổi mẩn ngứa:

  • Giữ gìn vệ sinh tốt.
  • Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, thú cưng không vệ sinh sạch sẽ.
  • Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự
  • Không sử dụng các loại hóa chất, thực phẩm đã từng gây dị ứng cho bản thân.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng cân đối, thời gian làm việc hiệu quả
nổi mẩn ngứa
Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày để phòng ngừa nổi mẩn ngứa

Tóm lại, nổi mẩn ngứa là một triệu chứng có thể phòng ngừa và chữa trị. Không được tự sử dụng thuốc đặc trị khi chưa có chỉ thị của bác sĩ vì nó có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển xấu, gây hậu quả không đáng có. Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng trong bài, hãy nhanh tay liên hệ với Docosan.com, đội ngũ bác sĩ chúng tôi sẽ đưa đến bạn những tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.