Tê tay chân là một trong các triệu chứng phổ biến của bệnh thần kinh, có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào từ người trẻ đến người già hoặc ở bất kỳ đối tượng nào. Chính vì sự phổ biến này đã cho chúng ta thấy rằng nguyên nhân gây tê tay chân phải là vô số kể nên mới có khả năng gây bệnh ở nhiều nhóm đối tượng như vậy. Qua bài viết này, Docosan sẽ cung cấp cho các bạn hiểu cụ thể hơn về tê tay chân và các nguyên nhân thường gặp của nó.
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân tê tay chân do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân gây tê tay chân, dưới đây chúng tôi xin liệt kê các nguyên nhân bệnh lý thường gặp và triệu chứng của từng bệnh để người đọc dễ phân biệt hơn:
Thoái hóa khớp
Tê tay có thể gặp trong bệnh cảnh thoái hóa khớp bàn tay, bệnh cảnh của thoái hóa khớp bàn tay thường tê tay kèm đau và sưng khớp. Cơn đau từng đợt, tăng khi vận động và khi thay đổi tư thế, giảm khi nghỉ ngơi, đau tăng dần trong ngày, đau nhiều về buổi chiều (sau 1 ngày lao động).
Ngoài ra có thể sưng nhẹ khớp bàn ngón tay cái, khớp liên đốt gần và xa của ngón trỏ và ngón giữa cả 2 bàn tay.
Viêm khớp dạng thấp
Tê tay chân xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh lý này khi đã có sự tổn thương cột sống cổ, biến chứng thần kinh.
Bệnh thường sẽ có các biểu hiện sau: cứng khớp buổi sáng thường kéo dài ít nhất 1h, viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) các khớp bàn tay, cổ tay, có khi đối xứng cả hai bên.
Thoát vị đĩa đệm
Tình trạng xảy ra khi nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra ngoài, tác động vào các rễ thần kinh xung quanh dẫn đến các cơn tê tay chân ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Ngoài ra sẽ có triệu chứng đau vào buổi sáng, khi khuân vác vật nặng, ho kéo dài, hắt hơi, táo bón, giảm đau khi nằm nghỉ.
Thoái hóa cột sống
Đây là một trong những nguyên nhân thường thấy của hiện tượng tê chân tay. Thường xảy ra vào ban đêm, hoặc khi thời tiết thay đổi.
Thoái hóa cột sống khiến cho các khớp sụn bị mài mòn, hình thành nên các gai xương, chèn ép lên các rễ thần kinh, gây nên tê bì ở vùng cổ rồi lan ra bả vai và xuống cánh tay.
Xơ vữa động mạch
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng tê tay chân. Bên cạnh đó là nguyên nhân hàng đầu của bệnh động mạch ngoại biên ở bệnh nhân lớn hơn 40 tuổi. Biểu hiện dáng đi chậm và yếu gặp ở khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh động mạch ngoại biên.
Đau cách hồi là triệu chứng thường gặp nhất, biểu hiện như đau, nặng, vọp bẻ, tê, hoặc cảm giác mỏi cơ. Triệu chứng xảy ra khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi. Vị trí đau cách hồi ở xa vị trí sang thương tắc nghẽn. Triệu chứng phổ biến hơn nhiều ở chi dưới hơn chi trên. Đau lúc nghỉ hoặc cảm giác lạnh và tê bàn chân và ngón chân gặp ở bệnh tắc nghẽn động mạch nặng, dòng máu lúc nghỉ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của mô, đưa đến thiếu máu chi nặng.
Thường những triệu chứng này xảy ra vào ban đêm khi chân nằm ngang và cải thiện khi chân ở tư thế thấp, đau lúc nghỉ có thể kéo dài nếu thiếu máu cục bộ nghiêm trọng.
Hẹp ống sống
Ống sống là một khoang rỗng của đốt sống, trong đó có tủy sống và các rễ thần kinh.
Nếu ống sống bị hẹp sẽ chèn ép, đè lên các rễ tủy sống và các rễ thần kinh tương ứng gây ra đau lưng, đau dây thần kinh hông to và cảm giác tê tay chân khó chịu cho người bệnh.
Đa xơ cứng
Đa xơ cứng là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống với chức năng thần kinh bị giảm sút kết hợp với việc hình thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh, có những giai đoạn viêm lặp đi lặp lại phá hủy màng bọc myelin.
Những triệu chứng của đa xơ cứng bao gồm suy yếu ở một hoặc nhiều chi, liệt một hoặc nhiều chi, run rẩy ở một hoặc nhiều chi, co thắt cơ (hiện tượng co thắt không kiểm soát được ở các nhóm cơ), cử động khác thường, tê liệt, tê buốt, đau đớn, mất thị lực, mất khả năng phối hợp động tác và cân bằng tư thế, mất trí nhớ hoặc không có khả năng phán đoán và mệt mỏi.
Tiểu đường (đái tháo đường)
Tiểu đường được chẩn đoán khi xét nghiệm đường huyết lúc đói lớn hơn hoặc bằng 126mg/dl, tê tay chân cũng có thể xuất hiện kèm các triệu chứng điển hình của Đái tháo đường: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân.
Các bệnh lý ở thận
Các bệnh lý ở thận cũng có thể gây ra những biểu hiện tê tay chân trong thời gian dài.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ bị tê tay chân
Bên cạnh các bệnh lý gây tê tay chân thì các yếu tố sinh lý và cơ học sau cũng có thể gia tăng nguy cơ tê tay chân:
- Tuổi tác: tuổi càng cao, khiến xương khớp thoái hóa dần dễ mắc các bệnh cơ xương khớp kể trên hơn và xuất hiện triệu chứng tê tay chân. Bên cạnh đó, khả năng bơm máu từ tim tới các chi không còn nhanh như trước nên dễ gây ra hiện tượng tê tay chân cho người già.
- Sinh hoạt sai tư thế: một số tư thế trong sinh hoạt hàng ngày như: việc ngồi xổm, ngủ lệch về một bên, ngồi gác chân này lên đùi chân kia, … trong một khoảng thời gian dài cũng là nguyên nhân khiến tay chân bị tê.
- Thời gian biểu không khoa học: việc ngồi làm việc hoặc nằm quá lâu cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tê bì ở vùng chân tay. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần thay đổi tư thế làm việc thường xuyên, cứ mỗi 45 – 60 phút, ta nên đứng lên đi lại, luyện tập cho tay chân.
- Chấn thương: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngã,.. nếu không được điều trị triệt để, lâu dần cũng gây nên hiện tượng tê tay chân.
- Stress: Áp lực công việc, cuộc sống kéo dài cũng có nguy cơ bị tê tay chân.
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng: Gây nên tình trạng thiếu chất nghiêm trọng, có thể dẫn đến hiện tượng tê bì ở nhiều người. Vitamin B vô cùng hiệu quả trong việc giảm tê bì tay chân, bổ sung Nat B trong bữa ăn để cơ thể không bị thiếu hụt vitamin B.
- Thời tiết thay đổi cũng ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp, gây tê tay chân.
Tê tay chân có biểu hiện như thế nào?
Tê là một tình trạng rối loạn cảm giác hay dị cảm một phần hoặc hoàn toàn ở một số vị trí trên cơ thể, người bệnh cảm thấy đau như có kim chích hay như bị kiến cắn. Trong đó tay và chân là 2 vị trí thường bị tê nhất trên cơ thể.
Biểu hiện của tê tay chân:
- Các chi bị tê rát, cảm giác như bị kim chích hay kiến cắn
- Mất cảm giác ở các chi: nếu tê tay chân để lâu có thể dẫn đến mất cảm giác ở chi.
- Chân, tay tê buốt, đau nhức, ban đầu thường xuất hiện ở một điểm sau đó, có thể lan sang các vùng khác gây khó khăn cho quá trình vận động.
- Tay, chân bị chuột rút, bắp tay, bắp chân bị co thắt đột ngột.
Đối với một số người việc tê tay chân là bình thường và người bệnh thường chủ quan về vấn đề này nhưng lưu ý rằng tê tay chân có 2 loại:
- Tê tay chân sinh lý: xảy ra khi ngồi lâu hoặc cầm nắm vật gì đó, nằm đè ép tay, gác chân lên đùi, … trong một thời gian dài dẫn đến tê tay chân. Đối với loại này, triệu chứng tê chân tay sẽ tự biến mất mà không cần điều trị sau một khoảng thời gian để chân tay về lại vị trí bình thường
- Tê tay chân bệnh lý: mỗi nguyên nhân đều sẽ có các biểu hiện bệnh gây tê tay chân khác nhau, nó có thể là triệu chứng hoặc biến chứng của một bệnh lý nào đó.
Tê tay chân có nguy hiểm không?
Tê tay chân là phản ứng bình thường của cơ thể, xảy ra khi các chi không được cung cấp đủ máu. Mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng nhưng khi thường xuyên gặp phải hiện tượng này trong thời gian dài không rõ nguyên nhân, thì có thể bạn đang bị tê tay chân do bệnh lý và nên đến khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
Tê tay chân bệnh lý gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nếu cứ kéo dài mà không được điều trị có thể lan lên cổ tay, cánh tay… khiến người bệnh giảm cảm giác, thậm chí là mất cảm giác, dẫn đến một số biến chứng khó lường như: đau nhức, teo cơ hoặc bại liệt, ảnh hưởng đến tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu thường, nhồi máu cơ tim,…
Một số bác sĩ khám và điều trị tê tay chân
- Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Chí Lăng, hơn 30 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, TP.HCM
- Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Đình Triết, hơn 15 năm kinh nghiệm, Quận 5, TP.HCM
- BSCKII Nguyễn Tấn Toàn, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 5, TP.HCM
Kết luận
Qua bài viết trên, có thể thấy rằng tê tay chân là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và có chiều hướng nặng hơn, người bệnh cần tìm đến các phòng khám chuyên khoa Cơ – Xương – Khớp để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Tê bì chân tay là bệnh gì? Nguyên nhân và cách chữa nhanh, hiệu quả -Sở Y Tế Hải Phòng