Siêu âm 2D là gì và quan trọng như thế nào trong khám thai?

Mặc dù ngày nay có nhiều cận lâm sàng hiện đại, tiên tiến nhưng siêu âm 2D vẫn đóng một vai trò không hề nhỏ trong chẩn đoán, tiên lượng, đánh giá điều trị bệnh. Bên cạnh đó, siêu âm 2D còn giúp theo dõi sự phát triển, những bất thường của thai nhi và mẹ bầu. Vậy cụ thể như thế nào hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Siêu âm là gì?

Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán, đánh giá, tiên lượng, hỗ trợ điều trị bệnh. Siêu âm được ứng dụng rộng rãi trong y khoa, đóng vai trò quan trọng trong y học bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại.

Nguyên lý hoạt động của siêu âm là sử dụng sóng siêu âm (sóng âm tần số cao) để xây dựng và tái tạo hình ảnh về cấu trúc bên trong của cơ thể, từ đó bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể đánh giá những cấu trúc bình thường, phát hiện những thay đổi bất thường nằm trong cơ thể mà mắt thường nhìn từ bên ngoài không thể nhận ra được.

Siêu âm bụng
Siêu âm bụng

Nhiều cơ quan có thể được đánh giá bằng siêu âm như: tim, ổ bụng, tuyến vú, tuyến giáp, thai, phụ khoa, khớp, thóp,… Do đó có thể nói siêu âm là một trong những cánh tay đắc lực nhất của bác sĩ ngày nay. Cùng với sự phát triển của khoa học, siêu âm cũng ngày càng phát triển về kỹ thuật và chất lượng. Hiện nay có các phương pháp siêu âm như:

  • Siêu âm 2D: với viết tắt D là dimension nên còn được gọi là siêu âm 2 chiều, là phương tiện hỗ trợ chẩn đoán đầu tay của nhiều chuyên khoa do dễ thực hiện, rẻ tiền. Siêu âm 2D được sử dụng nhiều nhất trong các loại siêu âm hiện nay, giúp ích rất nhiều trong việc theo dõi nhiều cơ quan, sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Hình ảnh hiển thị siêu âm 2D thường để hai màu đen trắng.
  • Siêu âm 3D: là phiên bản cải tiến hơn của siêu âm 2D, hình ảnh của siêu âm 3D thể hiện được 3 chiều: chiều rộng, chiều ngang, chiều sâu của chủ thể nên cho thấy hình ảnh chân thật, sống động hơn siêu âm 2D. Siêu âm 3D thường được ứng dụng nhiều trong siêu âm thai, siêu âm tuyến giáp,…
  • Siêu âm 4D: Trong khi siêu âm 2D và siêu âm 3D cho ra những hình ảnh dưới dạng tĩnh thì siêu âm 4D (3 chiều không gian và 1 chiều thời gian) mang đến hình ảnh động như đang xem video trực tiếp. Siêu âm 4D thường dùng trong siêu âm thai để mẹ có thể nhìn thấy hình dáng, cử động, thậm chí biểu cảm của thai trong bụng mẹ; đồng thời giúp bác sĩ chẩn đoán được những bất thường, dị tật ở thai.
  • Siêu âm Doppler sử dụng hiệu ứng Doppler để tạo ra hình ảnh chuyển động của các mô và dịch cơ thể, thường dùng để siêu âm mạch máu.
Siêu âm 4D
Siêu âm 4D

Những đặc điểm của siêu âm 2D

Siêu âm 2D có nhiều ưu điểm nổi bật phải kể đến như:

  • Cho kết quả nhanh và tương đối chính xác: Trong những trường hợp cấp cứu hay cần chẩn đoán bệnh trong thời gian ngắn, siêu âm 2D thể hiện rất tốt vai trò của mình khi cho ra kết quả nhanh chóng với độ nhạy cao.
  • Giá thành rẻ: Siêu âm 2D là một trong những cận lâm sàng rẻ tiền, ít tốn nhất nên bất cứ ai cũng có thể thực hiện.
  • Phương pháp thực hiện đơn giản: Chỉ cần thoa một ít gel lên da và sử dụng máy siêu âm có đầu dò để tiến hành.
  • Không xâm lấn: Siêu âm 2D chỉ thực hiện bên ngoài da nên không xâm lấn vào bên trong cơ thể, không gây đau đớn hay khó chịu như một số cận lâm sàng khác nên người bệnh không cần lo lắng.
  • Không gây hại cho người bệnh hay thai: Siêu âm được đánh giá là phương pháp kiểm tra có độ an toàn cao, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng vì sử dụng sóng âm, không phải tia phóng xạ ion hóa. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được hậu quả nào từ siên âm gây ảnh hưởng đến bệnh nhân hay thai nhi, tuy nhiên cũng không cần phải lạm dụng siêu âm 2D quá nhiều.
Siêu âm 2D
Siêu âm 2D

Vai trò của siêu âm 2D cho thai nhi

Xác định có thai

Kể từ tuần thứ 3, 4 của thai kỳ, siêu âm đã có thể phát hiện thấy một phôi thai làm tổ trong lòng tử cung (lúc này gọi là thai sớm, có thể chưa xác định chính xác tuần tuổi vì thai còn ) hoặc ở vị trí khác từ đó tiếp tục theo dõi quá trình mang thai. Ngoài ra siêu âm 2D còn có thể xác định số lượng thai, giới tính của thai.

Xác định những đặc điểm của thai

Tuần thứ 5 của thai kỳ: Đây thường là thời điểm đi siêu âm thai lần đầu, bác sĩ có thể xác định tương đối chính xác tuổi thai, tim thai.

Tuần thứ 11 – 14: Tầm soát dị tật bằng cách siêu âm 2D đo độ mờ da gáy, nếu phát hiện bất thường như da gáy dày nghĩa là trẻ có khả năng bất thường nhiễm sắc thể số 21 – nguyên nhân gây hội chứng Down, cần làm thêm các cận lâm sàng khác để phối hợp chẩn đoán.

Tuần thứ 20 – 22: Khảo sát các bất thường về hình thái của thai nhi như: hở hàm ếch, dị tật đường tiêu hóa, bất thường thành bụng, dị dạng ống thần kinh,…

Tuần thứ 30 – 32: Đánh giá hình thái của tim mạch, cấu trúc của não,… và kiểm tra các thông tin về bánh nhau, dây rốn, nước ối,…

Phát hiện các bệnh lý thường gặp

Siêu âm có thể phát hiện một số bệnh lý của thai như thai ngoài tử cung, thai trứng, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược,… Ví dụ nếu mắc thai ngoài tử cung, trên siêu âm không phát hiện một túi thai trong lòng tử cung mà là một khối nằm ở vòi trứng hoặc trong bệnh lý nhau tiền đạo, siêu âm thấy nhau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung, làm cho bánh nhau che một phần hoặc toàn bộ lỗ trong cổ tử cung.

Hãy siêu âm định kỳ theo chỉ định bác sĩ để có một thai ổn định, khoẻ mạnh.

Như vậy có thể thấy siêu âm 2D đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán nhiều bệnh và không thể thiếu trong theo dõi quá trình mang thai. Hãy lựa chọn những cơ sở uy tín khi muốn đi siêu âm để được bác sĩ có chuyên môn chữa trị và thiết bị y tế an toàn bạn nhé.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS