Tê bì một vùng da khiến bạn bị mất cảm giác ở một bộ phận cơ thể và có thể đi kèm với cảm giác nóng rát hoặc kim châm. Bạn có thể dễ dàng xuất hiện tình trạng này khi ngủ kê tay hay ngồi vắt chéo chân trong một khoảng thời gian lâu. Trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của tổn thương thần kinh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu sâu hơn về triệu chứng tê bì một vùng da qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Tê bì một vùng da là gì?
- 2 Tê bì một vùng da có nguy hiểm không?
- 3 Nguyên nhân gây tê bì một vùng da là gì?
- 4 Những ai dễ bị tê một vùng da bị mất cảm giác?
- 5 Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tê bì
- 6 Các phương pháp điều trị
- 7 Các phương pháp cải thiện và phòng ngừa tê bì một vùng da hiệu quả tại nhà
- 8 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Tê bì một vùng da là gì?
Tê bì là tình trạng mất cảm giác hoàn toàn ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Tình trạng tê bì thường là dấu hiệu của vấn đề liên quan đến thần kinh, đây cũng có thể là triệu chứng phổ biến của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Hầu hết tê bì một vùng da đều không nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vấn đề này có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng do không có cảm giác ở vùng da đó khiến bệnh nhân không có cảm giác đau hoặc không nhận thức được sự thay đổi ở vị trí bị tê bì. Ngoài ra, tê bì có thể gây ra các vấn đề về thăng bằng và phối hợp các bộ phận trên cơ thể. Điều này ảnh hưởng đến khả năng lái xe, đi bộ của bạn. Tê bì cũng có thể kèm theo cảm giác châm chích và ngứa ran.
Tê bì một vùng da có nguy hiểm không?
Thông thường, tê bì một vùng da không quá nguy hiểm. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ của tình trạng này tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Trường hợp nếu tê bì là do bệnh lý thần kinh nghiêm trọng, bệnh lý tim mạch, hoặc chấn thương nặng, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động của bạn. Ngoài ra, tê bì có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của một vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời như trước cơn đột quỵ thường sẽ có cảm giác tê bì một hoặc cả hai mặt.
Trong trường hợp bị chèn ép dây thần kinh tạm thời, tê bì thường sẽ hết sau khi bạn di chuyển hoặc thay đổi tư thế và tương đối không gây nguy hiểm. Nếu gặp tình trạng tê bì kéo dài, khó chịu, bạn nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và giúp bạn xác định nguyên nhân gây tê bì, cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây tê bì một vùng da là gì?
Tê bì một vùng da có nhiều nguyên nhân xảy ra, phổ biến nhất là do tổn thương một hoặc dây thần kinh. Khi dây thần kinh bị tổn thương sẽ cản trở khả năng cảm nhận bình thường của cơ thể. Các nguyên nhân gây tê bì bao gồm:
- Xương sống bị gãy do loãng xương.
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Hội chứng chèn ép thần kinh.
- Đau thần kinh.
- Thoát vị đĩa đệm.
- Chèn ép dây thần kinh do viêm khớp hoặc gai xương.
- Chấn thương tủy sống, não hoặc dây thần kinh.
Những ai dễ bị tê một vùng da bị mất cảm giác?
Tê bì một vùng da là tình trạng phổ biến, có thể gặp ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm:
- Người mắc bệnh tiểu đường: Một trong những biến chứng của bệnh đái tháo đường là tổn thương dây thần kinh (bệnh lý thần kinh ngoại vi) dẫn đến tê bì, ngứa ran, đau rát hoặc mất cảm giác ở tay, chân và các vùng khác.
- Người cao tuổi: Quá trình lão hóa cũng là một trong những nguyên nhân khiến dây thần kinh dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, suy giảm chức năng xương khớp và bệnh tật cũng dễ dẫn đến tình trạng tê bì.
- Người mắc các bệnh lý về thần kinh: Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tê bì là do tổn thương dây thần kinh, đặc biệt ở những bệnh nhân có các bệnh lý về thần kinh như bệnh đa xơ cứng. Ở những bệnh nhân này sẽ có sự ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh dẫn đến tê bì hoặc mất cảm giác.
- Người bị chèn ép dây thần kinh: Ngồi lâu, ngủ nằm trên tay, mang giày quá chật hoặc bất kỳ áp lực nào lên dây thần kinh đều có thể gây tê bì và mất cảm giác tạm thời.
- Người làm công việc nặng: Lao động nặng nhọc, hoạt động lặp đi lặp lại, hoặc sử dụng dụng cụ rung có thể gây tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê bì.
- Người sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tê bì như một tác dụng phụ, bao gồm thuốc điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau.
- Người nghiện rượu: Nghiện rượu lâu dài có thể gây tổn thương dây thần kinh từ đó gây tê bì và mất cảm giác.
- Phụ nữ sau sinh: Tê buốt và mất cảm giác ở ngón tay, cảm thấy châm chích là những triệu chứng thường gặp khi phụ nữ sau sinh. Trong một số trường hợp, tê bì có thể lan xuống các vị trí như cẳng chân, mông và đùi khiến cho phụ nữ sau khi đi lại khó khăn và đau nhức.
Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tê bì
Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng tê dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh và thăm khám như kiểm tra cảm giác, nhiệt độ, phản xạ và chức năng cơ. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây tê. Một số xét nghiệm có thể được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân tê bì một vùng da có thể là:
- Xét nghiệm máu: để tìm dấu hiệu của các tình trạng bệnh, như bệnh tiểu đường, rối loạn thận và thiếu hụt vitamin.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chẩn đoán hình ảnh (X-quang, CT, MRI, siêu âm) cho phép bác sĩ tìm ra vấn đề đang ảnh hưởng đến dây thần kinh của bạn như thoát vị đĩa đệm hoặc khối u. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng hình ảnh xét nghiệm não để tìm dấu hiệu đột quỵ, đa xơ cứng, khối u và các rối loạn não khác.
- Xét nghiệm dẫn truyền thần kinh: Xét nghiệm này xác định xem dây thần kinh có truyền tín hiệu đúng cách và ở tốc độ bình thường hay không. Nếu không, thì đây có thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh.
- Điện cơ đồ (EMG): Xét nghiệm này, thường được thực hiện với khảo sát dẫn truyền thần kinh, giúp phát hiện tổn thương ở dây thần kinh và cơ.
- Chọc dò tủy sống (chọc dò thắt lưng): Xét nghiệm này được chỉ định để loại trừ các rối loạn hệ thần kinh trung ương.
- Xét nghiệm di truyền: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền để kiểm tra các vấn đề về thần kinh liên quan đến di truyền trong gia đình bạn.
Các phương pháp điều trị
Tê bì là triệu chứng của một bệnh tiềm ẩn, vì vậy để điều trị tê bì một vùng da hiệu quả, chúng ta cần điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh như:
- Nếu đái tháo đường là nguyên nhân khiến bạn gặp tình trạng tê bì khó chịu ban cần kiểm soát chặt chẽ đường huyết của bạn bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị cũng như chế độ ăn uống hợp lý.
- Nếu bạn bị tê bì do chèn ép lên các dây thần kinh bạn hãy thử châm cứu, bấm huyệt, nẹp hay chườm nóng có thể giúp cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp tăng hiệu quả điều trị.
- Thoái hóa cột sống cũng có thể dẫn đến tê bì cần điều trị bằng thuốc giảm đau hay giãn cơ, phối hợp với xoa bóp và bấm huyệt, châm cứu,…
Các phương pháp cải thiện và phòng ngừa tê bì một vùng da hiệu quả tại nhà
Bên cạnh những hướng điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cũng nên phối hợp với chế độ luyện tập và ăn uống hợp lý tại nhà để mau chóng cải thiện tình trạng tê bì một vùng da:
- Massage: Hàng ngày, trước khi đi ngủ, bạn nên massage vùng da bị tê từ 20 – 30 phút sẽ giúp mau chóng cải thiện tình trạng và giúp bạn dễ ngủ hơn.
- Yoga: Tập luyện yoga thường xuyên sẽ giúp thư giãn tinh thần, đồng thời kích thích cảm giác của các vùng da, tay, chân và cơ xương khớp của cơ thể.
- Đi bộ hay tăng cường vận động: Đi bộ sẽ giúp tăng sự linh hoạt của khớp gối, hạn chế nguy cơ cứng khớp, khắc phục chứng tê bì hoặc da bị mất cảm giác (nhất là ở vùng chân). Bạn nên duy trì đi bộ nhẹ nhàng với tốc độ vừa phải, không nên đi quá nhanh hay quá lâu..
- Chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với việc cải thiện tình trạng mất cảm giác hay tê bì một vùng da. Nên chú ý tăng cường bổ sung vitamin D và K từ các nguồn thực phẩm như đậu nành, cải xoăn. Hai loại vitamin này hỗ trợ giảm đau nhức và tăng cường sự dẻo dai xương khớp, đồng thời tăng tuần hoàn máu và kích thích cảm giác ở vùng da tê bì.
- Viên uống bổ sung vitamin: Sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin B giúp tăng cường sức khỏe hệ thần kinh, từ đó làm giảm cảm giác tê bì, ngứa ran hoặc đau nhức ở các vùng da bị ảnh hưởng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu triệu chứng bất thường
Vì nguyên nhân gây tê rất khác nhau, nếu bạn gặp bị tê kèm những những triệu chứng sau, hãy đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và chăm sóc kịp thời:
- Lú lẫn, mất ý thức.
- Không kiểm soát được hoạt động tiểu tiện hoặc đại tiện.
- Khó thở.
- Liệt, mất cảm giác ở mặt hoặc thân mình.
- Thay đổi về giọng nói hoặc thị lực.
- Yếu đột ngột.
- Tê bì không có nguyên nhân rõ ràng.
- Xảy ra trong quá trình sinh hoạt hay di chuyển và kéo dài, lặp đi lặp lại.
- Gây mất sức hoặc mất kiểm soát cơ.
- Tê kèm theo phát ban.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Docosan gửi đến bạn một số bệnh viện, phòng khám uy tín để bạn có thể đến thăm khám như là:
Xem thêm:
- 12 mẹo chữa tê bì chân tay tại nhà, đơn giản, dễ thực hiện.
- Tê bì chân tay uống thuốc gì? Cách phòng ngừa tại nhà.
- Đừng bỏ qua 10 bài tập giảm tê bì chân tay hiệu quả nhanh chóng
Tóm lại, tê bì một vùng da nghĩa là bạn bị mất hoàn toàn hoặc một phần cảm giác ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này nhưng thường liên quan đến tổn thương dây thần kinh. Hãy chia sẻ bài viết hữu ích này đến mọi người xung quanh nhé.
Tài liệu tham khảo:
1. Numbness
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21015-numbness
- Ngày tham khảo: 15/10/2024