Rối loạn hệ miễn dịch: nguyên nhân và triệu chứng cần lưu ý

Hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Hiện nay, tình trạng rối loạn hệ miễn dịch không còn xa lạ trong cuộc sống của chúng ta. Rối loạn miễn dịch dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe của con người. Vậy nguyên nhân dẫn đến rối loạn hệ thống miễn dịch và những triệu chứng của bệnh này như thế nào, Doctor có sẵn sẽ diễn giải chi tiết thông qua bài viết dưới đây.

Bệnh rối loạn hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là cơ quan phòng thủ thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể không những đối với sự xâm nhập của các cấu trúc lạ bên ngoài như virus, vi khuẩn, nấm mốc hoặc các yếu tố gây bệnh khác xâm nhập có thể mà còn đối với những biến đối bất thường của các cấu trúc bản thân.

Hệ thống miễn dịch là công cụ rất hữu hiệu để đảm bảo sự toàn vẹn của cá thể. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ hệ thống nào, dù tinh xảo đến đâu cũng có những lúc gặp “trục trặc”. Với hệ thống miễn dịch, các vấn đề này có thể gây ra các rối loạn bệnh lý miễn dịch hay bệnh rối loạn miễn dịch. Rối loạn miễn dịch là tình trạng rối loạn chức năng của hệ miễn dịch. Những rối loạn này có thể được phân loại theo nhiều cách:

  • Theo thành phần của hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng
  • Theo tình trạng bệnh rối loạn miễn dịch do bẩm sinh hay mắc phải
  • Theo tình trạng hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức hay kém hoạt động
Bệnh rối loạn hệ miễn dịch
Bệnh rối loạn hệ miễn dịch

Các loại rối loạn hệ miễn dịch

Có thể chia bệnh rối loạn hệ miễn dịch thành 3 nhóm chính:

Bệnh tự miễn

Do phản ứng miễn dịch không thích hợp với kháng nguyên bản thân.

Bình thường hệ thống miễn dịch không được phép phản ứng với kháng nguyên của bản thân. Đặc điểm này có được là do các tế bào lympho đã được giáo dục và chọn lọc ở cơ quan lympho trung ương. Những lệch lạc ở đây có thể làm cho hệ miễn dịch chống lại chính kháng nguyên của bản thân. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh tự miễn thường không rõ nguyên nhân.

Suy giảm miễn dịch

Xảy ra khi đáp ứng miễn dịch không đạt được mức cần thiết phải có.

Suy giảm miễn dịch có thể xảy ra do giảm sút hay không có một hay nhiều thành phần của đáp ứng miễn dịch. Bệnh nguyên dẫn tới các suy giảm chia thành 2 nhóm chính là suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay suy giảm miễn dịch mắc phải. 

  • Các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh còn được gọi là suy giảm miễn dịch nguyên phát. Ước tính cứ khoảng 2000 người thì có 1 người mắc. Một số thể tương đối nhẹ, trong khi một số thể khác lại nghiêm trọng. Đây là tình trạng rối loạn miễn dịch do khiếm khuyết về mặt di truyền bao gồm hơn 130 rối loạn khác nhau ảnh hưởng đến sự phát triển, chức năng của hệ thống miễn dịch. 
  • Các bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải thường phổ biến hơn và do các rối loạn chuyển hóa hay nhiễm trùng, ung thư, thuốc, quá trình phẫu thuật, căng thẳng, dinh dưỡng… Bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải được nghiên cứu rộng rãi nhất là do virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra.

Quá mẫn cảm

Xảy ra khi đáp ứng miễn dịch xảy ra quá mức về cường độ, vị trí hay thời gian. Hoặc có thể đáp ứng miễn dịch chống lại những kháng nguyên vốn vô hại như dị ứng với thức ăn, phấn hoa, lông động vật… Hoặc có thể đáp ứng miễn dịch làm tổn thương mô nhiều hơn là tác nhân gây bệnh như ở viêm gan siêu vi B, C…

 Các bệnh do rối loạn hệ miễn dịch
 Các bệnh do rối loạn hệ miễn dịch

Các bệnh thường gặp do rối loạn hệ thống miễn dịch 

Bệnh tự miễn

Các bệnh tự miễn do rối loạn hệ miễn dịch thường được coi là tương đối không phổ biến, tỉ lệ khoảng 3-5%, trong đó bệnh tuyến giáp tự miễn và bệnh đái tháo đường type 1 là phổ biến nhất. 

Đến nay, có gần 100 bệnh tự miễn được ghi nhận, một số bệnh chỉ xảy ra ở một cơ quan cụ thể như bệnh xơ gan mật nguyên phát và một số bệnh do một loạt các rối loạn hệ miễn dịch liên quan đến nhiều cơ quan như lupus ban đỏ hệ thống.

Bệnh tự miễn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tần suất mắc bệnh ở phụ nữ ngày càng tăng. Một số bệnh tự miễn phổ biến bao gồm

• Viêm khớp dạng thấp

• Hội chứng Sjogren

• Lupus ban đỏ hệ thống

Bệnh Crohn 

• Bệnh Coeliac

• Viêm đại tràng

• Bệnh Graves

• Bệnh Addison

• Đa xơ cứng

• Đái tháo đường type 1

• Viêm đường mật nguyên phát

• Viêm gan tự miễn

Bệnh suy giảm hệ miễn dịch thường gặp như:

• Bệnh Bruton (giảm globulin miễn dịch liên kết X)

• Suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng (SCID)

• Suy giảm miễn dịch thông thường (CVID)

• Hội chứng Wiskott Aldrich

• U hạt mãn tính

• Hội chứng tăng IgE

Hiện tượng quá mẫn thường gặp ở các bệnh như:

• Quá mẫn type 1: Sốc phản vệ, viêm mũi dị ứng, hen suyễn

• Quá mẫn type 2: Huyết tán, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu

• Quá mẫn type 3: Bệnh giang mai, viêm phổi do Mycoplasma, hội chứng shock trong bệnh sốt xuất huyết…

• Quá mẫn type 4: phong, lao, sán lá, bệnh Crohn

Viêm khớp dạng thấp do bệnh tự miễn

Triệu chứng rối loạn hệ miễn dịch

Hầu hết các bệnh tự miễn do rối loạn hệ miễn dịch đều gây viêm. Các triệu chứng của bệnh tự miễn dịch có thể khác nhau đáng kể, chủ yếu dựa trên loại bệnh cụ thể và bộ phận cơ thể mà nó ảnh hưởng. 

Các triệu chứng thường đa dạng và có thể thoáng qua, dao động từ nhẹ đến nặng và thường bao gồm sốt nhẹ, cảm thấy mệt mỏi và khó chịu nói chung. Tuy nhiên, một số bệnh tự miễn dịch có thể biểu hiện bằng các triệu chứng cụ thể hơn như đau khớp, phát ban da hoặc các triệu chứng thần kinh.

Một trong những triệu chứng rối loạn hệ miễn dịch phổ biến nhất của tình trạng suy giảm miễn dịch nguyên phát là bị nhiễm trùng thường xuyên hơn, kéo dài hơn hoặc khó điều trị hơn so với nhiễm trùng của người có hệ thống miễn dịch bình thường. Người bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng mà một người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ không mắc phải (nhiễm trùng cơ hội). Các dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm miễn dịch bao gồm: viêm và nhiễm trùng các cơ quan nội tạng, các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như chuột rút, chán ăn, buồn nôn và tiêu chảy, tăng trưởng và phát triển chậm…

Triệu chứng rối loạn hệ miễn dịch còn bao gồm các biểu hiện lâm sàng của bệnh lý quá mẫn là do các chất trung gian, biểu hiện xảy ra trên nhiều cơ quan như da (đỏ, ngứa, nổi mề đay, phù…), hệ hô hấp (ngạt thở do phù thanh quản, nắp thanh quản), trụy tim mạch (thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim, huyết áp giả), tiêu hóa (buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy).

Triệu chứng rối loạn hệ miễn dịch
Triệu chứng rối loạn hệ miễn dịch

Điều trị rối loạn miễn dịch: 

Hầu hết các bệnh rối loạn hệ miễn dịch không thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi. Chúng thường liên quan đến các yếu tố di truyền hoặc phát triển do các yếu tố môi trường không xác định, chẳng hạn như thuốc hoặc nhiễm virus trước đó.

Tuy nhiên, điều trị kịp thời các bệnh tự miễn có thể giúp làm giảm hoặc trì hoãn sự xuất hiện của các biến chứng nghiêm trọng ở những người được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn miễn dịch.

Điều trị bệnh tự miễn

Phương thức điều trị các bệnh tự miễn dịch khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của nó. Các phương pháp trị liệu không có tác dụng điều trị, chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng, giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch và duy trì khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Liệu pháp ức chế miễn dịch: Corticoid là liệu pháp trị liệu hàng đầu cho bệnh tự miễn, tuy nhiên sử dụng quá nhiều corticoid có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng huyết áp, loãng xương và tăng cân. Ngoài ra, có thể ức chế miễn dịch bằng một số loại non-steroid.
  • Bổ sung để thay thế các chất mà cơ thể thiếu: hormon tuyến giáp, vitamin B12 hoặc insulin…
  • Vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng vận động nếu cơ, khớp bị ảnh hưởng…
  • Điều trị suy giảm miễn dịch bằng kháng sinh đường uống hay tĩnh mạch tùy vào độ nặng lâm sàng để làm giảm số lượng và mức độ nặng của nhiễm trùng. Điều trị bổ sung bằng kháng thể hoặc kết hợp các phương pháp hỗ trợ khác như vật lý trị liệu, ghép tế bào gốc tạo máu, liệu pháp enzym, liệu pháp gen để điều trị các biến chứng khác.
  • Điều trị quá mẫn theo nguyên tắc giảm nguồn kháng nguyên (ví dụ bằng kháng sinh) và điều trị triệu chứng bằng thuốc (kháng histamin, corticoid hoặc NSAIDs, ức chế miễn dịch…). Điều quan trọng khác là xác định được tác nhân gây dị ứng và dị ứng chéo để tránh tiếp xúc trong quá trình điều trị.
  • Thay đổi lối sống cũng góp phần cải thiện tình trạng bệnh như thường xuyên vận động, hạn chế sử dụng các chất kích thích.
Điều trị rối loạn hệ miễn dịch
Điều trị rối loạn hệ miễn dịch

Biến chứng

Các biến chứng do rối loạn hệ miễn dịch khác nhau với các mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy từng loại bệnh mà bệnh nhân mắc phải, có thể bao gồm:

• Các vấn đề về máu (tan máu, cục máu đông)

• Tổn thương xương khớp

• Cụt chi

• Các bệnh thần kinh (tê liệt, co giật, đột quỵ)

• Nhiễm trùng tái phát

• Phát triển rối loạn tự miễn dịch khác

• Tổn thương tim, phổi, hệ thần kinh hoặc đường tiêu hóa

• Tăng trưởng chậm lại

• Tăng nguy cơ ung thư

• Tử vong do nhiễm trùng nặng….

Bệnh rối loạn miễn dịch có lây lan không?

Không thể ‘nhiễm’ hoặc truyền bệnh cho người khác khi mắc bệnh tự miễn hay suy giảm miễn dịch nguyên phát. Tuy nhiên, các bệnh này thường liên quan đến các yếu tố di truyền. Do đó, người bệnh cần thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có dự định mang thai.

Mặc khác, bệnh rối loạn hệ miễn dịch mắc phải do virus có thể lây truyền thông qua các con đường phổ biến như đường máu, tình dục, từ mẹ sang con. Do đó, cần phải có các biện pháp tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh để giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng. 

Các yếu tố nguy cơ của bệnh rối loạn hệ miễn dịch

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân cơ bản của một bệnh rối loạn hệ miễn dịch cụ thể không được biết đến. Tuy nhiên, tài liệu về các bệnh tự miễn và lịch sử y tế của các cá nhân bị ảnh hưởng đã xác định các yếu tố nguy cơ nhất định đối với các bệnh tự miễn bao gồm một số trường hợp sau:

  • Giới tính nữ
  • Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh rối loạn hệ miễn dịch

Câu hỏi thường gặp

Cách điều trị rối loạn hệ miễn dịch?

Có thể điều trị rối loạn hệ miễn dịch dựa vào triệu chứng và tình trạng của từng bệnh cụ thể. Phương pháp điều trị chủ yếu là là giảm triệu chứng cũng như các biến chứng của tình trạng bệnh, có thể kết hợp vật lý trị liệu và thay đổi lối sống để góp phần cải thiện bệnh.

Rối loạn hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là cơ quan phòng thủ thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể đối với tác nhân gây bệnh bên ngoài. Rối loạn hệ miễn dịch là tình trạng rối loạn chức năng bảo vệ của hệ thống miễn dịch, các rối loạn này bao gồm tình trạng suy giảm hoặc hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch.

Rối loạn hệ miễn dịch như thế nào?

Rối loạn hệ miễn dịch gây ra hoạt động suy giảm bất thường hoặc hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch. Trong trường hợp hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, cơ thể sẽ tấn công và gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể (các bệnh tự miễn dịch). Các bệnh suy giảm miễn dịch làm giảm khả năng chống lại những tác nhân gây hại đối với cơ thể, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh là gì

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh là tình trạng mà hệ thống miễn dịch bẩm sinh của cơ thể hoạt động không hiệu quả hoặc bị suy yếu. Suy giảm miễn dịch bẩm sinh có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm di truyền, bệnh lý, dùng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc do tác động từ môi trường.

Hi vọng rằng thông qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn khái quát hơn về các bệnh có liên quan đến bệnh rối loạn hệ miễn dịch.

1. Phạm Hoàng Phiệt – Sách Miễn dịch-Sinh lý bệnh, Nhà xuất bản Y học. 

2. Tài liệu Hội thảo Suy giảm Miễn dịch Tiên Phát (IPOPI) lần thứ 3, ngày 23/11/2019. 

3. LM, B. L. (2017). Nutrition and immune system disorders. Nutricion hospitalaria, 34 (Suppl 4), 68-71.

4. Wang, L., Wang, F.-S., & Gershwin, M. E. (2015). Human autoimmune diseases: a comprehensive update. Journal of Internal Medicine, 278(4), 369–395. doi:10.1111/joim.123955. Parvaneh, N., Casanova, J.-L., Notarangelo, L. D., & Conley, M. E. (2013). Primary immunodeficiencies: A rapidly evolving story. Journal of Allergy and Clinical Immunology, 131(2), 314–323. doi:10.1016/j.jaci.2012.11.051

Contact Me on Zalo